Phóng sự về nạn khất thực phi pháp

Vấn đề nhức nhối, chuyện cũ nhưng không cũ

GN - Đang là mùa An cư kiết hạ nên hầu hết Tăng Ni, tu sĩ các hệ phái Phật giáo đều phải tập trung ở các trường hạ, các chùa, tu viện… theo quy định của Giáo hội và luật Phật chế để cùng nhau tu học nhằm củng cố và duy trì tính thanh tịnh và hòa hợp của đoàn thể Tăng-già.

Thế nhưng trên các tuyến đường của TP.HCM cũng như một số tỉnh thành khác, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các đối tượng nam, nữ khất thực phi pháp với hình thức tu sĩ hệ phái Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ. Đối tượng có khi đi một người, có khi đi hai người và đa số là xin tiền...

1 su gia1.jpg
Ngày 23-6-2015, vào lúc 9g40, phóng viên gặp đối tượng trên đường Hồng Bàng, Q.5. Ngày 22-7-2015, gặp lại đối tượng trên đường Liên tỉnh 5, P.5, Q.8 đi theo hướng ra Bình Chánh - Ảnh: ND

Hiện tượng phổ biến

Theo chân các đối tượng trong nhiều ngày, nhóm phóng viên Giác Ngộ nhận thấy địa điểm khất thực của các đối tượng này thường thay đổi, sau một thời gian mới quay lại địa điểm cũ.

Ngày 23-6-2015, vào lúc 9g40, trên đường Hồng Bàng, Q.5, (trước Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Đại học Y Dược, Hùng Vương), xuất hiện một đối tượng là nữ mặc đồ giống hệ phái Khất sĩ, trên người có mang theo một tay nải, đi chân không, và tay bưng bình bát.

Trên đoạn đường ngắn mà đối tượng này đi qua, có nhiều Phật tử dừng lại cúng tiền; khi được Phật tử cúng tiền, người này lấy bỏ vào tay nải và tiếp tục đi.

Đi được một đoạn đường đến trước Trường THCS Hồng Bàng, tại trạm xe buýt lúc đó là 10g15 phút, đối tượng cất bình bát vào tay nải, lấy mũ len đội lên đầu, và gọi xe ôm chở đến đường Hải Thượng Lãn Ông, chỗ Trường Trần Bội Cơ, Q.5 và qua bên đường rồi lẩn đi mất dấu.

Hỏi thăm người xe ôm đã chở đối tượng đó, người này cho biết: “Lâu lâu mới thấy các cô đi, hồi Tết có chở một lần, và giờ là lần thứ hai”. Ngày hôm sau, phóng viên quay lại địa điểm cũ  để kiểm tra thông tin, đối tượng này không quay lại lộ trình hôm trước mà đi đến điểm mới.

Ngày 22-7-2015, chúng tôi gặp lại đối tượng này trên đường Liên tỉnh 5, P.5, Q.8 đi theo hướng ra Bình Chánh. Cô Mai bán bánh mì trên đường Tỉnh lộ, xã Bình Hưng, Bình Chánh cho biết: “Nhiều sư cô đi xin lắm, mỗi ngày một cô. Ngày nào tôi cũng  cho 10 ngàn và 3 ổ bánh mì”.

Ngày 27-6-2015, trên đường Phạm Văn Bạch, Q.Gò Vấp, xuất hiện một đối tượng trong trang phục của hệ phái Khất sĩ, đi 4 bước dừng lại một bước. Đến 8g30, đối tượng này dừng lại lạy 4 hướng và không khất thực nữa, cất bát vào tay nải, đi bộ qua đường Tân Sơn, đến một quán cà-phê (hẻm 424 Tân Sơn, P.15, Q.Tân Bình). Sau khi uống cà-phê, ăn sáng, đối tượng này lên chiếc xe Nouvo chờ sẵn và chạy mất hút.

Sáng 30-6, trên đường Tỉnh lộ 10 (Q.Bình Tân, TP.HCM), có một đối tượng mặc áo cà-sa vàng nâu, tay cầm bát đồng, chuỗi hạt, với một chiếc chân giả, khoan thai chậm rãi bước đi. Khi người dân cho tiền vào chiếc bát đồng, đối tượng này nhận rồi đi tiếp.

Thấy sư mồ hôi nhễ nhại, bước đi khoan thai, mặt cúi xuống đất, từ các em học sinh, bác xe ôm, bà bán vé số cũng đứng lại “cúng dường”. Theo quan sát của phóng viên, cứ khoảng 5 phút lại có người lại gần cho tiền, ít thì 5.000 đến 10.000, nhiều thì 20.000 đến 50.000 đồng. Mỗi lần có người bố thí, miệng đối tượng lại “Nam-mô A Di Đà Phật”, xong gom tiền bỏ vào tay nải.

Đến hơn 11 giờ trưa, người này ung dung cởi y áo giữa đường rồi trèo lên xe buýt số 81.  Khi ngồi yên vị, đối tượng này tiếp tục thay bộ đồ màu nâu trước sự chứng kiến của nhiều người, sau đó xuống bến trên đường Hồng Bàng (Q.6). Tại đây, đối tượng đó với chiếc chân giả lao nhanh qua quán nước bên đường và đi tiếp tuyến xe buýt số 80 về Long An.

Quan sát cảnh này, ông Đình Hùng làm nghề chở xe ôm trên đường Tỉnh lộ 10 cho biết, cứ vài ngày lại thấy một hai “vị sư” đi khất thực như vậy xuất hiện, mỗi người đi một bên đường. “Cũng nghe nói là giờ sư giả nhiều, tụi tôi đâu có cho tiền, nhưng người dân mình tốt bụng lắm, thấy động lòng là cho thôi. Mà lạ lắm nha, sư gì mà cho bánh mì hay thức ăn là không lấy đâu”, ông Hùng kể lại.

1 su gia2.jpg
Đối tượng sau khi “khất thực" xong, cởi y áo ngay trên đường Tỉnh lộ 10, Q.Bình Tân,
leo lên các tuyến xe buýt về Long An vào ngày, 30-6-2015- Ảnh: VG

1 su gia3.jpg
Trên đường Lê Văn Việt, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9
đối tượng đứng xin tiền, ngày 23-6-2015 - Ảnh: VG

Tại ngã tư Thủ Đức, trên đường Lê Văn Việt, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, vào khoảng 10g ngày 23-6, các đối tượng còn đứng ngay đèn xanh đèn đỏ, một bên là vị sư nam, một bên là vị sư nữ để “khất thực” trái phép. Khi phát hiện chúng tôi chụp hình, hai “vị sư” này còn chỉnh lại y phục cho trang nghiêm với chiếc thẻ giả đeo trước ngực, do một ngôi chùa “có tiếng” nào đó cấp.

Cũng áo quần nhà chùa, cạo đầu trọc, một đối tượng khác còn tự nhiên bán vé số ngay giữa ngã tư đường Châu Văn Liêm (Q.5) lúc 11g30, ngày 28-6! Bên cạnh đó còn nhiều đối tượng đi bán hương với giá cao, xin tiền ủng hộ xây dựng chùa, xuất hiện nhan nhản nhiều nơi.

Đối tượng giả sư khất thực - họ là ai?

Vào ngày 27-6-2015, phóng viên bí mật theo chân một người nam trong hình thức người xuất gia, đầu đội mũ len màu vàng với chiếc bình bát và cây gậy trên đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7. Trên đoạn đường ngắn, chúng tôi quan sát thấy nhiều người dân bỏ tiền vào bình bát “sư” một cách kính cẩn. Đi đến một đoạn vắng người trên phố, người này ngồi bệt xuống lề đường đếm tiền.  Lúc 11g20, người đó lại đón xe buýt số 20 về chợ Bến Thành, tiến vào bãi  giữ xe Bệnh viện Sài Gòn để lấy xe máy. Sau đó đối tượng lên xe máy đi về đường Nguyễn Tất Thành (Q.4) qua các tuyến đường Hoàng Diệu, Nguyễn Khoái rồi quẹo vào ngôi nhà ở hẻm 11/144 Nguyễn Khoái. Qua quan sát, chúng tôi thấy, ở đây đối tượng sống chung với một người phụ nữ, sau khi cởi bỏ lớp áo tu sĩ ngụy trang, đối tượng ngồi đếm tiền thu được rồi ăn uống một cách thoải mái. Theo ước tính của chúng tôi, chỉ trong nửa ngày, số tiền “khất thực” được của đối tượng này không dưới 500.000 đồng.

Sáng ngày16-7-2015, trong vai một người muốn nhờ thầy cúng tân gia, chúng tôi đến ngôi nhà ở hẻm 11/144 Nguyễn Khoái, Q.4 liên hệ thì được người phụ nữ sống chung nói “thầy ở đây không đi cúng”. Cô Hòa bán nước mía đầu hẻm cho biết: “Người này tên Thành, sống ở đây được mấy năm nay, không thấy làm ăn gì hết, hàng ngày chỉ thấy đi đi về về không biết là đi đâu”.

Ngày 30-6-2015, vào lúc 9g, chúng tôi theo chân một đối tượng là người đàn ông lớn tuổi mặc trang phục Bắc tông đi khất thực trên đường Hồng Bàng, lần lượt qua các tuyến đường Phạm Đình Hổ, đường Trang Tử, đường Xóm Vôi, đường Trần Chánh Chiếu, đường Phú Hữu. Đến đường Nguyễn Trãi, đối tượng này lấy xe máy trắng biển số  …11 – DA tại bãi gửi xe trên đường Nguyễn Trãi giao Trường nội trú Tiểu học Hùng Vương (36, Phú Hữu, Q.5). Qua nhiều ngày theo chân đối tượng, chúng tôi thấy người này thường xuyên gửi xe tại đây, và tỏa ra các tuyến đường gần khu vực Chợ Lớn để “khất thực”.

Xong việc, người này lấy xe và đi thẳng đường Nguyễn Trãi, qua  Châu Văn Liêm, cầu Chà Và rồi theo đường Tùng Thiện Vương qua cầu Nhị Thiên Đường I Q.8, vào đường Liên tỉnh 5, thẳng Quốc lộ 50 tới đường Tập Đoàn 16 rẽ phải và vào hẻm tổ 16 ấp 4. Đối tượng ở một mình trong ngôi nhà đầu hẻm. Hỏi một số người quanh khu vực thì được biết, người này thường xuyên đi tụng đám cho bà con xung quanh và được biết “thầy tụng rất hay”.  Ngày 25-7-2015, trong vai một người đi xem bói, chúng tôi đến nhà “thầy”, được “thầy” cho biết, “ở đây tui chỉ đi tụng đám thôi” hỏi sao “thầy” không ở chùa mà ở đây, đối tượng lý luận rằng ông chọn cách khó nhất, bởi “khó nhất là tu ngoài đường, tiếp theo là tu nhà và thứ ba mới tu chùa!”.

1 su gia5.jpg
Đối tượng mặc đồ Bắc tông khất thực trên đường Hồng Bàng, Q.5, sau đó qua các tuyến đường
quanh khu vực bến xe Chợ Lớn và lấy xe máy chạy về nhà ở huyện Bình Chánh - Ảnh: ND

1 su gia6.jpg
Đối tượng khất thực ở đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình, ngày 7-7-2015,
sau đó bắt các tuyến xe buýt về bến xe Long An (TP.Tân An) - Ảnh: ND

Ngày 7-7-2015, chúng tôi lại theo chân một người khất thực trên đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình. Trên đường đi, đối tượng  này liên tục được nhiều người đi xe máy trên đường dừng lại cho tiền, và cả những người bán vé số, bán hàng rong... cũng thành tâm “hiến cúng”. Hỏi một bác bán vé số quê ở Phú Yên, tại sao lại cho tiền vị ấy, bác cho biết: “Người ta là người tu hành, thấy người ta đi vậy thấy tội, nên cho”. Còn hỏi một anh bán dạo trên vỉa hè, anh cho biết: “Người ta tu hành, mình cúng dường bằng tâm thành thì sẽ được phước báu”.

Người đó đi khất thực đến 11g30 thì dừng lại tại quán nước, ngồi uống nước và hút thuốc lá, sau đó qua bên đường chờ ở trạm xe buýt (gần ngã ba Mũi Tàu) bắt xe buýt số 145 về bến xe Chợ Lớn. Trên xe buýt, đối tượng này thay đồ nâu, và ngồi đếm tiền. Sau đó, tại bến xe Chợ Lớn, người đó bắt xe buýt số xe 53S -1013 (Chợ Lớn - Long An) và về tới bến xe Long An (bến xe Tân An, TP.Tân An, Long An). Tới đây đối tượng vào khu nhà trong bến xe.

1 su gia7.jpg
Sau khi yên vị trên xe buýt, đối tượng liền lấy tiền ra đếm... (Ảnh chụp từ video clip)

1 su gia4.jpg
...và ngồi đếm tiền trên đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7 - Ảnh: VG

Hỏi thăm chú Đức chạy xe ba gác ở bến xe, chúng tôi được biết: “Ở đây sư dỏm không à, cỡ chục ông vậy đó, có cả nam lẫn nữ. Sáng thì bận áo nhà tu vào, rồi lên xe buýt tỏa ra các hướng, đi về các quận huyện của Long An, rồi đi lên Sài Gòn, mỗi người đi mỗi hướng để không bị phát hiện, trưa họ bắt xe buýt về  lại, tối thì đi ăn nhậu. Mấy ổng hoạt động ở đây lâu rồi, khoảng chục năm”.

Hỏi sao chú không báo cho chính quyền, chú nói: “Bây giờ báo cho ai? Chính quyền thì họ đâu giải quyết vấn đề này, họ cũng đâu có phạm pháp, họ chỉ có lỗi với tôn giáo, tín ngưỡng... Với lại đây là “nghề nghiệp” của họ, mình can thiệp vào làm chi”.

Khi phóng viên nhập vai người đi hỏi thuê phòng trọ, thì một người phụ nữ cho biết ở đây là nhà ở, không cho trọ. Quan sát, phóng viên không thấy bóng dáng vị tu sĩ nào, chỉ thấy một nhóm người cởi trần, mặc quần đùi và đang tụm năm tụm ba đánh bài.

Vấn đề khất thực tại TP.HCM trong những năm 2000, 2005, 2010, tại các hội thảo Tăng Ni, tự viện đã được bàn đến... và đồng thuận tạm ngưng để loại bỏ tệ nạn giả danh khất thực ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Phật giáo. Tuy nhiên, để giữ truyền thống và pháp môn tu tập biệt truyền của hệ phái, gần đây Giáo hội cho phép hệ phái Khất sĩ và chư Tăng Nam tông tổ chức khất thực theo truyền thống trong khuôn viên tự viện, tịnh xá hoặc ngoài phạm vi cơ sở có giới hạn.

Trong quy định, thì chư Tăng Ni thuộc hệ phái Bắc tông không đi khất thực, chỉ một bộ phận chư Tăng thuộc hai hệ phái Nam tông và Khất sĩ (đắp y quấn, màu vàng hoặc vàng sẫm) mới đi khất thực.

Phóng sự của Vũ Giang - Như Danh

>>> Xem tiếp kỳ tới: Giải pháp nào để chấm dứt nạn giả sư khất thực (bài phỏng vấn trên GN số 808)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chay và mặn

Chay và mặn

GNO - Vợ tôi nói: Hôm nay mùng một, em nấu vài món chay thật ngon, anh có thể mời bạn về dùng bữa cho vui. Tôi cười khi nghĩ rằng hôm nay vợ tôi thật “biết điều”.
Phật lịch được tính như thế nào?

Phật lịch được tính như thế nào?

GNO - Gần đây, nhiều bạn đọc phản ánh về việc ghi Phật lịch trên các sự kiện của Giáo hội, gây ngộ nhận rằng Phật lịch được tính theo... năm mới Tây lịch, hoặc âm lịch... Vậy theo Phật giáo, cách tính Phật lịch thế nào là đúng và thời gian thay đổi Phật lịch từ lúc nào?

Thông tin hàng ngày