Con người đã tạo ra vô số cách để giải trí và trở thành những chuyên gia trong việc sử dụng thời gian rảnh rỗi. Chúng ta sử dụng trí thông minh không phải để làm cho chúng ta tốt hơn mà là để đi rong từ cách giải trí này đến cách giải trí khác. Tâm trí lan man của chúng ta chạy nhảy không kiềm chế. Padmasambhava tiên đoán khi chúng ta khôn ngoan và thông minh hơn, tâm từ bi sẽ trở nên một thứ phù phiếm và chúng ta quên bẵng cách làm thế nào để mang lại ý nghĩa cho đời sống.
Tượng Đức Phật tại Angkor, Campuchia
Theo những lời dạy trong Shambhala, chúng ta gọi thời buổi tối tăm này là "lúc mặt trời sắp lặn". Ngôn ngữ Tây Tạng chỉ cho lúc mặt trời sắp lặn là dregs - những phần còn sót lại của ban ngày. "Những phần còn sót lại" liên quan đến những mảnh sót lại của đạo đức, của hành động thiện lành đưa chúng ta tiến về phía trước và làm cho chúng ta biết mở lòng. Những đức tính như từ và bi là những chiếc thuyền đưa chúng ta đến bờ hạnh phúc vì chúng làm thăng hoa đời sống của chúng ta. Trong thời buổi mà hành động thiện lành không được coi là có giá trị, tâm trí chúng ta bị vây phủ trong sự hỗn độn và tiêu cực, chúng ta sống trong điên đảo và khổ sở. Chúng ta không nhận rõ được ý hướng hay tiềm năng của chúng ta. Chúng ta tiến về mục tiêu giác ngộ với một năng lượng thấp thỏi. Nếu chúng ta không hiểu rõ con đường sẽ dẫn đi đâu hay nội dung cuộc hành trình - nếu chúng ta không có bản đồ - chúng ta sẽ mất nhiều năng lượng vì chúng ta sẽ đi quanh quẩn trong những vòng tròn.
Điều gì thúc đẩy chúng ta tiếp tục tiến về phía trước? Trở ngại gì chúng ta cần phải vượt qua? Trước tiên, chúng ta phải vượt qua khát vọng - một loại thúc giục muốn giải quyết xong một điều mơ hồ nào đó. Khi tâm trí chúng ta bám vào việc phải hoàn thành một điều gì đó, chúng ta sẽ có cảm giác không thỏa mãn, thiếu thốn niềm vui. Loại khát vọng này không giống với sự cố gắng và thực hành đúng đắn. Nó là chiếc bánh xe làm cho vòng luân hồi tiếp tục. Chúng ta không nhận ra tính mở rộng nơi bản chất chúng ta, và do chúng ta không hiểu chúng ta là ai, chúng ta không ngừng chạy quanh trong vòng tròn. Chúng ta có cảm giác rằng chúng ta đến được nơi nào đó, nhưng sau đó chúng ta thấy ra rằng chúng ta không đi đến chỗ nào cả. Chúng ta luôn luôn bị cảm giác được-mất xâm chiếm.
Khát vọng là một biểu hiện của ý chí chúng ta trong việc làm khuây nỗi khổ, cho rằng có cái gì đó từ bên ngoài sẽ làm cho chúng ta hạnh phúc. Nhưng sự tìm kiếm này sẽ không bao giờ làm khuây nỗi khổ của chúng ta. Thật sự, phía sau niềm khát vọng này chỉ là sự bối rối, hoang mang, không định hướng, không niềm tin. Chúng ta đặt ước mơ và tham vọng của chúng ta vào mọi loại sự việc, và đến nơi với bàn tay không.
Thiền quán và những tu tập sau thiền quán giúp tăng trưởng sự hiểu biết của chúng ta về những tính chất của đối tượng mà chúng ta tiếp cận. Đó là lý do chúng ta nên tu tập theo con đường chính thống. Khi chúng ta có can đảm ngồi xuống và quán sát tâm của chúng ta, chúng ta đang rèn luyện việc giảm bớt sự khát khao, tham vọng trong ý nghĩa tích cực; chúng ta có cơ hội bước vào nghỉ ngơi bên trong tính chất chân thật của chúng ta. Mở tâm theo cách này cho chúng ta cái thấy thấu triệt để vượt qua sự mâu thuẫn hơn thua và giúp tăng trưởng lòng từ bi. Khi hướng niềm khát vọng vào nội dung giác ngộ này, nó sẽ trở nên một thực thể có giá trị.
Một chướng ngại khác trong việc tiến về phía trước ở thời buổi tối tăm này là sự bám víu vào gia đình và bạn bè. Sự bám víu này chỉ tạo ra đau khổ cho chúng ta và những người chung quanh. Thiền quán giúp chúng ta xả bỏ sự dính mắc trong mối liên hệ về nghiệp với người khác. Dĩ nhiên chúng ta muốn gia đình và bạn bè chúng ta được hạnh phúc, nhưng trong ý muốn đó, quán sát kỹ, chúng ta sẽ thấy một phần vi tế của sự hơn thua hay lòng tham. Là những hành giả, chúng ta học cách liên hệ với gia đình và bạn bè mà không bám giữ. Chúng ta cần nhận ra rằng nếu chúng ta muốn cho những người thương yêu của chúng ta được tốt đẹp, tiến bộ trong tu tập là việc có lợi ích nhất mà chúng ta có thể thực hiện.
Sợ hãi là một tác nhân khác giam chúng ta trong thời đại bóng tối. Sợ hãi phát sinh từ sự thiếu lòng tin vào bản chất chân thật của chúng ta. Bản chất đó là sự mở lòng từ bi một cách tự nhiên. Sự sợ hãi đến từ việc chúng ta không biết mình là ai. Nếu chúng ta chìm ngập trong vô minh, chúng ta sẽ nghĩ rằng "tôi" là một thực thể vững chắc, rằng chúng ta cần củng cố bản thân, rằng có những thứ để được hay mất. Việc này làm giảm lòng từ bi, làm tăng lòng tham và sự bám giữ của chúng ta.
Trầm cảm cũng là một nguyên nhân làm tiêu hao sinh lực của chúng ta. Nó làm cho chúng ta không thể đánh thức nguồn sinh lực vốn có của mình. Trầm cảm cũng là một dấu hiệu khác của sự nghi ngờ về sức sống tiềm tàng của chúng ta. Nó cũng có một tính chất của căn bịnh claustrophobia - nỗi sợ mình bị giam giữ. Tôi không đề cập đến bịnh trầm cảm lâm sàng, mà là muốn đề cập đến sự phiền muộn về khả năng của chúng ta trong việc nhận ra thế giới như thật của chúng. Chúng ta đã chất đầy nhận thức trong tâm trí, làm mạnh thêm sự nghi ngờ về bản chất tích cực vốn có của chúng ta. Chúng ta có cảm giác căn phòng trở nên tù túng, thế giới không còn sinh động. Chúng ta không nhận ra chúng ta là ai và đang ở đâu.
Khi chán nản, chúng ta không muốn vươn mình ra xa, do đó trở nên lười biếng. Lười biếng và chán nản là một cặp bài trùng trong buổi tiệc đau khổ. Chúng ta không muốn nghe người khác được tán dương. Chúng ta muốn có điều mà người khác có.
Để giải tỏa cảm giác nặng nề và chán nản, chúng ta có thể học cách nhìn nhẹ nhàng đến với môi trường chung quanh, không phải bằng sự ủy mị mà bằng việc mở rộng tâm hồn. Tỏ lòng tri ân đối với nơi chốn mà chúng ta đang hiện diện là một liều thuốc bổ ích trong việc trị liệu căn bệnh chán nản.
Thọ trai trong chánh niệm, Ảnh: Lưu Ly - Đức Quảng
Chúng ta cần có định hướng trong việc thăng hoa tâm hồn và làm phong phú sức sống. Trong thời kỳ rất khó khăn hiện nay, chúng ta cần có định hướng, khởi đầu bằng việc giữ chánh niệm. Là những hành giả, chúng ta có sức mạnh để tạo ra một môi trường thăng hoa giúp chúng ta thay đổi thói quen. Chúng ta cố gắng chiến thắng tính tiêu cực bằng những khởi sự nhỏ. Chúng ta bắt đầu bằng việc nhìn rõ vào những tình cảnh của đời sống chúng ta. Những tình cảnh đó có thể kết hợp với nhau làm cho sự tối tăm của thời đại càng tăng thêm.
Khi chánh niệm giúp chúng ta nhìn thấy những dòng tư tưởng của chúng ta, chúng ta sẽ có thể tạo ra những sự thay đổi nhỏ nhưng có hiệu quả tích lũy. Để tâm vào đời sống và sắp xếp môi trường sống sao cho nó giúp chúng ta trau dồi lòng từ bi là cách chúng ta vượt ra khỏi thời kỳ tối tăm một cách thiết thực và hiệu quả.