GN - Phát huy giá trị di tích chùa cổ đi đôi với phát triển du lịch là bài toán đã được đặt ra từ lâu. Nghe có vẻ hợp lý và đơn giản, nhưng đến nay, vẫn không dễ để tìm được đáp án, khi nhận thức của con người về văn hóa đang mất dần định hướng, còn giá trị của di tích thì cứ ngày một suy giảm.
Du lịch tâm linh tại Việt Nam
Nói về mối tương quan mật thiết giữa Phật giáo và văn hóa dân tộc, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Trần Đình Sơn nhận định: “Phật giáo đã đi sâu vào tâm thức của con người Việt Nam từ những buổi sơ khai. Con người khai hoang đến đâu thì việc đầu tiên họ làm là lập chùa, nên trong dân gian hay có câu nói “đất vua chùa làng” là vậy. Phật giáo, mà đại diện là những ngôi chùa, đã gắn liền với lịch sử và thể hiện rõ nét văn hóa giàu bản sắc của dân tộc Việt Nam”.
Quốc tự Thánh Duyên tại cố đô Huế - Ảnh: H.Độ
Ở khía cạnh khác, ngôi chùa với những đường nét kiến trúc cổ kính của bao lam, hoành phi, liễn đối được chạm khắc tinh xảo, những cột kèo, hàng mái ngói âm dương tạo ra không gian tĩnh tịch; hay kiểu kết cấu nhà ba gian hai chái, giữ nguyên cổng tam quan... đều thể hiện sắc nét sự sáng tạo trong đời sống văn hóa nghệ thuật, mang đậm dấu ấn của nhiều thế hệ nghệ nhân xưa kia.
Xét ở góc độ văn hóa, lịch sử hay nghệ thuật, chúng ta cũng đều có thể tự hào trước những di tích Phật giáo của nước nhà. Song, tự hào nghĩa là phải gìn giữ và phát huy cho được giá trị của di tích đó, và với những giải pháp được tính đến, du lịch tâm linh luôn là hướng đi khả quan nhất.
Có thể lấy nhiều quốc gia đã thực hiện tốt mô hình này, như Nepal, Sri Lanka, hay Thái Lan, Myanmar... làm ví dụ. Đặc biệt là Ấn Độ, “cái nôi của Phật giáo”, nơi những chứng tích chỉ còn là tàn tích qua nhiều biến cố lịch sử, dù vậy, họ vẫn đang phát huy rất tốt những giá trị tại các di tích Phật giáo của mình bằng mô hình du lịch tâm linh.
Tuy nhiên, một quốc gia mà đạo Phật là tôn giáo có lịch sử gắn bó hai ngàn năm, với trên dưới 44.000 di tích Phật giáo được trong và ngoài nước công nhận, và hơn một nửa là di tích chùa cổ rải rác khắp cả nước, vốn dĩ phải là quốc gia mạnh về du lịch tâm linh thì “ngành công nghiệp không khói” này lại đang “ngủ quên”. Mặc khác, GS.TS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, nguyên Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, khẳng định: “Ở Việt Nam, việc khai thác du lịch di sản văn hóa không hợp lý, gây ảnh hưởng sai lệch các giá trị văn hóa và gây nên sự xuống cấp di sản văn hóa một cách thảm hại”.
Những giá trị thiết thực
Với sự phát triển không ngừng của xã hội, con người nảy sinh nhu cầu tìm tòi, khám phá những điều mới lạ. Và vì vậy, du lịch tâm linh trở thành một xu hướng mới của con người hiện đại, khi bên cạnh thú vui vãn cảnh, người ta còn có cơ hội tiếp xúc, lắng nghe, học hỏi pháp Phật, được hòa mình với thiên nhiên và cảm nhận sự yên bình. Theo thống kê hàng năm, số lượng khách hành hương tìm đến các đền, chùa, miếu, các thánh tích Phật giáo... ngày càng đông. Qua đó, “khai thác được mô hình du lịch tâm linh sẽ tạo điều kiện để con người nhận thức sâu hơn về giá trị của di tích, từ đó nâng cao ý thức về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa”, GS.TS Ngô Đức Thịnh cho biết.
Nói cách khác, sử dụng di tích với mục đích du lịch, cần thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra, rà soát kết cấu của di tích, kịp thời tu bổ khi xảy ra tình trạng xuống cấp để duy trì và khai thác tốt giá trị của di tích một cách lâu dài. Điều đó giúp cho các di tích cổ tự giảm thiểu được đáng kể tình trạng hoang phế, tạo điều kiện cho khách hành hương viếng thăm, tu học nhiều hơn, đem lại diện mạo mới cho sự phát triển của di tích nói chung và môi trường Phật giáo nói riêng. Đồng thời, nguồn lợi nhuận thu được từ mô hình này có thể phần nào chia sẻ gánh nặng trong công tác tu bổ di tích của Nhà nước và hỗ trợ đáng kể về đời sống cho Tăng Ni, Phật tử lưu trú tại các di tích cổ tự.
Trên phương diện văn hóa, mô hình du lịch tâm linh còn góp phần truyền bá mạnh mẽ văn hóa bản địa nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - ông Nguyễn Văn Tuấn, trong Hội nghị quốc tế về Du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững, lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam năm 2013, tại Ninh Bình - cũng từng khẳng định: “Thông qua du lịch tâm linh, các dân tộc, các nền văn hóa sẽ đoàn kết và kết nối với nhau, cùng nhau bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống giàu bản sắc”. Bên cạnh sự hòa nhập của văn hóa con người, văn hóa Phật giáo cũng theo đó được truyền đi rộng khắp, góp phần mở ra nhiều không gian thanh tịnh, nhu hòa, lan tỏa hơn nữa sự tĩnh lặng, lòng từ bi và tình yêu thương theo đúng tinh thần nhà Phật.
Ngoài ra, không thể phủ nhận lợi ích kinh tế mà du lịch mang lại cho ngân sách quốc gia. “Ngành công nghiệp không khói” này dù ở mô hình nào vẫn thu hút được một lượng lớn du khách nước ngoài đến với Việt Nam. Điều này kéo theo các sản phẩm du lịch, như hình thức kinh doanh nhỏ lẻ, dịch vụ giải trí kết hợp với văn hóa bản địa và nhiều dịch vụ khác đáp ứng cho nhu cầu thị hiếu của khách du lịch ra đời. Từ đây cơ hội việc làm được mở ra cho các nhóm dân cư sinh sống tại khu vực có di tích, góp phần giải quyết thực trạng thất nghiệp, con số đang có chiều hướng gia tăng hàng năm tại các địa phương, nhất là những vùng dân tộc thiểu số. Như vậy, khi đời sống sinh hoạt cá nhân được cải thiện, kinh tế địa phương được hỗ trợ thiết thực, chắc chắn sẽ mang lại cho nền kinh tế đất nước nhiều khởi sắc đáng kể.
Khó khăn cần khắc phục
Với nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch nói chung và kho tàng di tích tôn giáo nói riêng, song mô hình du lịch tâm linh lại chưa thể phát triển mạnh mẽ như đã tiên dự, điều này tác động ít nhiều đến việc các di tích chùa cổ chưa thể phát huy triệt để giá trị vốn có, mà đã bị hoang tàn theo thời gian.
Được đánh giá là “ngành công nghiệp không khói”, đặc thù của du lịch là phải mang lại lợi nhuận cao bằng cách kết hợp với nhiều loại hình văn hóa, đòi hỏi sự biến đổi đa dạng để thu hút sự quan tâm của khách du lịch. Tuy nhiên, điều này lại trái ngược với đặc thù của công tác bảo tồn di sản văn hóa. Bởi “đối với việc bảo tồn di tích, tiên quyết là phải giữ được giá trị nguyên gốc, dù tôn tạo vẫn phải giữ được nguyên trạng, không vì một lợi ích nào mà làm biến dạng hoặc có quyền làm mới di tích. Do đó, bảo tồn di sản văn hóa không thể sinh ra lợi nhuận, cũng không nên chạy theo lợi nhuận”, KTS.Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích Việt Nam, cho biết.
Trong khi thực tế cho thấy, các di sản di tích đang bị thương mại hóa quá mức khi du lịch đề cao lợi nhuận, gây nên sự hư hại cho các giá trị văn hóa. Thay vì đánh thức tiềm năng du lịch tâm linh để phát huy giá trị di tích chùa cổ, thì nhiều nơi lại đề cao lợi nhuận hơn, từ đó đặt sự “hiện đại hóa” di tích chùa cổ làm mục tiêu phát triển cho du lịch. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều ngôi cổ tự trở thành “tân tự”, đồng nghĩa với việc chúng ta đang mất dần đi những giá trị văn hóa - lịch sử được nhìn nhận là bản sắc riêng của cả một dân tộc.
Qua đó, để phát huy tối đa giá trị của di tích chùa cổ mà vẫn giữ gìn và bảo tồn được nguyên vẹn nét văn hóa - lịch sử của nó, trên hết cần những nhà đầu tư thật sự có tâm huyết. Như bà Nguyễn Thị Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với báo Thanh Niên (số ra ngày 1-4-2016) khẳng định: “Tâm linh là lĩnh vực rất đặc thù nên nhà đầu tư vừa phải có tầm, vừa phải có tâm (…) họ phải phần nào đạt được sự hài hòa giữa kinh doanh và hoạt động xã hội thì du khách mới sử dụng dịch vụ, du lịch tâm linh vì thế mới trở thành sản phẩm bốn mùa”.
Phát triển du lịch, phát huy giá trị di tích, mà vẫn giữ được nguyên vẹn yếu tố văn hóa - lịch sử của nó theo thời gian, trước rất nhiều tác động từ trong lẫn ngoài, từ chủ quan đến khách quan, là một thử thách rất lớn đối với ngành du lịch và cả công tác bảo tồn, tu bổ của nhà nước. Tuy nhiên, “khó, nhưng không phải là không làm được”, KTS.Lê Thành Vinh khẳng định trong buổi làm việc liên ngành do Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh cuối tháng 4-2016 vừa qua.
>> Xem thêm: Hiện tượng “sợ” danh hiệu di tích || Sở VH-TT TP.HCM giãi bày về di tích cổ tự xuống cấp || Di tích quốc gia “có nguy cơ sập bất cứ lúc nào” ||