Quán mình là em bé 5-6 tuổi, tôi lại nghĩ đến độ chín của suy nghĩ. Em bé 5-6 tuổi trong tôi chẳng có nghĩ suy gì to tát hết. Ăn. Ngủ. Nhõng nhẽo. Ai la thì khóc vì dễ bị tổn thương. Ai cho kẹo thì biết là họ thương mình nên gần gũi, gặp hoặc thấy ở xa xa đã mừng quýnh!
Quán mình là em bé 5-6 tuổi, tôi thấy bầu trời xanh ơi là xanh, và nghĩ rằng đằng sau rặng núi mình đang sống là mặt trời, bởi mặt trời mỗi sáng đều ló lên sau núi cơ mà!
Quán mình là em bé 5-6 tuổi, tôi thấy mẹ tôi mãi trẻ, và tôi mãi vô tư, cứ ở nhà, ngủ nướng, nhảy chân sáo khi bà đi chợ về…
Tôi thấy mọi thứ thật giản dị, bằng an…
Khi đã quán xong, tôi trở về với hình hài của tôi, 27 tuổi, để rồi tôi thấy, mặt trời ở cách trái đất hàng tỉ năm ánh sáng, chứ không có núp sau núi. Phía sau núi không phải là trời để tôi ước ao, có một lúc nào đó leo lên đỉnh núi để… lên trời và… thành tiên.
Tôi của hai mấy tuổi khi bị ai la sẽ buồn, nhưng không khóc, bởi ý thức “khóc là yếu đuối”. Rồi tôi nghĩ xa hơn một chút về lý do bị la, có thể tôi sẽ giận mấy ngày, đau khổ cả tháng, và cũng có thể tôi sẽ mỉm cười và nói lời cảm ơn người vừa la mình (vì họ chỉ cho mình một “lổ hổng” trong nghề nghiệp, lương tâm…).
Tôi của hai mấy có thể sẽ từ chối những bày biện vật chất mà người ta tặng mình, vì tôi biết mình hổng đủ phước để nhận, nhận là mắc nợ… Tôi sẽ cảm ơn thịnh tình của họ và biết rằng họ quý mình. Và cũng có thể tôi nhận, nhưng tôi sẽ tặng lại món quà ấy cho một ai đó, khổ hơn mình và thực hiện hồi hướng tâm tặng quà ấy cho nhiều người, để ai cũng biết sẻ chia, sẻ chia vô điều kiện. Thấy người ta khó, thiếu, khổ thì mình tặng quà, tặng quà là hình tướng biểu thị tình cảm chứ không phải là để đo đạc ai giàu hơn, nghèo hơn, ai sang cả, ai ga-lăng… Chính vì vậy, khi nhận quà, dù là quà to, quà bé tôi vẫn quý ngang nhau!
***
Và tôi quán về cái thất nơi quê nhà, cái thất ở đây, ngay nhà trọ mình. Đó là một căn nhà, một cái phòng có an trí tôn tượng Bụt, Bồ tát. Hình tướng ấy sẽ trợ duyên để tôi an tâm mình, thực tập lạy Phật. Nhưng, nếu chịu khó nhìn xa xa tí, thì Ta bà này cũng là cái thất, nơi an trú nếu tôi có sự thực tập và có bằng an. Thong dong giữa trần, không vướng trần cảnh thì nơi nào mà chẳng là thất, chẳng là chùa, chẳng là cõi tịnh?
Đó là diệu nghĩa, nhưng cái sự - chính là sự thực tập thì phải nương vào tín-hạnh-nguyện sâu sắc thì mới cảm được. Giống như trước một món ngon, một bên là nghe kể lại chi tiết của sự ngon và một bên là trực tiếp thưởng thức thì người ăn món ấy sẽ cảm được, còn người kia chỉ có thể kể!
Thuyết một bài pháp từ sự chứng nghiệm sẽ thuyết phục, còn nói lại từ lời kể của ai đó thì ngay cả người thuyết cũng không có bằng an…