Quay về nguồn cội

GN - Tết là dịp để quay về nguồn cội - những điều gần gũi, thân thương, là cái gốc của con người như quê hương, ông bà tổ tiên, tâm linh… để nhắc nhớ và làm mới những giá trị đã có từ ngàn xưa!

Tết sum vầy

Hai từ sum vầy mang ý nghĩa của đoàn tụ và cùng ngồi lại với nhau trong tinh thần lắng nghe nhau và nghe những điều thiêng liêng nhất.

Truyền thống Tết là ngay trong đêm giao thừa, nếu có điều kiện con cái sẽ cùng về họp mặt để chúc phúc, để tặng sự có mặt cho người thân, người thương sau một năm xa cách (giờ có nhiều người thoát ly gia đình sớm, Tết là dịp để quay về) hoặc ở gần nhau nhưng ít khi có mặt cho nhau một cách nghiêm túc, đầy đủ…

wTet quay ve nguon coi.jpg

Tết sum vầy, con cháu thể hiện hiếu kính - Ảnh minh họa

Sum vầy mang ý nghĩa như thế nhưng: “Bây giờ nhiều người trẻ coi nhẹ ý nghĩa của dịp đầu năm, giao thừa lắm. Tết nhiều bạn không muốn về quê, thích đi du lịch nước ngoài, thích đi lang thang, “phượt”, “bụi”…”, bạn Lê Khoa Nam (Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM) chia sẻ. Cũng theo Khoa Nam: “Nếu cứ cái đà vui xuân bằng cách đi lang thang bên ngoài như vậy thì dịp Tết sẽ không còn là mùa sum họp, đoàn tụ như đã từng có từ lâu trong tâm thức người Việt”.

Rất may, “hiện tượng” ấy không phải là phổ biến ở số đông người trẻ, bởi theo khảo sát của phóng viên thì việc mong Tết để được về quê vẫn là niềm mong ước lớn nhất. Trên những ấn phẩm báo chí, số đông bài viết (nếu không muốn nói là hầu hết) là những câu chuyện Tết sum họp, những ký ức về Tết truyền thống, về ước mong trở về quê càng sớm càng tốt. Trong đó, nhiều bạn trẻ là du học sinh ở các nước thể hiện ý thức “về nguồn” này rất mạnh mẽ (dẫu các bạn đang sống ở một nền văn hóa khác, có nhiều điều kiện… đổi thay, quên truyền thống hơn).

Hướng về đời sống tâm linh

Mỗi năm, có những mùa người người đi chùa, lễ Phật, ăn chay như Tết, rằm tháng Tư, rằm tháng Bảy… thì ngày Tết có lẽ là dịp đi chùa đông vui nhất. Đi chùa để hướng tới tổ tiên tâm linh trong ý niệm thành tâm sám hối, thành tâm nguyện cầu. Bạn Duy Dương, nhân viên của một ngân hàng chia sẻ: “Nhà mình không có đạo, nhưng đầu năm cả nhà đều đi chùa”.

Dường như chùa chính là điểm tựa tâm linh của người Việt nên khởi đầu một năm người ta tâm niệm đi chùa để hưởng cái an cho một năm. Tâm thức này tuy chưa đúng lắm (bởi sự an lạc, kiết tường phải được gieo tạo thường xuyên trong nếp sống hàng ngày chứ không phải chỉ dịp Tết mới thực thi), song việc đi chùa đầu năm của số đông người chính là “tâm thức Việt” gắn với quan niệm dân gian: mái đình, chùa và hồn dân tộc hòa quyện.

Bạn Nguyễn Thị Thảo Vy (Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết: “Nhà mình có truyền thống, cả nhà cùng lên chùa trong dịp đầu năm để được thầy trụ trì tặng cho những câu Kinh Pháp cú và chúc an lạc, hanh thông… Những câu kinh ấy chính là lời khuyên sống theo tinh thần lời Phật dạy mà thành viên nào cũng tự “cam kết” với Phật, với mình là sẽ “y giáo phụng hành””. Hoạt động ấy lặp lại đều đặn và trở thành “nếp nhà” trong ngày Tết của gia đình. “Sau này, mình sẽ tiếp tục dạy cho con cái nếp này, rất cần thiết để nuôi dưỡng gốc rễ tâm linh của tổ tiên”.

Tuy nhiên, không phải gia đình nào, bạn trẻ nào cũng ý thức được việc đi chùa một cách ý nghĩa như trên. Bởi có rất nhiều người đi chùa ngày Tết và đã… tự ý bẻ lộc, hái hoa ở chùa với tâm niệm: mang lộc về nhà. Hành động này theo tinh thần Phật dạy là không đúng pháp lại còn thêm tội (tội không cho mà lấy, tội làm hư hao những tài sản nơi thường trụ Tam bảo).

Do vậy, “để đi chùa có lợi lạc thì mình nên đến chùa bằng cái tâm thành kính, tôn trọng nơi tôn nghiêm mà có cách ứng xử văn hóa, văn minh nơi cửa thiền, nhất là dịp đầu năm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Phát triển bền vững là hành trình của lòng từ bi và sự tỉnh thức

GNO - Trong bối cảnh toàn cầu ngày càng phải đối mặt với những thách thức về biến đổi khí hậu và các cuộc khủng hoảng về nhiều mặt như hiện nay, Thiền sư Pomnyun Sunim, một nhà sư Phật giáo nổi tiếng của Hàn Quốc, đã tham gia hội thảo kéo dài 3 ngày tại Bhutan từ ngày 7 đến ngày 9-9-2024.

Thông tin hàng ngày