Quá trình hình thành và phát triển của Ni giới hệ phát khất sĩ

Đạo Phật Khất sĩ là một hệ phái biệt truyền, đầu tiên chỉ có ở Nam Bộ, xuất hiện năm 1943 do Tổ sư Minh Đăng Quang thành lập, với chí nguyện "Nối truyền Thích Ca Chánh pháp".

Cũng trong lúc này, Ni trưởng (NT) Huỳnh Liên vốn mang tâm niệm ưa thích việc tu trì, buổi đầu tiên với 24 tuổi đời đầy hoa mộng và nhiều hương sắc nhưng lúc nào cũng ôm ấp mãi hoài bão tìm phương cứu khổ nhơn sanh. Sau một thời gian tìm hiểu học đạo, NT cùng hai bạn đồng hành là NT.Bạch Liên và NT.Thanh Liên được Đức Tổ sư chứng minh làm lễ xuất gia vào ngày mùng 1-4-1947 tại Linh Bửu tự. Không bao lâu, cả ba vị đều được truyền thọ giới pháp Y bát Khất sĩ và NT.Huỳnh Liên được Tổ sư ủy thác trọng trách tiếp Ni độ chúng. Từ năm 1947 đến năm 1987, tròn 40 năm, ánh sáng công hạnh - trí tuệ của NT đã tỏa sáng khắp nơi nơi.

H12_resize.JPG
Chư Ni giáo phẩm của hệ phái dự lễ tưởng niệm
55 năm ngày tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng

Thời khởi thủy (1947 - 1954):

Nối tiếp tâm nguyện sáng lập đạo Phật Khất sĩ biệt truyền do Đức Tổ sư Minh Đăng Quang phác họa và triển khai trên nền tảng tư tưởng dung hợp Nam Bắc tông Phật giáo qua bộ "Chơn lý". Đây là bộ kinh hình thành đầu tiên tại Nam Bộ, hoàn toàn không lệ thuộc vào kinh chữ Hán. Qua tên gọi, bộ kinh muốn đưa ra một phương thức sống và hành đạo thông qua đời sống phạm hạnh của vị Sa môn Khất sĩ, thực hành Cụ túc giới và Tứ y pháp Trung đạo:

"Một bát cơm ngàn nhà.
Thân đi muôn dặm xa.
Ghi lòng sự sanh tử.
Độ chúng tháng ngày qua".

Hệ phái Khất sĩ (HPKS) ngày càng phát triển, Ni giới ngày càng đông nối gót Tổ sư tu học.

Với hạnh nguyện làm chiếc thuyền chở che phái nữ, NT đã nỗ lực lèo lái Ni giới Khất sĩ (NGKS) song song con thuyền Giáo hội Tăng già, truyền thừa Phật pháp sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Nhờ bi nguyện bao la, đức độ từ hòa và tinh thần không mòn mỏi của NT, từ năm 1948 đến 1954, những chiếc y vàng của NGKS đã uyển chuyển hiền hòa trong nắng sớm mưa chiều, hội nhập vào lòng người, hiện diện khắp các tỉnh thành hai miền Nam-Trung nước Việt dưới sự trực tiếp chỉ đạo của Đức Tổ sư. Cho đến ngày mùng 1-2-Giáp Ngọ (1954), Đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, NT kế tục sự nghiệp Tổ thầy, trực tiếp lãnh đạo NGKS trong phận sự trưởng tử Ni.

Thời kỳ phát triển (từ năm 1954 đến nay):

Với "hạnh nguyện Bồ đề", NT đã hướng con thuyền NGKS hòa nhập một cách tuyệt diệu giữa Đạo pháp và Dân tộc. Trong sự nghiệp lãnh đạo NGKS sau thời kỳ Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, NT thường xuyên hướng dẫn tập thể Ni chúng vâng hành Pháp bảo cao quý của Tổ thầy:

"Lâng lâng tâm cảnh, khăng khăng chí nguyền".
"Bát là ruột, Y là da, bạn thiết châu du cùng thế giới.
Trời làm màn, đất làm chiếu, Tinh thần thông cảm khắp trần gian".

Ngày 11-1-1958, Giáo hội Ni giới Khất sĩ Việt Nam được thành lập và hoạt động. Tịnh xá Ngọc Phương là trụ sở chính và là Tổ đình của NGHPKS ngày nay.

Sau ngày 30-4-1975, đất nước hòa bình, chư Tăng Ni Khất sĩ dừng chân du hóa, tu hành theo lời giáo huấn của Tổ sư: "Nên tập sống chung tu học. Cái sống là phải sống chung, cái biết là phải học chung và cái linh là phải tu chung". Tháng 2-1980, HT.Thích Giác Toàn đại diện Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, NT.Huỳnh Liên đại diện GHNGKSVN tham gia Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam. Trong tinh thần hòa hợp, NT.Huỳnh Liên là một trong 6 đại biểu của Giáo phái Khất sĩ tham dự Hội nghị đại biểu thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) vào tháng 11-1981 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội và trở thành một trong 9 tổ chức Phật giáo, thành viên của GHPGVN ngày nay. Tại Đại hội này, NT được mời làm Ủy viên Kiểm soát T.Ư GHPGVN.

Hinh20_resize.JPG
Chư Ni hệ phái khất sĩ trì bình thất thực nhân lễ tưởng niệm
55 Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng

Quá trình hình thành và phát triển của NGHPKS cho chúng ta thấy rõ: NT.Huỳnh Liên đã cống hiến cho Đạo pháp bằng tất cả tâm huyết của mình. Dũng cảm thông tuệ, đạo đời dung hợp, NT còn là một người luôn tìm cầu học hỏi, diễn dịch sáng tác và đã trở thành một nhà thơ đạo. Hầu hết các tác phẩm của NT đều giản dị chân thành, dễ đi sâu vào lòng người, nhiều tác phẩm đã được xuất bản và tái bản nhiều lần. Với hạnh nguyện hoằng dương Chánh pháp qua chủ trương Việt hóa, Người đã diễn thơ các kinh chữ Hán và Pàli ra chữ Quốc ngữ, theo thể văn vần cho dễ học, dễ hiểu, dễ nhớ. Những công trình xã hội văn hóa mà NT để lại cho đời cho đạo là những tặng phẩm vô giá với khoảng 2.000 bài thơ kệ đủ loại, hàng ngàn bản văn xuôi. Nội dung văn thơ phần nhiều khích lệ, sách tấn hội chúng xuất gia cũng như tại gia nỗ lực tiến tu đạo nghiệp. NT làm thơ với mong muốn cụ thể hóa giáo lý uyên thâm của đạo Phật để cho mọi người dễ dàng tiếp nhận Chánh pháp. Đây là cách NT đem đạo vào đời như một cách truyền pháp nhẹ nhàng và đã trở thành nghệ thuật: linh hoạt, đa dạng, phong phú.

Còn đối với Dân tộc thì cuộc đời NT: "Lấy nghĩa non sông làm nghĩa đạo" trong bối cảnh lịch sử đất nước Việt Nam đang chiến tranh, vừa là người mẹ hiền của giới học sinh, sinh viên thành phố, vừa là người phụ nữ xứng đáng với danh hiệu cao quý: Anh hùng - bất khuất, đấu tranh cho quyền lợi giới nữ nói riêng và cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất Tổ quốc nói chung. Chính lòng từ bi, bao dung quảng đại của NT đã đem lại hạnh phúc cho biết bao gia đình, bao trẻ mồ côi bất hạnh, bao lớp dân nghèo... đồng thời vừa là một vị thầy khả kính cho Ni chúng và đồng bào Phật tử. Với cương vị lãnh đạo, những cống hiến của Người đã làm rạng danh những tu sĩ PGVN nói chung và NGHPKS nói riêng.

Sau khi NT.TN Huỳnh Liên, Đệ nhất NT, Trưởng NGHPKSVN viên tịch 1987, chư Ni trưởng lần lượt lãnh đạo NGHPKS đến nay: Năm 1987, NT.TN Bạch Liên được suy tôn làm Đệ nhị NT, Trưởng NGHPKSVN. Năm 1996, NT.TN Tạng Liên, Đệ tam NT, Trưởng NGHPKSVN. Năm 2002, NT.TN Tràng Liên, Đệ tứ NT, Trưởng NGHPKSVN.

Quý NT lần lượt lãnh đạo hệ phái vẫn tiếp tục thực hiện hoài bão của Đệ nhất NT, chủ trương cho Ni chúng  học thêm văn hóa và nâng cao trình độ Phật pháp, nhằm đào tạo Tăng tài để "kế vãng khai lai".

Xuyên suốt quá trình lãnh đạo mang tính kế thừa, các Ngài đã luôn ý thức trách nhiệm vun bồi cho thế hệ mai sau. Cũng chính vì thế mà Ni chúng NGHPKS ngày nay đa phần đều tốt nghiệp các trường Phật học như: Sơ - Trung cấp, Cao đẳng Phật học, Trung - Cao cấp giảng sư,  Học viện Phật giáo… Ngoài ra, một số vị còn tốt nghiệp cử nhân văn chương, báo chí, ngoại ngữ, y khoa, thạc sĩ, tiến sĩ Phật học, giáo dục học, ngôn ngữ học… ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Hiện nay, trong dòng truyền thừa có khoảng 150 ngôi tịnh xá  và hơn 1.500 Ni chúng ở khắp hai miền đất nước, cùng hòa hợp kế thừa phát triển sự nghiệp độ sanh của NT.

Hơn 60 năm qua, kể từ ngày quý NT lãnh đạo NGHPKSVN lần lượt xả bỏ dương trần huyễn mộng…, hình bóng của quý Ngài vẫn luôn ngự trị  đậm nét trong lòng Ni chúng. Những đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc mà quý NT đã thực hiện tuy còn khiêm tốn so với chiều dài lịch sử, nhưng qua đó chứng tỏ sự hòa nhập tích cực vào những hoạt động của GHPGVN, đồng thời giữ gìn truyền thống tốt đẹp - đặc thù của hệ phái biệt truyền mà Tổ sư đã dày công tạo dựng và các bậc tôn túc lãnh đạo kế thừa, phát huy cho đến ngày nay.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày