Phật tử gen Z: Họ nghĩ gì về Phật giáo hôm nay?

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Gen Z - thế hệ sinh trong thời kỳ internet phát triển, là những người được tiếp cận sâu rộng với thế giới bằng công nghệ, vươn dài cánh tay, cái nhìn ra thế giới dễ dàng hơn. Họ tiếp cận Phật pháp tốt hơn nhờ các nguồn tài liệu và thuyết giảng phong phú, và cách họ ứng dụng Phật pháp vào đời sống cũng sẽ khác đi.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1251 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1251 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Báo Giác Ngộ đã dành bàn tròn để quý thầy, sư cô trẻ và Phật tử cùng chia sẻ góc nhìn về Phật tử gen Z, lắng nghe để hiểu họ hơn. Hy vọng diễn đàn nhỏ này sẽ cùng góp một suy nghĩ cho việc hoằng pháp cho giới trẻ trong thời đại mới.

“Gen Z đối diện nhiều vấn đề, cần chia sẻ cho họ cách thiền tập, Phật pháp ứng dụng”

Thế hệ gen Z là những bạn trẻ sinh năm 1997 đến 2012. Đặc điểm của các bạn trẻ thế hệ này là sáng tạo trong tư duy, thích thể hiện bản thân, vượt qua những giới hạn, rất giỏi công nghệ. Các bạn luôn tìm ra những cái mới, thách thức bản thân, tạo ra những giá trị riêng trong thời đại bây giờ, tiệm cận với xu hướng toàn cầu. Lượng thông tin mà các bạn học hỏi, tiếp nhận cũng dồi dào, phong phú hơn thế hệ trước rất nhiều.

Đại đức Thích Đồng Tâm

Đại đức Thích Đồng Tâm

Tuy nhiên, thế hệ gen Z lại gặp nhiều khủng hoảng do sự cạnh tranh và do hoàn cảnh kinh tế xã hội hiện đại với nhiều thách thức khiến các bạn gặp áp lực cuộc sống rất nhiều. Nhất là với sự xuất hiện của AI - trí tuệ nhân tạo, dẫn đến những cạnh tranh lớn trong công việc, nghề nghiệp tương lai.

Vì vậy, có nhiều vấn đề tiêu cực mà các bạn thế hệ gen Z phải đối mặt. Hiện nay, tôi thấy có khái niệm chữa lành, với rất nhiều khóa học, khóa tu, thanh lọc, nuôi dưỡng tình thương… với mong muốn mang lại sự cân bằng, vững tâm. Điều này thể hiện sự thức tỉnh tâm linh nhưng cũng phản ánh việc áp lực trong cuộc sống khá nhiều khiến người trẻ phải tìm hướng quay về. Do vậy, ta phải hiểu thế hệ gen Z để có hướng tiếp cận, giáo dục, định hướng, hoằng pháp, mang Phật pháp gần gũi nhất, để các bạn có sự hứng thú với lời dạy của Đức Phật.

Bây giờ ta không thể hoằng pháp cho gen Z như thế hệ trước, không thể nặng về hướng niềm tin hay răn đe, mà phải chứng minh đạo Phật với tính khoa học, hiện đại. Để đáp ứng việc này, mỗi vị giảng sư ngoài việc học tập kiến thức, cũng phải lên các trang mạng xã hội để xem những bạn trẻ nghĩ như thế nào, tư duy thế nào. Chúng ta không chạy theo “trend” để thu hút, nhưng phải biết các bạn đó có xu hướng, sở thích, có gu như thế nào trong việc tư duy và tiếp cận thông tin. Để từ đó, chúng ta học cách sáng tạo ra đường hướng đưa thông tin, bài học của đạo Phật cho các bạn dễ tiếp cận.

Tôi nghĩ, chúng ta phải học, làm mới tư duy, biết cách tiếp cận các bạn trẻ. Bản thân tôi cũng có giảng các khóa tu cho người trẻ gen Z, các bạn tiếp thu rất nhanh. Nếu giảng theo đường lối cũ sẽ khiến các bạn dễ chán. Muốn giới trẻ dễ tiếp cận đạo Phật, thấy đạo Phật gần gũi, dành cho chính họ, thì chúng ta phải có ngôn ngữ mới, ngôn ngữ của gen Z, phù hợp với các bạn.

Qua đó, giúp cho các bạn thấy một đạo Phật của các bạn chứ không phải đạo Phật theo cách tiếp cận của ông bà, cha mẹ. Trong công tác này, chúng ta có thể ứng dụng thiền, Phật học ứng dụng bởi những giáo lý về thiền sẽ không lỗi thời và cũng sẽ rất dễ cho các bạn trẻ có tư duy logic, giỏi về khoa học, những người có cái nhìn mới để ứng dụng và khi thực tập, các bạn thấy có hiệu quả, hạnh phúc, an lạc chứ không phải hứa hẹn tương lai hay một niềm tin mầu nhiệm nào đó.

Trong tinh thần này, người hoằng pháp phải luôn đổi mới tư duy, góc nhìn, ngôn ngữ sao cho gần gũi nhất với các bạn gen Z.

Đại đức Thích Đồng Tâm (giảng viên Khoa Pali và Phật học - Học viện Phật giáo Quốc tế Sri Lanka, Phó ban Phật giáo Quốc tế GHPGVN TP.Cần Thơ)

“Tôi thấy các bạn gen Z không tin theo một cách mù quáng”

Các bạn gen Z khi đến với Phật giáo rất tinh tấn và trí tuệ. Nghĩa là các bạn không mù quáng tin theo một người nào đó hoặc tin theo những chỉ bảo của người đi trước mà không tự mình kiểm chứng. Các bạn tìm hiểu Phật giáo một cách rất nghiêm túc. Các bạn tiếp cận với Phật giáo, ứng dụng lời Phật dạy vào giải quyết nỗi khổ niềm đau, đơn giản là đối diện với những điều bất như ý.

Sư Minh Giải

Sư Minh Giải

Gần đây tôi có cơ hội trò chuyện với hai bạn trẻ. Có hai điều mà các bạn chia sẻ khi tới với Phật giáo đó là tìm hiểu kinh điển, không theo niềm tin mù quáng, có tri kiến riêng. Trước đó, khi tới với Phật giáo, cha mẹ đọc kinh các bạn không hiểu hết, thậm chí không hiểu lời kinh. Ngày nay các bạn tìm tới kinh điển, có thể đi sâu vào lời kinh bằng ngôn ngữ tiếng Việt và cả ngoại ngữ (tiếng Anh). Khi đó các bạn hiểu lời kinh, lời dạy của Đức Phật, phân định được đâu là lời dạy nguyên thủy của Đức Phật, đâu là những điều do các vị khác nói hay viết ra.

Thứ hai, tìm tới Phật giáo, các bạn có tri kiến riêng, có góc nhìn riêng, có tư duy cực hạng, đứng trên đỉnh của một tam giác, sau đó các bạn nhận định, đánh giá vấn đề theo nhiều góc độ khác nhau. Thời nay, công nghệ thông tin phát triển nên các bạn sẽ tìm hiểu rất kỹ, nhờ đó các bạn hiểu lời kinh và ứng dụng rất tốt vào cuộc sống.

Hiểu về thế hệ Phật tử gen Z, mỗi giảng sư cũng cần phải tự nâng cao kiến thức (cả nội điển và ngoại điển), tự trau dồi cách thức chia sẻ pháp sao cho mỗi lời bài giảng đúng với tinh thần và lời dạy của Đức Phật nhưng vẫn chặt chẽ, logic, dễ hiểu, không mang tính hù dọa hoặc mê tín. Có như vậy thì Phật pháp mới dễ tiếp cận người trẻ.

