Tượng đài Thánh Gióng: Điểm nhấn sáng ngời của 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

Giác Ngộ - Trong không khí tưng bừng của cả nước đón chào sự kiện trọng đại 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, những công trình thế kỷ hướng tới Đại lễ đang khẩn trương bước vào giai đoạn nước rút.

Tượng đài Thánh Gióng - điểm nhấn sáng ngời của Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng đã ghép xong những thớt đồng cuối cùng, đưa vị Thánh của dân tộc trường tồn ngự trên đỉnh núi Đá Chồng, thuộc Khu di tích Đền Sóc - Chùa Non (Sóc Sơn, Hà Nội).

Ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ý tưởng đúc tượng đài Thánh Gióng đặt tại nơi ngài về trời đã được lãnh đạo thành phố Hà Nội trăn trở. Tuy nhiên, phải đến năm 2003, lễ phát động cuộc thi thiết kế mẫu tượng đài Thánh Gióng mới chính thức được tổ chức. Từ hai mươi tám mẫu tượng của tất cả các nhà điêu khắc khắp mọi miền đất nước gửi tham gia cuộc thi, Hội đồng thẩm định khi đó là những chuyên gia hàng đầu về mỹ học, lịch sử, nghiên cứu văn hóa đã chọn được 4 mẫu tượng trưng bày để lấy ý kiến góp ý của giới chuyên môn cũng như nhân dân thủ đô.

nhaptuong.gif

Tượng Thánh Gióng-Sóc Sơn nhân ngày khai quang yên vị

Ảnh VnExpress

Cuối cùng, Hội đồng thẩm định thống nhất chọn mẫu thiết kế của nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân. Tuy vậy, để có được mẫu tượng cuối cùng hoàn thiện như hiện nay, tác giả đã phải mất 4 năm cần mẫn thực hiện chỉnh sửa theo góp ý của Hội đồng nghệ thuật, làm sao phù hợp nhất với truyền thuyết từ thời Hùng Vương thứ 6 khi giặc Ân xâm lược nước ta, Thánh Gióng đã nhổ bụi tre ngà đánh đuổi giặc về đến chân núi Vệ Linh. Giặc tan, Thánh Gióng cởi áo giáp để lại ngang núi rồi phi ngựa lên đỉnh núi bay về trời.

Chia sẻ với chúng tôi về tâm huyết của mình với mẫu tượng đài Thánh Gióng, nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân cho biết: "Ngay từ khi UBND thành phố Hà Nội có ý định dựng tượng ngài và phát động cuộc thi tạo mẫu tượng, từ trong thâm tâm tôi đã nghĩ rằng đây sẽ là công trình để đời trong cả một đời nghệ thuật của mình".

Theo thiết kế, tượng có chiều cao 11,07m, chiều rộng 13,5m, độ vươn ra là 16m với trọng lượng ước tính khoảng 85 tấn phỏng hình ảnh cậu bé Gióng tay mang tre ngà, cưỡi ngựa sắt thăng thiên về trời từ đỉnh núi Đá Chồng. Chân tượng được tạo hình từ sự cách điệu của mây, của hào quang và những cây tre ngà. Nơi đặt tượng có chiều cao 297m so với mặt nước biển, tương đương 3.500 bậc thang bộ. Với vị trí ấy, ngài có thể phóng tầm nhìn bao quát toàn cõi đất Việt, trở thành vị thần "hộ quốc an dân" trường tồn cùng mảnh đất thiêng Thăng Long - Hà Nội với 1.000 năm văn hiến.

Ngay sau khi mẫu tượng Đức Thánh Phù Đổng Thiên Vương hoàn thiện một cách trọn vẹn, tháng 10-2007, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định chuyển giao cho Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm chủ đầu tư dự án xây dựng tượng đài Thánh Gióng theo phương thức xã hội hóa.

Ủng hộ quyết định đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt của UBND thành phố Hà Nội, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc khẳng định: "Tôi phải nói ngay rằng, Thánh Gióng ra trận được sự ủng hộ của toàn dân. Thánh Gióng đã huy động được sức mạnh của dân chúng để chiến đấu chống quân xâm lược. Đây là một hình tượng đẹp. Vì thế, việc xây dựng tượng đài Thánh Gióng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa là một việc làm rất hợp lý, sát với tinh thần Thánh Gióng, nhất là khi đơn vị đảm đương trách nhiệm này lại là Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam - nơi của lòng hảo tâm, từ bi, nơi hội tụ những Tăng Ni, Phật tử có cái tâm trong sáng, có tâm hồn hướng thiện vì sự ổn định và phát triển".

Phương thức xã hội hóa được Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ nhiệt tình của bà con Phật tử và nhân dân. Trong đó, đặc biệt phải kể đến bà Nguyễn Thị Thoa - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư ATS, người đã phát tâm công đức gần 30 tỷ đồng để đúc tượng Thánh Gióng.

Tìm gặp bà Nguyễn Thị Thoa tại trụ sở Công ty ATS trên phố Kim Mã - TP.Hà Nội, chúng tôi được nghe những tâm sự và chia sẻ chân thành của bà về việc phát tâm công đức một số tiền "khổng lồ" đúc tượng Đức thánh Phù Đổng Thiên Vương; chúng tôi có cảm giác rằng bà Thoa đã coi đó như một lẽ tự nhiên, một việc làm phải thực hiện như một nhiệm vụ, một nghĩa vụ lớn của một người phụ nữ - một người công dân ưu tú điển hình.

"Tôi đóng góp vào việc đúc tượng ngài Thánh Gióng thiêng liêng là do nhân duyên, nhưng xét ra, đó cũng là trách nhiệm công dân của doanh nghiệp, tập thể. Tôi coi đây là trách nhiệm xã hội của một công dân với dân tộc mình. Tôi chọn hình tượng Thánh Gióng để phát tâm công đức, có lẽ cũng là do tôi may mắn có duyên với ngài. Hơn nữa, đây là biểu tượng của một vị anh hùng, được UBND thành phố Hà Nội và Ban chỉ đạo nghìn năm Thăng Long chọn là một trong những công trình chào mừng nghìn năm Thăng Long", bà Nguyễn Thị Thoa chia sẻ.

Tri ân với nghĩa cử cao đẹp của bà, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc hết sức xúc động chia sẻ: "Tôi cũng được biết chị Nguyễn Thị Thoa - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư ATS - là người đã phát tâm công đức gần 30 tỷ đồng để hoàn thành việc đúc tượng Thánh Gióng. Đây thực sự là một nghĩa cử cao đẹp và đáng được vinh danh".

Vào ngày trùng cửu, lúc 9 giờ 9 phút 9 giây ngày 9 tháng 9 năm Kỷ Sửu (tức 26-10-2009), Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và thành phố Hà Nội đã chính thức làm lễ khởi đúc "thớt" đồng đầu tiên của tượng đài Thánh Gióng. Công đoạn đúc tượng Đức Thánh diễn ra trong suốt hơn 2.000 ngày, được giao cho nghệ nhân "bàn tay vàng" Vũ Duy Thuấn và ông Nguyễn Văn Năm - Giám đốc Công ty TNHH Nam Đại Phong đảm nhận. Tên tuổi của nghệ nhân "bàn tay vàng" Vũ Duy Thuấn đã gắn liền với bức tượng đồng liền khối Phật Tổ Như Lai lớn nhất ở Việt Nam nặng 30 tấn; tượng Phật Bà nghìn tay, nghìn mắt và ba pho tượng Tam Thế, mỗi pho nặng 50 tấn đặt tại chùa Bái Đính (Ninh Bình); tượng những thi nhân như Nguyễn Du (Hà Tĩnh); người cộng sản năm xưa bên cây đào Tô Hiệu (Sơn La)…

Với những thành công lớn và tiếng tăm trong làng đúc đồng truyền thống, năm 2004, cơ sở đúc đồng của Vũ Duy Thuấn được Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (hiện là Thủ tướng Chính phủ) về thăm. Anh Thuấn tâm sự: "Các tượng Phật thường đúc ở tư thế ngồi, với phương thẳng đứng nên không cần chú tâm đến vấn đề chịu lực. Còn bức tượng Thánh Gióng có chiều cao 11,07m, vươn ra 16m lại ở thế bay, với góc nghiêng 35o nên việc tính toán kết cấu, chịu lực phải thật chính xác và khoa học. Mặt khác, do bức tượng được đặt trên đỉnh núi cao nên chịu tác động rất lớn của gió, bão. Do đó, cần phải bảo đảm độ an toàn cũng như tính bền vững của bức tượng".

Trong thời gian khởi đúc tượng Thánh Gióng, có rất nhiều sự trùng hợp đẹp và có ý nghĩa. Theo Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Quản lý Dự án xây dựng tượng đài Thánh Gióng, việc chọn ngày 19-5 để rước tượng Đức Thánh Gióng mang nhiều ý nghĩa.

Thứ nhất, đây là ngày kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là dịp kỷ niệm ngày sinh của Đức Thánh Gióng (ngày 8 đến 9-4 âm lịch, ngày này tại Đền Gióng nhân dân mở hội lớn), và là dịp kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật Tổ. Cho nên có thể nói, đây là thời điểm kết hợp được cả đạo pháp và truyền thống dân tộc, cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, đây là một trùng hợp đẹp, ý nghĩa, liên quan đến hai người anh hùng dân tộc, khiến cho ngày lễ trọng đại này thêm dễ nhớ và ghi sâu vào tâm thức mỗi người dân Việt Nam.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết một lần nữa khẳng định rằng đây là công trình văn hóa lịch sử tâm linh có ý nghĩa quan trọng và thiết thực trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đoàn kết yêu nước của dân tộc ta, cũng như phát huy sự nghiệp bảo vệ đất nước. Việc đúc tượng đài Thánh Gióng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam biểu trưng cho hòa bình, ổn định và phát triển; đồng thời là minh chứng thiết thực cho phương châm "Đạo pháp - Dân tộc" mà Giáo hội đã đề ra; góp phần cùng cả nước kỷ niệm thủ đô Thăng Long ngàn tuổi.

Cho đến thời điểm hiện tại, tượng đài Thánh Gióng là tượng đài đầu tiên được chuẩn bị đúc tim tượng. Tim tượng hoàn toàn được đúc bằng đồng nguyên chất, có đường kính khoảng 50cm. Ông Nguyễn Đắc Lộc - Phó Trưởng ban quản lý dự án xây dựng tượng đài Thánh Gióng, cho biết các hạng mục của công trình như: sân hành lễ rộng 1.000m², ốp đá bệ tượng, hệ thống điện, đèn, nước, nhà phương đình, cây xanh... đều đã cơ bản hoàn thiện.

Mặc dù, theo đúng dự tính thì đến ngày 4-9 mới diễn ra lễ yểm tâm tượng, ngày 8-9 là lễ hô thần nhập tượng và lễ khánh thành tượng đài sẽ được tổ chức vào ngày 12-9, nhưng du khách thập phương đã nườm nượp từ khắp nơi đổ về đỉnh núi Đá Chồng để chiêm bái tượng đài Thánh Gióng. Lên núi Đá Chồng, ngoài đường cho xe ô tô còn có hai con đường dành cho nhân dân đi bộ hành hương lên đỉnh núi.

tuongthanh.gif

Bà Nguyễn Thị Thoa (ảnh) - người cung tiến gần 30 tỷ đồng đúc tượng đài Thánh Gióng, bày tỏ: "Tôi được biết, tất cả các tượng Phật đều có lễ yểm tâm tượng, và Đức Thánh Gióng là vị Thánh của cả dân tộc, nên lễ yểm tâm tượng bằng việc đúc trái tim của ngài sắp tới là một sự kiện rất có ý nghĩa. Vì thế, theo tôi, buổi lễ cần có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà ngoại cảm cùng đại diện các cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương cũng như sự tham dự của các tổ chức xã hội, đại diện các tôn giáo và người dân từ khắp bốn phương chung tay đồng lòng với biểu tượng lớn có tính lịch sử quan trọng cho cả dân tộc.

Tôi mong muốn rằng thời gian thực hiện nghi lễ yểm tâm tượng sẽ được công khai để tất cả những con dân đất Việt có cơ hội được phát tâm giọt dầu, đóng góp một phần nào đó của mình bằng tinh thần hay vật chất vào việc đúc trái tim của ngài. Tôi nghĩ rằng đây sẽ là một ngày hội lớn của dân tộc hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội".

Trái tim Đức Thánh sẽ "Tụ tâm - tụ đức - tụ khí - tụ phúc" mang lại sự linh thiêng cho vận nước. Và điều cần thiết nhất để tạo được sự linh thiêng ấy là đích thân từng người dân với lòng từ tâm kính lễ, sẽ tự tay bỏ giọt dầu công đức vào trái tim của ngài để tạo nên một tinh thần đại đoàn kết dân tộc vững chãi như một minh chứng cho truyền thống hào hùng của dân tộc ta".

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 350 tình nguyện viên tham gia hiến máu nhân đạo tại chùa Ân Thọ

Chùa Ân Thọ tổ chức hiến máu nhân đạo lần thứ 16

GNO - Chùa Ân Thọ (P.5, TP.Tân An, Long An) đã phối hơp với Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tổ chức hiến máu nhân đạo lần thứ 16 với chủ đề “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, với sự tham gia của hơn 350 tình nguyện viên, vào ngày 5-5.

Thông tin hàng ngày