Rằm tháng Giêng âm lịch là một dịp thường diễn ra nhiều hoạt động lễ hội tín ngưỡng được truyền qua nhiều đời, tùy theo phong tục tập quán của từng vùng miền ở nước ta mà hội Rằm tháng Giêng tổ chức đa dạng và phong phú từ hình thức đến nội dung.
Chủa Vĩnh Nghiêm trong những ngày đầu năm Canh Dần
Chọn lộc đầu năm
Dâng sớ cầu an đầu năm
Lễ hội Nguyên Tiêu
Kết đèn Nguyên tiêu
Vào dịp này, người dân thường về chùa, đình, miếu để thắp hương cầu phúc, "dâng sao giải hạn". Theo tập quán tín ngưỡng của người Việt, nhất là người Hà Nội, vào dịp tháng Giêng đầu năm, người dân ngoài việc đến các chùa để cầu phúc cho gia đình và người thân, với mong muốn trong năm đó được bình an, gặp nhiều may mắn và tránh được những xui xẻo có thể gặp phải. Việc "dâng sao giải hạn" thường được tổ chức tại chùa như là một nhu cầu về tín ngưỡng dân gian. Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, việc dâng sao giải hạn xuất phát từ Lão giáo. Trong Bát quái đồ, mỗi người có 9 vì sao chiếu mệnh, mỗi năm mỗi người có sao cát tinh (sao tốt) và hung tinh (sao xấu). Sao cát tinh như Thái dương, Mộc đức, Thái âm, Thủy diệu… Sao hung tinh như: La hầu, Thái bạch, Kế đô… Vào những ngày đầu năm mới, người ta thường đoán sao theo tuổi để biết cát hung thế nào, rồi sắm sanh nhang đèn cúng sao giải hạn… Những năm gần đây, nhiều chùa tổ chức dâng sao giải hạn, đáp ứng tín ngưỡng của một bộ phận người dân. Người dân về chùa dâng sao giải hạn là để hóa giải nỗi lo lắng, an tâm trong một năm, và nhân đó nhắc nhở mọi người về giáo lý nhân quả, sống tốt đời đẹp đạo.
Dâng hương tại ngôi Chùa người Hoa Q.5
Thành tâm cầu nguyện
Tại TP.Hồ Chí Minh, rằm tháng Giêng cũng được tổ chức rất long trọng tại các chùa, đình thờ, miếu mạo. Như mọi năm, hầu hết các di tích thờ tự và cổ tự trong thành phố, chẳng hạn như Giác Lâm, Giác Viên, Phụng Sơn, Hội Sơn, Xá Lợi, Vĩnh Nghiêm, Ấn Quang, Già Lam, Dược Sư, Lăng Ông Bà Chiểu… ngay từ mùng 8 Tết đã rộng cửa, sửa soạn để khách thập phương đến lễ Phật, dâng hương cầu phúc. Đặc biệt, những nơi có đông đồng bào người Hoa sinh sống, nhất là tại Sài Gòn - Chợ Lớn, vào những ngày diễn ra lễ hội Tết Nguyên tiêu - rằm tháng Giêng rất sinh động. Đối với người Hoa theo đạo Phật thì ngôi chùa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng và cũng là nơi tổ chức hội. Trong những ngày diễn ra Hội Nguyên tiêu, các ngôi chùa Phật giáo người Hoa như: chùa Vạn Phật (Q.5), chùa Nam Phổ Đà (Q.6), chùa Từ Ân (Q.11)… thường tổ chức lễ đàn Dược Sư, cầu an, thuyết pháp cho đồng bào Phật tử. Từ năm 2009 trở lại đây, cứ vào dịp Tết Nguyên tiêu, chùa Vạn Phật lập đàn Dược Sư Hộ Ma theo truyền thống Phật giáo Mật tông, thu hút đồng bào người Hoa tham dự cầu nguyện. Một trong nghi lễ truyền thống được đồng bào người Hoa chú trọng, đó là lễ "Thầu Đăng". Nghi lễ này vừa phản ánh tín ngưỡng của đồng bào người Hoa với những ước mơ về một cuộc sống hạnh phúc, vừa là một hoạt động xã hội có ý nghĩa to lớn trong việc đóng góp cho các hoạt động phúc lợi xã hội. Mỗi một hoa đăng có tên gọi khác nhau như: Phước Đăng, Lộc Đăng, Thọ Đăng. Tại các hội quán của người Hoa thì thường tổ chức nhiều hình thức văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc người Hoa như: hát tuồng, tế thánh (tức cúng Thành hoàng), múa Lân Sư Rồng, hóa trang các nhân vật thần thoại, ca múa nhạc dân gian, cưỡi ngựa tre, đi cà kheo, trò chơi đố đèn hoa, gieo tú cầu, vẽ tranh thủy mặc, viết câu đối thư pháp… Nói về các hoạt động tín ngưỡng trên, ĐĐ.Thích Truyền Cường, Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó Thường trực hệ phái Phật giáo người Hoa cho biết: "Phật giáo và văn hóa tín ngưỡng của người Hoa tại Việt Nam rất phong phú và đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa của người Hoa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hội Rằm tháng Giêng là dịp để Phật giáo người Hoa gắn liền với bản sắc văn hóa trong cộng đồng dân tộc Hoa. Nó vừa mang hơi thở của sự đoàn kết dân tộc, vừa là hoạt động văn hóa tín ngưỡng của người Hoa tại Việt Nam".
Đàn Dược Sư Hộ Ma tại chùa Vạn Phật (Q.5)
Từ nhiều năm nay, rằm tháng Giêng đã trở thành ngày hội văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Việt Nam; là dịp để mọi người cùng nhau thực hiện những ước mơ tốt đẹp trong tương lai. Phật giáo là một tôn giáo gắn liền với văn hóa dân tộc, là nơi mà mọi người quay về nương tựa để xây dựng niềm tin vào một cuộc sống an lành, hạnh phúc. Đối với người Hoa tại TP.Hồ Chí Minh - nơi tập trung người Hoa đông nhất, thì rằm tháng Giêng (Tết Nguyên tiêu) là một hoạt động văn hóa được chính quyền thành phố tổ chức liên tục trong nhiều năm qua, nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam, đồng thời phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người Hoa nói riêng và thành phố nói chung…