Sư Minh Giải (tu học tại chùa Huyền Không - TP.Huế)

“Tăng Ni hòa nhập cùng gen Z nhưng đừng hòa tan”

Việc hoằng pháp cho giới trẻ ngày nay là một vấn đề nan giải, nói dễ thì cũng rất dễ mà khó thì cũng rất khó. Theo đó, dễ hay khó còn phụ thuộc rất nhiều vào việc đối tượng như thế nào và trình độ của người hướng đạo ra sao. Bởi vì mọi nhận thức về quan điểm sống, tư duy, cái nhìn về thế giới của gen Z ngày nay khác xa với thế hệ trước.

Sư cô Thích nữ Diệu Trạm

Sư cô Thích nữ Diệu Trạm

Ngày xưa, đời ông bà cha mẹ ta, họ rất khổ. Chữ khổ đã thấm sâu vào máu thịt của họ, nhất là những người sống trong hai thời kỳ: chiến tranh và xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Đời sống con người lầm than, cay đắng, nên khái niệm về khổ đã thấm sâu, vì thế mà tôn giáo thời đó đối với họ như là một chiếc phao cứu sinh, như là một niềm hy vọng để nương vào mà bước qua đời sống khổ đau tâm thức. Nhiều khi khổ đau quá, họ còn đâm ra sợ hãi, ai nói gì làm đó, ai hù dọa gì cũng làm theo, chỉ để mong bước qua được tai ương, trở ngại, vì hạt giống lo sợ trong tâm thức họ có rất nhiều.

Thời đó, công nghệ và “network” chưa phát triển, cho nên họ cũng không có nhiều thời gian và cơ hội để tìm hiểu về tôn giáo nói chung và các phương pháp tu học của đạo Phật nói riêng. Vì thế mà người hướng đạo chia sẻ gì thì họ nắm bắt như vậy và thực tập, ít được hiểu sâu về giáo lý. Cầu xin, cúng bái là phương tiện để họ nương vào, thông qua niềm tin là điều cốt lõi. Chung quy cũng chỉ để mong một đời sống ấm no, bớt khổ, chứ cũng không mong gì nhiều về các phương tiện phát triển tuệ giác, giải thoát cho hiện tại và mai sau.

Còn bây giờ, giới trẻ đã được may mắn sống trong một kỷ nguyên mới, thời kỳ hòa bình và phát triển. Đa phần các em không còn phải nặng nề tâm lý về đời sống đói no, gạo cơm thường tình như ngày xưa. Nhưng bây giờ các em phải đối mặt với một vấn nạn mới, đó là đói no về cảm xúc và tâm lý bất ổn, stress, trầm cảm là tình hình chung. Bởi vì các em luôn phải đối mặt với thách thức của thời đại mới, chỉ tập trung kết nối công nghệ mà mất dần đi sự kết nối với truyền thống văn hóa tâm linh cũng như kết nối với chính mình và con người. Vì thế mà lý do ban đầu các em tiếp cận với Phật giáo đa phần là vì muốn tìm cách cân bằng lại cảm xúc, học cách kết nối với chính mình, tìm được niềm vui trong tâm thức chứ không thiên về hướng cầu cúng tâm linh, tôn giáo nhiều như thế hệ trước.

Mặt khác, thực sự giới trẻ bây giờ rất thông minh, năng động, được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa của nhân loại, rất giỏi về công nghệ, kỹ thuật và khoa học. Vì thế, để hướng dẫn, chia sẻ cho giới trẻ tin hiểu và thấm sâu vào Phật pháp là điều rất khó. Ngoài việc Tăng Ni phải là người có trình độ, am hiểu thâm sâu về giáo lý, hiểu rõ về tâm lý, thì Tăng Ni thực sự phải là người có pháp hành và biết cách khéo léo truyền tải Phật pháp và áp dụng vào nhiều phương tiện uyển chuyển khác nhau, phù hợp với căn cơ và thời đại.

Nếu muốn Phật pháp đến gần hơn với giới trẻ, đạo Phật phải được làm mới. Tăng Ni không những phải giỏi về nội điển và ngoại điển mà còn phải chấp nhận dấn thân, thay đổi, hòa nhập với thời đại mới để am hiểu tâm lý giới trẻ, nhưng không được hòa tan và vẫn phải giữ đúng chuẩn mực, oai nghi, sự vững chãi và tuệ giác của một người xuất sĩ thời kỳ mới. Từ đó, đạo Phật mới có thể tiếp cận và trở thành một điểm tựa tâm linh vững chãi cho mọi nguời.

Điều quan trọng nhất trong công trình hoằng pháp của một người xuất gia mà chúng ta cần nói đến đó chính là tâm lượng. Tâm lượng của vị xuất gia đó phải thực sự rộng lớn, phải biết nghĩ đến sự thịnh suy của Phật giáo, phải có tâm nguyện dấn thân, làm tốt đạo đẹp đời, đặt lợi ích của chúng sanh lên trên lợi ích cá nhân, làm tất cả bằng tâm chân thành thì mới có thể bền bỉ đi trên con đường hoằng pháp lâu dài được, bằng không thì rất dễ thối tâm giữa những khó khăn, cạm bẫy và vấn nạn của thời đại mới.

Thích nữ Diệu Trạm (từ Michigan, Hoa Kỳ)

“Phát huy thế mạnh các bạn gen Z”

ThS.Trịnh Hoàng Xuân Phúc

ThS.Trịnh Hoàng Xuân Phúc

Theo tôi, người trẻ hiện nay đặc biệt là giới trẻ gen Z có những thế mạnh nhất định. Các bạn là thế hệ tiếp cận sớm nhất với công nghệ kỹ thuật số như internet, điện thoại thông minh, trí tuệ nhân tạo… Chính vì vậy các bạn trẻ gen Z có nhiều lợi thế trong việc tiếp thu, truyền thông và lan tỏa nhanh nhất việc học Phật pháp trong kỷ nguyên số.

Họ đến chùa và nhìn đạo Phật với lăng kính đa màu sắc, mang hơi thở của thời đại và khoa học. Vì vậy, các vị tu sĩ cần phải cập nhật những thông tin hay bắt kịp những “trend” của họ để nội dung chia sẻ Phật pháp không bị lỗi thời với gen Z.

Tuy nhiên dù có là “gen” gì, theo “trend” nào đi nữa thì giáo pháp của Đức Phật phải bất biến, không đi lệch lạc với tư tưởng của chư Phật, chư Tổ.

ThS.Trịnh Hoàng Xuân Phúc (Đạo diễn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông, tư vấn hướng nghiệp của một trường đại học)

Gen Z nghĩ gì về việc học Phật?

- Tôi biết đến chùa từ ba mẹ. Khi đó, ba mẹ cho tôi tham gia sinh hoạt Gia đình Phật tử và quen dần rồi thấy thích, dù trước đó không thích. Là một gen Z, tôi thường đi chùa tụng kinh vào cuối tuần; khi căng thẳng, tôi cũng ngồi thiền để cân bằng lại.

Phật tử Nguyễn Hữu Thịnh

Phật tử Nguyễn Hữu Thịnh

Tôi có nền tảng về truyền thông nhờ ba định hướng và hỗ trợ. Tôi có một kênh mạng xã hội và thường sáng tạo nội dung liên quan đến chùa chiền, đặc biệt ngôi chùa mà mình đang đi; thực hiện nội dung về kiến trúc, kinh tạng, sinh hoạt của Phật tử và được nhiều người bạn của mình thích, “thả tim”.

Nếu gặp người trẻ như mình, chắc chắn tôi sẽ chia sẻ giá trị của Phật pháp. Mỗi người đều có thể là đại sứ lan tỏa Phật pháp, và việc lan tỏa lời Phật dạy ngày nay không chỉ theo cách trực tiếp mà còn qua các kênh mạng xã hội. Điều quan trọng là mỗi người biết chọn lọc nội dung phù hợp để đăng tải.

Phật tử Nguyễn Hữu Thịnh (TP.Thủ Dầu Một)

- Tôi đi chùa từ nhỏ, đến với đạo Phật từ nền tảng gia đình. Ông bà là Phật tử thuần thành ở Đắk Lắk, gia đình có hai người xuất gia. Từ nhỏ tôi đã thích thú khi nghe những câu chuyện về cuộc đời Đức Phật, thấy Ngài rất tốt, đáng để mình học hỏi (cười). Tôi thích nhất lời dạy của Đức Phật về yêu thương, từ bi.

Nguyễn Văn Hữu Phúc

Nguyễn Văn Hữu Phúc

Nhờ lời dạy đó, khi nhìn vào đời sống, tôi cảm thấy mọi người đều đáng yêu, mong muốn giúp đỡ, đối xử với họ dễ thương hơn. Ở trường, là lớp trưởng tôi lễ phép với thầy cô, từ tốn với bạn bè, không cãi vã…

Là Phật tử, ứng dụng lời dạy của Đức Phật, từ lời nói, cử chỉ, hành động đều chuẩn mực, cân nhắc, cẩn thận (có chánh niệm). Ở chùa, tôi cũng là một huynh trưởng nên những gì mình đăng lên mạng xã hội cũng chuẩn mực. Tôi thường giới thiệu cho bạn bè mình về ngôi chùa mình đi, từ đó giúp họ mến đạo Phật hơn.

Tôi cũng thường nghe pháp của thầy Pháp Hòa, thầy Thiện Xuân vì các thầy nói vui, dễ hiểu. Tôi ít ngồi thiền nhưng thường đọc kinh, để giúp tâm mình an lạc hơn. Bạn trẻ bây giờ thích đi chùa nhưng đa số để chụp hình, thắp nhang, cầu nguyện. Nếu tìm hiểu thêm về giáo lý, chắc chắn các bạn sẽ có những ứng dụng lời Phật dạy vào đời sống một cách thiết thực.

Thời đại ngày nay có nhiều phương tiện truyền thông, mạng xã hội, một Phật tử có thể tạo nội dung về lời Phật dạy, những căn bản, dễ hiểu để đăng tải thì giá trị của đạo Phật sẽ đến với đông đảo cộng đồng hơn.

Nguyễn Văn Hữu Phúc (chùa Hội Khánh, Bình Dương)

- Quê tôi ở Quảng Ngãi. Từ nhỏ đã biết đến chùa quê, chủ yếu đến để tụng kinh, cầu nguyện. Khi vào thành phố học, tôi được trải nghiệm học Phật thú vị hơn.

Phật tử Phan Thị Anh Thi

Phật tử Phan Thị Anh Thi

Tôi vẫn thường nghe giảng pháp. Qua bài giảng của giảng sư mình học hỏi được nhiều kiến thức, kinh nghiệm hay của các vị đã hành trì, như giá trị của tình yêu thương, cho đi.

Là thế hệ gen Z, tôi và các bạn đi chùa chung thường chia sẻ những bài viết về Phật giáo hay những nội dung giảng pháp hay lên mạng xã hội để những người bạn của mình có thể nhìn thấy. Ai có duyên có thể nghe và học hỏi, ứng dụng. Tôi nghĩ, không nhất thiết bạn phải là Phật tử mới được ứng dụng lời Phật dạy, bởi lời dạy của Đức Phật giúp điều chỉnh lối sống, suy nghĩ để con người trở nên tích cực, thiện lành hơn chứ không dành riêng cho đối tượng nào. Tôi hay nói với bạn bè như vậy khi họ băn khoăn không quy y có ngồi thiền hoặc đi chùa, nghe giảng pháp có được không.

Phật tử Phan Thị Anh Thi (Pháp danh Diệu Chơn)

Thường Tâm ghi

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày