Phật giáo thủ đô Hà Nội: Những dấu ấn của nhiệm kỳ VIII

Ảnh: Trường Trung cấp Phật học TP.Hà Nội
Ảnh: Trường Trung cấp Phật học TP.Hà Nội
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Hôm nay 5-7, Phật giáo Hà Nội đi vào ngày đầu tiên của Đại hội đại biểu Phật giáo Thủ đô lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027. Giác Ngộ Online giới thiệu đôi nét về Phật giáo Hà Nội cho đến nay, căn cứ theo thông tin chính thức của Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN TP.Hà Nội cung cấp.

Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, trái tim của cả nước đang từng bước vươn lên đáp ứng nhu cầu phát triển của thời đại, góp phần xây dựng ngôi nhà GHPGVN vững mạnh trên nguyên tắc “Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức”, với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

Nhân sự Ban Trị sự GHPGVN TP.Hà Nội khóa VIII (nhiệm kỳ 2017-2022) do Đại hội đại biểu Phật giáo thành phố lần thứ VIII suy cử gồm có 75 ủy viên, Ban Thường trực có 19 ủy viên do Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm làm Trưởng ban Trị sự, được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN chấp thuận chuẩn y tại Quyết định số 216/QĐ-HĐTS ngày 7-9-2017.

Trong quá trình hoạt động có 2 vị Ủy viên Thường trực là Hòa thượng Thích Thanh Nhã, Phó Trưởng ban Trị sự, Trưởng ban Kinh tế - Tài chính và Thượng tọa Thích Chiếu Tạng, Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế xin nghỉ dưỡng bệnh. Do đó đến cuối nhiệm kỳ nhân sự Ban Trị sự còn 73 ủy viên, trong đó 17 ủy viên thường trực.

Chư tôn đức tham dự Đại lễ Phật đản do Phật giáo Hà Nội tổ chức

Chư tôn đức tham dự Đại lễ Phật đản do Phật giáo Hà Nội tổ chức

30 đơn vị Ban Trị sự cấp quận, huyện tổ chức thành công Đại hội đại biểu Phật giáo nhiệm kỳ 2021-2026

Năm 2021, căn cứ Hiến chương GHPGVN và Thông tư số 205/TT-HĐTS ngày 19-9-2020 của Hội đồng Trị sự GHPGVN về việc tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo cấp quận huyện nhiệm kỳ 2021-2026, Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.Hà Nội đã tùy tình hình thực tế tại địa phương cũng như diễn biến của dịch Covid-19 để chỉ đạo Ban Trị sự Phật giáo 30 đơn vị tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo cấp quận huyện nhiệm kỳ IX (2021-2026) thành công tốt đẹp.

Thời gian tổ chức đại hội của các đơn vị bắt đầu từ ngày 22-10-2021 và kết thúc vào ngày 9-12-2021. Trong đó, 29 đơn vị tổ chức đại hội, 1 đơn vị Phật giáo quận Thanh Xuân do không đủ điều kiện nên chỉ tổ chức hội nghị tổng kết nhiệm kỳ và kiện toàn nhân sự. Tổng số lượng Tăng Ni tham gia thành viên Ban Trị sự Phật giáo 30 đơn vị quận huyện thị lần IX, nhiệm kỳ 2021-2026 là 380 vị.

2.028 Tăng Ni, 1.916 tự viện

Hiện toàn TP.Hà Nội có 2.028 Tăng Ni, trong đó 458 Tỷ-khiêu; 1.435 vị Tỷ-khiêu-ni; Thức-xoa-ma-na có 61 vị, 42 vị Sa-di và 32 vị Sa-di-ni.

Giáo hội quản lý 1.916 tự viện, trong đó có 1.365 ngôi có Tăng Ni trụ trì; 376 ngôi có Tăng Ni kiêm nhiệm; 175 ngôi do nhân dân địa phương tự quản.

Ban Trị sự GHPGVN TP.Hà Nội duy trì 18 cơ sở an cư tập trung hàng năm cho Tăng Ni toàn thành phố. Riêng năm 2021 do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn quốc, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Giáo hội trong công tác phòng chống dịch bệnh, cho nên Tăng Ni TP.Hà Nội an cư tại các trú xứ.

Trong khóa VIII, nhiệm kỳ 2017-2022, Ban Trị sự đã tổ chức 3 Đại giới đàn với tổng số 724 giới tử được thụ giới. Trong đó, 116 giới tử được thụ giới Tỷ-khiêu; 156 giới tử được thụ giới Tỷ-khiêu-ni; 168 giới tử được thụ giới Thức-xoa; 118 giới tử được thụ giới Sa-di và 166 giới tử được thụ giới Sa-di-ni.

Bên cạnh đó, GHPGVN TP.Hà Nội cũng hoàn tất thủ tục bổ nhiệm trụ trì cho 76 vị, kiêm nhiệm trụ trì có 26 vị; 9 vị thuyên chuyển sinh hoạt; tiếp nhận 228 người xuất gia.

Về đào tạo, Trường Trung cấp Phật học Hà Nội tiếp tục triển khai chương trình đào tạo năm học thứ tư - khóa VII (2014-2018) cho Tăng Ni sinh hệ trung cấp tại chùa Đại Từ Ân và 229 Tăng Ni sinh tốt nghiệp trung cấp Phật học; 140 Tăng Ni đang theo học khóa VIII (2018-2022), đã có 120 vị tốt nghiệp; hơn 200 Tăng Ni theo học hệ sơ cấp khóa II và III, học tại chùa Bà Đá (quận Hoàn Kiếm), chùa Mộ Lao (Hà Đông), chùa La Gián (thị xã Sơn Tây).

Phân ban Ni giới cũng phối hợp với Ban Giáo dục mở lớp bồi dưỡng kiến thức luật học cho Ni giới, khai giảng từ ngày 18-9-2018 với số lượng học viên là 358 vị theo học tại chùa Mộ Lao (Hà Đông). Khóa học niên khóa 2018-2020 đã bế giảng vào ngày 24-4-2022.

Duy trì hơn 30 giảng đường, đào tạo giảng sư cho các tỉnh thành phía Bắc

Năm 2018, Ban Hoằng pháp Phật giáo TP.Hà Nội phối hợp với Ban Hoằng pháp T.Ư GHPGVN tổ chức lớp đào tạo giảng sư cho Tăng Ni các tỉnh phía Bắc tại chùa Vạn Phúc - huyện Sóc Sơn, niên khóa 2018-2021 cho 119 Tăng Ni. Đến nay đã tổ chức lễ bế giảng, trao văn bằng tốt nghiệp.

Ban Hoằng pháp thường xuyên duy trì việc hướng dẫn tu học, thuyết giảng giáo lý cho Phật tử tại hai cơ sở Mộ Lao và cơ sở Bà Đá, cũng như tại các tổ đình tự viện lớn trên toàn thành phố. Hiện nay, TP.Hà Nội có trên 30 giảng đường tổ chức thuyết pháp, tu tập Bát quan trai, niệm Phật… định kỳ cho hàng Phật tử.

Tổ chức các khóa tu như: khóa tu tuổi trẻ, khóa tu cho sinh viên, khóa tu báo hiếu, khóa tu cho những bệnh nhân tại các tự viện tiêu biểu như: chùa Bằng (quận Hoàng Mai), chùa Đình Quán (quận Bắc Từ Liêm), chùa Hòe Nhai (quận Ba Đình), chùa Tăng Phúc (quận Long Biên), chùa Vạn Phúc (huyện Sóc Sơn), chùa Lại Yên (huyện Hoài Đức), chùa Hưng Khánh (huyện Mỹ Đức), chùa Từ Vân (huyện Thường Tín)…

Trong năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên việc hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử tu học cũng bị gián đoạn, nhiều tự viện đã vận dụng tốt công nghệ thông tin để thuyết pháp online cũng như tổ chức các khóa tu trực tuyến cho các Phật tử trong thời gian giãn cách xã hội như: chùa Bằng, Đại Từ Ân, Vạn Phúc, thiền viện Sùng Phúc…

Ngày 25-11-2021, Ban Hoằng pháp Trung ương và Ban Hoằng pháp Phật giáo TP.Hà Nội đã tổ chức thi tốt nghiệp cho 75 Tăng Ni khóa đào tạo giảng sư khu vực phía Bắc theo hình thức trực tuyến để đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Trùng tu, tôn tạo tự viện

Trong nhiệm kỳ VIII, chư tôn đức Tăng Ni trụ trì cùng Phật tử các địa phương đã trùng tu tôn tạo hàng trăm cơ sở tự viện, tổ đình, góp phần làm trang nghiêm các danh lam thắng tích, nhưng vẫn đảm bảo cảnh quan, kiến trúc văn hóa vốn có, điển hình như: chùa Bằng, Linh Đường (quận Hoàng Mai); chùa Vạn Phúc, Thiên Tuế (huyện Sóc Sơn); chùa Trung Hậu (huyện Mê Linh); chùa Lại Yên, Cả La Phù (huyện Hoài Đức); chùa Hưng Khánh, Diên Khánh (huyện Mỹ Đức); chùa Khê Hồi, Hội Xá (huyện Thường Tín); chùa Long Đẩu, Khánh Tân (huyện Quốc Oai); chùa Hoa Nghiêm, Phúc Hưng (huyện Ba Vì); chùa Linh Xá, Ngọc Hồi, Triều Khúc (huyện Thanh Trì); chùa Hai Bà, Hòa Mã, Hương Thể (quận Hai Bà Trưng)... Bên cạnh đó còn tổ chức xuất bản kinh sách phục vụ cho việc nghiên cứu, tu học của Tăng Ni các hạ trường.

Hơn 131 tỷ đồng cho công tác từ thiện xã hội

Các hoạt động từ thiện xã hội như ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”, quỹ “Nạn nhân chất độc da cam”, xây dựng nhà tình nghĩa, tặng xe lăn… được các cấp Giáo hội và Tăng Ni trụ trì các cơ sở tự viện quan tâm thực hiện. Tổng trị giá trong khóa VIII đạt hơn 131 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.

Thông tin hàng ngày