Phật giáo trong lối sống người trẻ

Chị Hạnh Hiếu (trái) và bạn đồng tu học bên Thầy giáo thọ
Chị Hạnh Hiếu (trái) và bạn đồng tu học bên Thầy giáo thọ
0:00 / 0:00
0:00
GNO - “Ngày nay, Phật giáo rất gần gũi. Trường Phật học không phải chỉ có Tăng Ni mà Phật tử cũng theo học và đạo Phật ngày càng hiện diện nhiều hơn với người trẻ”.

Chị Hạnh Hiếu, Giám đốc Công ty truyền thông Cty GazeFi, sinh viên năm thứ 3 - K6 khoa Đào tạo từ xa Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM đã nói về niềm hạnh phúc khi học Phật của mình như thế.

Trong cuộc trò chuyện với PV báo Giác Ngộ, chị Hạnh Hiếu chia sẻ:

- Học Phật đem lại nhiều hữu ích và lợi lạc. Cách đây 3 năm, tôi bỡ ngỡ bước vào Học viện Phật giáo VN vì lúc đó tôi vô minh lắm. Tôi giờ đây trưởng thành hơn, hạnh phúc hơn trong việc học Phật của mình. Những lợi lạc có được ở hiện tại, tôi nhận ra có nhiều tiền cũng không thể mua được ở đâu.

Nếu như ngày xưa người ta chỉ biết đạo Phật qua chùa chiền, người tu, thì ngày nay đạo Phật không phải chỉ giới hạn ở đó mà giáo pháp của Đức Phật đã len lỏi vào sâu trong tâm trí của nhiều người, trong đó có tôi. Giáo pháp đó đến từ những bài học mà các giáo thọ đã chia sẻ. Học, tu và sửa, qua mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm tôi thấy mình lớn dần lên, dễ thương hơn, tốt đẹp hơn từ những bài học vô giá đó, và tôi cũng chia sẻ lại với các bạn nhân viên của mình, với mong muốn đem nhiều lợi lạc đến với mọi người.

* Chị nhận được những lợi lạc gì khi học tại Học viện Phật giáo TP.HCM?

- Trước khi học Phật, tôi nghe nhiều về từ, bi, hỷ, xả nhưng tôi thực sự không hiểu rõ ý nghĩa của tứ vô lượng tâm này là gì. Rồi tôi tình cờ nghe được bài pháp của thầy Thích Pháp Hòa giảng rằng: “Từ là đem lại tình yêu thương cho mọi người. Bi là giúp cho người bớt khổ”. Tôi cảm nhận được nhiều hơn và muốn hiểu hơn về triết lý nhân văn của đạo Phật.

Tôi học tại Học viện và quyết tâm nhất định phải tốt nghiệp đại học Phật giáo không phải vì tấm bằng mà vì tôi muốn học nghiêm túc và đúng giáo lý. Hơn hết, tôi biết ở nơi đó có nhiều năng lượng tích cực, có các giáo thọ giỏi, bạn đồng học là quý Thầy, quý Sư cô, các Phật tử thuần thành - những người sẽ giúp tôi thay đổi thành một con người mới.

Tại Học viện Phật giáo, tôi đặc biệt yêu thích môn học kinh Trường bộ. Các tiết học về Đạo đức học Phật giáo của Sư Giác Hoàng, các bài kinh bằng tiếng Anh của Ni sư Liễu Pháp và Hán cổ của Ni sư Nguyện Liên, Tư tưởng kinh Kim cang của Sư Trí Minh, mỗi bài giảng của quý Sư đều bổ ích.

Càng học Phật, tâm tính tôi cũng dần thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Tôi bớt được tính nóng giận của một người sếp, bớt tính giận hờn của người vợ và yêu thương luôn những người mà trước đây mình thấy không hợp, không thích. Tôi điều khiển được tâm mình và thầm cảm ơn cơ duyên cho tôi được học Phật.

Chị Hạnh Hiếu (thứ hai, trái) và bạn đồng tu học tại Học viện Phật giáo TP.HCM
Chị Hạnh Hiếu (thứ hai, trái) và bạn đồng tu học tại Học viện Phật giáo TP.HCM

* Chị đã áp dụng tinh thần đạo Phật vào cuộc sống hữu ích thế nào?

- Thành công lớn nhất mà tôi có được khi học Phật là thay đổi được bản thân mình, suy nghĩ chững chạc hơn và vững vàng hơn.

Nhờ bài học về vô thường, khổ, vô ngã, tôi trải qua gần 2 năm Covid không sợ hãi, không lo lắng và không buồn đau.

Bản thân là giám đốc công ty, mùa dịch tới vốn có nhiều thứ phải lo, công việc bị đình trệ nhưng tôi không sa thải nhân viên, vẫn trả đầy đủ lương cho mọi người. Lúc đó, tôi làm được một điều mà tới giờ này vẫn thấy vui. Công ty tôi có nhân viên đầu tiên bị Covid lúc đó còn chưa được chích vắc-xin. Tôi ở nhà mỗi ngày trì chú Đại bi 21 biến cầu nguyện cho em. Và khi em âm tính, tôi tổ chức họp cho cả công ty thăm em qua zoom và cùng tụng chú Đại bi để cảm tạ sự gia hộ của chư Phật. Thời điểm đó ai cũng bi quan nhưng nhờ lòng tin vào Đức Quán Thế Âm, mọi người thấy cuộc sống tích cực hơn.

* Học Phật, chị suy nghĩ gì về tình yêu thương?

Trước khi học Phật thì tôi đã ăn chay trường, yêu thương gia đình, bạn bè và nhân viên công ty của mình. Nhưng khi học Phật, tôi biết thêm được bài học “Tình thương không phân biệt” tức là tôi phải yêu luôn những người lạ, những người mà tôi chưa từng gặp hay quen biết.

Tôi rất tâm đắc lời dạy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Này con, có một thứ hành trang giúp con thanh thản đi qua những ngày giông bão của kiếp người, đó là từ tâm. Không phải khi con không nghe, không thấy, không nhìn là có thể bình yên. Bình yên chỉ thật sự có mặt khi con nhìn cuộc đời đầy biến động và vô thường với đôi mắt thương, biết nghe những câu chuyện thị phi với tấm lòng rộng mở, không thành kiến, không phán xét và biết nói với nhau những lời ái ngữ, nhẹ nhàng”.

Tôi hiểu, tu hành không phải vì để gặp Phật, mà vì để gặp chính mình trước nhất, tu cho tròn trước nhất đạo làm người.

Là một Phật tử, cũng là học viên của Học viện, chị kỳ vọng gì vào sự phát triển của Giáo hội?

Tôi đã được học với chư tôn đức tại Học viện và tôi thấy bản thân mình đã nhận được rất nhiều lợi lạc. Chúng ta thường nghe câu “Phật pháp là đến để mà thấy chứ không phải đến để mà tin”, đây là câu thường gặp trong kinh A-hàmNikaya. Tôi mong rằng Giáo hội có thể mở trường cho các bạn trẻ có thể học đạo, vì học Phật cũng là học đạo đức, học cách làm người lương thiện.

Và nếu có thể nữa, rất mong Giáo hội nên mở thêm nhiều trường mầm non Phật giáo, vì mầm non là tương lai của đất nước. Khi càng nhiều những đứa trẻ được tiếp cận Phật pháp từ nhỏ thì chúng ta sẽ có hàng ngàn, hàng vạn hạt mầm tươi tốt chuẩn bị đâm chồi nảy lộc thành những cây lá tốt tươi.

Cảm ơn chị Hạnh Hiếu đã dành thời gian chia sẻ!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày