Phật giáo như một phương thuốc kỳ diệu để chữa trị những căn bệnh tâm lý
Một năm sau đó, Gagan đã có thể kiểm soát được cách sống của mình sau khi đã tham dự khóa tu Thiền quán của Phật giáo. Hiện nay cô là thành viên cộng đồng PG Nhật Bản. Cô đến tụng kinh mỗi cuối tuần trong một khóa tu phía nam thành phố Delhi. “Đa số thành viên đều là những nhà chuyên môn trẻ tuổi”, cô nói.
Vào thế kỷ thứ 21, Phật giáo, một tôn giáo và cũng là một hệ thống triết học bắt nguồn từ Ấn độ và lan truyền cả phương Đông, đã có hàng triệu tín đồ trên khắp thế giới. Các bác sĩ trị liệu ở Ấn độ và khắp thế giới xem Phật giáo như một phương thuốc kỳ diệu để chữa trị những căn bệnh tâm lý có liên quan đến lối sống sai lầm, như bệnh tâm thần, sự lo lắng hay căng thẳng.
Cô Priyanka Khera 24 tuổi, là sinh viên ngành quản trị kinh doanh, đang chiến đấu với sự căng thẳng do quan hệ tình yêu phức tạp. Cô nỗ lực ngồi thiền và tụng kinh nơi quê nhà là thành phố Jammu và Kashmir.
“Năm nay tôi và bạn trai chia tay sau một năm yêu nhau. Tôi còn có một tuổi thơ đáng buồn vì cha mẹ tôi đã bỏ đi khi tôi chưa đầy một tuổi. Tôi thường bị ác mộng hàng đêm”, cô tâm sự.
Bác sĩ chữa bệnh tâm thần của cô là một Phật tử. Bà đã dạy cô hiểu về “tầm quan trọng của sự buông xả” để làm dịu đi cái ngã đang nổi sóng bên trong.
Trong thập niên vừa qua, Phật giáo đã trở thành một cách sống khả thi và là tùy chọn tâm linh cho hàng chục ngàn thanh niên ở thành phố luôn phải đương đầu với thi cử, hay làm việc căng thẳng giữa đồng nghiệp phức tạp.
Phật giáo cũng có thể cải tạo phạm nhân. Các cuộc nghiên cứu do trường Đại học Washington tiến hành tại những nhà tù Ấn độ cho thấy rằng Thiền quán có thể làm giảm đáng kể những triệu chứng bệnh lý tâm lý và tính hung hăng của các tù nhân.
“Đạo Phật đã trở thành một “khoa học chữa bệnh” nếu ta không dùng những thuật ngữ tôn giáo mà thay thế bằng thuật ngữ tâm lý, như “lầm lỗi” thay vì “tội lỗi”, và “không lành mạnh” thay vì “điều xấu ác”. Chúng ta đâu cần nhiều từ ngữ tôn giáo khi thương yêu và muốn đem lại bình an cho người khác,” Giáo sư-bác sĩ Maurits G.T. Kwee, bác sĩ khoa Tâm lý và giáo sư danh dự trường Đại học Flores ở Argentina đã nói.
Giáo sư-bác sĩ Kwee cũng là người biên tập cho một tuyển tập mới: "New Horizons in Buddhist Psychology (Tao Institute)" (Những chân trời mới cho ngành Tâm lý Phật giáo). Giáo sư cũng đã tự giúp mình trị liệu trước nỗi đau buồn khi vợ ông qua đời cách đây 14 tuần vì bệnh ung thư phổi.
“Thế là tôi cũng trị liệu cho bệnh nhân của tôi”, giáo sư cho biết. Ông đã tham dự Đại hội Phật giáo Thế giới từ ngày 27 đến 30-11-2011. Hơn 900 học giả Phật giáo, nhà lãnh đạo và Phật tử đến từ 46 quốc gia đã thảo luận rất nhiều về sự phù hợp của giáo lý mà Đức Phật đã thuyết dạy với cuộc sống hiện đại ngày nay.
Giáo sư giải thích: “Có một nguyên lý trong Phật giáo Đại thừa: ‘Upaya-kausalya', có nghĩa là “Áp dụng những phương tiện thiện xảo”.
Thủy Ngọc dịch (Theo buddhistchannel.tv)