Học sinh tiểu học làm luận về Đức Phật

Học sinh tiểu học tại Hà Lan tìm hiểu về đạo Phật trong một ngôi chùa được cải tạo từ thánh đường
Học sinh tiểu học tại Hà Lan tìm hiểu về đạo Phật trong một ngôi chùa được cải tạo từ thánh đường
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tôi không thể nghĩ được thực tế một học sinh tiểu học làm bài luận về Đức Phật trong một lớp học bình thường.

Tôi cũng không biết liệu có trường lớp tiểu học nào ở các nước xem Phật giáo như là quốc giáo cho học sinh làm luận với đề tài về Đức Phật hay không, cho đến khi tôi may mắn và tình cờ xem một website về giáo dục tiểu học và mầm non, viết bằng tiếng Anh…

Website FirstCry Intelli Education là một thương hiệu Giáo dục Mầm non và Tiểu học trực tuyến, với các sản phẩm, chương trình, nội dung đào tạo và dịch vụ được thiết kế bởi các nhà giáo dục có mấy chục năm kinh nghiệm, nhằm trang bị cho trẻ em những kỹ năng và kiến thức giúp trẻ thành công trong thế giới ngày mai.

Có vẻ như thương hiệu này có tính quốc tế, và ít nhất người xem cũng có thể đoán nhận website hướng về Ấn Độ và các nước Nam Á, kể cả Các Tiểu vương quốc UAE ở Trung Đông, dầu sao lợi ích cũng lan rộng đến nhiều nước sử dụng tiếng Anh.

Đối tượng của trang giáo dục này là trẻ em từ sơ sinh đến trẻ đi học, và chủ đề phục vụ là nuôi dưỡng, giáo dục và học tập, vui chơi, kỹ năng sống, và các nhu cầu tinh thần và thể chất của trẻ.

Trong nội dung dành cho Big Kid (trẻ em lớn), mục Learning and Education, tôi thích thú với “Essay on Gautama Buddha - 10 lines, Short and Long Essay for children” (Bài luận về Gautama Buddha - 10 dòng, bài luận ngắn và bài luận dài cho trẻ em). Tác giả là nhà văn nữ, nhà báo Shraddha Mishra, đã đề cập đến đối tượng học sinh tiểu học lớp 1, 2 (trẻ nhỏ), và lớp 3 (trẻ lớn).

Đây như là một kế hoạch chi tiết, giúp trẻ em làm luận về đề tài Đức Phật. Tác giả đã trình bày trước hết là những điểm then chốt để làm bài luận đó. Sau đó tác giả phân bài luận theo 3 mức độ: - bài có 10 dòng - bài luận ngắn - bài luận dài.

Trẻ em có thuận lợi để nuôi dưỡng con người Phật tử của mình bằng những kiến thức rất cơ bản về Đức Phật và đạo Phật, và là bước khởi đầu để các em trưởng thành trên bước đường theo Phật

Trẻ em có thuận lợi để nuôi dưỡng con người Phật tử của mình bằng những kiến thức rất cơ bản về Đức Phật và đạo Phật, và là bước khởi đầu để các em trưởng thành trên bước đường theo Phật

Sau đây tôi xin dịch nội dung hướng dẫn làm bài luận của tác giả, và những gợi ý nội dung để làm luận, tùy theo đối tượng.

Những điểm then chốt cần lưu ý:

- Các bài luận về Đức Phật Gautama nên có những sự kiện cơ bản về Ngài, chẳng hạn như nơi sinh, tên gia đình và cuộc đời Ngài khi nhỏ.

- Các bài viết cần có dòng mở bài và kết luận.

- Tường thuật các sự kiện trong cuộc đời Ngài nên theo trình tự thời gian để cuốn hút người đọc.

- Tránh đưa nội dung phóng đại vào bài luận và chỉ tập trung vào những sự kiện đơn giản.

Gợi ý 10 dòng về Đức Phật Gautama bằng tiếng Anh cho trẻ em

Các bài luận 10 dòng là khởi đầu tốt cho trẻ em làm luận. Đây là gợi ý một bài luận dành cho lớp 1 và lớp 2 về Đức Phật Gautama:

- Đức Phật Gautama là người khai sinh Phật giáo.

- Ngài sinh ra trong một gia đình hoàng tộc vào năm 623 trước Tây lịch ở Lumbini, Nepal.

- Cha Ngài là vua Shuddhodana, mẹ Ngài là hoàng hậu Maya.

- Mẹ Ngài mất ngay sau khi Ngài được sinh ra nên Ngài được mẹ kế Mahaprajapati nuôi dưỡng.

- Thời thơ ấu, Ngài còn được gọi là Siddharta.

- Gautama được cung cấp mọi thú vui vật chất để ngăn Ngài rời khỏi cung điện.

- Ngài mãi suy ngẫm sâu sắc khi lần đầu tiên nhìn thấy bệnh tật và cái chết, và quyết định tìm phương cách chấm dứt đau khổ.

- Gautama giã từ vợ và con trai Rahula, ra đi khỏi vương quốc để tìm giải pháp chấm dứt đau khổ.

- Sau sáu năm dài khổ hạnh và thiền định, cuối cùng Ngài đạt được giác ngộ dưới gốc cây Bồ-đề.

- Gautama dạy Bát chánh đạo để mỗi người tự giải thoát khỏi đau khổ cho đến khi qua đời.

Gợi ý bài luận ngắn về Gautama Buddha cho trẻ em

Một bài luận ngắn về Đức Phật Gautama là một bài tập tốt để kể lại một câu chuyện ngắn gọn. Trẻ em có thể học từ bài luận 150 từ này về Đức Phật Gautama:

Đức Phật Gautama là một trong những nhà lãnh đạo tâm linh nổi tiếng nhất trong lịch sử, người đã khai sinh Phật giáo.

Ngài sinh ra ở Lumbini, gần biên giới Ấn Độ-Nepal, vào thế kỷ thứ VI trước Tây lịch. Ngài sống trong một gia đình giàu có. Mẹ Ngài qua đời ngay sau khi Ngài chào đời, và Ngài được nuôi dưỡng như một hoàng tử với mọi tiện nghi và xa hoa có thể tưởng tượng được.

Không biết đến đau khổ hay cái chết, một ngày nọ, Gautama du hành trong vương quốc thì bất ngờ gặp những người bệnh và người chết. Vô cùng băn khoăn trước sự tồn tại của đau khổ trên thế gian, Ngài quyết định tìm cách thoát khỏi nó. Ngài rời vợ con để sống cuộc đời khổ hạnh và tìm lời giải cho những vấn đề hiện sinh.

Lang thang tìm kiếm sự thật, Ngài đến Gaya, ở đó Ngài ngồi dưới gốc cây Bồ-đề. Sau nhiều năm thiền định dưới gốc cây, cuối cùng Ngài đã đạt được giác ngộ vào một buổi sáng sớm. Từ đó Ngài bắt đầu giảng dạy những gì Ngài đã học được cho thế giới. Giáo lý của Ngài cuối cùng đã trở thành nền tảng của Phật giáo.

Gợi ý bài luận dài về Gautama Buddha cho trẻ em

Một bài viết dài cần có một câu chuyện hay để thu hút người đọc. Đây là một ví dụ về bài luận lớp 3 về Đức Phật Gautama:

Sinh vào thế kỷ thứ VI trước Tây lịch, Siddharta Gautama là hoàng tử của một vương quốc nhỏ ở vùng Terai của Nepal. Mẹ Ngài mơ ước rằng cậu bé lớn lên sẽ trở thành một vị vua hay một vị Thánh vĩ đại nhưng bà đã qua đời ngay sau khi cậu chào đời. Cha Ngài, vua Suddhodhana, lo lắng rằng Ngài có thể rời vương quốc để trở thành một vị Thánh và đã thay đổi môi trường của cung điện thành một trong những nơi tiện nghi và vui thú bất tận. Khi Gautama lớn lên thành một chàng trai trẻ, Ngài bị tránh xa bất cứ điều gì có thể khơi dậy những suy nghĩ tâm linh. Ngài kết hôn với Yashodhara, một công chúa xinh đẹp và có với Ngài một con trai tên là Rahula.

Một ngày nọ, khi đang du hành quanh vương quốc, Gautama nhìn thấy một người ốm yếu và một xác chết. Ngài cảm thấy băn khoăn vì điều đó vì Ngài chưa bao giờ biết đến đau khổ trong cuộc sống xa hoa của mình. Ngài sớm lo lắng rằng cuộc sống vui sướng rồi cũng có hạn định và không có gì là thường hằng. Suy nghĩ đó khiến Ngài bối rối sâu xa, Ngài tìm câu trả lời nhưng không có câu trả lời nào làm Ngài hài lòng. Gautama sau đó quyết định đi tìm giải đáp cho chính mình và rời khỏi gia đình cũng như vương quốc của mình.

Gautama tìm kiếm câu trả lời và học theo nhiều bậc thầy nhưng chưa bao giờ cảm thấy hài lòng. Ngài đã thử các kỹ thuật thiền định và mọi bí quyết. Cuối cùng, khi không có kết quả gì, Ngài bỏ đói bản thân vì nghĩ rằng thể chất của mình có vấn đề. Một người phụ nữ từ tâm đã mời Ngài cơm, và điều đó đột nhiên khiến Ngài lấy lại sức sống và nhận ra việc đày đọa bản thân không phải là phương cách tốt.

Hồi phục sau cơn đói, Ngài ngồi dưới gốc cây Bồ-đề và thề sẽ không rời đi cho đến khi giác ngộ. Nỗ lực của Ngài đã được đền đáp, và sau sáu năm dài tìm kiếm, cuối cùng Ngài đã đạt được giác ngộ dưới gốc cây Bồ-đề. Đức Phật Gautama đã hướng về con đường phía trước để giảng dạy những gì Ngài đã học và trở thành một nhà lãnh đạo tâm linh vĩ đại. Giáo lý của Ngài cuối cùng đã trở thành trung tâm của Phật giáo, một trong những tôn giáo được kính trọng nhất trên thế giới.

*

Qua nội dung nêu trên, trẻ em có thuận lợi để nuôi dưỡng con người Phật tử của mình bằng những kiến thức rất cơ bản về Đức Phật và đạo Phật, và là bước khởi đầu để các em trưởng thành trên bước đường theo Phật. Hình thức làm luận cũng là cách hay để trẻ em diễn tả kiến thức và tình cảm thể hiện qua bài viết và tự đánh giá được trình độ.

Nội dung đó cũng chứng tỏ đạo Phật đã đi vào chương trình chính quy của nhà trường tiểu học chính quy ở một số nước nào đó. Tuy nhiên, thực tế này khó mà phổ biến trên toàn cầu, và việc làm luận này chỉ là tham khảo. Phương cách là làm sao cho trẻ đến chùa và được trang bị kiến thức Phật giáo một cách nhẹ nhàng và vui vẻ, theo tinh thần tập thể, chẳng hạn như sinh hoạt Gia đình Phật tử. Dầu sao, ở một quốc gia mà người theo Phật giáo là đa số, thì hiện tượng trẻ đến chùa chỉ biết ông Phật trên điện thờ mà không biết Đức Phật Thích-ca khai sáng đạo giải thoát, thì những người con Phật cũng cần ngẫm nghĩ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Kaihōgyō bộ hành khổ luyện tìm kiếm sự giác ngộ

Kaihōgyō bộ hành khổ luyện tìm kiếm sự giác ngộ

GNO - Trong thế giới đầy thành tích và những cuộc chạy đua để khoe khoang, có một hành trình vượt xa những giới hạn thông thường, một hành trình mà chỉ những ai thực sự kiên trì và quyết tâm mạnh mẽ mới có thể hoàn thành.

Thông tin hàng ngày