Phật giáo Lâm Đồng: Có một loại "vắc-xin" mang hơi ấm tình người

Những chuyến hàng hóa xuất phát từ chùa Linh Ẩn, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà - Lâm Đồng
Những chuyến hàng hóa xuất phát từ chùa Linh Ẩn, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà - Lâm Đồng
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Lâm Đồng - Đà Lạt vào mùa mưa, những cơn mưa cứ “đỏng đảnh” rơi rồi tạnh. Sáng hôm nay cũng thế, mưa cũng nhè nhẹ rơi trên vai màu áo xanh của lính, hòa cùng màu áo nâu của những Tăng sĩ ở phố núi Cao Nguyên dưới mái hiên chùa thật thanh tịnh.

Bất chợt lòng tôi bỗng ấm lại, phải chăng, chính bản thân tôi cũng đang được sưởi ấm bởi những tấm lòng vị tha, nhân ái... cầu mong dịch bệnh sớm qua mau, an lành sẽ trở về trên quê hương yêu dấu của chúng ta, nơi đó có “Mái chùa hồn nước hồn non, hồn dân tộc Việt, chon von mái chùa” .

Thấm tình quân dân

Mang theo tấm lòng và tình cảm của Tăng, Ni, Phật tử tỉnh Lâm Đồng đến với bà con vùng dịch bệnh Covid-19 ở các phía Nam, chùa Linh Ẩn (thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà), dưới sự chỉ đạo của Hòa thượng Thích Tâm Vị, Phó ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lâm Đồng, trú trì chùa Linh Ẩn, tiếp tục vận chuyển 6 chiếc xe hàng, với trên 70 tấn rau, củ, quả đến với bà con khu cách ly, phong tỏa tại TP.HCM, TP.Thủ Đức, Bình Dương... cùng tham gia trong những chuyến hàng nông sản “xuôi về phương Nam” lần này còn có sự tham gia của 20 chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng.

Nhiệt tình vận chuyển hàng hóa

Nhiệt tình vận chuyển hàng hóa

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Chính ủy cho biết Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh sẵn sàng phối hợp với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh vận chuyển rau, củ, quả, hàng nông sản thực phẩm từ Lâm Đồng đến TP.HCM và các tỉnh lân cận đang bị cách ly, phong tỏa để hỗ trợ, cải thiện bữa ăn hàng ngày cho người dân trong vùng dịch bệnh Covid-19.

Đại tá Nguyễn Thạc Vinh, Chủ nhiệm chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh vui vẻ nói thêm: “Cơ quan đã bố trí 4 xe tải chở lượng nông sản trên về vùng dịch giúp bà con, để phòng ngừa dịch bệnh, đội ngũ lái xe nhận nhiệm vụ đã được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh liên hệ với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Lâm Đồng làm xét nghiệm SARS-CoV-2 đảm bảo an toàn trước khi xe ra - vào tỉnh.

Đoàn xe cũng đã được bố trí khử khuẩn và tuyệt đối tuân thủ qui định 5K của Bộ Y tế. Hoạt động này thể hiện tình cảm, trách nhiệm và mối quan hệ khăng khít, thân tình của lực lượng vũ trang tỉnh với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lâm Đồng. Qua đó, lan toả tinh thần "tương thân tương ái - thấm tình quân dân” trong bà con Phật giáo nói riêng và nhân dân nói chung; khẳng định Lâm Đồng luôn sẵn sàng chia sẻ khó khăn với các địa phương chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19”.

Đại đức Thích Hạnh Bảo, người trực tiếp điều phối chuyến đi bộc bạch: “70 tấn nông sản này sẽ được chuyển về các phường Phú Mỹ, phường Trung Bình Hiệp, Mái ấm Tình Mẹ, Hưng Phước, Hưng Thịnh, Thuận An - TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương, cục hậu cần quân khu, chùa Pháp Hoa, phường Cô Giang (quận 1), chùa Đức Quang (quận 4); phường Tân Quý, quận Tân Phú; chùa Bát Nhã Ni (quận Bình Thạnh), phường Long Thạnh Mỹ, phường Linh Tây, phường Tân Qúy, quận Tân Phú; TP.Thủ Đức và TP.HCM. Tại đây, các hội đoàn, các cơ quan, ban ngành, các em tình nguyện viên sẽ phân phối, đưa đến các khu vực cho bà con trong vùng cách ly và mong rằng bà con ta có thêm nguồn năng lượng, cùng nhau chiến thắng dịch bệnh”.

Niềm vui trên năng nổ, nhiệt tình khi được chia sẻ

Niềm vui trên năng nổ, nhiệt tình khi được chia sẻ

Không giấu được niềm vui, trên khuôn mặt người chỉ huy quân sự năng nổ, nhiệt tình, Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng ban Dân vận - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: “Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã kết hợp với Ban Trị sự Phật giáo các huyện Đức Trọng, Bảo Lâm, Lâm Hà, Bảo Lộc, Đà Lạt... vận chuyển gần 200 tấn rau, củ, quả về giúp bà con trung tâm vùng dịch bệnh ở các tỉnh, thành như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương... Và, tin rằng sắp tới sẽ có thêm hàng trăm tấn nông sản nữa từ phố núi Cao Nguyên xuôi về Nam “Chung sức đồng lòng cùng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp chăm lo đời sống của nhân dân vượt qua khó khăn, chiến thắng đại dịch Covid-19. Đây là nhiệm vụ chính trị cấp bách, là mệnh lệnh trái tim của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong lúc này”.

Trên tinh thần đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chân thành cảm ơn Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng, chư tôn đức Tăng, Ni, đồng bào Phật tử đã chia sẻ, đồng hành cùng đơn vị mang đến cho người dân những món quà thật ý nghĩa, thiết thực nhất trong lúc này, tuy giá trị vật chất không nhiều nhưng đã thể hiện tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp ‘thấm tình quân dân, cá nước” đến với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, để họ có thêm niềm tin, động lực, chung sức, đồng lòng quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.

Lặng lẽ những tấm lòng

Vâng, có ai đó nói rằng “người Lâm Đồng vốn hiền hòa, thanh lịch, người con Phật nơi đây lại càng đầm thắm, sâu lắng hơn. Kể từ ngày dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát, để tiếp thêm niềm tin, động lực giúp cho bà con vượt qua cơn khốn khó, chiến thắng dịch bệnh, Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã chỉ đạo, khuyến khích Ban Trị sự các huyện, thành phố, chư tôn đức Tăng, Ni, Phật tử các chùa cùng chung tay với các ban nghành đoàn thể trong việc giúp đỡ, hỗ trợ bà con có thêm lương thực, thực phẩm niềm tin và nghị lực phòng chống dịch bệnh.

Chia sẻ từ Tăng Ni, Phật tử Cao nguyên về phương Nam

Chia sẻ từ Tăng Ni, Phật tử Cao nguyên về phương Nam

Theo thống kê chưa đầy đủ, cho đến thời điểm này, Ban Trị sự Phật giáo huyện Đức Trọng đã vận động các chùa: Hội Phước, Bà Tiên, Vĩnh Minh, Vạn Phú, Vạn Bảo... quyên góp trên 160 tấn rau, củ , quả; Ban Trị sự Phật giáo TP.Đà Lạt tặng 200 tấn và 700 phần quà; Ban Trị sự Phật giáo TP.Bảo Lộc tặng 80 tấn, trong đó chùa Phước Thiện tặng 17 tấn, tu viện An Lạc 15 tấn, tu viện Bát Nhã 15 tấn, chùa Trà 15 tấn, chùa Phước Huệ mỗi ngày tặng 300 phần cơm đến bà con nghèo tại TP.Bảo Lộc; Ban Trị sự Phật giáo huyện Bảo Lâm và các chùa: Niết Bàn, Hoa Nghiêm, Di Đà, Văn Thù vận chuyển 50 tấn; Ban Trị sự Phật giáo huyện Lâm Hà 165 tấn, trong đó chùa Linh Ẩn 140 tấn, chùa Bửu Liên (5 đợt) với 25 tấn; Ban Trị sự Phật giáo huyện Đơn Dương 335 tấn, trong đó chùa Giác Hải 200 tấn, chùa Giác Sơn 100 tấn, chùa Giác Tâm 20 tấn, chùa Giác Ngộ 7 tấn, chùa Giác Châu 3 tấn, chùa An Lạc 5 tấn, chùa Giác Sơn 150 tấn; Ban Trị sự huyện Di Linh 88 tấn, trong đó chùa Lạc Quốc 35 tấn, chùa Thanh Sơn 28,5 tấn, chùa Linh Bảo - xã Hòa Nam 25 tấn.

Tại huyện nhà Đạ Tẻh, là nơi có ca mắc Covid-19 đầu tiên của tỉnh, tuy gặp khó khăn nhưng Đại đức Thích Nhuận Minh, Phó ban kiêm Chánh Thư ký huyện, trú trì chùa Hương Lâm cũng đã trao 100 phần quà cho bà con trong khu cách ly và các đơn vị tuyến đầu phòng chống dịch; Chùa Linh Phước, phường 11, TP.ĐàLạt với 4 chuyến hàng trên 60 tấn; Ni sư Hiền Liên, tịnh xá Ngọc Tín, phường 9 cũng báo về Ban Trị sự tỉnh đã vận chuyển 4 chuyến hàng với trên 55 tấn; Đại đức Thích Nguyên Phước ,huyện Lâm Hà, Đại đức Thích Nguyên Hạnh, chùa Vạn Phú, xã Tà Năng, Đại đức Thích Nguyên Phước, chùa Vạn Bảo, xã Đa Huynh, huyện Đức Trọng… đã âm thầm gom góp trên 50 tấn hàng nông sản “thương về phương Nam”.

Tất cả hình ảnh thân thương đã san sẻ, giúp đỡ bà con trong vùng dịch bệnh

Tất cả hình ảnh thân thương đã san sẻ, giúp đỡ bà con trong vùng dịch bệnh

Và, hình ảnh Ni sư Thích nữ Tịnh Chánh, chùa Tuệ Quang Đà Lạt, Sư cô Thích nữ Hạnh Nhẫn, Trưởng ban Từ thiện Phật giáo TP.Đà Lạt, trú trì chùa Tâm Ấn cùng các đạo hữu Phật tử hơn 1 tháng nay vẫn đang miệt mài chăm chút hàng trăm tấn hàng nông sản đều đặn gởi tặng bà con vùng dịch bệnh... Còn nhiều nữa những hình ảnh chư tôn đức Tăng, Ni, đạo tràng Phật tử ẩn danh mà chúng tôi chưa kịp biết tên vẫn đang âm thầm góp nhặt từng cọng rau, gói mì trong thời tiết Lâm Đồng - TP.Đà Lạt mưa gió thất thường.

Tất cả hình ảnh thân thương đã san sẻ, giúp đỡ bà con trong vùng dịch bệnh đang gặp rất nhiều khó khăn với niềm mong bà con ta sớm vượt qua đại dịch, ổn định cuộc sống trong tình thương yêu, san sẻ, đồng cảm của toàn xã hội.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.
Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.

Thông tin hàng ngày