Phiên chợ cuối năm

GN - Tuổi thơ con nhà nghèo, chắc không gì vui bằng cảnh ngồi chờ mẹ đi chợ về, được chia cho cái bánh bò, mấy viên kẹo dẻo tẩm bột. Trẻ con thì thích theo mẹ đi chợ vòi quà, má tôi hiếm khi nào cho theo. Chỉ riêng những phiên chợ cuối năm, chị em tôi được đặc cách theo má đi chợ. Vậy là thành lệ, cứ hong hóng cuối năm theo má đi chợ Tết.

1 cho tet cn.jpg
Góc chợ cuối năm - Ảnh minh họa

Má làm nông chứ không buôn thúng bán nia ngoài chợ. Nhưng năm nào cũng vậy, những ngày giáp Tết, khi ruộng đồng đã seo sạ xong, hầu như buổi chợ nào má tôi cũng có mặt từ mờ đất. Gánh hàng của má là những thứ cây nhà lá vườn. Những rau những quả má chăm chút từ những ngày mưa còn nặng hạt. Chị em tôi hớn hở theo má ra chợ, ngồi bên má, thấy ai đến mua thì xắng xở phụ đưa, nhận. Cuối buổi chợ đằng nào cũng có tấm bánh, cái kẹo, đó là chưa kể niềm vui tranh thủ chạy đi dạo chợ, xem những gian hàng bày quần áo xanh đỏ, đồ chơi đủ loại…

Phiên chợ cuối năm ở quê nhộn nhịp và nhiều… rau quả lắm. Gần như, nhà ai có thức gì thì mang ra chợ thức đó. Gánh hàng của má thì ôi thôi, mỗi ngày má bán một thứ. Hôm thì một gánh khoai từ, bữa thì gánh khoai mài, có hôm đậu ve, cải, dưa leo… Những hoa lợi vườn nhà, không phân không thuốc, má lựa những trái sâu cắn, ong chích eo óp bỏ một bên, lựa những trái những củ mây mẩy đem đi bán. Nói chung, vườn nhà trồng và thu được thức gì ngon thì má bán thức đó. Nhà có cây bưởi, cây ổi trước cửa, lúc mới có những trái nhỏ, má bắc ghế leo lên, lấy bao ni-lông quấn lại vì sợ ong chích sẽ không lớn sởn sơ, cuối năm không có gì để bán, Tết không có bạc lẻ lì xì để các con mừng, mau lớn.

Chị em tôi lớn lên từ những hạt gạo trắng mẩy và những gánh hàng má chắt chiu, gom nhặt.

Hôm vừa rồi, chị em tôi hè nhau đi siêu thị sắm Tết, trước khi đi thì hỏi má cần mua sắm những gì. Má bảo, đưa má đi với, má chưa vô siêu thị bao giờ. Chết chưa, con gái vô tâm vô tính, cứ nghĩ má già cả, cần mua sắm thức gì thì mua về chứ không nghĩ niềm vui đi mua sắm Tết của phụ nữ, trong khi má mình là hình dung mẫu mực của người phụ nữ. Má bảo nhẹ bâng mà tôi nghe lòng mình nặng trĩu, quả là con gái có lớn mà không có khôn.

Nhà tôi cách phố không quá 20km nhưng má cứ loay hoay với ruộng vườn mà chưa đặt chân vô siêu thị bao giờ. Siêu thị cuối năm tấp nập người mua, hàng hóa thì đầy ắp các chủng loại, những băng-rôn khẩu hiệu giảm giá, mọi thứ được trang hoàng bài bản, đẹp mắt. Má đi dạo khắp các gian hàng, trầm trồ không ngớt. Thứ gì cũng có, thứ gì cũng tốt cũng sang. Tôi đi bên má, thấy má đưa tay sờ vào thức gì thì hỏi, má thích hả rồi lấy bỏ vào xe đẩy. Má lượm bỏ lại kệ trưng bày liền, má kêu, không thích những thứ đó.

Buổi chợ cuối năm ở siêu thị, má chỉ trầm trồ mà không mua thức gì hết. Ra khỏi cổng, má còn quay đầu lại nhìn lần nữa rồi bảo, thời giờ giàu có quá, hàng hóa đủ loại, thứ gì cũng tốt. Má nói vậy mà có chịu mua thứ gì đâu. Nghe tôi phụng phịu thì má cười rồi bảo: “Nhưng má vẫn thích chợ Tết ở quê hơn!”.

Lời má làm tôi ngẫm nghĩ. Đúng rồi! Chợ Tết ở quê là phiên chợ chắt chiu, dành dụm. Phiên chợ đó, hàng hóa nghèo nàn nhưng tình thương thì đầy ắp.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1310 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Chân lý thứ ba rưỡi giữa khổ đau và hạnh phúc tối thượng

GNO - Hạnh phúc chân thật không nằm nơi những gì dễ đổi thay. Tỳ-kheo Thanissaro nhắc nhở chúng ta: nếu còn tìm hạnh phúc trong những điều gắn liền với khổ đau, thì thất vọng chỉ là chuyện sớm muộn. Chỉ khi quay về với nội tâm tĩnh lặng, ta mới chạm được vào an lạc bền vững.
Đoàn khảo sát địa điểm đặt Văn phòng đại diện của GHPGVN tỉnh tại P.Bắc Kạn

Thái Nguyên: Ban Trị sự GHPGVN tỉnh và lãnh đạo liên ngành khảo sát địa điểm đặt Văn phòng Phật giáo

GNO - Chiều 17-7, Thượng tọa Thích Nguyên Thành, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh; bà Đỗ Thị Minh Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh làm trưởng đoàn, đã khảo sát địa điểm đặt Văn phòng đại diện của GHPGVN tỉnh tại P.Bắc Kạn.

Thông tin hàng ngày