Lễ đặt đá khôi phục chùa Dạm vừa được cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh tổ chức khá tưng bừng vào ngày 20-11, đã gây nên sự phản ứng không nhỏ từ cơ quan chuyên môn cũng như nhiều nhà nghiên cứu, khoa học về lĩnh vực bảo tồn di tích.
Trong văn bản gửi Sở VH-TT&DL Bắc Ninh ngày 21-11 do Thứ trưởng Lê Khánh Hải ký về việc thỏa thuận dự án khai quật khảo cổ học tại khu vực chùa Dạm, Bộ VH-TT&DL đã lưu ý: "Cần chú trọng tuyên truyền để nhân dân địa phương và các vị sư có liên quan thực hiện các quy định của Luật di sản văn hóa, không nóng vội và tự ý tổ chức các hoạt động xây dựng ở di tích".
Như tin đã đưa (Tuổi Trẻ ngày 8-11), cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm về kết quả thám sát, khai quật khảo cổ bước đầu ở chùa Dạm với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, khoa học về nhiều lĩnh vực cùng các quan chức đầu tỉnh này. Gần cuối buổi tọa đàm, có ý kiến đề nghị cho phép chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tiến hành lập dự án phục dựng đền thờ nguyên phi Ỷ Lan ở cấp nền bốn vì hiện nay đã có nhiều người cung tiến tiền bạc, công sức. Nếu không cho làm thì sợ họ sẽ rút lại số tiền đã ủng hộ.
Trước ý kiến này, TS Nguyễn Thế Hùng - cục trưởng Cục Di sản văn hóa - cho biết trước mắt cần khẩn trương lập dự án khai quật tổng thể toàn bộ mặt bằng chùa Dạm, bây giờ mà đặt vấn đề phục dựng ngay thì cục sẽ không tán thành, bởi lẽ khi cho phục dựng rồi nhưng sau đó lại không phù hợp với kết quả nghiên cứu khai quật, không phù hợp với quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích chùa Dạm thì sẽ khó xử lý.
Cùng tán thành với quan điểm này, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu - chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia - cho rằng việc đặt vấn đề phục dựng một công trình nào đó vào thời điểm hiện nay là chưa phù hợp vì nhiều lẽ: Thứ nhất, diện tích thám sát khai quật còn quá nhỏ (vỏn vẹn 300m2) để giúp chúng ta nhận diện tính chân xác về mặt bằng tổng thể của di tích. Thứ nữa, thư tịch cổ ghi chép về việc khởi dựng, trùng tu chùa Dạm là quá ít. "Sau khi khai quật xong, nếu chính quyền địa phương mong muốn dựng lên một công trình văn hóa, tín ngưỡng theo kiến trúc truyền thống thì có thể chấp nhận được. Còn phục dựng thì không thể vì không đủ cơ sở khoa học", GS Tiêu nói.
Thế nhưng, cuối tuần qua cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh lại tổ chức lễ đặt đá phục dựng chùa Dạm. Dù mới chỉ "đặt đá tượng trưng" như lời một quan chức địa phương, động thái này đã khiến nhiều người hoang mang không biết sắp tới công trình gì sẽ được phục dựng khi mọi chuyện vẫn đang nằm trong... lòng đất. TS Nguyễn Thế Hùng cho biết cục sẽ xem xét nghiêm túc về vấn đề này.