Phương diện quốc gia

Phương diện quốc gia

Nghĩ mình phương diện quốc gia

Đất nước ta với lịch sử mấy ngàn năm, khởi thủy từ thời các vua Hùng dựng nước. Suốt chiều dài lịch sử hơn 4.000 năm, với từng bước Nam tiến, vượt qua bao thăng trầm để gìn giữ dải giang sơn hình chữ S.

Sau mấy mươi năm bị chia cắt, rồi ngày 30-4-1975, đất nước ta lại được thống nhất. Qua nhiều nỗ lực tái thiết đất nước, sau một thời kỳ bị đình trệ với hoàn cảnh đặc biệt không ai mong muốn: kháng chiến, chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất lãnh thổ, đến hôm nay, Việt Nam đã trở thành một quốc gia được quốc tế quan tâm, chú ý trên nhiều lĩnh vực.

Chúng ta ghi nhận những bước phát triển vượt bực, nhưng đồng thời cũng nhận ra nhiều hội chứng phát sinh đáng quan ngại trong đời sống xã hội, muôn màu muôn vẻ, bởi có lúc, để thỏa mãn lòng tham mà có người sẵn sàng làm bất cứ điều gì mà không màng đến danh dự cá nhân và nhất là Tổ quốc của mình.

Nói sao đây khi có những người hôm nay quên mất mình là "phương diện quốc gia", không có ý thức công dân và lòng tự trọng dân tộc, sẵn sàng nhận quà lót tay rồi chấp nhận tất cả dự án bất chấp hậu quả nó để lại cho cộng đồng về môi trường và chất lượng dân sinh như thế nào? Nói sao đây khi những người làm ngoại giao bị bắt vì buôn hàng quốc cấm? Và biết giải thích thế nào khi một số tiếp viên, phi công chuyển hàng phi pháp và bị bắt tại Nhật, Úc, Hàn Quốc?

Vì đâu?

Phải chăng lý tưởng sống bị phai nhạt? Ý thức công dân kém, lòng tự hào dân tộc không còn đậm đà?

Ngược dòng lịch sử, vào năm 1952, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn quyết liệt, vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn phải vạch mặt một loại kẻ thù khá nguy hiểm "nằm trong các tổ chức của ta", đây là một mặt trận không thể một phút buông lơi vũ khí. Khi cách mạng thắng lợi, vấn đề càng trở nên cấp thiết, đúng như Hồ Chủ tịch đã nói: "Có những người trong lúc đấu tranh thì hăng hái, trung thành không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch, nghĩa là có công với cách mạng; song, đến khi có ít nhiều quyền hạn ở trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu không tự giác, cho nên biến thành người có tội với cách mạng… Có những người miệng thì nói: phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, nhưng về vật chất, dễ dàng phạm vào tham ô, lãng phí, hại đến Tổ quốc, nhân dân…".

Nói một cách vắn tắt, vì lòng tham và đúng hơn vì thiếu một cơ chế quản lý và giám sát lòng tham ấy một cách hữu hiệu nên chúng ta hơn lúc nào hết đang phải đối đầu với nạn tham nhũng, con virus đang tàn phá cơ thể đất nước chúng ta hàng ngày hàng giờ, trong các công sở, trên các công trường, trong mọi lãnh vực của đời sống. Tham nhũng, nói một cách vắn tắt, là việc sử dụng các quyền lực, uy tín và địa vị công cộng để chiếm đoạt các giá trị vật chất và tinh thần của xã hội hoặc của người khác.

Sự này biết tính thế nào được đây?

Nhưng biện pháp trừng trị với sự nghiêm minh của pháp luật chưa phải là cách chữa bệnh tận gốc. Hồ Chủ tịch cũng đã chỉ ra: "… Phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng mới thành công. Quần chúng tức là toàn thể các chiến sĩ trong quân đội, toàn thể công nhân trong xưởng, toàn thể nhân viên trong cơ quan, … rồi đến toàn thể nhân dân. Cũng như mọi việc khác, việc"chống" này phải động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia thì mới chắc thành công…".

Thế nhưng câu hỏi đặt ra là quần chúng được quyền tham gia đến mức độ nào và phản ứng của "người trên" ra sao khi còn đó trước đây hình ảnh thầy giáo Đỗ Việt Khoa bị những người cùng trường xa lánh, sợ hãi vì "một nỗi sợ mơ hồ" do "một thế lực vô hình" đang ám ảnh trong tâm thức mọi người, cũng như nhiều chuyện khác tương tự đã từng diễn ra.

Nho gia ngày xưa từng nêu lên một phương châm là "giáo tử anh hài", dạy con từ thuở còn thơ, giáo dục khơi gợi sự nảy mầm và phát triển ý thức công dân, lòng tự trọng dân tộc phải bắt đầu từ trong các trường đào tạo cán bộ, từ nhà trường, và tất nhiên phải có biện pháp đi kèm cùng với sự tôn vinh các phẩm chất đó, làm sao để nó có sức mạnh dẫn dắt hành động của con người không để sự tham lam xỏ mũi, để xảy ra tình trạng "ma đưa lối, quỷ dẫn đường"!

Một triết gia người Nga, Vladimir Soloyyov viết: "Nhiệm vụ của luật pháp không phải là biến thế giới tồi tệ này thành vương quốc của Chúa, nhiệm vụ của nó chính là tránh không cho thế giới này rơi vào địa ngục trước thời hạn". Luật pháp chính là phương tiện mang tính định chế duy nhất để giúp thế giới không rơi vào "địa ngục" bằng cách khẳng định và bảo vệ những quyền căn bản của con người.

Hơn nữa, để giữ gìn giềng mối "phương diện quốc gia", những người nắm giữ quyền lực có điều kiện tu thân và tự giới hạn mình trong khuôn khổ quyền lực được luật pháp công nhận thì tiến trình dân chủ hóa các định chế chính trị phải đi song song với tiến trình pháp lý hóa các cơ cấu quyền lực. Tinh thần "thượng tôn pháp luật" phải được đề cao hơn mọi thứ quan hệ và quyền lực.

Giá như những cán bộ, lãnh đạo có liên quan đến các vụ án tham nhũng gần đây luôn hưởng ứng và làm theo lời dạy của Hồ Chủ tịch thì đất nước đã đỡ tổn thất hàng ngàn tỷ đồng, số tiền đủ để xây hàng ngàn trường học kiên cố khắp nơi tại các vùng sâu, vùng khó khăn của đất nước ta! Bệnh quan liêu đi cùng với nạn tham ô, lãng phí thật đúng là "kẻ thù không mang gươm, mang súng" mà nguy hại khôn lường. Chính vì thế Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Tội lỗi ấy cũng nặng ngang tội lỗi Việt gian, mật thám".

Về xây dựng nhân cách tương đối của con người, Đức Phật đã từng dạy các Tỳ kheo tại A-la-bệ Gi-la, rằng:

"Thủ Trưởng giả có tám pháp vị tằng hữu. Những gì là tám? Thủ Trưởng giả có thiểu dục, có tín, có tàm, có quý, có tinh tấn, có niệm, có định, có tuệ.

"Nói Thủ Trưởng giả có tàm, là do nhân gì? Thủ Trưởng giả thường hành xấu hổ, điều gì đáng xấu hổ thì biết xấu hổ, xấu hổ đối với pháp ác bất thiện, phiền não ô uế đưa đến thọ các ác báo, tạo gốc sanh tử. Nói Thủ Trưởng giả có tàm, là nhân đó mà nói.

"Nói Thủ Trưởng giả có quý, là do nhân gì? Thủ Trưởng giả thường thực hành sự hổ thẹn, điều nào đáng thẹn thì biết thẹn, thẹn các pháp bất thiện và phiền não ô uế đưa đến các ác báo, tạo gốc sanh tử. Nói Thủ Trưởng giả có quý, là nhân đó mà nói.           

"Nói Thủ Trưởng giả có tinh tấn, là do nhân gì? Thủ Trưởng giả thường thực hành sự tinh tấn, trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp, có ý tưởng ngồi dậy, chuyên nhất và kiên cố, tạo gốc rễ thiện, không hề từ bỏ sự tinh cần. Nói Thủ Trưởng giả có tinh tấn, là nhân đó mà nói.

(Kinh Thủ Trưởng Giả II. Phẩm Vị Tằng Hữu Pháp - Kinh Trung A Hàm, bản dịch của TT.Thích Tuệ Sỹ).

Chỉ xét riêng những khía cạnh của tinh tấn, ta thấy "phải lưu giữ những tâm hành thiện càng lâu càng tốt".

Người cán bộ lãnh đạo khi nhận trọng trách phải biết phân biệt những điều đáng làm và không nên làm, phải tiết chế lòng tham dục. Có như thế, "trông lên không thẹn với trời, nhìn ngang không thẹn với người", mặc cho "quan trên trông xuống, người ta trông vào" vì tâm hồn lúc nào cũng hướng thượng và luôn tự hào là "Phương diện quốc gia".

Các nguyên tắc sống đưa đến nhân cách tốt không phải ở đâu xa, mà có sẵn và bàng bạc khắp mọi nơi. Điều quan trọng là làm sao để đánh thức lòng tự trọng, tự hào của mỗi người; và làm sao để những nguyên tắc đạo đức đi vào nhận thức của mỗi người một cách tự nhiên, trở thành nếp ứng xử bình thường hàng ngày. Vì đó là văn hóa, là văn minh.

Một khi chúng ta có được điều đó, chúng ta mới có một xã hội văn minh thực sự, và chúng ta mới thực hiện tốt công tác "đối ngoại nhân dân" để nâng cao vị thế của đất nước qua văn hóa, mới khiến cho thế giới cảm mến, kính phục.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày