Phút thật lòng…

GN - Bây giờ, ngồi ngẫm nghĩ những chặng đường mình đã qua, có những phút yếu lòng… nhưng may mắn là mình đã vượt qua nên vẫn còn giữ được hình tướng tu sĩ. Và, thấy mình còn hạnh phúc, thấy thương những bạn đồng liêu thuở nào giờ phải bôn ba giữa cuộc đời, thi thoảng vẫn về chùa thăm và giãi bày về cuộc sống cùng những tiếng thở dài nuối tiếc…

Ảnh Thiên thần quét lá.jpg

Ảnh minh họa - Ảnh: L.Đ.L


1. Hành điệu khi mới học lớp 8. Hồi đó, tôi thích đi tu nên về nhà cứ nằng nặc đòi ba mẹ cho đi, rồi ra điều kiện: nếu không cho đi thì con nghỉ học. Ba mẹ tôi nghĩ chắc tuổi nhỏ chỉ thích nhất thời vậy thôi chứ mai mốt lớn chút hoặc đi vô chùa không chịu nổi việc dậy sớm thì sẽ lại về nhà nên “tự tin” đưa tôi tới chùa, xin thầy cho tôi tập sự xuất gia (hành điệu).

Quả đúng là khi đó tôi đã mấy phen khóc vì nhớ nhà, nhớ ba mẹ, vì phải dậy sớm, gật gù trong tiếng mõ sáng và đôi lần muốn về vì bị thầy nhắc nhở. Nhưng, có lẽ thầy tôi là người tâm lý nên đã mềm dẻo, khéo léo: “Thầy thương mấy con nên thầy mới la. Không có gì quý giá bằng việc được biết Phật pháp và nhất là được trở thành người xuất gia. Nhưng, để đi trọn con đường ấy không phải dễ bởi người ấy cần phải rèn luyện cẩn trọng, chánh niệm, biết gìn giữ thân mạng, huệ mạng một cách chu đáo.

Không phải tự nhiên mà Phật chế giới mà giới luật đưa ra là để cho người tu sống đời đạo đức, dứt khỏi những ràng buộc của thế gian, từ đó mới giải thoát được…”. Đó là tôi đã hành điệu được hai năm, nên ghi nhớ lời thầy vào một cuốn sổ tay, như một trong những bài học quý giá đầu tiên cho cuộc đời tu hành của mình.

2. Thầy tôi có đông đệ tử nhỏ nên mỗi lần dạy thầy đều dạy chung như thế, ai nhặt được gì, rút ra được gì thì ứng dụng và gìn giữ. Tôi nhớ lời ấy của thầy nên không còn thấy giới luật là những “điều khoản” cứng nhắc, ràng buộc mình; ngược lại thấy đó là phương tiện để cởi trói những ràng buộc khác của thế gian, để gội rửa tâm mình ngày một tinh sạch hơn. Phải nói là như vậy, bởi vì nhờ giới luật, đứng trên quan điểm của người chọn con đường xuất thế thì đó là nguyên tắc giúp người tu bỏ dần ngũ dục thế gian (danh, sắc, tài, thực, thùy).

Từ việc ăn mặc (chỉ là áo nâu sồng) đến đôi dép nhựa, dép cũ, thô, đến không giữ tiền bạc, đến ăn uống thanh đạm và không ham ngủ nghỉ..., tất cả đều nhằm làm cho mình trở thành “thiểu dục” (ít muốn) và chắc chắn khi đó trí huệ sẽ dần khai mở; mình không còn bị chi phối bởi năm món ấy nên trí sáng, tâm khai là lẽ đương nhiên! Trí huệ là sự nghiệp của người tu, hiểu điều đó, nên dẫu có lúc tánh phàm phu ham ăn, ham ngủ của mình (nhất là giai đoạn tuổi dậy thì) có nhiều mình cũng không dám giải đãi, không dễ duôi với nó được.

Và dẫu, có lúc buồn vì thầy rầy chuyện này nọ, có lúc cũng xao lòng (nhất là thời học năm cuối phổ thông) do những lựa chọn công danh, sự nghiệp của bạn bè cứ như những lực tác động vào suy nghĩ. Tụi bạn mơ về một ông bác sĩ, kỹ sư, giám đốc, kiếm tiền, giàu có… còn mình nếu có học cũng chỉ là thầy tu, có “sự nghiệp” như tụi bạn được đâu?

Trầm tư, chuếnh choáng vì thứ “độc tố” ấy và rồi sư huynh đã kịp nhắc: được làm thầy là hạnh phúc lắm đó nghen em và mình kịp phản tỉnh; rõ ràng hạnh phúc nhất chính là sống đời giải thoát, lo cho mọi người cùng có an lạc trong đời sống tâm linh chứ không phải là những sự nghiệp trong một đời, làm ông này, bà nọ. Thế là dẹp bỏ mọi thứ vọng tưởng, tự tại thi tốt nghiệp, thi đại học với chỉ duy nhất một tâm niệm: mình học để đem đạo vào đời một cách tích cực, gần gũi chứ không phải để tạo công danh, sự nghiệp như bạn bè cùng lớp.

Bạn bè thời phổ thông chưa có duyên với con đường tu nên phải lo theo kiểu của thế gian, mình may mắn không biết giữ, lại ham ưa theo kiểu của thế gian thì uổng phí, có lỗi với Phật, với thầy và nhất là với mình, lại sẽ rơi vào con đường cũ, loay hoay với cuộc sống, hơn thua, được mất...

3. Vậy đó, trên bước đường tu học, đôi khi có những cửa ngõ mới nhìn, mới gặp thì có vẻ như thuận chiều, là phù hợp, nhưng nếu mình có chút suy nghiệm, may mắn được thầy, bạn tu nhắc nhở kịp thời thì mình sẽ sáng ra, nhận diện được đâu là pháp thế gian, đâu là pháp xuất thế của người tu.

Giống như khi gặp trường hợp, có lúc nào đó người ta sẽ rù quến mình rằng: có một gia đình, có con cái, có danh phận với đời… thì sẽ hạnh phúc, sẽ giúp cho nhiều người hơn là sống thanh bần, không tài sản như thầy tu.

Mình không vững chãi thì sẽ dễ cho đó là phải, là hợp lý; nhưng nếu mình có an lạc, hạnh phúc trong tu tập và hiểu cặn kẽ giáo nghĩa mầu nhiệm của Phật thì mình sẽ thấy đó là con đường dẫn tới luân hồi sanh tử. Khi ấy, mình cũng sẽ thấy giá trị của người không tài sản, trong hình tướng chiếc áo nâu sồng chính là làm cân bằng lại những đảo điên của những tham muốn ngút trời mà người thế gian đã, đang và sẽ còn ngập ngụa trong đó…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày