Phóng sinh chân chính

Hình chỉ mang tính minh họa
Hình chỉ mang tính minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Phóng sinh, một việc làm tưởng đâu chỉ có tốt nhưng đằng sau bề mặt tốt ấy lại có biết bao hệ lụy mà rất có thể người phóng sinh chưa nghĩ tới. Trong bài viết nhỏ này xin được nêu ra một số hệ lụy theo cái nhìn riêng của người viết.

Phóng sinh có nhiều cách, nhưng hiện có cách phóng sinh có thể tạo ra cho xã hội những nghề bất chính như nghề săn bắt, nuôi các con vật phóng sinh. Để đáp ứng nhu cầu phóng sinh của những “nhà từ thiện”, nhiều người đã sản xuất hoặc săn bắt các loài chim cá để bán như là một cái nghề để sinh sống. Và theo Phật giáo, những nghề này không được xem là chánh mạng.

Người Phật tử hay những người có tín tâm, có lòng từ thiện là những người thực hành theo lời Phật dạy, nuôi sống mình bằng những nghề nghiệp chân chánh. Đây là điều tốt, nhưng sẽ tốt hơn nếu họ biết nghĩ đến người khác, khuyến khích người khác cũng sống chân chánh, hiền thiện như mình, chí ít là không tạo điều kiện làm cho người khác sống tà mạng.

Phóng sinh, ở đây ta thấy có một sự nghịch lý, đó là một việc làm tốt (phóng sinh) phải dựa trên một việc làm không tốt (nghề cung cấp vật phóng sinh). Vậy thì việc làm đó có thật sự là tốt không, có hoàn toàn là tốt không, và có đưa đến kết quả tốt như mong muốn không?

Nếu không có phóng sinh thì những con vật sẽ không bị bắt để cho người ta phóng sinh. Cho nên những người phóng sinh, tuy nói rằng họ phóng sinh nhưng thực chất họ là nguyên nhân xa của bắt bớ và cầm tù sự sống, vì không có người mua sẽ không có người bán.

Những con vật đang yên lành tự do thì bỗng nhiên bị bắt nhốt để chờ ngày được mua thả ra. Thời gian chờ đợi đó có khác gì bị cầm tù. Những con chim hay cá bị nhốt trong những không gian chật chội, bẩn thỉu với tâm trạng luôn luôn sợ hãi, liệu có còn sống cho đến khi được phóng sinh? Thực tế, những người bán con vật phóng sinh phải đem quăng bỏ hàng chục con cá hoặc chim bị chết. Chúng khổ như vậy là do ai? Chính là do những người có nhu cầu phóng sinh nhân danh đạo đức, từ bi hay cầu phước.

Nghề có nhiều loại, có nghề có hại cho người khác và có nghề có lợi cho người khác; có nghề đem đến sự an lạc cũng có nghề gieo rắc sợ hãi, lo âu cho cộng đồng; có nghề chỉ có lợi cho mình và có nghề vừa lợi cho mình vừa có cống hiến cho xã hội. Vậy nghề săn bắt, sản xuất và bán con vật phóng sinh thuộc loại nghề nào? Chắc chắn là không thuộc loại nghề có thể đem lại an lạc và cống hiến cho xã hội rồi. Xã hội không cần nghề bắt hay bán vật phóng sinh. Xã hội sẽ tốt hơn nếu không có nghề đó.

Còn những người phóng sinh nếu cho mình là người tốt, có tấm lòng nhân ái thì không nên góp phần tạo ra những nghề không đem lại sự an lạc và phát triển như thế trong xã hội.

Phóng sinh là khi ta tình cờ thấy con vật bị nhốt hay bị đem đi giết, ta động lòng trắc ẩn nên mua chuộc để cứu mạng sống của chúng hay thả chúng về với thiên nhiên thì việc phóng sinh mới có ý nghĩa.

Việc mua những con vật ở các cửa hàng hay cơ sở được bán cho mục đích phóng sinh thì giống như một kịch bản, ta bảo họ bắt để chúng ta phóng sinh thì đâu có ý nghĩa hay phước báo gì.

Nếu ta đem số tiền mua cá phóng sinh đó làm những việc khác như giúp đỡ bệnh nhân, cung cấp thức ăn chay miễn phí thì thiết thực và ý nghĩa hơn nhiều.

Việc phóng sinh không làm cho người ta bớt ăn mặn, nhưng nếu thêm người ăn chay thì số lượng con vật bị giết để làm thực phẩm sẽ ít lại tương ứng. Cho nên tôi cho rằng cách phóng sinh tốt nhất chính là ăn chay vậy.

Chúng ta phóng sinh là vì lòng từ bi hoặc là để cầu phước, nhưng phải đúng cách thì mới có ý nghĩa và kết quả. Ngược lại, “việc làm phước thiện không đúng là hành động vô tình tiếp tay cho kẻ khác làm ác”.

Người Phật tử có từ bi nhưng cũng phải có trí và dũng để nhận thức và hành động cho đúng. Phải kiên quyết không mua những con vật bị bắt bán với mục đích phóng sinh. Khi không còn có những con vật bị bắt nhốt để chờ được mua phóng sinh thì đó mới là phóng sinh chân chính vậy.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày