Như con chim vừa đủ lông đủ cánh, chuẩn bị bay ra khỏi tổ để được sống với thiên nhiên hùng vĩ, với bầu trời bao la, với những ước mơ của cuộc đời mới lớn. Nhớ ngày nào Hạnh bở ngỡ xách hành lý đến nơi chung cư sinh viên nầy; bây giờ lại lo dọn dẹp phòng ốc, để mai cuối tuần nầy phải tổ chức buổi chia tay (abschied) với các bạn cùng học. Hạnh nghĩ mình là người Việt nam, muốn để lại cho các bạn Đức chút kỷ niệm nào đáng nhớ, nên cần làm một món ăn gì có vẻ quốc hồn quốc túy một chút. Nhưng nghĩ mãi vẫn không ra! Ngày trước lúc còn bên mẹ, Hạnh không học nữ công gia chánh, bây giờ thấy tiêng tiếc.
Cuối cùng, Hạnh phải điện thoại về hỏi mẹ Rezepte. Một món ăn mà Hạnh nghĩ sau nầy nếu những đứa bạn còn nhớ đến mình, có lẽ bằng tên của món ăn ấy! Vì tên món ăn có thể dịch ra tiếng Đức, còn tên của mình thì không thể dịch được, nên chúng cảm thấy rất khó khăn mỗi khi gọi cả tên lẫn họ. Nó như hơi lơ lớ làm sao, nghe mãi đến buồn cười. Mặc dầu chúng đã luyện giọng nhiều lần, nhưng rồi đành phải chịu! Hạnh nghĩ lúc đầu mình mới học tiếng Đức, cô giáo bắt tập đọc đến những tiếng có "Umlauf", lúc phát âm thấy cũng khó khăn, phải tập luyện mới đọc đúng. Người Đức đọc tiếng Việt cũng vậy, nên rất thông cảm.
Thế rồi mấy người bạn chạy sang giúp, sau khi Hạnh tạt xuống phố, ghé tiệm thực phẩm Á châu mua vài thứ cần dùng. Rồi cũng nồi niêu soong chảo bày ra, cũng xắt xắt gọt gọt, xào xào nấu nấu, và cuối cùng cũng trở thành một món ăn quê hương như Hạnh đã mong muốn.
Thật thế, món chả giò rất thông thường ấy, được dịch ra tiếng Đức là Frühlingsrolle. Sau nầy mấy đứa bạn cũng tìm ra một nghĩa khôi hài để kháo nhau. Nghĩa của chữ đầu là mùa xuân, bình minh, tươi mát, ngạt ngào, và nghĩa chữ thứ nhì là cuộn tròn lại. Như niềm hạnh phúc của ngày Hạnh đã tốt nghiệp! Một phần thưởng chẳng những chỉ dành riêng cho tương lai của mình, mà còn là niềm vui cho ba mẹ. Hay đúng hơn là mẹ, vì sự gần gủi qua thời thơ bé, và săn sóc cho mình đến lúc trưởng thành, cũng như mẹ đã cho con thật nhiều yêu thương. Còn ba thì chỉ được mẹ kể lại, một cách rất mơ hồ và nghe như huyền thoại !
Buổi chiều, căn phòng trong cư xá sinh viên dành cho các cuộc họp mặt, đã đông đúc nhưng không đến nỗi náo nhiệt lắm. Mặc dù niềm vui cùng nỗi buồn hòa vào nhau, nỗi quyến luyến qua ánh mắt, bắt tay và trao nhau những trang lưu niệm ghi vội tại chổ. Như những dấu tích của một thời đã qua, đã ghi lại cho những gì sẽ không qua đi như dòng nước trôi xuôi. Cho cảm tưởng lúc đi và lúc đến, nó không bao giờ cách xa nhau trong một khoảnh khắc, mà hình như còn đâu đây những vời vợi dấu yêu, mỗi lần nghĩ đến.
Ngày đến nơi đây Hạnh cũng có những cảm giác xôn xao, những lo lắng cho chuổi ngày kế tiếp, phải vất vả với chữ nghĩa của nhà trường. Một thứ mà gần như một sự vướng bận, sự ràng buộc không ai có thể tránh khỏi, khi mới bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời. Nó như một chiếc cầu phải qua, mặc dầu không biết qua bên kia để làm gì và được những gì. Cái khó khăn cũng đã qua, tuy trong lúc đang tiếp xúc, đang thực hành nhiều lúc cảm thấy hơi chán nản! Nhưng cứ nhớ đến lời khuyên của mẹ: Con nên cố gắng để làm rạng danh cho dòng họ nội ngoại của con, vì con đã được dòng họ trao truyền lại cho tất cả. Một vốc dáng bên ngoài và một trí khôn để tiếp thu việc học hành, nên con theo kịp các bạn học cùng lớp. Bên cạnh ấy, cũng còn nhờ ơn của thầy bạn đã dạy dỗ và san sẻ cho con nữa.
Hạnh cúi đầu cảm động qua những lời mẹ nhắc đến sự liên hệ gia đình và huyết thống. Một ý niệm rất mơ hồ, nhưng cảm tưởng như một lưu truyền khắng khít, một gắn bó không rời. Trở về với khung cảnh hiện tại Hạnh vẫn còn cái cảm giác bở ngỡ. Có lẽ hình ảnh xa lạ của nơi chốn và con người, không thể đem đến cho mình một nguồn yêu mến. Vì nhiều lần Hạnh cố gắng để làm quen với nó, thân thiện với nó nhưng rốt cuộc vẫn như hai dòng nước đục trong. Như có cái gì vô hình cứ quấn quyện trong tâm tư của con người; không dễ gì có thể tách rời hay dấu kín vào ngõ ngách nào, để được thoải mái, không phải suy tư về nó nữa.
Trong chung cư sinh viên nầy, hằng ngày Hạnh cũng tiếp xúc với nhiều sinh viên người Việt, trong đó có vài ba người từ trong nước qua đây du học, và năm bảy người sinh trưởng nơi đây. Ban đầu, mấy người sinh viên du học còn hơi dè dặt và ngại ngùng. Như cảm thấy có một biên giới ngăn cách nào. Qua cử chỉ, lời nói ẩn chứa một điều gì bí ẩn, không thể phân tích được. Tuy nhiên tâm hồn của tuổi trẻ thì vô tư, nên dần dần rồi cũng làm quen với nhau, và buổi tiệc hôm nay cũng có sự tham dự đông đủ của hai chiều hướng. Đặc biệt buổi chia tay của Hạnh còn bàn thảo nhiều vấn đề cho tương lai, trong đó có vấn đề của mấy anh sinh viên từ trong nước ra du học, mang nhiều suy tư cho giới trẻ tại đây.
Sau khi các bạn sinh viên người Đức từ giả về, còn lại các bạn Việt nam ngồi lại bàn thảo và đưa ra nhiều chương trình rất hấp dẫn. Những chương trình nầy đều do các bạn sinh viên từ Việt nam qua du học, đề nghị bàn thảo và hợp tác. Đề tài vẫn xây quanh việc: "Xây dựng quê hương", như gần đây chính quyền trong nước đang kêu gọi. Nghe đề tài rất hữu ích và hợp lý, nên người nào cũng thấy cần phải làm một cái gì đó, trước để làm đẹp mặt với cha mẹ, họ hàng; sau nữa để kỷ niệm ngày vinh quang đến với đời mình, như đánh dấu một một bước tiến quan trọng nhất trong đời. Hạnh nghĩ ngày mai đây, không chỉ mang về cho mẹ nguồn hạnh phúc, khi được thấy con đã thành đạt. Mà còn tạo cho mẹ một sự ngạc nhiên và thích thú nhiều hơn nữa! Hạnh vội kể lại những sinh hoạt gần đây nhất, của giới sinh viên mà mình được tham dự. Tuy sự giao du giữa bạn bè không chung một lý tưởng. Nhưng họ sinh hoạt với nhau thấy rất tương đắc và thích thú. Họ bàn thảo một chương trình thấy nhiều lợi lạc, con cũng có hứa hẹn sẽ tham gia vào. Được biết trong nước theo lời kêu gọi góp sức xây dựng quê hương. Và hiện nay nhà nước cởi mở rất nhiều, các nhà kinh doanh ở ngoại quốc cũng đang đến nghiên cứu kế hoạch. Nhưng họ chỉ đến với mục đích kinh doanh mà thôi, chứ không có làm lợi ích gì cho nước nhà cả! Chỉ có chúng ta là người Việt Nam, cần phải chung sức trở về xây dựng mới hy vọng quê hương trở nên phồn vinh được. Mấy năm gần đây, thường xẩy ra thiên tai bảo lụt, nên người dân rất khốn khổ! Con thấy việc kêu gọi nầy rất cần thiết vì mang một ý nghĩa hoàn toàn nhân đạo là giúp đồng bào chúng ta, cho nên con nghĩ chương trình sẽ đem đến nhiều công ích.
- Nghe con kể lại những dự ước của đám bạn con, mẹ thấy rất vui mừng vì việc làm nầy đúng theo hoài bảo của ba con, người mà một đời muốn sống vì tha nhân. Tuy nhiên, theo mẹ thấy thì chưa đúng lúc, không hợp thời thế, và không có cơ bản để thực hiện.
Chưa hiểu được suy nghĩ của mẹ, nên Hạnh cố lý thuyết theo một chiều với việc đơn thuần là làm việc thiện: Theo con thì bây giời đã đúng lúc để thực hiện những việc ấy rồi mẹ ạ, và thời thế cũng rất khả quan để có thể. Hơn nữa, trước đây mẹ thường dạy con làm việc từ thiện phải luôn giữ tấm lòng trong trắng, vô tư. Khi thấy kẻ khốn khó thì mình tự giúp mà không cần nghĩ đến một sự bù đắp nào, như thế nghĩa cử mới cao đẹp. Bây giờ, ở trong nước gặp cảnh thiên tai bảo lụt, hạn hán mất mùa, dân tình đói khổ và nhà nước kêu gọi cứu giúp, thì đúng thời rồi còn gì nữa? Bây giờ chính quyền Việt Nam đã đổi mới, đã mở cửa để bang giao, nhiều công ty của nước ngoài vào đầu tư, để làm cho nước Việt nam thêm giàu mạnh. Mình là người Việt tại sao không góp sức để về xây dựng lại quê hương? Nên việc mấy người bạn con bàn thảo, rất chính đáng và lợi ích cho quốc gia xã hội.
- Thì mẹ cũng đồng ý với con, làm việc thiện là một điều cao quý, nhưng phải đúng chổ đúng lúc, và cũng cần nhìn vào thực tế của hiện tại. Như trong mấy năm gần đây, trong nước bị nhiều thiên tai, qua các tin tức của việc cứu trợ, thì nhiều người có lòng muốn giúp nhưng lại không được phép, không thể đơn phương để thực hiện được! Như vậy đối với con còn non nớt, chưa có một chút kinh nghiệm thì liệu con có thể thực hiện được ý nguyện của con, trong một xã hội mà con người “không được phép” làm việc thiện hay không ?
Lại nữa, con nên phân biệt việc đầu tư của các công ty nước ngoài, và việc xây dựng quê hương còn khác nhau. Ở đời việc gì cũng cần đến lý sự cho viên dung, tình lý cho vuông tròn, thì việc làm mới đem đến kết quả mong muốn. Nên mẹ thấy việc đám bạn của con rủ nhau về "Góp sức xây dựng quê hương", là một việc làm trừu tượng rất mơ hồ và phiêu lưu. Vì trên thực tế bình diện hành chánh là cơ cấu để xây dựng và phát triển quốc gia. Trong một nước có các Bộ: như bộ Nông nghiệp phải lo việc canh nông, trồng trọt để nâng kinh tế nước nhà lên. Bộ Công chánh phải lo tu bổ đường sá, mở rộng lưu thông. Bộ Kinh tế thì lo phát triển hàng hóa để cung cấp cho dân chúng. Bộ Xã hội thì lo an sinh cho người dân, cứu trợ thiên tai bão lụt. Nếu tất cả các Bộ nầy đều làm tròn đúng trách vụ của mình, thì đã đáp ứng cho nhu cầu của người dân rồi, quê hương trở thành thịnh vượng, và như thế thì lấy gì để bây giờ cần phải "xây dựng quê hương" ?
Vã lại, Quê hương là một tài nguyên thiên nhiên rất phong phú, người dân chỉ cần khai thác các nguồn sản phẩm trong thiên nhiên, để cung cấp cho đời sống. Như vậy Quê hương đã xây dựng cho con người, chứ bản thân "Quê hương" đâu cần đến con người xây dựng ?
Các công ty nước ngoài vào đầu tư tại Việt nam, là vì chính quyền bất cập, không đủ khả năng khai thác tài nguyên của quê hương hầu cung cấp sản phẩm cho dân chúng, nên buộc lòng phải để cho nước ngoài vào khai thác. Đây là chúng ta bị thất thoát tài nguyên ra nước ngoài một phần; phần thì họ bốc lột sức lao động của người dân vốn đã nghèo kiết xác! Một tháng lương của công nhân hơn vài chục đô la, với giá ấy ở đây chỉ bằng dăm ba tô phở, mà phải làm quần quật suốt ngày với công việc nặng nhọc !
Mẹ nhớ ngày xưa, ba con cũng làm nghề "thầy thuốc", sau khi ra trường ba con dự định đến các vùng hẻo lánh để chửa bệnh cho những người nghèo khó. Nhưng vì đến tuổi động viên nên ba con phải nhập ngủ; vào quân ngủ ba con vẫn theo đuổi ước nguyện, giúp đỡ cho người lính. Có lần khi ra thăm ba con tại các đơn vị đồn trú, mẹ nghe các anh lính kể lại nhiều chuyện rất cảm động. Như có lần ba con vừa ra khỏi cổng trại, chợt có người lính đón lại và cầu cứu:- Thưa Bác sĩ, vợ con sắp sinh mà không có phương tiện chở đi nhà thương, xin Bác sĩ cứu giúp! Thế là ba con chạy ra nhà người lính ấy chở vợ anh ta đi nhà thương, đồng thời xin với đơn vị trưởng cấp giấy phép đặc biệt cho anh ta ở nhà để săn sóc vợ con.
Nhưng số ba con rất ngắn ngủi! Sau tháng tư năm 75, ba con cũng bị đi học tập cải tạo như hầu hết các sĩ quan và công nhân viên chức khác. Ban đầu thì đưa vào trại gần, rồi dần dà chuyển ba con ra tận ngoài Trung. Ngày ấy, mẹ lặn lội ra ngoài Trung để thăm ba con, nhưng khi hỏi thăm đến trại cải tạo, vào gặp người gác cổng cho biết "anh ấy đi công tác chưa về"! Mẹ xin gởi lại những vật thăm nuôi nhưng họ không nhận, thất vọng mẹ đành thất thểu ra về! Ra đến ngoài cánh đồi gặp một bác chăn bò, mặc chiếc áo bằng vải bao bố, đội chiếc nón đã bung vành, tay cầm thanh củi làm gậy. Trông bác trạc độ ngoài năm mươi, nhưng thấy vẻ tiều tụy như một ông già! Mẹ đánh liều đến hỏi thăm may ra biết đến tông tích của ba con. Trời mới quá trưa mà thấy cảnh vắng vẻ và hoang liêu vô cùng. Bác chăn bò nhìn mẹ vẻ ái ngại và thương cảm, rồi bác trả lời: "Anh Ng. cùng ở một đội với chúng tôi, chúng tôi thuộc đội đi đốn cây. Nhưng tôi bị bệnh thấp khớp trầm trọng, nên ban quản trại cho đi giữ bò"! Rồi bác ân cần kể lại cho mẹ nghe về một chuyện, mà đến bây giờ vẫn còn như đang nói chuyện với bác chăn bò: "Anh ấy cũng ở cùng một láng với tôi, công việc ở đây là lên rừng đốn cây mang về cho trại. Bửa ấy, anh đi rừng về phần thì đói khát, phần thì mệt nên thấy anh em ở nhà luộc một nồi sắn, anh đã vội ăn mấy củ. Sắn ở đây trồng đất mới khai hoang, các loại rễ tranh, rễ cỏ ống chui vào củ sắn nên ăn hơi đắng và chính vì vậy làm anh say. Đưa lên trạm xá cấp cứu, nhưng chỉ có thuốc Nam hái bằng lá rừng, nên anh không qua khỏi! Anh "đi" trong đêm đó, sáng ngày hôm sau mấy anh em chúng tôi được lệnh ở nhà để lo chôn cất! Và bác chỉ tay sang bên đồi kia, cách nơi đó khoảng vài ba trăm thước. Nơi ấy có dăm bảy mộ phần của anh em không may, bây giờ được nằm trên ấy! Mộ của mỗi anh chúng tôi có khắc tên tuổi vào một thẻ tre làm dấu. Tôi không thể hướng dẫn chị lên trên ấy được, vì ở đây tai vách mạch rừng, mong chị thông cảm cho!". Vừa nói chuyện với mẹ, mắt bác dáo dác nhìn quanh như sợ có một ai đó bắt gặp cảnh vụng trộm, sợ mình đang thông đồng với kẻ gian, và mai đây sẽ bị trừng trị !
Mẹ đưa lại gói đồ tiếp tế cho ba con, gởi tặng bác nhưng bác từ tốn không nhận. Mẹ phải năn nỉ một hồi bác đành phải mang dấu trong bụi cỏ tranh, và dục mẹ đi lên thăm mộ ba con ! Mẹ lững thững đi qua đồi bên kia. Khi đến nơi, nhìn mấy ngôi mộ chôn cất sơ sài mà mẹ nghe lòng đau nhói. Thương cho ba con và những người bạn xấu số, đang lẻ loi cô độc nơi chốn hoang vu nầy ! Lát sau, mẹ đi hái những bông hoa dại quanh đồi đặt lên mộ ba con, không hương khói, không ai thăm viếng nên thấy cảnh vật lạnh tênh ! Thấy vậy, mẹ hái thêm một ít và đặt lên mỗi phần mộ một cành hoa dại, cầu mong để sưởi ấm linh hồn của những người xấu số. Trời ngã bóng chiều, mẹ mới lủi thủi đi ra quốc lộ để đón xe trở về.
Thế là hết... "Nghìn tằm gởi bóng tùng quân..." nhưng bóng tùng kia không còn che chở, trong lúc tuyết sương đang phủ phàng ập xuống! Cay đắng, xót xa đang dâng lên như cuồng phong cuốn xoáy, như cây mất hết nhựa sống, niềm hy vọng và tin yêu đã vuột khỏi tầm tay.
Về đến nhà, mẹ mới biết là mẹ còn con, còn nguồn sống duy nhất của mẹ. Nhưng hy vọng về con cũng chỉ mỏng manh, như sợi chỉ treo chuông. Vì thế sự đã bước sang một ngã rẽ của ý thức hệ đối nghịch vì hận thù, chẳng những không dung tha cho người không cùng chí hướng, mà còn xét đến lý lịch ba đời ! Thì biết đến bao giờ, hận thù kia mới bôi xóa?
Một cuộc sống mà không còn nơi nương tựa, không còn người để chia sẻ buồn vui; không còn một chút hy vọng nào nữa, nên mẹ đã trút hết gia tài cho một chuyến vượt biên. Không may chuyến ấy bị bể, mấy chục người bị bắt, riêng mẹ nhờ có con dại nên được thả về !
Mẹ trở về nhà ông bà ngoại nương náu một thời gian, rồi tìm cách làm ăn sinh sống qua ngày, chứ không còn cách nào nữa. Mẹ đã thua sạch cho một chuyến vượt biên, cũng còn may không bị gì nguy hiểm. Dầu cuộc sống càng ngày càng khó khăn, vì không biết làm gì sinh lợi, mà ngồi ăn hoài thì núi cũng lở! Từ ngày đó mẹ không còn dịp nào trở ra thăm mộ của ba con nữa ! Nhưng mẹ cứ hình dung là ba con luôn theo để phù hộ cho mẹ con mình.
Mấy tháng sau mẹ ẵm con lên thăm ông bà nội, gặp chú Phúc em ruột của ba con; gặp mẹ con mình chú rất mừng. Trong khi chuyện trò với chú, biết cuộc sống của mẹ con mình rất túng quẩn, không còn cách nào hơn là chấp nhận cuộc sống không có tương lai nầy !
Cảm thương trước tình cảnh hẩm hiu của mẹ con mình, chú Phúc hứa hẹn là chú sẽ hết lòng lo cho chị và cháu. Lúc nầy thì chú còn nhiều bạn bè, và nhiều cơ hội, nên mẹ cũng yên tâm. Hơn một tháng sau, chú trở lại cho biết chị và cháu chuẩn bị gấp gấp, ngày mai sẽ có chuyến. Chú tiễn mẹ con mình xuống ghe và cầu chúc may mắn. Và dặn dò khi đến chị nhớ gởi thư về cho gia đình biết. Mẹ rất ái ngại về nghĩa cử của chú, chỉ biết hy sinh cho tha nhân còn mình thì bất cần! Mẹ chợt hỏi: Còn chú thì sao? Chú đã khoát tay và trả lời một cách rất tin tưởng: Rằng chú còn nhiều cơ hội đừng lo, sẽ đợi chuyến sau. Chuyến nầy chạy lo được cho hai mẹ con chị là phước nhà ta lắm rồi !
Qua đến bên nầy, mẹ đã liên lạc về nhà nội con, và được biết chú Phúc bị bể trong một chuyến đi, bây giờ chú bị bắt và bị giam giữ. Nội con đã già cả rồi mà phải bới xách cho chú, thật tội nghiệp. Sau hơn một năm thì chú được thả về, nhưng chạy ngược chạy xuôi rồi cũng không đến đâu, chú đành về ở với nội con. Sau đó không lâu thì chú cưới vợ và chấp nhận cuộc sống như ngày hôm nay! Thấy hoàn cảnh của chú thật tội nghiệp, và nghĩa cử của chú đối với mẹ con mình thật bao la ! Nên bây giờ mẹ đi làm có dành dụm được đồng nào, thì mẹ sẽ gởi về cho nội để may ra giúp chú phần nào qua cơn túng quẩn.
-Sao mẹ không liện lạc trực tiếp với chú thím Phúc, và gởi tiền về giúp để cho chú thím biết đến tấm lòng của mẹ? Hạnh vừa hỏi, vừa nhìn sang mẹ để chờ giải đáp những thắc mắc, mỗi khi thấy mẹ phân vân, đắn đo, giữ kẻ trong việc giao tiếp với chú Phúc.
-Con à, tình cảnh mẹ bây giờ là một quả phụ ! Mẹ không nên liên hệ thân mật với chú Phúc vì nhiều lẽ. Có thể đưa đến hiểu lầm làm tan vỡ hạnh phúc gia đình chú. Cũng như theo luân lý của người Á đông chúng ta, người quả phụ thờ chồng, không nên liên hệ với bất cứ người đàn ông nào ngoài tình anh em ruột thịt. Vì tình cảm con người rất phức tạp và rắc rối đến đỗi không lường được! Vã lại, mẹ biết Nội là người hiền từ và rất thương con cháu, nên số tiền mà mẹ gởi về cho Nội ăn trầu, nhưng rồi nội sẽ dành dụm cho gia đình chú Phúc. Và như vậy thì mẹ đã toại nguyện rồi ! Còn việc chú thím Phúc biết hay không biết, điều ấy đâu có cần thiết gì con. Việc làm phước thiện, không nên để cho ai biết mới là toàn thiện, vì không mong cầu một sự bù đắp nào. Tấm lòng của chú Phúc đối với mẹ con mình, chắc với chú cũng không cần một sự đền bù nào cả, thế cho nên mẹ mới luôn quý trọng và biết ơn...
Hạnh huỷ bỏ ý định trở về Việt nam trong chương trình "Góp sức xây dựng quê hương", như các bạn của mình đã dự thảo, vì thấy rằng việc làm ấy còn mơ hồ quá. Vã lại những việc lợi lạc trước mắt cần phải làm, còn nhiều lắm... Hạnh nghĩ rằng, giờ đây việc cần thiết nhất phải làm, là tìm kiếm một món quà tặng mẹ. Vật chất thì tầm thường quá, nó chỉ là một chút tượng trưng, và có thể chỉ đem đến cho mẹ một niềm vui nhỏ nhoi trong chốc lát. Còn món quà nào mà có thể giữ lại cho mẹ một niềm hạnh phúc dài lâu ? Vì mẹ đã trải dài một chiều dọc cuộc đời toàn là cay đắng và xót xa đến cùng cực...
Cuối cùng, Hạnh nghĩ: "Vâng Lời Mẹ" là thể hiện trọn vẹn ý nghĩa và tấm lòng, và là món quà cao quý nhất tặng mẹ! Vì mẹ đã có nhiều kinh nghiệm về đau thương cũng như hạnh phúc, đã đón nhận nhiều ân nghĩa của người thân, của những người yêu thương. Những cảm giác đón nhận là một bài học quý giá nhất trên đời, mà không có trường lờp nào dạy cả.
Hạnh ngã vào lòng mẹ như lúc còn bé thơ, vòi vĩnh đòi quà. Chợt từng giọt nước ấm rơi xuống trên mặt mình, như truyền vào niềm cảm xúc thương yêu. Ngước nhìn lên, Hạnh thấy khuôn mặt mẹ như nhạt nhòa một bầu trời sương khói. Đang chập chờn lung linh ẩn hiện, như những đám mây dỉ vãng đang bay về nơi vùng trời xa lạ nầy; tạo thành những giọt nước mắt khổ đau, hòa lẫn với những giọt nước mắt hạnh phúc, đang dâng lên tràn ngập !▪