Phật giáo vững chãi cùng dân tộc

GN - Tìm hiểu Phật giáo Quảng Trị, nơi có nhiều vết thương chiến tranh nhất và cảm được sự vững chãi của đạo Phật nơi đây, vốn là điều hiển nhiên: nơi gian khổ, nghèo khó nhất chính là nơi trui rèn cho đạo lực thêm mạnh mẽ…

1. Trong hiểu biết lịch sử của chư tôn Hòa thượng giáo phẩm Phật giáo tỉnh Quảng Trị thì Phật giáo được truyền vào tỉnh nhà cách đây khoảng 500-600 năm, cùng thời gian với Thừa Thiên Huế. Dấu tích của các ngôi cổ tự không còn do dòng thời gian và nhất là sự ác liệt của chiến tranh nên chùa chiền, làng ấp bị tàn phá một cách khốc liệt. Hiện nay, ngôi chùa cổ nhất còn lại ở Quảng Trị, cũng là chùa Tổ tọa lạc tại Ái Tử (Triệu Phong, Quảng Trị) chính là chùa Sắc tứ Tịnh Quang (Theo Từ điển Di tích Văn hóa Việt Nam, chùa do Tổ sư Chí Khả khai sáng vào năm 1739 đời vua Lê Ý Tông, năm thứ hai đời chúa Nguyễn Phúc Khoát, với tên gọi ban đầu là Tịnh Nghiệp).

ߦónh Ch+¦a Cam Lß+Ö cß+ºa HT Tr¦¦ß+ƒng BTS Quߦúng Trß+ï.JPG

Chùa Cam Lộ (huyện Cam Lộ) cũng là nơi liên lạc công việc của BTS THPG Quảng Trị
vì đây là trú xứ của HT.Thích Thiện Tấn, Trưởng ban - Ảnh: L.Đ.L

Tỉnh Quảng Trị thuộc vùng Bắc Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Bình, phía Nam giáp tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Tây giáp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và phía Ðông giáp biển Ðông. Tỉnh có 1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện.

Phật giáo Quảng Trị có 207 ngôi tự viện, với khoảng 180 người xuất gia (trong đó có 80 Tăng Ni đã thọ Ðại giới). Trải qua 30 năm thành lập, với 6 nhiệm kỳ, 3 đời Trưởng BTS (gồm cố HT.Thích Chánh Trực, cố HT.Thích Chánh Liêm và nay là HT.Thích Thiện Tấn).

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, mảnh đất Quảng Trị đã chứng kiến nhiều nỗi đau, mất mát nhưng cũng là niềm tự hào vì theo HT.Thích Thiện Tấn, đây là nơi phát xuất ra những bậc Tăng tài cho đạo pháp, là nơi mà số lượng người đi xuất gia nhiều nhất (ước tính trên 6.000 Tăng Ni đi tứ phương - NV).

Sinh ra nơi mảnh đất là khúc eo, là “đòn gánh” của hai đầu đất nước, chịu nhiều khổ đau vì thiên tai, vì chiến tranh nên theo quý Hòa thượng, con người nơi đây nhận thức về nỗi khổ khá dễ để rồi người Quảng Trị đã chọn đạo Phật là cứu cánh, tu tập giải thoát khổ đau. Và đó là lý do vì sao Phật giáo âm ỉ thấm vào lòng người Quảng Trị, biểu hiện rõ từ số lượng người xuất gia tu học cũng như Phật tử địa phương thuần mến Phật, theo Phật.

Quảng Trị là quê hương huyết thống của bao bậc danh tăng Việt Nam: Tổ sư Nhất Ðịnh (khai sơn chùa Từ Hiếu), Trưởng lão HT.Thích Giác Nhiên (Ðệ nhị Tăng thống GHPGVNTN), Trưởng lão HT.Thích Ðôn Hậu (Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HÐCM GHPGVN), Trưởng lão HT.Thích Trí Thủ (Ðệ nhất Chủ tịch HÐTS GHPGVN), HT.Thích Chánh Trực (Chánh đại diện GHPGVNTN, Trưởng ban Trị sự THPG đầu tiên), HT.Thích Chánh Liêm (Trưởng ban Trị sự THPG)…

Hiện nay toàn tỉnh có 207 cơ sở thờ tự của Phật giáo, tuy nhiên, chư Tăng Ni đã thọ Ðại giới trú xứ tại địa phương chỉ có 80 vị, ngoài ra còn có khoảng 100 chúng Sa-di, Thức-xoa, Sa-di-ni tu tập tại các tự viện nên việc hoằng pháp vẫn còn khó khăn do thiếu người. Vài năm trở lại đây, với chính sách cởi mở, một số Tăng Ni gốc tỉnh nhà quay về mảnh đất Quảng Trị để hành đạo, hoằng pháp. Tuy nhiên, theo HT.Thích Thiện Tấn, Trưởng ban Trị sự, những vị quay về có nhiều vị có bằng cấp nhưng hoạt động Phật sự, đối nội, đối ngoại đôi khi còn chưa khéo léo, tích cực nên cũng là nguyên nhân của việc Tăng Ni tham gia vào các ban, ngành thuộc BTS vẫn còn ít. Cơ cấu nhân sự trong BTS hiện tại cư sĩ vẫn chiếm tỷ lệ khá cao, nắm giữ nhiều trọng trách như Văn hóa, Từ thiện xã hội, Chánh Thư ký…

2. Nói về những thành tựu đạt được, HT.Thích Thiện Tấn và HT.Thích Trí Hải (Phó ban Trị sự) đều khẳng định những thành tựu đạt được còn hạn chế do điều kiện khách quan lẫn chủ quan. Nhất là nhiệm kỳ qua, BTS có sự thay đổi về nhân sự (sau khi HT.Thích Chánh Liêm viên tịch) cũng như chư tôn Hòa thượng Phó BTS vì bệnh duyên, lớn tuổi nên các công tác Phật sự tham gia chưa sâu sát. Kể về các công tác Phật sự đạt được, Hòa thượng Trưởng ban cho biết, trong Tăng sự thì BTS đã mời gọi chư Tăng Ni địa phương đi học xa hoặc xuất gia nơi khác về tham gia Phật sự tại tỉnh nhà và con số nâng lên từ 20-30 vị lên 80 vị, một số địa phương xa như huyện Hướng Hóa, Ðakrông đã có cơ sở Phật giáo, có hình bóng tu sĩ về làm đạo và được bà con hưởng ứng.

Riêng, Ban Kinh tế-Tài chánh và Từ thiện xã hội thì có phong trào “Tích lũy công đức để cúng dường Phật sự” bằng cách vận động các Ban Ðại diện, kêu gọi các chùa, Phật tử cùng nuôi heo đất. Thông qua hình thức này, bà con nghèo ở nông thôn và Phật tử không có điều kiện cúng dường cũng có thể tạo công đức và HT.Thích Thiện Tấn cho rằng đây là sáng kiến hợp lý, ứng dụng tốt đối với đời sống đồng bào Phật tử địa phương vốn nghèo, cũng như “thói quen” cúng dường của đa số người miền Trung.

3. Sau những thành tựu, nhìn lại những tồn tại, chưa làm được thì HT.Thích Thiện Tấn đánh giá, cũng còn nhiều đó, nhưng không lo lắm vì trong nhiệm kỳ sắp tới này BTS chắc chắn sẽ có những sáng kiến cụ thể, thực hiện rốt ráo, kiên quyết đưa Phật giáo Quảng Trị phát triển mạnh lên, xứng tầm với truyền thống lịch sử Phật giáo địa phương. Cụ thể là việc thành lập Trường Trung cấp Phật học Quảng Trị, tuy đã xong về mặt thủ tục, nhưng vẫn còn chưa có địa điểm thuận lợi và đặc biệt là tài chánh còn hạn hẹp.

Hòa thượng bộc bạch: “Giáo hội nghèo quá thì muốn làm gì cũng khó, nên tuy có nhiều Phật sự muốn làm lắm nhưng rồi rốt cuộc đành bỏ ngỏ”. Ðồng thời, trong nhiệm kỳ này, BTS PG tỉnh Quảng Trị sẽ thêm mới các ban, ngành và kiện toàn lãnh đạo các ban cũ như với Ban Văn hóa, đạo hữu Trưởng ban vì bệnh duyên nên nhiệm kỳ qua làm chưa tốt công việc, trong nhiệm kỳ này sẽ có người thay thế. Còn các ban mới sẽ thành lập trong đại hội lần này gồm Ban Pháp chế, Phật giáo Quốc tế và Phân ban đặc trách Ni giới. Chính từ việc tổ chức lại bộ máy như thế này, chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo Quảng Trị hy vọng các công tác Phật sự sẽ vận hành suôn sẻ, nhịp nhàng hơn, đạt được thành tựu lớn hơn trong nhiệm kỳ mới này.

Ngoài ra, trong công tác hoằng pháp cũng tiếp tục được đưa vào nhiệm vụ trung tâm, cụ thể như việc xây chùa trên huyện đảo Cồn Cỏ (đã được Hòa thượng Trưởng ban hứa khả sau khi có lời ngỏ ý từ phía chính quyền địa phương); việc đề xuất lãnh đạo tỉnh và tiếp xúc với lãnh đạo huyện Vĩnh Linh để tạo thông thoáng trong công tác hoằng truyền Chánh pháp đến nhân dân, đặc biệt là việc thành lập cơ sở thờ tự tại địa phương Vĩnh Linh sẽ được xúc tiến.

HT.Thích Thiện Tấn và HT.Thích Trí Hải đều có một niềm tin là rồi đây, với tinh thần được truyền từ xưa tới nay là “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc” sẽ là chìa khóa giúp cho Phật tử tại Vĩnh Linh được thỏa mong ước về ngôi bảo điện được mọc lên tại đấy. Bởi thực tế, nhu cầu học Phật, tín ngưỡng đạo Phật của người dân nơi đây là có thật, bằng chứng là hàng tháng vào ngày sám hối, hoặc mùng 1, rằm, lễ lớn, Tết… bà con đều lặn lội đến các chùa như Sắc tứ Tịnh Quang, Cam Lộ, Phật Học… (cách xa hàng chục km) để lễ Phật, tham dự pháp hội.

4. Nói về phương hướng cũng như mong muốn, gửi gắm tới toàn thể Tăng Ni, Phật tử trong tỉnh, quý Hòa thượng lãnh đạo BTS chia sẻ rằng: “Ba công tác lớn mà BTS tập trung trong nhiệm kỳ này chính là làm cho tốt công tác giáo dục Tăng Ni, mà cụ thể là thành lập cơ sở Trường  Trung cấp Phật học tỉnh, thu hút Tăng tài về phục vụ, chăm lo công tác này, đồng thời khuyến tấn những vị đã về cố gắng học hỏi, sát cánh cùng BTS trong các Phật sự chung, tạo niềm tin nơi địa phương cũng như đồng bào Phật tử… Hoằng pháp cũng chú trọng, đẩy mạnh hoằng pháp vùng sâu, vùng xa (tuy khó về tài chánh, nhân sự dấn thân) nhưng sẽ cố gắng để làm. Ðồng thời, hướng dẫn tu tập tại các đạo tràng để các sinh hoạt đạo tràng đi vào nề nếp, quy củ!”.

Đình Long

HT.Thích Thiện Tấn (ảnh), Trưởng BTS PG tỉnh Quảng Trị:
“Trong công tác Phật sự phải đoàn kết, vượt khó…”

ߦónh HT Th+¡ch Thiß+çn TߦÑn - Tr¦¦ß+ƒng BTS Quߦúng Trß+ï.JPG

Trước thềm Ðại hội PG tỉnh nhà, HT.Thích Thiện Tấn đã chia sẻ rất cởi mở với PV Giác Ngộ về tất cả những vấn đề liên quan đến Phật giáo Quảng Trị và cả hoạt động chung của Giáo hội. Hòa thượng nhấn mạnh:

Làm việc Phật sự thì phải đoàn kết, vượt khó, đồng thời phải sáng tạo và biết lắng nghe ý kiến, quan tâm tới thực tế cuộc sống, tu hành của Tăng Ni, Phật tử mà phối hợp nhằm làm cho bộ máy linh hoạt hơn. Nhiệm kỳ vừa qua, do BTS chủ yếu là các vị lớn tuổi lại chưa quan tâm đến việc thu hút Tăng Ni trẻ về phụng sự đạo pháp nên công việc chưa đạt yêu cầu, song nhìn chung đạt được như thế đã là sự cố gắng. Nhiệm kỳ này, BTS mới sẽ duy trì chế độ họp và làm việc nghiêm túc, tuy vẫn chưa có văn phòng BTS nhưng tại chùa Sắc tứ Tịnh Quang và Cam Lộ là nơi mà BTS thường họp để xử lý công việc.

Chúng tôi đang cho phép Tăng Ni về quê hương để rèn luyện, làm việc, và cần có thử thách, qua quá trình làm việc, tu tập, các vị sẽ là thế hệ kế thừa. Chúng tôi (Trưởng, Phó BTS) người thì lớn tuổi, người thì bệnh duyên… nên cần lắm người kế thừa, phải đào tạo từ bây giờ. Hy vọng, nhiệm kỳ tới đây, sẽ tạo được sức bật mới từ chính những phương hướng đề ra, trong đó giáo dục Tăng Ni, hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử sẽ được đẩy mạnh để Chánh pháp được đến với nhiều người. Qua đây, cũng cảm ơn chính quyền địa phương đã tạo nhiều thuận lợi để Phật giáo phát triển, tuy còn có chỗ hành chính vẫn chưa thông, song Phật giáo từ xưa tới nay luôn luôn là tôn giáo đồng hành cùng dân tộc thì không có lý do gì Phật giáo không phát triển sâu rộng trong quần chúng cả!

Chúc Thiệu ghi

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày