>> Đại hội Phật giáo Q.10 lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2012-2017
Ngày 1-1-2012, Phật giáo Q.10 (TP.HCM) đã tiến hành Đại hội lần thứ VIII. Nhân sự kiện này, PV GN có cuộc “lội ngược dòng lịch sử” với chư tôn đức lãnh đạo BTS THPG và BĐD PG Q.10…
Nơi hun đúc những nhân tài Phật giáo
HT.Thích Nhật Quang, Phó ban kiêm Chánh Thư ký BTS THPG TP.HCM, trụ trì chùa Ấn Quang (Q.10) và TT.Thích Như Thọ, Chánh đại diện Phật giáo Q.10, trụ trì chùa Bửu Đà đều khẳng định Phật giáo Q.10 là chiếc nôi hun đúc những nhân tài Phật giáo. Cụ thể, nơi đây là nơi mà các học tăng trưởng thành và trở thành bậc lãnh đạo Giáo hội; hiện nay trên địa bàn quận có các vị lãnh đạo Giáo hội trú xứ như HT.Thích Đức Nghiệp, HT.Thích Từ Nhơn, HT.Thích Như Tín, HT.Thích Thiện Tánh…
Tháp Tổ chùa Ấn Quang
Bên cạnh đó, nơi Tổ đình Ấn Quang, một trong hai di tích cấp thành phố của Phật giáo Q.10, chính là trụ sở của các Giáo hội Phật giáo qua các thời kỳ (cùng với chùa Từ Nghiêm, đường Bà Hạt, nơi có Phật tử Nhất Chi Mai tự thiêu để phản đối chiến tranh, cầu nguyện hòa bình năm 1967, đồng thời là trụ sở Ni bộ).
Ngồi ôn cố, HT.Thích Nhật Quang xúc động kể về nhiều tình tiết lịch sử mà Ngài trải qua nơi Ấn Quang khi còn là một học tăng như là chuyện Bồ tát Thích Quảng Đức trước khi tự thiêu năm 1963 tại ngã tư Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng (nay là Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Đình Chiểu) thì ngài đã ở tại Ấn Quang mấy tháng để tụng kinh, cầu nguyện hòa bình và cầu cho Pháp nạn nhanh chóng đi qua.
Hay, đó là chuyện, từ những năm 1950 đến 1963 nơi Ấn Quang đã mở Phật học đường đào tạo Tăng tài; năm 1963 Phật giáo có phong trào phản đối chính sách kỳ thị, đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm, những vị lãnh đạo của Phật giáo và của phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh xuống đường đều chọn chùa làm điểm xuất phát, sau khi xong công việc lại về chùa nương náu.
Trong dòng ký ức như mới ngày hôm qua, HT.Thích Nhật Quang còn kể nhiều chuyện xúc động và rất đáng tự hào về ngôi chùa Ấn Quang: là nơi đặt văn phòng của BTS THPG TP.HCM ngày nay cũng chính là trụ sở của Giáo hội Tăng già Nam Việt, Giáo hội Tăng già Toàn quốc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Viện Hóa đạo). Điều đó, chứng tỏ, mảnh đất này, nơi mái già lam Ấn Quang có một vị trí và lịch sử rất quan trọng của Phật giáo Việt
Cũng chính vì thế mà khi kế thế sự nghiệp của Tổ để lại, HT.Thích Nhật Quang trong nhiều năm qua, đặc biệt từ năm 2006 đến nay đã liên tục trùng tu, xây mới nhiều công trình để xứng tầm của một ngôi chùa có bề dày lịch sử như xây nhà tổ, thư viện, Tăng xá (2006), xây tháp (2009) và nhà khách, phòng phát hành kinh sách (2011).
Rõ ràng, từ những ký ức, những câu chuyện “ôn cố” và nhìn về thực tại (tri tân) ai cũng có thể nhận diện được rằng: trong tiến trình phát triển, Phật giáo Q.10 đã có vai trò, vị trí quan trọng trong sự phát triển chung của Phật giáo TP.HCM nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.
Phát triển ổn định, tiếp tục phát huy tiềm năng sẵn có!
Đó là định hướng chung trong nhiệm kỳ VIII (2012-2017), TT.Thích Như Thọ đã cho biết như vậy. Điểm qua các hoạt động trong suốt nhiệm kỳ VII cũng như năm qua, TT.Thích Như Thọ đánh giá hoạt động từ thiện xã hội chính là hoạt động mạnh nhất của Phật giáo Q.10. Các chùa như Ấn Quang, Bửu Đà, Giác Ngộ, Từ Nghiêm, Phật Quang… là những địa chỉ có nhiều đóng góp trong công tác này. Sơ bộ, trong năm 2011, Phật giáo Q.10 đã đóng góp khoảng 13 tỷ đồng cho từ thiện xã hội.
Ngoài ra, toàn quận có trên 30 tự viện với số Tăng Ni 446 vị và sinh hoạt khá ổn định (theo Thượng tọa Chánh đại diện là do Q.10 là quận trung tâm nên không có tình trạng phát sinh am, cốc… nên quản lý tương đối dễ). Riêng, các đạo tràng tu học ở Q.10 cũng phát triển mạnh, đặc biệt, có hai lớp giáo lý (Ấn Quang và Bửu Đà) thường xuyên giảng dạy, thuyết giảng…
Với những gì đã đạt được, cùng với lịch sử phát triển từ trước đến nay, TT.Thích Như Thọ khẳng định một cách đầy tin tưởng là nhiệm kỳ VIII này, Phật giáo Q.10 sẽ có nhiều thành tựu Phật sự hơn nữa để chung tay đưa Phật giáo đi vào lòng quần chúng nhiều hơn…