Phật giáo & Phù Đổng Thiên Vương

Phật giáo & Phù Đổng Thiên Vương

Câu chuyện về cuộc đời của Chử Đồng Tử trong Lĩnh Nam chích quái là truyện cổ tích dân gian Việt Nam xuất hiện từ thời Hùng Vương ở khoảng thế kỷ thứ II trước Tây lịch. Nhân vật Chử Đồng Tử nổi tiếng là người con chí hiếu với cha mình. Sau khi vợ chồng Chử Đồng Tử an cư lạc nghiệp nơi vùng đất mới thì bị vua Hùng Vương đưa quân đến đánh vì tưởng họ tạo phản. Nhờ có cây gậy thần của nhà sư Nhật Quang tặng cho, chỉ trong một đêm, Chử Đồng Tử đã tạo nên thành quách và binh lính hùng mạnh khiến vua Hùng Vương phải giảng hòa.

Truyện Chử Đồng Tử cho thấy Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ II trước Tây lịch. Và trong bối cảnh lịch sử của đất nước ta ở thời kỳ dựng nước còn hoang sơ với vô vàn khó khăn trong việc chống chọi lại cuộc sống khắc nghiệt về mọi mặt, bấy giờ cây gậy thần của nhà sư Nhật Quang giúp Chử Đồng Tử trong chớp nhoáng đối phó được với quân lính của vua Hùng. Điều này đã nói lên nét đặc sắc tất yếu của Phật giáo quyền năng trong giai đoạn du nhập vào Việt Nam. Ngoài ra, Phật giáo cũng đã hòa nhập với niềm tin của người dân về sức mạnh của trời đất, sức mạnh của thần linh ở buổi hồng hoang và đặc biệt là Phật giáo cũng đã gắn kết với lòng hiếu của dân tộc Việt Nam, một bản chất rất tốt đẹp của dân tộc ta có từ ngàn đời được Phật giáo đề cao.

Chính nhờ sự kết hợp văn hóa dân tộc với văn hóa Phật giáo nhuần nhuyễn đến độ khiến cho người đọc những truyện cổ tích của nhân gian mà nghĩ là truyện Phật giáo và ngược lại, những câu chuyện của đạo Phật khuyên người nên sống ngay thật, hiền lương, từ ái luôn được coi là tấm gương sống đạo đức của người dân Việt.

Đặc biệt có truyện Phù Đổng Thiên Vương phát xuất vào thời Hùng Vương thứ III tương đương với thời giặc Ân ở Trung Hoa. Trước Tây lịch, nước ta thường bị giặc Ân sang đánh chiếm và bắt dân ta làm nô lệ. Bấy giờ, xuất hiện một cậu bé làng Phù Đổng xuất thân từ gia đình nông dân xin cha mẹ cho đi dẹp giặc. Cậu bé này đã lên 3 tuổi mà không biết nói. "Không nói" tiêu biểu cho đời sống nội tâm, hay sức sống thiền định tiềm ẩn bên trong là sức mạnh tinh thần.

Khi triều đình không chống được giặc thì chú bé làng Phù Đổng đã xin ra cứu nước. Điều này nói lên sự gắn liền của tinh thần Phật giáo với đất nước ta, khi nước nhà lâm nguy, sẵn sàng xả thân đóng góp, không màng lợi danh. Tinh thần vì nước quên thân được diễn tả qua hình ảnh chú bé vụt lớn lên rất nhanh có thể đánh tan giặc Ân. Và điều đó cũng có thể hiểu rằng con người có tinh thần vị tha vô ngã sẽ có sức mạnh tập hợp được quần chúng, cho nên đã biến sức mạnh của chú bé trở thành phi thường đánh đuổi được giặc Ân ra khỏi đất nước ta.

Nhưng đánh thắng giặc xong, Ngài đã một mình một ngựa lên núi Sóc Sơn rồi biến mất. Điều này một lần nữa khẳng định tinh thần Phật giáo không màng phú quý lợi danh. Và thực tế lịch sử còn ghi rõ công đức của các Thiền sư Việt Nam thể hiện rõ nét tinh thần cao quý này. Các Ngài đã hết lòng vì nước vì dân, nhưng hoàn thành xong đại sự thì nhẹ nhàng bỏ lại phía sau tất cả lợi danh để trở về nếp sống tu hành thanh cao giải thoát. Đó chính là truyền thống của Phật giáo Việt Nam luôn luôn đồng hành mật thiết cùng dân tộc Việt Nam, mà đỉnh cao là Phật giáo thời Lý - Trần qua những hình ảnh cao quý điển hình như Quốc sư Vạn Hạnh, Đức vua Trần Thái Tông, Đức Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông, v.v… Tinh thần gắn bó sâu xa với quần chúng của Phật giáo Việt Nam trải qua hàng ngàn năm lịch sử cũng chính là sự tiếp nối một cách mãnh liệt sức mạnh thần kỳ của Phù Đổng Thiên Vương vậy.

Ở thời đại chúng ta ngày nay, nếu quan sát kỹ việc làm của những người thật sự có tấm lòng vì mọi người, sẽ thấy họ dễ dàng tập hợp được quần chúng và thành công việc lớn. Trái lại, những con người ích kỷ, chỉ vì quyền lợi cá nhân và khi tham vọng nổi lên, chắc chắn họ không thể phát huy nội lực và tất nhiên không thể có sức thu hút quần chúng nghe theo họ.

Là những người đệ tử sống trong Chánh pháp của Phật, chúng tôi mong rằng tất cả Tăng Ni và Phật tử sẽ tiếp nối sức mạnh thần kỳ của Phù Đổng Thiên Vương để xây dựng đạo pháp hưng thịnh trong một đất nước Việt Nam giàu mạnh, an vui, sánh vai cùng bạn bè khắp năm châu.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.

Thông tin hàng ngày