Ra đồng tiết cuối đông

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1233 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1233 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Cuối đông. Trời có bớt mưa nhưng vẫn lạnh và thiếu nắng. Nắng nhợt nhạt, thay phiên cùng những cơn mưa nhẹ chợt đến chợt đi. Đất vườn trải qua những ngày dài ngập sũng liên miên giờ chưa thể một lúc khô ngay; vẫn còn trong trạng thái ướt rượt.

Dăm chỗ thấp nước tù đọng, mọc lên đầy những thứ rau dại không tên chỉ lũ lợn mới phân biệt nổi loại nào ăn được loại nào không. Vậy nhưng trái với khu vườn còn thiêm thiếp giấc mùa đông, cánh đồng đã từ lâu thức giấc. Tất bật cày, bừa, gieo sạ cho kịp mùa vụ. Không thể chờ thời tiết thật yên. Thật yên thì trễ mất. Vậy nên buộc phải nương theo gió theo mưa theo nắng theo sương mà “hành sự”. Vừa làm vừa thấp thỏm, loay hoay nhìn đất nhìn trời…

Mẹ ngó chừng nắng mỗi ngày. Nắng để xới vườn lên luống trồng rau. Nắng để lúa mới sạ ngoài đồng không bị úng nước. Phải; mùa đông vừa phát tín hiệu “báo yên”, không còn lụt bão là đồng đã lập tức chuyển mình vào vụ. Ba lo vác cày ra đồng từ những ngày trời còn phập phù mưa. Chỉ một manh áo tơi trên lưng, ba chấp nhận đội mưa cùng với đôi bò bì bõm cày cho xong mảnh ruộng. Có hôm lỡ buổi cày, cơm mang cho bữa trưa ăn luôn giữa trời mưa; nước mưa chan thẳng vô chén…

Ngày đồng đất chưa được cơ giới hóa, vụ lúa Đông Xuân chắc là vụ gieo sạ cực nhất. Nhưng tới lúc lúa lên xanh đồng cũng thật đáng đồng tiền bát gạo - bởi đây là thời điểm nhìn cánh đồng đẹp nhất trong năm! Đất nâu phủ choàng tấm thảm xanh mướt mượt, mênh mông xanh rợn tận chân trời.

Cuối năm ra đồng vui lắm. Cắm mặt làm nhưng tai vẫn nghe, miệng vẫn thao thao trò chuyện. Đồng yên tĩnh, lại thêm trống trải, ruộng bên nay nói gì bên kia chẳng nghe được? Nói hoài không hết chuyện. Chuyện Tết nhất đã cận kề, chuẩn bị thế nào, con cháu, anh chị ở xa mấy người về. Rủ nhau làm heo, bán gà cúng ông Táo, rủ nhau đi bùm cốm, xin đổi gạo lấy nếp, hỏi chừng nào tráng bánh, bác Sáu kêu cho trái dừa khô làm mứt, nội Chín kêu cho bí cho khoai….

Tóm lại một trời chuyện mà chuyện nào cũng vui, cũng hồ hởi, phấn chấn hết trơn. Mùa cấy giặm cơ bản mấy mẹ mấy chị ra đồng nên “hội bà Tám” đông vui xôm tụ cũng dễ hiểu. Làm phải cho nói; không thể cứ nín thinh lầm lũi một đường như cánh đàn ông được. Kiểu vừa làm vừa nói đương nhiên… ít mệt: thời gian trôi vèo vèo, hết buổi lúc nào chẳng biết. Lắm hôm đã tới giờ về mà vẫn rôm rả chưa tan câu chuyện cuối năm…

*

Ngày tôi còn nhỏ, hay ưa vụ theo mẹ ra đồng cuối năm. Dọa nắng, dọa mệt cũng kệ, cứ nhèo nhẹo đòi theo. Theo chơi thôi; chứ đời nào mẹ cho lội ruộng; sợ không làm được còn giậm hư lúa! Đòi riết mẹ cũng chìu, ừ thì đi, đem theo cái nón ra bờ ngồi chơi. Tới chừng nắng phải chạy vô nhà bà Tám giữa đồng mà đụt mát nghe chưa – lệnh mẹ! Dạ lia cho mẹ yên tâm chớ sợ gì chút nắng cuối đông.

Còn nhỏ tôi vốn có hỗn danh “con Mực”, da dẻ hẩm sì dang nắng khỏi lo đen thêm; còn sợ bệnh ư, đã có cái nón! Ra đồng thời điểm ấy thích lắm: nghê nga mát mẻ, đã đời hóng chuyện. Còn hỏi; con nít thèm Tết, ở đâu nghe có nội dung Tết nhất là lập tức thấy… ưa! Chơi thì chơi, có cơ hội cũng tìm cách lập công chút đỉnh: nghe bác Sáu hoặc thím Ba kêu cho mạ thì le te bước thấp bước cao chạy xách về ruộng nhà cho mẹ. “Tập sự” mà làm hăng như muốn chứng tỏ: thấy chưa, mẹ cho con theo ra đồng là một quyết định… hoàn toàn đúng đắn, không phải hối tiếc! Chạy lại chạy đi, thở hào hển vậy mà vẫn vui, thi thoảng cười toe còn nghêu ngao hát!

Gió đồng cuối đông thổi lộng, đột ngột xé toang mây trời lộ ra một mảng thiên thanh lóe nắng. Nắng trên đồng hồng tươi, ấm sực. Lúa trên đồng mênh mang dợn sóng, thẳm xanh ngút ngát đùa lượn tận chân mây. Tất thảy đều bồi đắp thêm cho tinh thần lạc quan vốn dĩ - khi một mùa mưa bão nữa đi qua trả lại yên bình, nhường chỗ cho nắng gió cuối đông về mơ hồ mang theo hơi ấm mùa xuân. Một năm - từ ấy mới nói lên nghe chừng như lâu lắm nhưng nhìn lại quả có bao nhiêu đâu: quay qua quay lại đã tới Tết nữa rồi…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Phát triển bền vững là hành trình của lòng từ bi và sự tỉnh thức

GNO - Trong bối cảnh toàn cầu ngày càng phải đối mặt với những thách thức về biến đổi khí hậu và các cuộc khủng hoảng về nhiều mặt như hiện nay, Thiền sư Pomnyun Sunim, một nhà sư Phật giáo nổi tiếng của Hàn Quốc, đã tham gia hội thảo kéo dài 3 ngày tại Bhutan từ ngày 7 đến ngày 9-9-2024.

Thông tin hàng ngày