Bụt là lòng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Những hàng dâm bụt thẳng tắp, trồng xen khít với nhau đến nỗi con gà chui cũng không lọt của mẹ không chỉ là tấm bình phong che chở cho gia đình, mà còn chứa đựng bao lời dạy về cách sống mà mẹ để lại cho con cháu.

Nhắc đến hàng rào dâm bụt của mẹ, tôi chỉ nhớ nó đã có trước khi tôi ra đời. Từ khi chuyển đến vùng đất mới, việc đầu tiên của mẹ đó là trồng những cây dâm bụt non mà ông ngoại gửi tặng. Là thứ hoa dễ trồng nên chỉ cần vùi xuống đất năm ba bữa, tưới cho ít nước là sống khỏe, bất chấp thời tiết nắng mưa khắc nghiệt của dải đất miền Trung. Chỉ ít năm, siêng cắt tỉa là mẹ đã tạo nên một hàng rào dâm bụt tươi tốt, hoa nở bốn mùa.

Tôi chẳng hiểu tại sao mẹ lại thích trồng loại hoa này làm hàng rào, một loại cây chẳng cao, cành lại nhỏ, mong manh dễ gãy, chỉ đặc biệt là hoa nở quanh năm suốt tháng. Trong khi hàng xóm thì ai cũng có hẳn một hàng chè tàu vuông vức, đẹp đẽ, đặc trưng của mỗi ngôi nhà xứ Huế.

Đi đâu ai cũng gọi nó là hoa nhà quê vì nó không kiêu sa như dàn hoa hồng của o Mười, hay thanh khiết như hoa sen ở trong ao trước làng, và không quý phái như mấy giò hoa lan của ông Tý xóm trên. Mẹ thường bảo với tôi rằng, hoa dâm bụt, tên nghe có vẻ quê mùa nhưng loài hoa này lại gần gũi với gia đình mình, thể hiện bản chất của một người “nhà quê” đúng nghĩa, biết thích ứng với bất kỳ nơi đâu mà nó được cắm xuống, đất nào nó cũng có thể sống.

Những lúc rảnh rỗi, tôi thường thích cùng mẹ tỉa cành cho hàng dâm bụt trước cổng. Chăm chút, nâng niu từng nhánh, từng bông hoa như sợ chúng sẽ gãy cành hư mất. Thỉnh thoảng, tôi hỏi mẹ tại sao không cắt nhánh bông này để cúng ông bà. Mẹ xoa đầu tôi rồi cười nói, hoa dâm bụt này lạ ở chỗ là ta không thể cắt nó để thờ cúng hay cắm vào bình để trang trí nhà cửa như các loài hoa khác. Chỉ cần lìa khỏi cành thì nó sẽ chết, nó không thể sống thiếu cây và đất. Nó cũng như mẹ, như những người nông dân ở đây không thể sống thiếu gia đình, làng nước, xa rời khỏi cộng đồng yêu thương được.

Quan trọng hơn, tên của hoa dâm bụt, khiến mẹ nhớ về ông ngoại lúc còn sống. Ký ức về ông trong mẹ là câu “Nam-mô Bụt” mỗi khi gặp chuyện gì khó khăn, như một lời cầu nguyện chí thành hướng đến sự chở che của Ngài cho con cháu trước mọi nghịch cảnh. Hay bóng dáng gầy gò, cô đơn trước bức tượng Bồ-tát Quan Thế Âm trong căn phòng nhỏ, với tiếng tụng kinh trầm bổng vào mỗi sáng tinh mơ gà vừa gáy sáng. Những lúc như thế, mẹ thấy chỗ dựa đó thật vững chắc biết bao nhiêu.

Đời hoa dâm bụt mai nở, chiều rụng, là biểu hiện sắc sắc không không của giáo lý nhà Phật, cũng là đời người trong dòng xoáy của thời gian. Tôi chưa thấu hiểu hết cái lý cao siêu ấy nhưng giản đơn nhất có lẽ là mẹ, một người phụ nữ dân dã ít chữ, muốn nói với tôi đó là Phật tâm hay Bụt là lòng của mình. Cái tấm lòng luôn biết hướng thiện, biết thích ứng với mọi hoàn cảnh thay đổi của xã hội. Và đặc biệt hơn là biết gắn kết, yêu thương, chở che cho gia đình của mình, yêu quê hương trong những điều bình dị nhất của cuộc sống này.

Ông cũng dạy mẹ hiểu việc bám đất, bám làng suốt thời gian kháng chiến gian khổ, bom rơi đạn lạc. Tình yêu dành cho mảnh đất nhỏ này giúp ông vượt qua mọi biến cố của cuộc sống, kiên trì trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, ông vẫn cố gắng tặng cho mẹ nhánh dâm bụt như một lời di nguyện cuối cùng của yêu thương.

Có lẽ đó là một bài học mà mẹ muốn tôi học được từ hàng dâm bụt của mẹ. Đầu óc khờ khạo của tôi cũng chẳng thể nào hiểu hết những lời mẹ nói, chỉ biết rằng chúng có vẻ rất triết lý và đầy chiêm nghiệm của mẹ về cuộc đời. Với tôi, hàng dâm bụt của mẹ là nơi mà những đứa nhỏ chúng tôi thường ngắt hoa, bẻ cành để bày trò chơi những lúc rảnh rỗi.

Phải sau này lớn lên, đi đây đi đó, đọc nhiều sách vở tôi mới nhận ra Bụt là ai, những điều mà mẹ dạy tôi khi còn nhỏ với hàng dâm bụt của mẹ. Phải chăng những điều đó như thi hào Nguyễn Trãi đã từng nói về loài hoa này:

“Ánh nước hoa in một đóa hồng

Vết nhơ chẳng bén, Bụt là lòng

Chiều mai nở chiều hôm rụng

Sự lạ cho hay tuyệt sắc không”

(Mộc cận, Quốc âm thi tập)

Đời hoa dâm bụt mai nở, chiều rụng, là biểu hiện sắc sắc không không của giáo lý nhà Phật, cũng là đời người trong dòng xoáy của thời gian. Tôi chưa thấu hiểu hết cái lý cao siêu ấy nhưng giản đơn nhất có lẽ là mẹ, một người phụ nữ dân dã ít chữ, muốn nói với tôi đó là Phật tâm hay Bụt là lòng của mình. Cái tấm lòng luôn biết hướng thiện, biết thích ứng với mọi hoàn cảnh thay đổi của xã hội. Và đặc biệt hơn là biết gắn kết, yêu thương, chở che cho gia đình của mình, yêu quê hương trong những điều bình dị nhất của cuộc sống này.

Mặc dù làng quê đã đổi mới với nhiều nhà cao tầng, con đường xi-măng thẳng tắp, nhưng những bức tường rào bê-tông cốt thép vẫn không thể nào thay thế được hàng rào của mẹ. Những hàng dâm bụt thẳng tắp, trồng xen khít với nhau đến nỗi con gà chui cũng không lọt của mẹ không chỉ là tấm bình phong che chở cho gia đình, mà còn chứa đựng bao lời dạy về cách sống mà mẹ để lại cho con cháu. Chính những giá trị đó đã khiến chúng tôi, những người nối tiếp tâm nguyện của mẹ vẫn cố gắng giữ lấy hàng rào dâm bụt, như cách mà mẹ đã vâng theo di nguyện của ông ngoại đã gửi gắm.

Những khi lòng nặng nề với những bộn bề lo toan của cuộc sống, đầy rẫy cảm xúc tiêu cực bủa vây, chúng tôi lại cố gắng sắp xếp để về với gia đình, về với mẹ. Ngồi ngắm hàng dâm bụt sáng nở tối tàn, hưởng trọn sự bình an mà mẹ đã cố gắng gìn giữ cho con cháu. Điều hạnh phúc đó như con cá được gỡ ra khỏi lưỡi câu, trở về với dòng nước trong xanh vốn có, trở về khoảng lặng bình an của mình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày