Hiện tại ba tôi bị tai biến nhẹ nên mẹ tôi nghỉ làm ở nhà chăm sóc ba. Tôi và em gái là lao động chính trong gia đình. Đời sống gia đình tạm ổn định theo nghĩa biết tri túc thì đủ. Nhưng bây giờ tôi kiên quyết xuất gia, liệu như thế có phạm tội bất hiếu không?
Trong thời gian này tôi gieo duyên với các chùa và được tiếp xúc với rất nhiều quý thầy. Một số vị trụ trì có ý muốn nhận tôi làm đệ tử xuất gia nhưng chắc không có duyên hay sao mà tôi lại không muốn. Hiện tôi đang nhờ người xin làm đệ tử của vị thầy lãnh đạo một trường Trung cấp Phật học, không biết như thế có đúng pháp không?
Về phía ba mẹ tôi lúc đầu cũng có ý định không cho, sợ tôi khổ, nhưng sau này thì đã đồng ý nhưng nhìn vào mắt ba mẹ rất buồn, làm tim tôi như quặn lại, tôi trăn trở rất nhiều và thực sự bối rối. Bây giờ tôi đã nộp đơn xin nghỉ việc. Băn khoăn lớn nhất của tôi trong việc xuất gia là có bất hiếu với ba mẹ không, và tôi phải chuẩn bị gì cho con đường sắp tới của mình? Tôi muốn tâm mình phải thật sự thông suốt không còn khúc mắc gì cả để việc xuất gia theo đúng pháp và đúng nghĩa.
(CHÁNH HUỆ, quaden…@yahoo.com)
ĐÁP:
Bạn Chánh Huệ thân mến!
Xuất gia là một việc hệ trọng của đời người nên cần được chuẩn bị và cân nhắc kỹ lưỡng. Bạn đã có hơn 10 năm để chuẩn bị và thử thách, thiết nghĩ là đã quá đầy đủ cho việc xuất gia của mình.
Bạn trăn trở về việc hiếu đạo, phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già, sự ưu tư ấy thật xác đáng. Nhưng vấn đề hiếu đạo không chỉ đơn thuần là phụ giúp hay đỡ đần cho cha mẹ về vật chất mà còn các phương diện khác như trợ duyên về phước báo, tinh thần và tâm linh cho cha mẹ cùng gia đình. Một người con hiếu đúng nghĩa, theo lời Phật dạy, ngoài việc phụng dưỡng thông thường phải trợ duyên khuyến hóa cha mẹ hướng thiện, bỏ ác làm lành, biết tu học để đời này và đời sau được phước đức an vui.
Riêng người xuất gia, trong trường hợp gia cảnh cha mẹ quá khó khăn và đơn chiếc, người xuất gia có thể cung thỉnh cha mẹ về chùa để phụng dưỡng đồng thời trợ duyên cho cha mẹ biết tu học. Trong tinh thần khai mở, Đức Phật cũng cho phép những người xuất gia sử dụng tài vật mà thí chủ cúng dường cho riêng mình (hoàn toàn khác với tài vật của Tam bảo) để phụng dưỡng cha mẹ hay san sẻ cho những người nghèo khó khác mà không mang tội.
Cho nên, bạn đã quyết chí không có gì lay chuyển rồi thì hãy xuất gia. Cha mẹ của bạn cũng biết rất rõ chí nguyện xuất trần của con mình nên đã đồng ý. Vẫn biết bạn không còn ở nhà thì cha mẹ mất nhờ nhưng đó không phải là mối bận tâm nhất của những bậc làm cha mẹ. Ánh mắt buồn của cha mẹ khiến tim bạn quặn thắt chính là sự lo lắng cho bạn, bởi con đường xuất gia vốn dĩ gian khó, gập ghềnh và không phải ai quyết chí ra đi cũng ca khúc khải hoàn viên thành chí nguyện.
Vị bổn sư của một người xuất gia chính là người mà mình đã có nhân duyên. Nếu bổn sư là minh sư sẽ trợ duyên cho đệ tử rất nhiều trong việc định hướng tu tập và thăng hoa tâm linh. Nên việc đệ tử tìm sư học đạo là hoàn toàn đúng đắn, cần thiết phải như thế. Người đệ tử có cảm tình và quy hướng nơi một vị bổn sư nào chính là biểu hiện nhân duyên của mình với vị thầy đó. Hội đủ duyên lành với thầy tổ và huynh đệ thì sự tu học sẽ thuận lợi và dễ dàng.
Bạn nên đến đảnh lễ vị thầy đó và bày tỏ tâm nguyện chí thành tha thiết muốn được xuất gia của mình. Nếu được bổn sư hoan hỉ thu nhận thì thầy sẽ định ngày xuất gia cho bạn và có những giáo huấn cụ thể, chi tiết cho việc chuẩn bị nhập môn. Việc chuẩn bị ấy chỉ có tính ước lệ và tùy duyên vì hầu như mọi vấn đề của đệ tử trong giai đoạn đầu của đời sống xuất gia đều được bổn sư bảo trợ, đệ tử phải tuyệt đối tuân thủ theo các giáo huấn của thầy.
Trước thềm xuất gia, thiết nghĩ điều cần chuẩn bị nhiều nhất là phát tâm Bồ đề. Nguyện tinh tấn tu tập thành tựu giác ngộ giải thoát để phụng sự Tam bảo và chúng sanh không mệt mỏi, không thối chuyển dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Giữ vững và duy trì sơ tâm thánh thiện này trong đời sống xuất gia thì bạn sẽ gặt hái thành công trong tu học và phụng sự.
Chúc bạn tinh tấn!