Phúc báo bị rò rỉ

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1263 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1263 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
GNO - Giả sử tiền chúng ta kiếm được đều bỏ vào trong túi, vậy nếu túi bị rách thì tiền sẽ rơi ra. Tương tự, nếu chúng ta bỏ đồ đạc vào một chiếc thùng hoặc chiếc giỏ có lỗ thủng, đồ đạc cũng sẽ bị rơi ra.

Có người tu công tích đức, hy sinh hiến dâng, nhưng nếu như không biết giữ thân giữ ý, để thân khẩu ý xuất hiện những lỗ hổng thì những phúc báo cũng theo đó mà dần dần biến mất, như vậy thì thật đáng tiếc.

Một số người bố thí làm điều tốt, nhưng khi bố thí thì không cam tâm tình nguyện, làm tổn thương đến sự tôn nghiêm của người nhận, khi ấy đối phương không những không cảm ơn sự bố thí ấy, mà ngược lại sẽ ôm hận trong lòng vì những ngôn ngữ và cách cư xử không thiện chí kia. Như vậy, dù cho có làm những việc thiện lành, bố thí giúp đỡ thì công đức của bạn cũng sẽ rò rỉ hết.

Bạn giúp đỡ người khác làm rất nhiều việc tốt, nhưng lại luôn đề cao bản thân, tự thổi phồng bản thân, khiến người khác không phục, ngược lại còn mỉa mai bạn, vậy là công đức của bạn đã bị rò rỉ.

Có người có niềm tin với tôn giáo, được hun đúc bởi đạo đức, biết nói điều hay, làm việc tốt, có tấm lòng nhân hậu, từ đó tích được nhiều phúc báo. Nhưng trong một tình huống nào đó, khi gặp nghịch cảnh thì họ lại nổi giận, sinh tâm oán hận, cảm thấy uất ức, thậm chí nói năng thiếu suy nghĩ, than trời trách người, như vậy phúc báo của họ tạo ra đều mất hết, thật chẳng đáng chút nào. Vậy nên, tại sao có nhiều người làm việc tốt nhưng không được quả báo tốt? Vì trong hành vi của thân, lời nói của miệng, suy nghĩ của tâm ý, họ có quá nhiều lỗ hổng, công đức phúc báo sẽ tự nhiên bị rỉ chảy hết!

Làm sao để tránh sự rỉ chảy đó?

Thứ nhất, việc làm thận trọng: Nếu đã làm việc tốt thì nên cố gắng kiên trì, đừng tự ném đá vào chân mình. Công đức cũng giống như một món đồ, nếu không biết bảo quản mà còn giẫm đạp lên nó thì tất nhiên đồ tốt đến mấy cũng sẽ hư hỏng.

Thứ hai, nói lời thận trọng: Một câu nói có thể giúp bạn thành công, một câu nói cũng có thể khiến bạn thất bại. Người biết khiêm tốn và cảm ơn thì sẽ có thêm phúc lành. Nếu nói lời làm tổn hại người khác thì dù công đức, phúc báo trước đó có nhiều đến đâu cũng sẽ chảy mất hết.

Thứ ba, suy nghĩ thận trọng: Nếu đã trao cho người khác những điều tốt đẹp thì nên suy nghĩ theo chiều hướng tích cực. Nếu đã giúp đỡ người khác, trong lòng lại uất ức hối hận, như vậy thì dù thân có làm việc tốt, miệng có nói lời hay, nhưng vì tâm ý vẫn còn có lỗ hổng, giống như một cái nồi bị thủng, chén bát bị vỡ, nhà bị dột, túi bị rách, làm sao bạn có thể tích trữ công đức phúc báo được?

Một số người vừa kiếm tiền vừa lãng phí, vừa trồng trọt vừa giẫm đạp. Những lỗ rỉ chảy bởi tham lam, sân hận, si mê của thế gian, của chúng sinh, tất cả đều không thể nào giúp bạn giữ gìn được những công đức, những nhân duyên thiện lành. Những công đức, những việc tốt trên thế gian này đều bị thân, khẩu, ý xấu của chúng ta làm rò rỉ hết.

Vì vậy, từng giờ từng phút, chúng ta đều nên thận trọng trong mỗi hành động, từng lời nói, từng ý niệm; phải giữ thân giữ ý, tuyệt đối không để ba nghiệp xấu làm cho công đức phúc báo của mình đã tạo ra phải tan theo mây khói. Điều này rất quan trọng, mọi người đều phải nhớ kỹ.

Thích Quảng Đại

(Chuyển ngữ từ Tuyển tập Ranh giới giữa mê và ngộ, tập 18, Tịnh hóa tư duy)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tìm người thân

Tìm người thân

Cháu Minh Đạo đã đi khỏi nhà và không có liên lạc với gia đình trong hơn 3 ngày qua. Vì những biểu hiện tâm lý có phần chuyển biến không tích cực, nên phải thường xuyên theo dõi trị liệu. Gia đình chúng tôi mong được sự giúp đỡ của chư Tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tại các tự viện...

Thông tin hàng ngày