Phật giáo Quảng Nam "Nguyện nối bước tiền nhân"

Lễ Phật đản Vesak-2019 Phật giáo tỉnh Quảng Nam, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh
Lễ Phật đản Vesak-2019 Phật giáo tỉnh Quảng Nam, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Từ lâu, Quảng Nam được mệnh danh là vùng đất “Ngũ phụng tề phi”, có truyền thống học hành khoa bảng.

Chính trên mảnh đất địa linh này, nhiều dòng thiền đã du nhập và làm nên một diện mạo Phật giáo với nhiều hệ thống truyền thừa khác nhau như: Thiệt Diệu - Liễu Quán; Minh Hải - Pháp Bảo…

Quảng Nam còn là vùng đất của nhiều di tích mang dấu ấn văn hóa Chăm-pa, trong đó Phật viện Đồng Dương là nơi lưu dấu dòng thiền Thảo Đường, vẫn đang còn hoang phế và vừa có kế hoạch phục dựng bảo tồn, nhưng vẫn chưa đi vào thực hiện.

Thành tựu và khó khăn

Năm 1997, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cũ tách thành 2 đơn vị hành chính độc lập gồm tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng như hiện nay. Từ cột mốc đáng nhớ này, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực xây dựng, phát triển và hội nhập trong xu thế toàn cầu hóa. Phật giáo Quảng Nam, theo đó, cũng nỗ lực không ngừng để hoàn thiện cơ cấu tổ chức, tạo nên diện mạo Phật giáo trẻ trung với những nhân tố đóng góp và phụng sự tích cực, làm tốt đạo đẹp đời.

Cùng với sự chia tách địa giới hành chính, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh được thành lập đến nay đã 25 năm (1997), qua 5 nhiệm kỳ, với nhiều thành tựu Phật sự đáng ghi nhận.

Hồi ức về GHPGVN tỉnh Quảng Nam những ngày đầu thành lập, đồng thời chia sẻ về những thành tựu trong nhiệm kỳ V, Hòa thượng Thích Thiện Thành, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh cho biết: “Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Duyên, nguyên Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh làm Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Nam từ khi tách tỉnh, điều hành qua 4 nhiệm kỳ với cơ cấu nhân sự ở mỗi nhiệm kỳ khác nhau. Đến nhiệm kỳ V, khi được giao phó trách nhiệm kế thừa cố Trưởng lão Phó Pháp chủ, chúng tôi đã tiếp nối sứ mệnh phát triển Phật giáo tỉnh nhà. Ngoài cơ cấu các ban ngành trực thuộc thì đã tái thành lập Ban Trị sự huyện Tiên Phước. Bên cạnh đó, nhiệm kỳ này đã thêm 2 huyện miền núi có đơn vị trực thuộc là Nam Giang và Đông Giang”.

Hòa thượng Thích Thiện Thành, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Nam, Trưởng ban Tổ chức Đại hội

Hòa thượng Thích Thiện Thành, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Nam, Trưởng ban Tổ chức Đại hội

Nhìn lại chặng đường qua, Hòa thượng Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Nam khẳng định sự thay đổi của Phật giáo đất Quảng có được là nhờ sự lãnh đạo và chỉ đạo của Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, sự nỗ lực của Tăng Ni và cư sĩ Phật tử tỉnh đến các cơ sở, cùng sự giúp đỡ của lãnh đạo chính quyền, các ban ngành liên quan.

“Nhiều cơ sở trực thuộc Giáo hội được thành lập, một số ngôi chùa được mở rộng, trùng tu tôn tạo khang trang, các cơ sở tích cực tham gia công tác từ thiện, nhân đạo, nhiều Tăng Ni và Phật tử tham gia trong các tổ chức xã hội, như đại biểu HĐND tỉnh và các cấp huyện, thị xã, thành phố cũng như xã, phường tại địa phương, thể hiện mối gắn kết tốt đẹp giữa đạo và đời”, Hòa thượng cho biết.

Trong nhiệm kỳ qua, Phật giáo tỉnh Quảng Nam đã thực hiện được nhiều Phật sự đáng kể như: Tổ chức thành công Đại lễ Vesak (2019) với nhiều hoạt động văn hóa, nghi lễ cũng như hoằng pháp tại Trung tâm Văn hóa tỉnh và Trụ sở Ban Trị sự tỉnh (chùa Đạo Nguyên); Tổ chức tang lễ cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Duyên, Phó Pháp Chủ Hội đồng Chứng minh, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, nguyên Trưởng ban Trị sự tỉnh suốt 4 nhiệm kỳ; Tổ chức hội nghị trực tuyến 40 năm thành lập GHPGVN; Tham dự lễ trực tuyến lễ tang Đức Đệ tam Pháp chủ GHPGVN, Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ.

Theo thống kê, tỉnh Quảng Nam có 300 cơ sở và 890 Tăng Ni. Trong nhiệm kỳ V, Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã ban hành quyết định bổ nhiệm 34 Tăng, Ni trụ trì các chùa trong tỉnh. Toàn tỉnh có 500 đạo tràng Bát quan trai, niệm Phật, khóa tu an lạc; 10 đạo tràng tu học thường xuyên vào mùa hè; 100 đơn vị Gia đình Phật tử. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, những khóa tu học chuyển qua hình thức sinh hoạt phù hợp và đã tái khởi động lại từ cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Công tác từ thiện của Phật giáo Quảng Nam trong nhiệm kỳ V đạt hơn 133 tỷ đồng. Đặc biệt, Ban Thông tin - Truyền thông đã vận dụng kênh truyền hình QCB mỗi tuần 1 bản tin, tháng 4 bản tin, với thời lượng 30-45 phút đăng trên website của Ban Trị sự, Ban Thông tin - Truyền thông tỉnh và YouTube.

Bên cạnh những thành tựu đó, Hòa thượng Thích Thiện Thành cũng bày tỏ rằng Phật giáo tỉnh nhà cần nghiêm túc nhìn nhận những khiếm khuyết và tồn đọng trong hoạt động của mình suốt thời gian qua. Hiện nay, trong toàn tỉnh, một số chùa vẫn chưa gia nhập sinh hoạt trong lòng Giáo hội; Việc thành lập cơ sở mới trực thuộc Giáo hội để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của tín đồ địa phương nhiều nơi vẫn chưa thực hiện được; Việc thuyên chuyển, bổ nhiệm trụ trì, mở rộng đất đai ở các cơ sở gặp nhiều khó khăn vẫn chưa thể khắc phục. Đặc biệt là công tác xây dựng văn phòng Ban Trị sự vẫn chưa thực hiện như kỳ vọng đầu nhiệm kỳ.

Ưu tiên các Phật sự vùng sâu, vùng xa

Nói về phương hướng hoạt động Phật sự cho nhiệm kỳ mới, Hòa thượng Thích Thiện Thành cho biết: “Sau Đại hội, tân Ban Trị sự sẽ tập trung vào công tác hoằng pháp tại vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn các Tăng Ni trẻ có năng lực, phát tâm đến những nơi này để hoằng đạo. Hiện tại còn 4 huyện trên địa bàn tỉnh chưa có Ban Trị sự (Nam Trà My, Tây Giang, Nam Giang và Đông Giang), trong nhiệm kỳ này sẽ xúc tiến để thành lập”.

“Tôi hy vọng và mong muốn toàn thể chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử, hãy quyết tâm trên tinh thần đoàn kết hòa hợp, tham gia và dấn thân tích cực để hoàn thành các công tác Phật sự, để GHPGVN nói chung và Phật giáo tỉnh Quảng Nam nói riêng ngày càng phát triển”.

Hòa thượng Thích Thiện Thành, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Nam

Bên cạnh đó, Hòa thượng còn cho biết thêm, sau Đại hội, Ban Trị sự cũng sẽ chỉ đạo các ban, ngành trực thuộc sớm hội nghị và đưa ra phương hướng hoạt động cụ thể. Dựa trên đó, Ban Trị sự tỉnh sẽ có những điều chỉnh hoạt động, để công tác Phật sự được nhịp nhàng và thuận lợi.

Thường trực Ban Trị sự cũng sẽ mở khóa bồi dưỡng nghiệp vụ hành chánh, trụ trì, xây dựng văn phòng Ban Trị sự tỉnh khang trang hơn, đó là những công tác trọng tâm cần thực hiện nhanh chóng trong nhiệm kỳ mới.

Với phương châm “Duy tuệ thị nghiệp” (lấy trí tuệ làm sự nghiệp), Phật giáo Quảng Nam nhiệm kỳ VI sẽ phát triển các đạo tràng tu học cho Phật tử, đặc biệt là Phật tử dân tộc ít người. Hiện tại một số huyện đã thành lập Ban Trị sự, nhưng cơ sở tự viện còn ít, nên chưa đáp ứng nhu cầu tu và học của đồng bào nơi đó. Ban Trị sự nhiệm kỳ mới sẽ nghiên cứu để phát triển thêm các cơ sở, đáp ứng nhu cầu tu học chính đáng của Phật tử địa phương. Đồng thời, Thường trực Phật giáo tỉnh sẽ hỗ trợ công tác tổ chức khóa tu ở các địa phương miền núi như đưa nhân sự về, hỗ trợ thêm các phương tiện tu học hiệu quả, sẽ có những chương trình ủy lạo, tặng quà..., giúp cải thiện đời sống vật chất cũng như tinh thần của đồng bào dân tộc.

“Trên tinh thần đó, chúng tôi tha thiết kêu gọi Tăng Ni trẻ dấn thân phụng sự, đem lý tưởng cũng như sở học của mình đến với vùng sâu, vùng xa để hướng dẫn cho Phật tử, đặc biệt là Phật tử đồng bào dân tộc thiểu số”, Hòa thượng chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.

Thông tin hàng ngày