Góp nhặt yêu thương trong mùa Phật đản

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1152 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1152 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Phật đản là mùa an vui. Không chỉ là những chuỗi ngày Phật tử hân hoan kỷ niệm sự kiện Đức Thế Tôn đản sanh, mà còn là dịp để mọi người thực hiện nhiều việc tốt, chia sẻ yêu thương, để niềm vui và hạnh phúc nhân rộng, lan tỏa nhiều hơn đến mọi ngóc ngách của cuộc sống.

Những câu chuyện dễ thương đã được phóng viên báo Giác Ngộ góp nhặt trong Tuần lễ Phật đản tại các cơ sở tự viện.

Mẹ, con và Phật đản

Trong dòng người đến chùa Long Phước (quận Bình Thạnh, TP.HCM) tham gia lễ Phật đản, hình ảnh chú Sa, 53 tuổi chăm từng li, từng tí cho mẹ của mình là cụ Trương Thị Kim Liễu, pháp danh Nguyên Ngộ, 88 tuổi, khiến nhiều người chứng kiến cảm động.

Nhà ở đường Bùi Đình Túy, cách chùa không xa, nhưng chú cẩn thận đem cho mẹ cái nón để che nắng. Vào đến chùa chú vẫn cầm chặt nón trên tay.

Trong hội trường thuyết giảng và làm lễ Tắm Phật, chú xin cái ghế nhỏ để cho mẹ mình ngồi, vì cụ bị yếu chân. Mặc dù tuổi đã cao, chân nhiều nhức mỏi, phải ngồi trên ghế để nghe thuyết pháp nhưng cụ Nguyên Ngộ luôn chắp tay hướng về lễ đài với tất cả sự chăm chú. Đến “thời khắc” thiêng liêng nhất, thực hiện nghi thức Tắm Phật, khi được con trai dẫn lên lễ đài, nhìn tôn tượng Đức Thế Tôn sơ sinh, cụ xúc động. Khi con trai nói: “Mẹ tắm Phật đi mẹ”, cụ vừa mừng vui, vừa luýnh quýnh không biết bắt đầu từ đâu.

Trong khoảnh khắc này, Ni sư Huệ Dâng, trụ trì chùa Long Phước nắm lấy tay cụ, cùng cụ thực hiện nghi thức Tắm Phật, gáo nước đầu tiên tắm trên vai Đức Phật sơ sinh, cụ đã rơm rớm nước mắt. Rồi gáo thứ hai, đến gáo nước thứ ba, hoàn thành nghi thức, cụ chắp tay lạy Phật và khóc thật nhiều. Cụ nói: “Được Tắm Phật, được lạy Phật, lòng tôi vui tột cùng. Được sư cầm tay, cùng Tắm Phật, tôi sung sướng, mãn nguyện”.

Chú Sa cho biết: “Suốt ngày mẹ tôi chỉ biết lạy Phật thôi. Có khi quên luôn con cháu nhưng niệm Phật, kệ lạy Phật thì không quên”. Biết chùa tổ chức lễ Tắm Phật, biết đi được mẹ sẽ rất thích nên hai vợ chồng chú Sa cùng đứa con trai dẫn cụ đi.

“Nhìn mẹ vui, mẹ hạnh phúc khi đến chùa, được Tắm Phật, lòng tôi cũng vui lắm. Chỉ cần mẹ vui là tôi cũng vui theo, nhiêu đó là đủ hạnh phúc rồi. Trong mùa Phật đản này, niềm hỷ lạc của cả gia đình đơn giản chỉ có thế thôi”, chú Sa bộc bạch.

Những giọt máu cứu người

Trong mùa Phật đản năm nay, Phật tử Diệu Hoa, 35 tuổi, công nhân Khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM) phát tâm hiến máu nhân đạo. “Sau khi nghe thầy Quảng Tiến, trụ trì chùa Thiên Chánh (quận Tân Phú) chia sẻ về chương trình hiến máu nhân đạo, mình muốn trao tặng một chút. Mình biết, 250ml máu của mình không thấm vào đâu, nhưng mình nghĩ biết đâu giúp được cho một người nào đó đang trong lúc ngặt nghèo. Mà thật ra, ngoài hiến máu và phát tâm chia sẻ ra, mình cũng không có gì để chia sẻ cho người khác”, chị Diệu Hoa cho biết.

Trong quá trình đi đến quyết định hiến máu, chị bảo, bản thân đã đắn đo và suy nghĩ thật nhiều. Với số cân vừa nhỉnh 50 ký, bản thân là trụ cột của gia đình, nuôi cha mẹ và con gái, nên sức khỏe đối với chị là điều rất quý giá. “May là hôm nay hiến máu rơi vào thứ Bảy, mình hiến máu có mệt thì ngày mai Chủ nhật được nghỉ, sẽ cố gắng lấy lại sức để thứ Hai đi làm. Một ngày phép của mình quý lắm”, chị chia sẻ.

Khi được hỏi về động lực nào khiến chị phát tâm làm điều này, chị cho biết: “Mình muốn chia sẻ cho người cần và cũng muốn làm gì đó tích phước cho người thân ruột thịt mình. Nhỡ mà sau này người thân rơi vào cảnh khó khăn, mình tin nhân duyên nào đó cũng sẽ có người giúp đỡ”.

Trong dòng người đến chùa Thiên Chánh tham gia hiến máu nhân đạo, Đại đức Thích Quảng Tiến - trụ trì chùa thăm hỏi ngẫu nhiên những người trẻ, nhiều câu chuyện xúc động như chị Diệu Ngọc được chia sẻ, góp cho nhau niềm hỷ lạc trong ngày vui của mùa Khánh đản.

“Truyền thống của chùa Thiên Chánh là mỗi năm Phật đản về lại tổ chức hiến máu nhân đạo. Mọi năm tôi kêu gọi và bản thân tôi cũng tham gia. Năm nay do sức khỏe không cho phép, nên tôi tạm dừng. Tuy nhiên, khi đến chỗ lấy máu, trò chuyện và lắng nghe mọi người chia sẻ về tinh thần phụng sự, lòng từ bi và việc làm hữu ích do Phật tử trẻ phát tâm trong mùa Phật đản, tôi rất vui. Hơn 100 đơn vị máu đã được sẻ chia từ tinh thần như thế”, Đại đức Thích Quảng Tiến cho biết.

Ngôi chùa nhỏ và lễ Tắm Phật của hơn 200 em thiếu nhi

Con hẻm nhỏ số 551 trên đường Phạm Văn Chí, phường 7, quận 6, dẫn vào chùa Thiên Khánh trong Tuần lễ Phật đản luôn nhộn nhịp. Những ngày này, Đại đức Thích Minh Thạnh, trụ trì chùa Thiên Khánh đã tổ chức nhiều chương trình tu học cho các em thiếu nhi. Đặc biệt, ngày thực hiện nghi thức Tắm Phật, hơn 200 bạn nhỏ đã được ba mẹ hướng dẫn, đưa về chùa để tham gia.

Với mong muốn tạo duyên lành với Phật pháp, tạo ký ức tuổi thơ đẹp cho các em thiếu nhi khi đến chùa, đặc biệt là thông qua lễ Tắm Phật, Đại đức trụ trì đã dày công thiết trí lễ đài trang nghiêm, gần gũi, trong tầm tay của các em.

Chương trình Tắm Phật bắt đầu, các em lần lượt theo sự hướng dẫn thực hiện nghi thức thiêng liêng này. Trong quá trình đó, Đại đức trụ trì đồng hành cùng từng em, hướng dẫn khi các em lúng túng. Cứ như vậy mà mỗi bạn nhỏ đến với buổi lễ đều có được trải nghiệm đầy hân hoan.

Cũng trong mùa Phật đản này, các em không chỉ Tắm Phật mà còn được tham gia lễ quy y Tam bảo. Trong số 22 bạn nhỏ quy y, mặc dù tuổi chỉ mới lên ba nhưng em Khánh Hỷ rất thích và muốn được trở thành Phật tử. Mặc bộ đồ lam đi chùa, trên áo cài vải tang tưởng nhớ ông ngoại, lúc cử hành lễ quy y, em đọc phát nguyện theo thầy rất to. Em gọi sư phụ mình là “Bụt” và niệm Phật thường xuyên theo lời mẹ dạy, để hướng tình thương về cho ông của mình.

Nhờ buổi quy y thế này mà tình thương hiện diện nhiều hơn, mùa Phật đản thêm phần ý nghĩa, các em vui, phụ huynh cũng vui và hơn hết là những hạt giống lành đã được ươm mầm, trong sự kiện đặc biệt với người Phật tử.

Trong niềm vui chung, Đại đức trụ trì bộc bạch: “Lúc sinh thời, Hòa thượng Thích Giác Vinh trụ trì tiền nhiệm rất quan tâm đến công tác an sinh xã hội và công tác hoằng pháp lợi sinh. Tiếp nối tinh thần đó, tôi trăn trở và mong muốn làm thêm được điều gì đó cho các em, cho các Phật tử, để ngôi già-lam là nơi ươm mầm, lan tỏa yêu thương”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày