Quả báo của nghề chăn nuôi

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00

Hỏi: Tôi trước vì vô minh nên đã cùng người quen chăn nuôi chim cút lấy trứng. Theo quy trình, đến lúc chim đẻ không đạt thì tôi bán cho người mua để giết thịt. Tôi cứ nghĩ là mình không giết thì không có tội. Sau hơn 5 năm làm nghề, nay tôi sinh con tuy mặt mày cháu sáng sủa nhưng lại bị tật một bên tai.

Tôi rất sốc về khuyết tật của con, tìm hiểu Phật pháp mới biết được quả báo này là do phạm tội sát sinh và cảm thấy ân hận vô cùng. Giờ tôi còn vướng một lứa chim cút cuối cùng nữa mà không biết phải xử lý thế nào? Nếu bán thì sợ tội chồng thêm tội mà phóng sinh thì chắc gì chúng đã sống an toàn ngoài tự nhiên, mặt khác tôi cũng rất cần hoàn vốn để tìm việc khác mưu sinh.

Xin hỏi, trường hợp của tôi chăn nuôi rồi bán cho người ta giết thịt thì tội nghiệp có nặng không? Nếu tôi thành tâm sám hối thì tội của tôi có giảm bớt không? Và tôi nên sám hối như thế nào? Tôi bận con nhỏ quá không đi chùa được mà ở nhà thì không có bàn thờ Phật, vậy tôi phải làm sao? Có phải tôi làm nghề chăn nuôi như vậy về sau phải bị đọa? Hiện tôi rất đau khổ, dằn vặt, mong quý Báo sẻ chia và chỉ bày giúp tôi.

(THÙY TRANG, thuytrang...@gmail.com)

Bạn Thùy Trang thân mến!

Giới Không sát sinh chính xác là “Cố ý tránh xa sự sát hại chúng sinh”. Bởi “Không sát sinh” trong thực tiễn là điều bất khả nên có thể vô tình sát hại (ví dụ đi đứng vô ý giẫm đạp côn trùng) hoặc vì hoàn cảnh mà sát hại (ví dụ cuốc xới đất đai làm tổn thương giun dế sâu trùng) vì thế nên cần sám hối mỗi nửa tháng là vậy.

Mặt khác, người Phật tử thọ giới Không sát sinh thường bị khuyết giới và ít khi phạm giới. Giới luật đã quy định, phạm giới Không sát sinh cần hội đủ năm yếu tố: 1- Có một sinh vật (người hay động vật), 2- Sinh vật ấy còn sống, 3- Khởi tâm giết hại, 4- Tìm mọi cách để giết hại, 5- Sinh vật ấy bị chết. Nếu không hội đủ các yếu tố kể trên thì chỉ bị khuyết giới chứ không phạm giới. Bạn làm nghề chăn nuôi dĩ nhiên là có tạo nghiệp (nghề nào cũng tạo nghiệp). Nhưng bạn chỉ nuôi rồi bán mà không giết nên xét theo giới luật thì chỉ bị khuyết giới chứ không phạm giới. Người bị khuyết giới nếu nỗ lực sám hối và nguyện không tái phạm thì sẽ được thanh tịnh, trong sạch.

Việc bạn sinh con có chút dị tật, theo quan điểm Phật giáo, trước hết chính là nghiệp riêng (biệt nghiệp) của cháu, kế đến là nghiệp chung (cộng nghiệp) của gia đình. Dù chúng ta không thể biết đầy đủ về nghiệp (bậc Thánh A-la-hán trở lên mới biết chính xác) nhưng cũng có thể xác định rằng những đặc điểm của cá nhân chủ yếu là do biệt nghiệp. Còn như dân gian hay nói “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” là ám chỉ phương diện cộng nghiệp. Bạn làm nghề chăn nuôi, nếu có tạo nghiệp xấu thì chỉ ảnh hưởng đến con cái trên phương diện cộng nghiệp mà thôi. Do vậy, theo cách nghĩ của bạn, vì bạn làm nghề chăn nuôi nên con phải mang dị tật là chưa chính xác.

Hiện bạn muốn chuyển nghề, đang phân vân về cách xử lý lứa chim cút cuối cùng. Bán thì sợ mắc thêm tội, không bán thì không có vốn để mưu sinh, thả ra tự nhiên thì sợ chúng sẽ chết vì không thể thích nghi. Có câu “bần cùng sinh đạo tặc”, nghèo khốn thì sinh trộm cướp, cùng đường dễ tạo ác nghiệp. Nếu thực sự cần vốn để mưu sinh thì thà chấp nhận thêm một ít nghiệp (vì khuyết giới), hãy sang nhượng cho người làm chung hoặc bán lứa chim cút ấy rồi nghỉ hẳn. Chấp nhận tạo nghiệp nhẹ để không rơi vào tạo nghiệp nặng hơn là giải pháp phù hợp trong thực tiễn cuộc sống của bạn hiện nay.

Bạn muốn sám hối ở nhà thì lập bàn thờ Phật, sau đó lễ bái sám hối theo nghi thức. Nếu chưa đủ duyên lập bàn thờ thì thỉnh một bức hình Phật, đặt hình Phật lên bàn hoặc treo hình Phật lên tường rồi lễ bái sám hối. Quan trọng là thành tâm, tâm thành thì Phật chứng. Vì bạn chưa thực sự phạm giới nên sám hối một thời gian thì tội sẽ diệt, phước sẽ sinh. Sám hối cho đến khi nào tâm thanh thản thì chuyển sang tụng niệm đồng thời nỗ lực phóng sinh cũng như giữ năm giới, làm lành trong khả năng có thể. Cứ tu tập như thế thì chắc chắn sẽ thành tựu công đức, phước báo, nhất là không lo sợ bị đọa lạc trong ba đường ác.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1246 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Con đường đến Sơ quả

GNO - Sơ quả hay Tu-đà-hoàn là quả vị Thánh đầu tiên mà người Phật tử có thể chứng đạt ngay hiện đời. Trong rất nhiều kinh, Đức Phật dạy muốn thành tựu Sơ quả thì trước tiên cần thành tựu giới, kế đến chứng đắc định (bốn bậc thiền), sau đó phát huy tuệ đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên: Thân kiến, giới cấm thủ và nghi.

Thông tin hàng ngày