Phật giáo ở phương Tây: Tôn giáo hay con đường khám phá nội tâm?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Anam Thubten Rinpoche, một vị sư Tây Tạng đang giảng dạy Phật pháp ở phương Tây, đã giải thích về khái niệm tôn giáo và giải thích lý do tại sao người phương Tây muốn tách Phật giáo ra khỏi khái niệm ấy.

Hầu hết, các loài trên hành tinh đều không có khả năng tư duy sâu sắc và sở hữu trí tuệ vượt bậc để xây dựng hệ thống niềm tin như con người chúng ta. Ví dụ, chó mèo không thể suy tư về ý nghĩa của cuộc sống và làm thế nào để sống hạnh phúc, mà chúng chỉ muốn nhận được những gì chúng cần trong thời điểm hiện tại. Chính điều này khiến cho loài Homo sapien trở thành loài sinh vật duy nhất trên trái đất có thể thực hiện quá trình tư duy phức tạp và tạo ra các hệ thống tôn giáo và triết học. Vậy nên, tôn giáo là một đặc trưng của con người, mà không thể có được ở bất kỳ sinh vật nào khác.

Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, tùy thuộc vào vị trí địa lý, mà tôn giáo đã không còn mang tính phổ quát đối với nhiều người. Điều này đặc biệt đúng ở Tây Âu và Bắc Mỹ, đây thực sự là một sự thay đổi lịch sử chưa từng có. Ngày xưa, tôn giáo là cốt tủy của phương Tây, nơi đây, cuộc sống của mọi người xoay quanh tôn giáo mà họ theo. Vì vậy, hầu như mỗi thị tứ đều có một thánh đường và một nhà thuyết giáo. Người dân nơi đây đã đưa khái niệm Thượng đế vào tất cả các vấn đề của cuộc sống như một hệ quy chiếu đạo đức và triết học của vạn vật.

Tuy nhiên, điều này đã bắt đầu thay đổi cùng với sự ra đời của Thời kỳ Khai sáng vào thế kỷ XVII và XVIII, nhà thiên văn học người Pháp Pierre-Simon Laplace (1749–1827) đã phản ảnh điều này với Napoleon Bonaparte trong khi lý giải về cách mà vũ trụ và thiên văn ra đời. Khi Napoleon hỏi nhà thiên văn rằng Thượng đế phù hợp ở đâu trên họa đồ, ông chỉ đơn giản mà trả lời rằng: “Tôi không quan tâm những giả thuyết như vậy”.

Câu trả lời này cũng là hình ảnh thu nhỏ của khía cạnh tâm thức của phương Tây, vốn giải thích tất cả những bí ẩn của cuộc sống thông qua trí tuệ tuyệt đối mà không dựa vào những học thuyết hàng thế kỷ chưa bao giờ bị nghi ngờ. Hãy tưởng tượng nếu cả hai đều là Phật tử. Napoleon sẽ hỏi: “Lý duyên sinh phù hợp ở đâu trên họa đồ?”, thì Laplace sẽ trả lời rằng tất cả vốn đều là lý duyên sinh.

Tôn giáo ở phương Tây rõ ràng đang lụi tàn dần, không có bất kỳ hy vọng nào về một sự phục sinh trong tương lai. Tôn giáo đã làm được rất nhiều điều tốt đẹp trong lịch sử, kiến tạo những cộng đồng rộng lớn dựa trên đức tin, phát triển các hệ thống đạo đức, khuyến khích mọi người làm những việc tốt, chẳng hạn như bao dung, thiện sự, bác ái,…

Thế giới phương Tây ngay bây giờ đang ở trong sự lưng chừng về văn hóa, bởi người ta đang tìm kiếm một thứ gì đó để lấp đầy khoảng trống nội tâm do thiếu niềm tin vào tôn giáo. Ở đây, bạn sẽ gặp rất nhiều người chia sẻ: “Tôi không theo tôn giáo nhưng tôi là người có tâm linh”. Như vậy, có một sự phân biệt rõ ràng giữa tôn giáo và tâm linh trong tâm trí của nhiều người. Ngay cả nhiều bậc thầy Phật giáo phương Tây có xu hướng trình bày và truyền bá Phật giáo như một hệ thống các phương pháp chuyển hóa tâm thức hoặc một con đường tâm linh; họ cố gắng tránh liên hệ với tôn giáo, một khái niệm vốn mang rất nhiều hành trang văn hóa cũng như trí tuệ cũ kỹ và lạc hậu.

Giờ đây, câu hỏi được đặt ra là liệu Phật giáo có phải là một tôn giáo hay không. Thật ra, không có câu trả lời nào rõ ràng cho vấn đề này; còn tùy thuộc vào cách mà bạn nhìn nhận Phật giáo như thế nào. Không giống như hầu hết các tôn giáo mà chúng ta nhìn thấy trên thế giới, Phật giáo không có khái niệm về vị thần hay đấng toàn năng có thể tạo ra toàn thể vũ trụ, và vũ trụ đó là duy nhất. Căn bản của Phật giáo là thay đổi và chuyển hóa tâm thức của chính mình thông qua con đường thiền định và các nguyên tắc đạo đức có giá trị phổ quát. Nhìn từ góc độ này, ai có thể nói rằng Phật giáo không phải là một tôn giáo, mà là hệ thống các phương pháp hoặc con đường giác ngộ từ bên trong.

Một câu hỏi như vậy không phải là vấn đề đối với hầu hết các Phật tử ở châu Á. Nhưng dù sao đi nữa thì câu trả lời không tạo ra sự khác biệt lớn trong tâm tư những người theo và thực hành Phật giáo. Một câu hỏi như vậy quá thiên về triết học đến nỗi một số lượng lớn Phật tử châu Á thậm chí không hiểu câu hỏi đó có nghĩa là gì.

Ở phương Tây, khi mọi người nói rằng Phật giáo không phải là một tôn giáo, thì họ đang nghĩ về Phật giáo như một truyền thống phi thần và chỉ ra những hướng dẫn đạo đức cũng như triết học về lối sống, hướng dẫn phương pháp thiền tập để chuyển hóa tâm thức và phát sinh trí tuệ. Nhiều người còn muốn tách Phật giáo ra khỏi những tôn giáo khác, nhưng lại bị chỉ trích bởi những tiếng nói thế tục vì nhiều lý do. Không chỉ vậy, quan điểm này còn giúp cho mọi người có thể tự do diễn giải các giáo lý Phật giáo theo cách có ý nghĩa nhất đối với bản thân họ cũng như những người xung quanh.

Động cơ này rất phù hợp với quan điểm của Phật giáo, bởi Pháp không phải là con đường đơn độc, mà là một năng lượng sống, một hệ thống phương thức hành trì tương ứng với nhu cầu tâm linh cá nhân. Hơn thế nữa, các bậc thầy Phật giáo cũng được khuyến khích nên sử dụng phương tiện thiện xảo để giảng dạy Phật pháp trên thế giới bằng cách gặp gỡ những người khác ở bất cứ điểm nào trên hành trình nội tâm của họ. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra bởi bản chất của Phật pháp không dựa trên các lý thuyết cứng nhắc về nhân loại, mà dựa trên nhận thức và hiểu biết đúng đắn về bản chất thực sự của vạn sự vạn vật.

Anam Thubten Rinpoche

(Tâm Tuệ dịch)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày