Quan niệm về Tịnh độ của kinh Di Đà

Sau khi Đức Phật thành đạo, Ngài lập giáo khai tông ở Lộc Uyển. Đức Phật đã đưa ra 37 trợ đạo phẩm để chư Tăng thực tập trên bước đường tu và sau khi hoàn tất 37 trợ đạo phẩm, hành giả sẽ chứng được Niết bàn. Đó chính là giáo pháp đầu tiên của Đức Phật chỉ dạy, trong đó chúng ta nhận thấy Ngài đã triển khai bốn loại Niết bàn là Hữu dư y Niết bàn, Vô dư y Niết bàn, Tánh tịnh Niết bàn và Vô trụ xứ Niết bàn.

kinhdida.gif

Trước hết, nếu thể nghiệm đúng theo lời Phật dạy, hành giả chứng được Niết bàn Diệt đế, thì nghiệp được chấm dứt, tức diệt sạch phiền não trần lao, trong khi thân tứ đại của hành giả vẫn còn hiện hữu. Tuy nhiên, nhờ quá trình tu tập 37 trợ đạo phẩm thành tựu viên mãn, chẳng những tiêu trừ phiền não mà còn tạo được công đức, cho nên hành giả đã sử dụng được sanh thân này như một công cụ để giáo hóa chúng sinh; nói cách khác, hành giả đã chuyển hóa sanh thân thành Pháp thân, tạo thành thế giới sống của mình gọi là Hữu dư y Niết bàn, một cảnh giới an lạc, giải thoát ngay khi hành giả đang tu tập trên thế gian này.

Đối với  hành giả đã đạt được cảnh giới sống là Hữu dư y Niết bàn, thì sau khi mãn Báo thân này, họ sẽ được hoàn toàn tự do, tự tại trong các thế giới tu chứng, gọi là Vô dư y Niết bàn. Ý này được kinh Di Đà diễn tả là nghe tiếng chim hót, tiếng suối chảy, hay một cơn gió thoảng, thậm chí bất cứ hiện tượng gì ở thế giới Cực lạc của Phật Di Đà cũng trở thành pháp âm có tác dụng làm cho người ta phát tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Vì vậy mà cảnh giới Cực lạc được thanh tịnh.

Có thể khẳng định rằng cảnh giới Tịnh độ của Đức Phật Di Đà hình thành là do tâm Phật Di Đà thanh tịnh hoàn toàn, mới tạo thành quốc độ của Ngài thanh tịnh và nhân dân ở đó thanh tịnh theo, và từ đó mà hiện hữu Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát cũng thanh tịnh, cho đến cuối cùng toàn Pháp giới của Ngài đều thanh tịnh.

Do đó, đối với người tu Tịnh độ, thì ý niệm tột cùng là Pháp giới Tạng thân A Di Đà Phật, nghĩa là thân Phật Di Đà bao trùm cả Pháp giới, tạo thành lực thanh tịnh khiến cho Pháp giới được thanh tịnh. Và bất cứ người nào có nhân duyên với Đức Phật Di Đà, nghĩ về Đức Phật Di Đà, niệm Di Đà đều nằm trong Pháp giới thanh tịnh đó; đặc biệt là tịnh nhân của người đó sẽ được Phật Di Đà cùng Thánh chúng nuôi dưỡng, trưởng dưỡng lớn lần, tạo thành kết quả thù thắng là dù họ sanh nơi đâu thì nơi đó cũng trở thành Tịnh độ, gọi là Vô trụ xứ Niết bàn.

Thể hiện ý này, ở chùa Ấn Quang có câu đối:

Phật hiệu Di Đà Pháp giới tạng thân tùy xứ hiện

Quốc danh Tịnh độ Tịch quang chơn cảnh cá trung quyền.

 Nghĩa là thân của Phật Di Đà bao trùm khắp Pháp giới, chỗ nào có hành giả gieo trồng hạt nhân Tịnh độ, chỗ đó hiện thân Di Đà, chỗ đó là Tịnh độ.

Và cao tột hơn cả là Tánh tịnh Niết bàn, hay Duy tâm Tịnh độ được Tổ Huệ Đăng diễn tả rằng Y theo giáo pháp Thích Ca, tự nhiên bản tánh Di Đà phóng quang. Khi hành giả thâm nhập được Pháp giới tánh của Đức Phật Di Đà thì việc giáo hóa chúng sinh hoàn toàn tốt đẹp, không còn chướng ngại. Còn không thâm nhập được Pháp giới  tánh của Phật Di Đà, thì dù niệm Phật cũng khó thanh tịnh, khó có được Tịnh độ và có khuyên dạy người, họ cũng không phát tâm. Tâm chúng ta thanh tịnh sẽ thâm nhập vào thế giới của Đức Di Đà, mới hiện ra thân Di Đà và giáo hóa được chúng sinh.

Nhân ngày vía Đức Phật Di Đà, tôi mong tất cả mọi người đều trở thành hiện thân của Đức Di Đà, để tạo thành thế giới thanh tịnh ngay tại chỗ mình đang sống, đó là mô hình Tịnh độ tại Ta bà. Người nào có tịnh nhân và thâm nhập Pháp giới đều là hiện thân của Phật Di Đà và có thể chuyển hóa nơi đó trở thành Tịnh độ. Xây dựng trên nền tảng như vậy, tất cả mọi nơi đều là Tịnh độ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cần phải thấy rõ, các duyên bên ngoài (có vật chất, ngũ dục) chỉ là những điều kiện cần, bình an trong tâm mới là điều kiện đủ cho hạnh phúc, cho chất lượng cuộc sống...

Hiểu đúng về “xả bỏ ham muốn”

GNO - Theo tôi được biết, đạo Phật dạy con người xả bỏ ham muốn, nhưng thực tiễn cuộc sống thì vẫn phải có ham muốn. Như vậy đạo Phật cho phép ta muốn gì và không muốn gì? Thế nào là muốn ít và biết đủ?

Thông tin hàng ngày