Phương trượng thời @

Phương trượng Thích Vĩnh Tín
Phương trượng Thích Vĩnh Tín
Năm 1981, cậu thiếu niên Lưu Ứng Thành đến Thiếu Lâm Tự đổ nát để tu tập. Giờ đây, cậu đã trở thành người đứng đầu "đế chế" Thiếu Lâm Tự mỗi năm thu lợi nhuận 150 triệu tệ từ các hoạt động thương mại. Trước đây, Thiếu Lâm Tự là Thái Sơn Bắc Đẩu của võ học Trung Hoa. Hiện tại, Thiếu Lâm Tự danh trấn trên toàn cầu

Cách đây hơn 1.500 năm, Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma đạp cọng lau vượt sông đến dãy núi Tung Sơn (nay thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), chọn động Thiếu Thất để tham thiền. Sau 9 năm ngồi nhìn vào vách đá suy nghĩ, ông đã đúc kết ra những tinh yếu cho môn võ Thiếu Lâm. Chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn từ đó danh trấn giang hồ, trở thành ngôi sao Bắc Đẩu của võ thuật Trung Hoa. Nếu giờ đức Bồ Đề Đạt Ma có sống lại thì ông sẽ không ngờ tới Thiếu Lâm Tự mình góp tay xây dựng phát triển đến thế nào. Tất cả có lẽ là nhờ tầm nhìn của phương trượng Thiếu Lâm Tự hiện nay: sư phụ  Thích Vĩnh Tín.

Phương trượng Thích Vĩnh Tín
- Tên thật: Lưu Ứng Thành
- Sinh năm: 1965 tại tỉnh An Huy
- Đại biểu Quốc hội Trung Quốc các khóa 9, 10 và 11.
- Phó chủ tịch Hội Phật giáo Trung Quốc
- Chủ tịch Hội Phật giáo tỉnh Hà Nam
- Là phương trượng trẻ nhất trong lịch sử Thiếu Lâm Tự
- Ủy viên Hội Liên hiệp Thanh niên TQ

Người chấn hưng thiếu lâm

Trong lịch sử, Thiếu Lâm Tự đã trải nhiều cuộc can qua. Mới nhất là thời cách mạng văn hóa, khi các sư bị đẩy ra ngoài, chùa bị các tiểu tướng Hồng vệ binh đập phá. Đến năm 1979, Thiếu Lâm Tự mới được hương khói trở lại. Năm 1981, cậu thiếu niên 16 tuổi Lưu Ứng Thành rời gia đình ở tỉnh An Huy để lên Thiếu Lâm Tự. Lưu Ứng Thành sinh ra trong một gia đình nông dân và cậu sớm giác ngộ Phật pháp.

Lưu Ứng Thành đến Thiếu Lâm Tự với một cái mền và vài chiếc tem thực phẩm, cậu được đặt pháp danh Thích Vĩnh Tín. Khi đó Thiếu Lâm Tự chỉ có dưới 20 vị sư, hoang phế trong khuôn viên rộng 1,8 ha. Dưới sự chỉ dẫn của phương trượng Thích Hành Chính, Thích Vĩnh Tín chăm chỉ tu tập. Cậu được gửi đến Giang Tây, An Huy, Bắc Kinh học. Trở lại Thiếu Lâm Tự năm 1984, Thích Vĩnh Tín được cử làm trợ lý cho phương trượng Thích Hành Chính trông nom các hoạt động của chùa. Năm 1987, phương trượng Thích Hành Chính viên tịch, Thích Vĩnh Tín nhận sự truyền thừa của thầy để chấp chưởng Thiếu Lâm Tự. Song phải đến năm 1999, Thích Vĩnh Tín mới chính thức trở thành phương trượng Thiếu Lâm Tự.    

Phương trượng Thích Vĩnh Tín giới thiệu "bí kíp" với cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger
Phương trượng Thích Vĩnh Tín giới thiệu "bí kíp" với cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger

Thích Vĩnh Tín không chuyên tâm vào luyện võ. Đến giờ, việc huấn luyện gần 200 cao tăng của Thiếu Lâm Tự vẫn do một vị khác làm. Với tầm nhìn rộng, ông tập trung vào việc phát dương quang đại Thiếu Lâm Tự. Căn nguyên là vào năm 1982, bộ phim Thiếu Lâm Tự do Lý Liên Kiệt thủ vai gây tiếng vang lớn ở phương Tây, đến lúc đó nhiều người phương Tây mới vỡ ra rằng Thiếu Lâm Tự là cái nôi của võ học Trung Hoa và họ tìm đến Thiếu Lâm Tự ngày một nhiều.

Từ khi lên chấp chưởng năm 1987, Thích Vĩnh Tín đã làm được cho Thiếu Lâm Tự rất nhiều việc. Ông cho trùng tu lại chùa, lập các hội thư pháp, nghệ thuật, thơ thiền, quỹ từ thiện Thiếu Lâm, đưa các đệ tử ra nước ngoài biểu diễn. Ông còn hợp tác với các trường đại học lớn trong cả nước, trong đó có Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa để nghiên cứu về di sản của Thiếu Lâm Tự. Bắt đầu từ đầu thập niên 90, thanh thế Thiếu Lâm Tự lớn dần.

CEO của thiếu lâm tự

Đến giờ Thiếu Lâm Tự đã trở thành một thương hiệu lớn trên thế giới. Đoàn võ thuật của Thiếu Lâm Tự đã đặt chân đến khắp nơi trên thế giới để mê hoặc mọi người bằng các công phu có một không hai của họ. Các chính khách như Giang Trạch Dân, Lý Bằng, Putin, Kissinger... cũng đã đến viếng thăm Thiếu Lâm Tự.

Cậu bé Lưu ngày nào giờ đã trở thành một người được trọng vọng, có đệ tử khắp nơi trên thế giới. Diễn viên  Tiểu Long nổi tiếng trong các phim kungfu là đệ tử chân truyền của ông. Ông giờ đi lại bằng xe hơi đời mới, sử dụng laptop, điện thoại di động, internet để điều hành công việc hàng ngày. "Chúng tôi đã bị cô lập với bên ngoài một thời gian dài, giờ là lúc chúng tôi phải tích cực kết nối với thế giới bên ngoài để học những kỹ năng mới như tiếng Anh, vi tính, internet", sư phụ Thích Vĩnh Tín cho biết.

Phương trượng Thích Vĩnh Tín tiếp đón Thủ tướng Nga Putin tại Thiếu Lâm Tự
Phương trượng Thích Vĩnh Tín tiếp đón Thủ tướng Nga Putin tại Thiếu Lâm Tự

Website chính thức của Thiếu Lâm Tự được mở ra; Công ty TNHH Phát triển công nghệ Thiếu Lâm Tự được thành lập; các cửa hàng bán đồ lưu niệm, sách, DVD dạy võ, quần áo, giày tập võ... được mở ra ở nhiều nước và mới đây, ông cho mở một cửa hàng bán đấu giá điện tử trên mạng Taobao.com, một mạng bán đấu giá ở Trung Quốc hoạt động giống như mạng eBay nổi tiếng trên thế giới.

Phương trượng Thích Vĩnh Tín điều hành Thiếu Lâm Tự với vai trò giống như một CEO (Chief  Excutive Officer-Giám đốc điều hành) của một công ty, vì thế người phương Tây gọi ông là CEO của Thiếu Lâm Tự. "Thực ra thì họ gọi thế không chính xác, họ gọi thế chỉ bởi họ không có từ nào có nghĩa tương đương với từ Phương trượng", Thích Vĩnh Tín nói.

Cuộc đấu bảo vệ thương hiệu

Các hoạt động kinh doanh trên còn quá nhỏ đối với tham vọng của Phương Trượng . Khái niệm "nhượng quyền" mới phổ biến trên thế giới từ vài năm qua song ông nắm bắt rất nhanh. Năm ngoái, ông thuê 4 ngôi chùa ở tỉnh Vân Nam để gắn bảng hiệu, lập lò võ và bán hàng hiệu Thiếu Lâm Tự trong vòng 20 năm. Trong thời gian này, Thiếu Lâm Tự sẽ thu tiền kinh doanh, đổi lại họ sẽ bỏ tiền xây dựng tu bổ các ngôi chùa đó. Chính quyền Vân Nam đồng ý liền bởi họ biết thương hiệu Thiếu Lâm Tự ở đâu thì du khách sẽ đổ xô tới đó. Dự án lớn khác mà sư phụ Thích đang triển khai là xây dựng một công viên văn hóa, võ thuật Thiếu Lâm trên 12 km2 đất Thiếu Lâm Tự mới mua ở Úc. Các hoạt động thương mại đã đem đến cho Thiếu Lâm Tự 150 triệu tệ (khoảng 10 triệu USD) lợi nhuận hàng năm. Mỗi năm có khoảng 1,5 triệu du khách đến thăm trụ sở chính của Thiếu Lâm Tự  ở Hà Nam, mỗi vé tham quan 40 tệ, riêng tiền bán vé đã là 60 triệu tệ.

Một màn biểu diễn của các đệ tử Thiếu Lâm Tự

Một màn biểu diễn của các đệ tử Thiếu Lâm Tự

Việc "chăm chỉ" với các hoạt động thương mại của Thiếu Lâm Tự đã gây nhiều tranh cãi trong xã hội Trung Quốc. "Họ quên mất mục đích của họ và tập trung vào những việc họ không nên làm", một bài báo trên Tân hoa xã từng chỉ trích như vậy. Nhưng quan điểm của Phương trượng Thích Vĩnh Tín vẫn trước sau như một: "Tiền thu được từ các hoạt động kinh doanh sẽ được đầu tư trở lại để khuếch trương Thiếu Lâm Tự trở thành một biểu tượng văn hóa toàn cầu".

Chiếc xe hơi Sở du lịch Hà Nam tặng Phương trượng Thích Vĩnh Tín vì những đóng góp của Ngài
Chiếc xe hơi Sở du lịch Hà Nam tặng Phương trượng Thích Vĩnh Tín  vì những đóng góp của Ngài

Cũng theo Phương trượng Thích Vĩnh Tín, thà Thiếu Lâm Tự trực tiếp kinh doanh còn hơn là để những kẻ khác mạo danh Thiếu Lâm làm tiền. Ở Trung Quốc đã có hơn 60 nhãn hiệu từ rượu, bia đến quần áo sử dụng trái phép thương hiệu này, thương hiệu mà sư phụ Thích cho đăng ký năm 1994. Trên thế giới có hàng trăm thương hiệu "Thiếu Lâm" được đăng ký "độc quyền". Chỉ riêng thị trấn Đăng Phong trên đường vào Thiếu Lâm Tự đã có hàng chục lò võ treo biển hiệu Thiếu Lâm trái phép rồi. Năm xưa, các nhà sư Thiếu Lâm chiến đấu để bảo vệ chùa trước sự xâm lược của phiên bang và của tà phái thì bây giờ thầy trò sư phụ Thích đang chiến đấu để bảo vệ thương hiệu của mình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Hòa thượng Thích Huệ Thông: “Muốn đăng ký con dấu mới phải thành lập Ban Quản trị tự viện”

GNO - Liên quan hướng dẫn về con dấu Ban Quản trị tự viện ngày 24-4-2024 của C06 - Bộ Công an và con dấu của tự viện đang lưu hành còn hiệu lực hay không, Báo Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư GHPGVN, về vấn đề đang được quan tâm này.
Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày