Lần đầu tiên tôi được nghe bài hát này là khi tôi được vào Sài Gòn. Cô em họ tôi hát. Bố mẹ em là dân di cư vào Nam từ 1954 . Em sinh ra ở Sài Gòn. Bố là sỹ quan tâm lý, em học Nhạc viện Sài Gòn và sau năm 1975 thì xin được một chân làm nhạc công kiêm ca sỹ trong dàn nhạc của Công ty Du lịch Thành phố.
ảnh internet
Bạn bè di tản cả, bố và anh trai cả đang di học tập ngòai Thanh Hóa. Em họ tôi cùng mẹ và cô em gái út ở lại Thành phố. Hai đứa em nhỏ một trai , một gái đã theo dì vượt biên sang Mỹ. Bà cô làm y sĩ nên vẫn có một công việc ở bệnh viện.
Đất nước giải phóng, Bắc Nam xum họp nhưng gia đình bà cô tôi tan nát. Khi bà mẹ vợ tôi, chị ruột của cô cùng ông bố vợ, là nghệ sỹ, cán bộ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ từ Bắc vào thì tình cảnh gia đình thật tang thương. Tiền của gửi ngân hàng coi như sạch trắng. Ông chủ gia đình và con trai cả đi học tập không biết ngày về.
Tôi, một cán bộ nhà nước từ Bắc vào, về thăm bà cô họ nhưng gặp nhau không ai phân biệt. Tôi chỉ nghĩ đấy là bà cô, đấy là cô em họ, là họ hàng ruột thịt, chẳng ai có ý nghĩ kẻ thắng người thua. Đất nứoc hết chiến tranh là phúc rồi. Gặp thời thế thế thì phải thế !
Đêm hôm ấy, khi khách sạn du lịch đã đóng cửa, Hồng Anh đi làm về, em hát cho tôi nghe bài hát ấy ” Quê hương là chùm khế ngọt” Bài hát mà cô hát trong khách sạn ai nấy đều say mê và nhận ra cái tình của dân tộc mình. Bài hát của một thanh niên xung phong tự sáng tác nhưng nó mang cả một cái tình bao la…
“Quê hương, mỗi người chỉ một.
Như là chỉ một mẹ thôi…”.
Thời gian trôi đi, chú em họ là trung úy sau học tập trở về đã vượt biên nhưng mất tích ngòai biển bởi cướp biển Thái Lan. Ông chú tôi sau đợt học tập được trở về Sài Gòn. Tôi có dịp đàm đạo và mới vỡ ra rằng ông cũng đã đọc những bài tôi viết về thời đại Hùng Vương, về văn hóa Đông Sơn khi mà hai miền còn chia cắt và ông còn đọc tạp chí Khảo cổ học một cách cẩn thận hơn nhiều người làm nghiên cứu mà tôi đã biết. Hóa ra dân Việt chỉ có một vua Hùng. Thế rồi, gia đình bà cô tôi đều ra đi cả. Người sang Mỹ , người thì sang Pháp. mỗi người ra đi đều mang trong mình những kỉ niệm sâu đậm của quê hương.
ảnh internet
Mãi những năm sau này, khi gặp lại Hồng Anh trong một đêm hát cho bà con Việt kiều tại Paris, lúc này em đã định cư tại Pháp, tôi lại được nghe em hát bài hát xưa ở sài Gòn
“ Quê hương là chùm khế ngọt...
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi.. «
Qủa khế cũng như quả cau, quả chuối, trái dừa, trái sầu riêng, măng cụt là hoa quả xứ mình sao mà nó mang đậm tình người đến thế.
Sau này, khi chú tâm tìm hiểu về ẩm thực đất Việt tôi mới vỡ lẽ ra biết bao thứ cỏ cây hoa trái ở xứ ta không hẳn là có nguồn gốc từ đất Việt mà nó đã được con người mang từ nơi khác đến và biết bao đời người Việt đã chăm sóc vun trồng mà nó đã trở thành cây trái của đất Việt.
Trái khế có gốc từ Srilanca nhưng được ông cha ta chọn lọc chăm sóc bao đời nay sinh ra biết bao giống khế khác nhau. Nào là khế chua, khế ngọt, khế cơm có vị chát, khế lùn quả mọng ngọt lịm như đường và cả khế cảnh bé tí xíu trồng trong vườn cảnh để dung dưỡng tinh thần và tình yêu cây cỏ của các cụ cao niên.
Trở về với cây khế, trái khế, trong lòng tôi lại dậy lên biết bao kỉ niệm tuổi ấu thơ. Ngày ấy, cứ mỗi năm, đến ngày giỗ cụ nội, tôi được bố mẹ cho về quê. Thấy trong vườn nhà có cấy khế sai trĩu quả tôi muốn trèo lên hái nhưng nghe lời mẹ dặn « Hóc xương gà , sa cành khế » nên chẳng dám trèo. Tôi phải nhờ mấy đứa em họ sống trong làng trèo lên hái giúp. Có mấy quả khế đem về, mấy chị em tôi tự tay thái mỏng trộn tí muối tí đường chút nước mắm lén ăn với nhau. Sao mà ngon thế !
Cuối năm, khi đông về, mẹ tôi lại ra chợ mua về cả một bao khế to. Bà bổ ra ngâm muối rồi phơi khô, tết đến sào đường làm món ô mai khế. Vị đường mật ngọt đậm cùng gừng tươi sào với những múi khế chưng đường khiến lũ tôi chỉ ngửi mùi thơm đã rỏ nước dãi.
Sau này, chúng tôi lớn lên, mỗi người một phương. Có hôm cùng vợ đi chợ mua được con cá chép tươi rói mang hồng tươi còn đang ngáp. Hí hửng sẽ có món riêu cá ngon nhưng khi bắc nồi lên bếp mới ngã ngửa ra vì quên không mua mấy quả khế chua. Canh chua cá mà thiếu vị khế và mớ thìa là thì còn gì là canh chua nữa. Thế là tôi lại phải hộc tốc đạp xe ra chợ . May mà cụ bán rau quen vẫn còn một rổ khế chua có quả đã nẫu vàng.
Mùa đông về, mẹ tôi hay làm món mắm tép chưng ăn với thịt ba chỉ luộc. Nói là ăn mắm nhưng mắm chỉ là đầu vị. Mắm tép chưng với hành củ và chút tóp mỡ nhưng nếu chỉ mắm tép đỏ au do bà tôi tự ủ trong hũ sành mà thiếu các gia vị đủ lọai chua cay ngọt bùi thì sao gọi là mắm được. Món này ăn vào mùa đông với đủ lọai rau thơm, chuối tiêu xanh thái mỏng, hành củ tươi, gừng, lạc rang, ớt tươi, rau sống và cuối cùng là lát khế thái mỏng hình cánh sao. Tất cả các lọai rau cùng miếng thịt ba chỉ luộc gộp vào nhau chấm vào bát mắm chưng đưa vào miệng khác nào như một bản hòa tấu giành cho vị giác của người Việt sành ăn. Thú thật có lần không mua được khế chua, tôi thử thay bằng trái dứa nhưng khế là khế , dứa là dứa. Không gì thay thế được.
Tôi mơ có một ngày sẽ gặp lại cô tôi, các em tôi ở những phương trời xa thẳm. Nếu đi thế nào tôi cũng lùng cho bằng được mấy quả khế chua, khế chát và chút mắm tép để làm một bữa ẩm thực thuần Việt.