Quản lý Tăng Ni, tự viện: Thực trạng và giải pháp

Đây là lần đầu tiên Ban Tăng sự T.Ư tổ chức khóa bồi dưỡng tập trung vào phần Tác trì và hành trì Giới đàn - Ảnh minh họa: Văn Phúc
Đây là lần đầu tiên Ban Tăng sự T.Ư tổ chức khóa bồi dưỡng tập trung vào phần Tác trì và hành trì Giới đàn - Ảnh minh họa: Văn Phúc
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Khóa bồi dưỡng Giới luật cho các tỉnh, thành phía Nam năm 2024 do Ban Tăng sự T.Ư phối hợp cùng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương tổ chức trong 3 ngày 7, 8 và 9-10 (nhằm ngày 5, 6 và 7-9-Giáp Thìn) tại Trung tâm Văn hóa tượng Phật Niết-bàn - tổ đình Hội Khánh (P.Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

Trước thềm sự kiện, Giác Ngộ đã có cuộc phỏng vấn Hòa thượng Thích Thiện Thống, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN; Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Tăng sự T.Ư về thực trạng quản lý Tăng, Ni và những thảo luận trọng tâm tại khóa bồi dưỡng.

Chia sẻ với Báo Giác Ngộ về những nhiệm vụ của Ban Tăng sự T.Ư và tồn đọng của công tác quản lý Tăng Ni, tự viện đáng quan tâm, Hòa thượng cho biết:

Hòa thượng Thích Thiện Thống - Ảnh: Bảo Toàn

Hòa thượng Thích Thiện Thống - Ảnh: Bảo Toàn

- GHPGVN bước sang nhiệm kỳ IX (2022-2027) và lãnh đạo Giáo hội qua các nhiệm kỳ luôn quan tâm đến công tác quản lý tự viện, Tăng Ni thông qua các quy định được ban hành. Chúng ta dễ dàng nhận thấy qua mỗi nhiệm kỳ, Quy chế Ban Tăng sự T.Ư, trước đây là Nội quy Ban Tăng sự T.Ư (sau đây gọi chung là Quy chế Ban Tăng sự) luôn được bổ sung các quy định. Mục đích là dự báo những điều kiện làm phát sinh một số vấn đề cần được định hướng giải quyết, nhưng thực tế khách quan là xã hội luôn phát triển thì những dự báo được đề ra không thể nào điều chỉnh hết các phát sinh. Đây là một thực tế khách quan.

Quy chế Ban Tăng sự nhiệm kỳ IX kế thừa những ưu việt của các Nội quy Ban Tăng sự trước đây, bổ sung thêm khá nhiều quy định để cụ thể hóa, thể chế hóa khuôn khổ pháp lý trong công tác quản lý.

Sau 2 năm thực hiện Quy chế Ban Tăng sự, nhìn chung các hoạt động của tự viện, sinh hoạt, hành đạo, tu học của Tăng Ni chuyển biến rất tích cực, đã nề nếp thì ngày càng nề nếp hơn. Tuy nhiên có một vài hạn chế, tồn đọng, lãnh đạo Hội đồng Trị sự nói chung, Ban Tăng sự T.Ư nói riêng tiếp tục chỉ đạo để khắc phục một vài hạn chế, tồn đọng và phát huy những thành quả đạt được.

Điển hình là Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, thành rất tích cực và có nhiều sáng tạo trong việc phổ biến, triển khai Quy chế Ban Tăng sự, với mục đích là tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tại địa phương. Khuôn khổ pháp lý từ Giới luật cho đến quy định của Giáo hội đáp ứng khá đầy đủ, hội đủ yếu tố cần và đủ để giải quyết. Tuy nhiên có trường hợp khi giải quyết vụ việc, một vài Ban Trị sự cấp tỉnh thiếu tính kiên quyết, chưa kiên trì vận động và tuyên truyền nên chúng ta thấy có tồn đọng và hạn chế đối với một vài vụ việc.

Chúng ta không thể chủ quan duy ý chí, không thể trong một sớm một chiều khắc phục xong, cần có thời gian. Ý thức kỷ cương, trách nhiệm cá nhân của đa số Tăng Ni là tốt, nhưng vẫn còn đó một vài trường hợp cá biệt Tăng Ni thể hiện ý thức kỷ cương, trách nhiệm cá nhân chưa cao.

* Là vị tham gia Ban Tổ chức, Hòa thượng có thể chia sẻ những vấn đề quan trọng sẽ được triển khai trong khóa bồi dưỡng lần này?

- Hơn 40 năm tồn tại và phát triển của GHPGVN, Giới luật luôn được các cấp Giáo hội từ Trung ương đến địa phương đặc biệt quan tâm. Công tác bồi dưỡng Giới luật thời gian qua được Trung ương Giáo hội giao Ban Trị sự cấp tỉnh tổ chức thông qua các khóa học tại địa phương. Sau khi đánh giá, việc tổ chức bồi dưỡng Giới luật do Ban Trị sự tỉnh tổ chức hiệu quả không như mong đợi. Do đó Hòa thượng Trưởng ban Tăng sự chỉ đạo Ban Tăng sự T.Ư tổ chức khóa bồi dưỡng Giới luật cho các tỉnh, thành phía Nam.

Đây là lần đầu tiên Ban Tăng sự T.Ư tổ chức khóa Bồi dưỡng Giới luật. Khóa học lần này tập trung vào một số nhóm chủ đề, đó là chủ trương, đường hướng của Giáo hội; Giới luật tập trung vào phần Tác trì (các pháp Yết-ma) và hành trì Giới đàn.

Đối tượng tham dự khóa học lần này tập trung vào lãnh đạo chủ chốt của Ban Trị sự, Ban Tăng sự cấp tỉnh. Mục đích hướng đến là lãnh đạo Giáo hội cấp tỉnh sẽ quán triệt các chủ trương, đường lối của Giáo hội, nhất là phần Tác trì của Giới luật. Qua đây các công tác Phật sự tại địa phương đã hanh thông sẽ được hanh thông hơn, việc tổ chức Giới đàn sẽ được tổ chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tránh việc tổ chức Giới đàn mỗi nơi tổ chức một kiểu, hình thức và nội dung có độ vênh nhất định.

* Quản lý Tăng Ni luôn là một Phật sự quan trọng, tuy nhiên không phải dễ, đặc biệt là trong bối cảnh hiện tại. Vậy theo Hòa thượng, để quản lý tốt Tăng Ni, tự viện trong giai đoạn hiện nay, Ban Tăng sự T.Ư, các tỉnh thành và quận huyện cần quan tâm những gì?

- Để quản lý tốt tự viện, Tăng Ni trong giai đoạn hiện nay, theo tôi Ban Tăng sự Trung ương, Ban Trị sự cấp tỉnh, Ban Trị sự cấp huyện tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý bằng các giải pháp mang tính đồng bộ:

+ Thường xuyên tổ chức học tập Giới luật, Hiến chương GHPGVN và pháp luật cho toàn bộ chư tôn đức trụ trì tự viện và Tăng Ni, tối thiểu mỗi năm một lần bằng các khóa học. Nếu giải pháp này được thực hiện thì sẽ giảm thiểu những hiện tượng cá biệt Tăng Ni vi phạm Giới luật, Hiến chương Giáo hội và pháp luật.

+ Ban Tăng sự T.Ư thường xuyên tổ chức khóa Bồi dưỡng Giới luật cho Tăng Ni, đối tượng có chọn lọc để tham gia vào công tác tổ chức Đại giới đàn. Tăng Ni nào tham dự khóa học, được cấp giấy chứng nhận mới được tham gia vào các công tác của Đại giới đàn. Nếu giải pháp này được thực hiện thì việc truyền giới sẽ đúng pháp, giới tử Tăng Ni sẽ đắc giới và Giáo hội có các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni như pháp.

+ Thu nhận người xuất gia là nhu cầu chính đáng của các tự viện, nhưng phải đúng luật Phật và Quy chế Ban Tăng sự. Tức là đầu vào phải thật nghiêm túc, Giáo hội sẽ có đội ngũ Tăng Ni tốt. Thời gian qua, thu nhận người xuất gia nhiều nơi bỏ qua những tiêu chuẩn trong luật Phật. Đơn cử như tư cách làm thầy, tiêu chuẩn của người xin xuất gia chưa được thực hiện đầy đủ. Những nguyên nhân Tăng Ni thiếu Tăng phong, phẩm hạnh, trong đó phải kể đến đầu vào tương đối dễ dãi.

+ Tăng Ni vi phạm Giới luật xử lý nghiêm đúng quy định của Giới luật. Vấn đề này cần xử lý nghiêm và kiên quyết xử lý không có vùng cấm. Từ đó mới từng bước chấn chỉnh sinh hoạt, hành đạo, tu học của Tăng Ni.

+ Giáo hội cần nghiên cứu bộ quy chuẩn những điều Tăng Ni không được làm, như Đức Phật đã dạy: Việc gì làm trở ngăn quả chứng, việc gì gây mất đoàn kết hòa hợp của Tăng đoàn, việc gì làm người đời chê bai các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni không được làm. Bước đầu nếu các giải pháp vừa nêu được thực hiện, Giáo hội sẽ chấn chỉnh được một số vấn đề tạo thành khủng hoảng truyền thông như hiện nay.

Hòa thượng Thích Thiện Thống: "Công tác số hóa dữ liệu Tăng Ni còn chậm. Vấn đề này nên hoan hỷ với Giáo hội. Vì lực lượng thực hiện công tác này tương đối mỏng, Tăng Ni thực hiện nhiệm vụ mang tính công đức, Giáo hội chưa có nguồn kinh phí đủ lớn để thuê người làm." - Ảnh: Quảng Đạo
Hòa thượng Thích Thiện Thống: "Công tác số hóa dữ liệu Tăng Ni còn chậm. Vấn đề này nên hoan hỷ với Giáo hội. Vì lực lượng thực hiện công tác này tương đối mỏng, Tăng Ni thực hiện nhiệm vụ mang tính công đức, Giáo hội chưa có nguồn kinh phí đủ lớn để thuê người làm." - Ảnh: Quảng Đạo

* Thực trạng am cốc tự phát, Tăng Ni tạm trú và sinh hoạt ngoài tự viện là câu chuyện tồn tại nhiều năm qua. Trong vai trò quản lý về ngành Tăng sự, Hòa thượng có nhìn nhận gì về việc này và có giải pháp nào cụ thể về thực trạng đó?

- Thực trạng Tăng Ni trẻ cất am cốc, sinh hoạt bên ngoài tự viện là thực trạng tồn tại thời gian dài, không thể một sớm một chiều có thể giải quyết dứt điểm. Ban Tăng sự T.Ư đã đề ra nhiều giải pháp, Ban Trị sự cấp tỉnh, Ban Trị sự cấp quận/huyện, Phân ban Ni giới T.Ư và Phân ban Ni giới cấp tỉnh rất nỗ lực trong việc chấn chỉnh, nhưng hiệu quả đạt được không như mong đợi.

Có nhiều nguyên nhân đưa đến thực trạng này, trong đó phải kể đến đầu vào thiếu nghiêm túc, một số vị trụ trì tự viện khi thu nhận đệ tử chưa giáo dục vuông tròn đệ tử về mặt giáo pháp và Giới luật, Tăng Ni trẻ ít học Giới luật.

Hiện nay, Tăng Ni trẻ cất am cốc, sinh hoạt bên ngoài tự viện, họ đã vận dụng nhiều hình thức khác nhau để lách luật. Hy vọng tại Hội nghị toàn quốc sắp tới, Ban Tăng sự Trung ương sẽ thảo luận và đề ra giải pháp tổng thể hơn, biện pháp chế tài đủ mạnh mới có thể chấn chỉnh thực trạng đã nêu.

* Trong Đại hội IX vừa qua, Giáo hội đã đặt ra công tác số hóa dữ liệu về Tăng, Ni. Tuy nhiên, công việc này được phản ánh là tiến hành vẫn còn chậm, dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết công tác hành chánh cho Tăng, Ni ở các địa phương. Hòa thượng có ý kiến gì về việc này?

- Công tác số hóa dữ liệu Tăng Ni còn chậm. Vấn đề này nên hoan hỷ với Giáo hội. Vì lực lượng thực hiện công tác này tương đối mỏng, Tăng Ni thực hiện nhiệm vụ mang tính công đức, Giáo hội chưa có nguồn kinh phí đủ lớn để thuê người làm. Do đó, theo tôi muốn đẩy nhanh công tác số hóa dữ liệu cần huy động nguồn kinh phí đủ lớn, vận động Tăng Ni trẻ có chuyên môn cao về lĩnh vực này tham gia và có chính sách đãi ngộ tương thích với công sức.

* Để khóa bồi dưỡng đạt kết quả, theo Hòa thượng, các đại biểu tham dự cần phải lưu tâm những gì?

- Những nội dung của khóa học đều có tính chất quan trọng theo từng nhóm vấn đề. Điều đặc biệt là khóa học dành khoảng thời gian thích hợp để giải đáp những khó khăn của địa phương trong công tác quản lý tự viện, Tăng Ni theo Giới luật, Hiến chương GHPGVN và pháp luật. Ban Tăng sự T.Ư tin rằng quý đại biểu Tăng Ni đến từ các tỉnh, thành phía Nam sẽ tiếp thu đầy đủ các nội dung được giới thiệu tại khóa học, những khó khăn của địa phương được giải thích, hướng dẫn chi tiết, Ban Trị sự, Ban Tăng sự cấp tỉnh vận dụng, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Hiến định. Đó là thành công của khóa Bồi dưỡng Giới luật lần đầu tiên này.

Chân thành cảm ơn Hòa thượng!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày