Phim “Cha Dượng”: Đề cao lòng vị tha, tình yêu thương và trách nhiệm

Phương được Tân đưa lên chùa Bát Nhã để cai nghiện. Ảnh: Phuongboi.org
Phương được Tân đưa lên chùa Bát Nhã để cai nghiện. Ảnh: Phuongboi.org
Bộ phim truyền hình Việt Nam “Cha dượng” dài 32 tập, do công ty Sóng Vàng cùng Senefilm hợp tác sản xuất, phát sóng trên kênh THVL2 của Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long lúc 20 giờ 40 hàng ngày; kênh CVTV1 của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ lúc 8 giờ 30 từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần. Phim đã chiếu hơn phân nửa số tập, đang tiếp tục thu hút khán giả bởi chuyển tải được chất “đời thường” và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Tân - Giám đốc một công ty xây dựng đã góa vợ, yêu và muốn kết hôn với Mai- Giám đốc kinh doanh một công ty thiết kế, trang trí nội thất đã ly dị chồng. Thế nhưng, mối tình đó gặp sự phản ứng quyết liệt của Phương- cô con gái 16 tuổi của Mai. Phương được cưng chiều từ nhỏ nên rất ương bướng, lại thêm cha mẹ ly hôn khiến cô buồn chán, trốn học ăn chơi và nghiện ma túy. Phương nhiều lần lợi dụng lòng tốt của Tân lừa lấy tiền. Phương còn dàn cảnh để mẹ hiểu lầm là Tân sàm sỡ với cô để chia cách hai người và để Tân không thể nói chuyện hư hỏng của cô với mẹ. Dù vậy, Tân vẫn âm thầm theo dõi, kịp thời cứu Phương thoát khỏi những tình cảnh nguy hiểm. Khi Mai chứng kiến cảnh con gái mình ăn chơi, hút chích trác táng với đám bạn ngay tại nhà, cô choáng váng và té lầu đến gãy chân. Phương hối hận và đồng ý theo Tân lên chùa Bát Nhã ở Lâm Đồng để cai nghiện. Khi đã tu tỉnh, Phương nói rõ sự thật với mẹ, giúp mẹ hàn gắn lại tình cảm với Tân và coi Tân như cha ruột của mình.

Thông điệp của bộ phim không mới nhưng rõ ràng: cần xóa bỏ mọi rào cản giữa cha mẹ và con cái bằng lòng vị tha, tình yêu thương và trách nhiệm. Tân yêu Mai thật lòng, xem Phương như con ruột của mình nên sẵn sàng tha thứ lỗi lầm của Phương và cứu cô thoát khỏi vũng lầy bằng tấm lòng và trách nhiệm của một người cha.

Nhân vật Tân khá thuyết phục với hình ảnh một người cha dượng tốt. Hoàn cảnh sống và tính cách nhân vật được xây dựng hợp lý: cha Tân mất sớm nên anh hiểu được tâm trạng của một đứa con thiếu vắng tình cảm của cha, bản thân anh lại vô sinh nên anh luôn khao khát được làm cha, anh lại là một người có tính cách mạnh mẽ, quyết đoán. Diễn viên Đức Hải vào vai Tân khá tốt. Diễn viên trẻ Phương Kiều trong vai Phương đã thể hiện được hình ảnh, tính cách của một mẫu hình khá phổ biến trong xã hội hiện nay: một cô gái con nhà giàu ương bướng, trở nên hư hỏng vì gia đình tan vỡ.

Những chi tiết của phim gần gũi với đời thường, không cường điệu. Phim không có diễn viên ngôi sao nhưng vẫn thu hút khán giả vì kịch bản chặt chẽ, hợp lý, nhân vật dù chính hay phụ đều có tính cách rõ nét, nội dung phim hướng người xem đến những cách sống đẹp... Tuy nhiên, phim không tránh khỏi một khuyết điểm mà các phim Việt Nam gần đây hay lạm dụng: đưa cảnh “nóng” không cần thiết, không phù hợp với khán giả còn nhỏ tuổi.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày