Quảng Ngãi: Một danh thắng quốc gia đang bị hủy hoại

Giác Ngộ- Ngay từ khi còn ngồi trên chiếc tàu cao tốc An Hải xuất phát từ cảng Sa Kỳ, tôi đã nghe không ít du khách cùng đi bàn tán khá sôi nổi về di tích chùa Hang thuộc xã An Hải của huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). 

Đặt chân lên đảo, càng tò mò hơn khi dân bản địa ai cũng bảo đến Lý Sơn mà không xem được chùa Hang thì chẳng thà ở nhà. Lòng cứ háo hức chờ cho đến chùa, được ngắm nhìn, được thưởng ngoạn…

Huyền tích và những nét đẹp...

Theo lời kể của những người già trên đảo Lý Sơn thì ngôi chùa Hang vốn có tên là “Thiên Khổng thạch tự” (Chùa Hang đá trời sinh). Chùa được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích văn hóa quốc gia từ năm 1994. Vốn là một hang đá lớn nằm trong lòng núi Thới Lới, hình thành từ nham thạch của núi lửa thời tiền sử, hướng ra biển Đông nên chùa được dân bản địa, du khách gọi tắt là chùa Hang. Dưới triều vua Lê Kính Tông, cách đây hơn 400 năm, chùa Hang được ông Trần Công Bạch cùng các bậc tiền hiền làng An Hải lập nên.

lan can đường vào chùa Hang xuống cấp trầm trọng.JPG

Lan can chùa đã bị xiêu vẹo mất mỹ quan

Hang chùa dài 24m, trần hang cao 3,2 m, diện tích chừng 480m². Ngay trước chùa có hồ sen hình bán nguyệt, những cây bàng biển cổ thụ hàng trăm năm tuổi, có hình thù kỳ quái. Và một điều không thể không nhắc tới khi đến chùa Hang cũng như tới nhiều ngôi chùa khác là tượng Phật Bà Quán Thế Âm lộ thiên rất trang nghiêm.

Ở chùa Hang này, tượng Phật Bà được đặt hướng ra biển Đông. Người già trên đảo bảo như vậy là mong ước được Phật Bà phù hộ cho những chuyến đi biển của ngư dân trên đảo luôn bình yên trở về. Phía xa xa là các mỏm đá nhô ra, bãi cát trắng sạch lấp lánh vỏ sò, vỏ ốc. Đứng trước chùa lúc chiều tà, nhìn ra phía biển, cảnh trí càng đẹp hơn, lòng người cũng cảm thấy nhẹ nhàng hơn.

Đi vào trong hang, chùa có bàn thờ Phật Di Đà, Bổn sư, Di Lặc ở chính giữa, bàn thờ Sư tổ Đạt Ma ở bên trái, bàn thờ 12 Diêm Vương, ba vị Tổ kế tiếp phụng sự chùa (là Trần Công Thành, Trần Công Hiền, Trần Công Quân) và 7 vị tiền hiền làng An Hải bên phải. Các bệ thờ được gia công từ nhũ đá tự nhiên. Đặc biệt có hai lối hẹp dài hun hút với hai hướng đối ngược, được dân bản địa xem đây là “đường lên trời và đường xuống địa ngục”. Do đường đi tối, khá nguy hiểm nên lối đi này được chặn lại để tránh bước chân của các vị khách tò mò.

Vào trong chùa, những hạt nước từ thạch nhũ rơi tí tách quyện với mùi khói hương tạo nên không khí trầm mặc. Chùa im lìm dưới lớp đá vôi với những đường vân uốn éo, lồi lõm dấu vết của những con sóng biển hung dữ từng quật vào hang trăm năm trước.

Trong cái mờ ảo, lung linh đó, con người như có cảm giác lạc vào chốn bồng lai, tiên cảnh. Lòng người viếng chùa tĩnh lại, những suy tư, âu lo của cuộc sống bỗng chốc tan biến, chỉ còn lại sự hòa hợp giữa thiên nhiên, con người và một cảm giác thoải mái, thảnh thơi tràn ngập. Đó là những gì chùa Hang đá trời sinh gây ấn tượng khi khách vào trong. Hàng năm, cứ đến các ngày Tết Nguyên đán, Lễ Vu lan, Phật đản, ngày giỗ các vị tiền hiền, chùa Hang lại rộn ràng hẳn lên. Vào những dịp đó, nhân dân địa phương tới hành lễ, niệm Phật, chiêm bái rất đông.

Và nỗi buồn hiện tại...

Ngay khi bước những bước đầu tiên trên những bậc thang đi xuống chùa (vì chùa nằm trong một hang sâu phía dưới chân núi), tay cầm vào lan can vịn của tôi bỗng trượt, suýt chút nữa là rơi xuống phía dưới. Ở độ cao khoảng hơn 10 mét so với mặt đất phía dưới đầy đá, san hô và vỏ ốc lởm chởm kia, chỉ cần rơi xuống là du khách sẽ chắc chắn bị thương nặng, nhất là những đứa trẻ hiếu động, tò mò.

Gần như toàn bộ lan can đi xuống chùa đã xuống cấp trầm trọng. Nhiều chỗ bê tông đã rã hết, chỉ còn nham nhở những cọc sắt lòi ra. Chỉ riêng nếu không may va chạm phải những cọc sắt ấy thì du khách đã gặp không ít nguy hiểm rồi.

phóng u_ b_a bãi ngay tr__c t__ng Ph_t bà Quan Th_ Âm.JPG

Phóng uế trước điện Quán Thế Âm

Vào tới sân chùa, nhìn lên thành hang chùa là vô vàn những “chứng tích” bằng mực có, bằng sơn có, và bằng những chất có thể tạo màu khác mà du khách và dân địa phương vô ý thức đã để lại. Thậm chí có những câu hết sức tục tĩu. Chạy dài trên thành hang, đập vào mắt những ai có ý thức là sự khó chịu vô cùng. Chưa kể trên mặt đất là ngổn ngang những rác, những chiếc chiếu ngang nhiên trải ra… của những người bán hàng rong ngồi trước sân chùa và cả khách du lịch nữa.

Chừng ấy thôi đã tạo ngay cho những khách hành hương thực sự muốn chiêm ngưỡng cảnh đẹp và lễ bái chùa một nỗi buồn rất lớn và một cảm quan không mấy thiện cảm.

Lòng vòng quanh sân trước khi vào viếng hương, tôi gặp chị Nguyễn Thị Thu Ngân, một khách du lịch từ tận thành phố Hồ Chí Minh ra đây. Chị lắc đầu ngao ngán: “Thật sự đây là lần đầu tiên gia đình tôi về thăm cảnh chùa Hang vì nghe nhiều người giới thiệu là đẹp và linh ứng. Nhưng chỉ vừa vào tới sân, tôi đã cảm thấy thất vọng. Dẫu biết rằng cảnh quan bên ngoài chưa nói lên được điều gì nhưng nó cũng tạo ngay ấn tượng ban đầu không được tốt cho du khách. Ông chồng tôi vừa bảo ngay là sẽ không có lần thứ hai đến đây nữa”.

Chúng tôi cùng ra phía trước chụp hình tượng Phật Bà Quan Thế Âm. Cả tôi và chị đều ngạc nhiên trước tình huống mà có lẽ lần đầu tiên tôi gặp. Ngay trước mặt tượng Quán Thế Âm, khi máy ảnh chúng tôi vừa giơ lên thì một người đàn ông bản địa cũng vừa lững thững đi ra, vô tư tụt quần rồi... phóng uế.

vẽ bậy thiếu ý thức của du khách.JPG

Vẽ bậy trên thành hang chùa

Vào sâu trong hang, thắp những nén hương trên các bàn thờ của chùa mà lòng tôi không chút tĩnh lặng. Tôi chỉ biết cầu mong người dân địa phương và du khách ý thức hơn một chút để giữ gìn di tích chung không chỉ riêng của đảo Lý Sơn mà của cả Việt Nam mình. Và cũng hy vọng các cấp chính quyền địa phương và Trung ương sớm vào cuộc để tu bổ và quản lý chặt chẽ hơn để trả lại bộ mặt trang nghiêm, duyên dáng của chùa Hang trước đây. Được như vậy thì khách hành hương và du khách mới vui vẻ tới và yên lòng khi ra về.

Rời chùa, đi chưa được vài trăm mét thì nghe tiếng cãi nhau và đánh nhau loạn xạ. Thì ra, các toán xe ôm cũng như những người chạy xe ôm nơi đây vẫn có tình trạng giành giật khách, gây mất trật tự.

Lòng chưa hết nặng thì một người phụ nữ qua đường bỗng nói vu vơ: “Không biết người ta vào trong chùa Hang làm chi cho nhiều. Chết trong đó cũng mấy người rồi mà sao vẫn chưa sợ...”. Tuy không hiểu lời bà nói có đúng không nhưng tôi càng thấy buồn hơn cho một di tích mang tầm quốc gia mà giờ trở nên đáng buồn như thế, nhất là dưới mắt của người dân địa phương. Một khi chính họ không yêu quý, trân trọng di tích của quê hương mình thì khó lòng mong du khách sẽ có những tình cảm tốt đẹp khi đến với nơi này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày