GN - Từ cầu Tân Hữu đi về hướng Cần Thơ, trên con đường Đinh Tiên Hoàng thuộc phường 8, chúng ta sẽ thấy một quán cơm chay từ thiện nằm khiêm tốn phía bên phải của đường, trước cổng vào tịnh xá Ngọc Nhẫn.
Quán hoạt động vào mỗi buổi sáng, hàng ngày có từ 50 đến 70 người vào ăn cơm, ngày rằm có đến hơn 100 người. Nơi đây có 4 Phật tử thường xuyên phụ trách việc chế biến, phục vụ. Bên cạnh, còn có một số học sinh Trường Nguyễn Thông, ngoài giờ học đến phụ giúp việc dọn, rửa chén.
Quán chay miễn phí cho học sinh, sinh viện tại Cần Thơ
Chị Nguyễn Thị Thúy Hường, 37 tuổi, nhà ở xã Tân Ngãi, là bếp trưởng cho biết: “Hàng ngày, tôi thức dậy từ 5 giờ sáng để đến quán đi chợ và chế biến các món ăn. Cũng khá tất bật nhưng thấy khách ăn ngon miệng thì tôi hết mệt liền”.
Chị Hồng Hoa, 47 tuổi thì chia sẻ: “Buổi sáng phục vụ quán cơm, khi quán hết cơm và thức ăn tôi quay sang việc may quần áo lam để bán cho Phật tử, hầu có thêm thu nhập chi tiêu cho quán”. Hỏi chị có vất vả lắm không, chị tươi cười nói: “Không có gì vất vả đâu, tôi thấy vui khi được cùng sư phụ làm việc có ích”.
Chị Hồng Hoa, chị Thúy Hường và em Trương Thị Khánh Ly là những Phật tử có mặt từ lúc quán mới khai trương vào tháng 7 năm Tân Mão (2011). Ngoài ra, còn có anh Lưu Văn Viễn (50 tuổi), là công nhân đã tham gia xây dựng tịnh xá từ tháng 12 năm 1979 cũng tích cực giúp quán cơm phục vụ.
Khách vào ăn cơm thường xuyên, đa số là người lao động, người bán vé số và các cháu học sinh trường ở gần tịnh xá. Một số khách vãng lai, thấy quán cơm chay ghé vào dùng bữa, ăn xong, gọi tính tiền vì không biết đây là quán ăn từ thiện (miễn phí) đặc biệt dành cho người nghèo. Khi quán không tính tiền, khách sang ủng hộ quầy bán vật phẩm, quần áo lam dành cho Phật tử, được chị Hồng Hoa may bán để có thêm thu nhập chi tiêu phục vụ quán cơm.
Tịnh xá Ngọc Nhẫn chia sẻ cùng người nghèo
Em Nguyễn Quốc Huy, học sinh lớp 10 D4 Trường PTTH Nguyễn Thông bộc bạch: “Thứ Hai, thứ Bảy em thường đến phụ dọn bàn, rửa chén. Em rất vui khi được làm công quả”. Ngoài em Huy, các bạn Thiện Thành, Thiện Hương, Thiện Khánh là Phật tử cũng thường xuyên đến giúp rửa chén trong giờ “cao điểm” của quán.
Trụ trì tịnh xá là Sư Ngọc Nhẫn bày tỏ: “Tôi thấy còn nhiều người lao động cuộc sống khó khăn và cũng muốn khuyến khích thêm nhiều người ăn chay nên đã nảy sinh ý tưởng mở quán cơm chay… giúp được bá tánh còn khó khăn no lòng cũng là niềm vui. Tôi rất mong quán mãi tồn tại và phục vụ được cả hai bữa cơm cho người còn nghèo khó. Hiện nay do điều kiện hạn chế, mỗi ngày quán chỉ phục vụ được đến trưa là hết cơm và thức ăn”.
Từ lúc quán cơm chay từ thiện đi vào hoạt động, các nhà hảo tâm thường xuyên đóng góp cho quán như: Hãng Nước tương Hòa Hiệp và Đại Phát đảm bảo nước tương cho quán phục vụ; vài Phật tử ở chợ ủng hộ gạo và rau củ. Tịnh xá mua thêm tàu hủ, dầu ăn, đường, bột ngọt, chất đốt và gạo, rau củ...
Tuy vậy, quán cơm vẫn còn nhiều khó khăn trong việc duy trì và phát triển, vì mọi chi phí chủ yếu dựa vào tiền cúng dường của Phật tử đến tịnh xá và tiền bán vật phẩm, quần áo lam may sẵn tại quán.