Cho người là cho mình - góc nhìn khác về bố thí

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Người đệ tử Phật tùy duyên bố thí mọi lúc mọi nơi trong đời sống hàng ngày. Bố thí ngoài mục đích cho người còn có ý nghĩa quan trọng là cho mình.

Hỏi: Tôi là Phật tử, hàng ngày tôi vẫn thực hành bố thí, thường cho những người ăn xin một ít tiền. Một hôm, có người trông không có vẻ cơ nhỡ đến xin ít tiền đi xe, tôi quyết định không cho vì nghĩ là anh ta đang lừa gạt. Sau đó, tôi cảm thấy không yên lòng, lỡ như người ta bị nạn (rơi ví hay bị trộm) khó khăn thật mà mình dửng dưng thì quá vô tâm. Tôi không biết quyết định của mình lúc ấy có đúng không? Mong quý Báo chỉ cho tôi cách ứng xử về bố thí đúng như pháp.

(THIỆN NĂNG, nangnl...@gmail.com)

Bạn Thiện Năng thân mến!

Bố thí trong đạo Phật gồm ba phương diện: Tài thí là chia sẻ tài vật, tùy duyên mà cho. Pháp thí là chia sẻ giáo pháp, giúp người hiểu biết lời Phật dạy để làm lành, tránh ác. Vô úy thí là tìm cách mang lại sự bình an cho người. Người đệ tử Phật tùy duyên bố thí mọi lúc mọi nơi trong đời sống hàng ngày. Bố thí ngoài mục đích cho người còn có ý nghĩa quan trọng là cho mình.

Nguyên tắc cốt lõi của hạnh bố thí là tùy duyên, hoan hỷ, trí tuệ. Tùy duyên là duyên đến đâu làm đến đó. Cụ thể là có nhiều làm nhiều, có ít thì làm ít, không có thì thôi (trong tâm vẫn mong ước có điều kiện giúp đỡ). Hoan hỷ là trước, trong và sau khi bố thí đều vui vẻ, đẹp lòng. Trí tuệ là đúng người, đúng việc, mang đến lợi ích thiết thực.

Riêng về tài thí, ở đây chúng ta chỉ xét đến cách bố thí vụn vặt hàng ngày như mời người một ly nước hay chiếc bánh để ấm lòng. Vì mình đã chuẩn bị sẵn định mức cho bố thí hàng ngày, nên dù gặp bất cứ ai, hãy mở lòng, vô tư chia sẻ, không suy nghĩ gì hết. Thậm chí mình bị lợi dụng hay lừa gạt, trong trường hợp này cũng chẳng sao, vì đây là bố thí cho mình.

Hiện nay vì nhiều lý do mà mọi người phải cân nhắc, đắn đo khi bố thí, dù vật thí không lớn. Nếu không biết cách nuôi dưỡng thì tâm bố thí sẽ có ngày thui chột, dửng dưng với khó khăn, vô tâm với hoạn nạn, bàn tay mới chớm buông rồi lại nắm chặt. Nên cách bố thí vô tư này nhằm vun đắp tấm lòng rộng mở của mình vốn đã bị xói mòn theo gian dối cuộc đời.

Dĩ nhiên khi bố thí tài sản có giá trị lớn thì phải tìm hiểu kỹ, đúng người đúng việc; từ bi phải đi lền với trí tuệ, từ bi chính là trí tuệ.

Chúc các bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày