Phật giáo Lâm Đồng: Phát triển trong lòng dân tộc

GN - Phật giáo Lâm Đồng hòa cùng các phong trào chung cả nước, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp và và củng cố niềm tin đạo pháp nơi đại ngàn.

Xiển dương Chánh pháp

Từ cuối thập niên 1910, TP.Đà Lạt được xác lập, nhiều lao động bản xứ từ các tỉnh miền Trung vào làm việc, sau khi hết hợp đồng bà con định cư tại chỗ, khai phá đất đai và đã trở thành những cư dân người Kinh đầu tiên tại vùng đất cao nguyên Lang Biang (Lâm Đồng). Đây được xem là những hạt giống Phật giáo đầu tiên được gieo xuống vùng đất “Hoàng triều cương thổ”. Tuy nhiên, việc tiến hành các nghi lễ Phật giáo còn bị hạn chế vì lúc bấy giờ chưa có chùa và Tăng Ni tu học.

wwwH8 (3).jpg

Đại giới đàn Bích Nguyên - Ảnh: Linh Toàn

Đến năm 1921, từ Khánh Hòa, Thiền sư Nhơn Thứ, người gốc Bình Định, theo đoàn di dân đến Đà Lạt,  khai sơn chùa Linh Quang (tổ đình Sắc tứ Linh Quang hiện nay). Từ đó đạo Phật được khơi nguồn trên vùng đất cao nguyên  Lang Biang. Nếu Linh Quang tự là ngôi chùa đầu tiên tại thị xã Đà Lạt (đơn vị hành chánh cấp tỉnh thời Pháp thuộc) thì chùa Giác Nguyên (tổ đình Sắc tứ Giác Nguyên, huyện Đơn Dương) được xem là ngôi chùa đầu tiên của tỉnh Đồng Nai Thượng (chùa do Phật tử Hồng Tiến, thế danh Nguyễn Thị Lan xây dựng vào năm 1923).

Đến năm 1938, khi nhu cầu tu học tại cao nguyên ngày càng lớn, buộc phải xây dựng một cơ sở đủ tầm và HT.Thích Trí Thủ được Giáo hội Tăng già Trung Việt cử vào Đà Lạt trông coi việc này. Từ đó, thông qua sự trợ duyên của Phật tử khắp nơi; dưới sự chứng minh của Trưởng lão HT.Thích Tịnh Khiết, HT.Thích Đôn Hậu và HT.Thích Giác Hạnh, chùa Linh Sơn được xây dựng và hoàn tất năm 1940. Đây là ngôi chùa đầu tiên tại đất Lâm Đồng được xây dựng bề thế, quy mô đồng thời là kiểu mẫu cho phong cách kiến trúc chùa chiền tại phố núi cao nguyên.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và sau đó là cuộc kháng chiến trường kỳ giành độc lập cho dân tộc, nhiều vị Tăng Ni, cư sĩ tích cực đóng góp cho việc củng cố và phát triển Phật giáo tại Lâm Đồng như: Thiền sư Thiện Minh, HT.Minh Tuệ, HT.Đạo Quang, HT.Bích Nguyên, HT.Từ Mãn (chùa Linh Sơn), HT.Đức Thiệu (chùa Liên Trì), HT.Minh Đức (chùa Linh Phước), HT.Quảng Nhuận (tổ đình Linh Quang), Ni trưởng Thích nữ Từ Hương (chùa Linh Phong).

Trong phong trào Phật giáo năm 1963 và sau đó, người con Phật tại Lâm Đồng đã hết mực hưởng ứng khi có đến hai mươi ngàn Tăng Ni, Phật tử tỉnh biểu tình ôn hòa trước Tòa Thị chính Đà Lạt đòi chính quyền bình đẳng trong tôn giáo và đỉnh cao là hình ảnh Sa-di Thích Thiện Mỹ (chùa Linh Sơn)  tự thiêu trước nhà thờ Đức Bà, Sài Gòn.

wwwH8 (4).jpg

Khóa an cư kiết hạ do PG Lâm Đồng tổ chức - Ảnh: Linh Toàn

Sau khi Đà Lạt được giải phóng (3-4-1975), Phật giáo Lâm Đồng bước sang một thời kỳ mới khi bắt đầu củng cố và phát triển cơ sở, tiếp nhận thêm Tăng Ni lên hành đạo và hòa nhập với người dân xây dựng cuộc sống mới.

Năm 1981, Đại hội thống nhất Phật giáo toàn quốc được tổ chức, hình thành nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì Lâm Đồng là một trong những tỉnh, thành đầu tiên đầy đủ các điều kiện thành lập Ban Trị sự cũng trong năm này. Tân Ban Trị sự ra đời do HT.Thích Từ Mãn làm Trưởng ban Trị sự và lãnh đạo Phật giáo Lâm Đồng xuyên suốt đến nhiệm kỳ VII (2007-2012).

Tiếp nối tiền nhân

Bắt đầu nhiệm kỳ VII, Phật giáo Lâm Đồng gặp phải mất mát lớn khi HT.Thích Từ Mãn viên tịch, HT.Thích Pháp Chiếu, Phó ban Thường trực BTS thay thế chức vụ Trưởng ban đến nhiệm kỳ VII (2007-2012).

Theo HT.Pháp Chiếu, trong nhiệm kỳ qua, Tăng Ni, Phật tử tỉnh Lâm Đồng luôn chấp hành các quy định của Nhà nước, chăm lo lao động sản xuất, tích cực tham gia các phong trào phúc lợi xã hội, nhiều tịnh xá, tự viện trong toàn tỉnh được trùng tu sửa chữa, xây dựng khang trang hơn, các ngày lễ lớn như: Đại lễ Phật đản, Vu lan… nhiều lễ đài trang nghiêm được trần thiết, việc diễu hành xe hoa đã tạo được niềm hoan hỷ trong giới Tăng Ni, Phật tử nói riêng và người dân Lâm Đồng nói chung, tất cả với tâm nguyện cùng nhau chung tay xây dựng quê hương Lâm Đồng ngày càng phát triển vững mạnh.

wwwH8 (5).jpg

Diễu hành xe hoa giữa TP. Đà Lạt

Đặc biệt trong nhiệm kỳ vừa qua, Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng đã thực hiện được một số thành quả đáng ghi nhận, nhất là công tác Tăng sự và giáo dục. Trong sự khó khăn, Tỉnh hội cũng nỗ lực tổ chức Đại giới đàn Bích Nguyên, truyền giới cho 411 giới tử  (gồm 40 Tỳ-kheo, 87 Sa-di, 67 Tỳ-kheo-ni, 71 Thức-xoa, 146 Sa-di-ni),  315 giới tử thọ Bồ-tát giới tại gia và 649 giới tử thọ Thập thiện. Được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, Thường trực BTS đã ra quyết định bổ nhiệm 17 vị Tăng và 8 vị Ni đảm nhiệm chức vụ trụ trì các cơ sở Phật giáo trong toàn tỉnh, xây dựng mới được 22 cơ sở. Ngoài ra, Trường Trung cấp Phật học Lâm Đồng, trường Phật học duy nhất ở vùng Tây Nguyên được thành lập từ năm 1990, sau 22 năm tồn tại và phát triển đã đào tạo được 7 khóa trung cấp và 2 khóa cao đẳng Phật học, trên 452 Tăng Ni sinh tốt nghiệp, 140 Tăng Ni tiếp tục theo học tại Học viện Phật giáo TP.Hồ Chí Minh, Huế hoặc du học sinh các nước và vùng lãnh thổ Ấn Độ, Đài Loan, Trung Quốc v.v... Số còn lại đã tham gia sinh hoạt và giữ nhiều chức vụ trong Giáo hội Phật giáo địa phương.

Xuất phát từ tinh thần từ bi cứu khổ của Đức Phật, Ban Từ thiện xã hội Tỉnh hội và các tự viện trong toàn tỉnh 5 năm qua đã quyên góp trên 22, 2 tỷ đồng dành cho các công tác cứu trợ bà con vùng thiên tai lũ lụt, chăm lo người già cả neo đơn, cấp học bổng cho sinh viên nghèo, học sinh hiếu học, xây nhà tình thương, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho bà con vùng sâu, vùng xa, chương trình Tiếp sức mùa thi do Báo Giác Ngộ phát động và tổ chức.

Song song đó, theo hướng dẫn của Trung ương Giáo hội, Tỉnh hội đã tổ chức Đại lễ lớn của Phật giáo mà tiêu biểu là Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc - Vesak 2008 với 30.000 người tham dự; Đại lễ cầu siêu, tưởng niệm các anh linh, anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP.Đà Lạt nhân Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với trên 10.000 Tăng Ni, Phật tử tham dự.

Tất cả việc làm đó phần nào đã giúp cho Phật giáo Lâm Đồng hòa cùng các phong trào chung cả nước, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp và và củng cố niềm tin đạo pháp nơi đại ngàn.

Lâm Đồng là một tỉnh Nam Tây Nguyên gồm 12 huyện, 2 thành phố với 11 Ban Đại diện Phật giáo cấp huyện, dân số trên 1,2 triệu người, có nhiều sắc dân sinh sống, nhiều phong tục tập quán tín ngưỡng cùng tồn tại và phát triển trong cộng đồng anh em.

Toàn tỉnh có 263 cơ sở tự viện với hơn 2.000 Tăng Ni đang tu học và hành đạo (trong đó có 7 vị Hòa thượng, 10 Ni trưởng, 7 Thượng tọa và 12 Ni sư); trên 350.000 Phật tử trong đó gần 5.000 tín đồ là đồng bào dân tộc thiểu số.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày