Rằm tháng Giêng: Cổng chùa vẫn còn bề bộn…

GN - Rằm tháng Giêng, mọi người thường quy tụ về chùa để thắp hương cầu nguyện bình an cho gia đình, người thân là nét đẹp của người Việt. Mọi người từ khắp nơi tập trung về các ngôi chùa lớn đông đúc hơn, lẫn trong không gian linh thiêng đó không thiếu những hình ảnh chưa đẹp vì chùa vẫn còn bộn bề bởi những người hành nghề ăn xin, bán nhang, vé số, bói toán ... ngồi lê lết từ cửa tràn vào sân chùa gây mất mỹ quan, trật tự, ảnh hưởng đến sự trang nghiêm, thanh tịnh và thiêng liêng của chốn thiền môn.

Ăn xin bám trụ

Không thể phủ nhận sự cố gắng của nhiều ngôi chùa, nhằm bảo đảm cho khách viếng chùa nên đã thuê lực lượng bảo vệ bố trí tại các điểm nóng... để bảo đảm sức khỏe, trật tự, an ninh cho người đi chùa, cũng là bảo vệ những nét đẹp văn hóa Phật giáo của người dân khi mỗi dịp rằm, đặc biệt là rằm tháng Giêng.

DSC_0061.JPG

Người ăn xin chiếm lĩnh cầu thang lên chùa

 Mọi người có thể yên tâm viếng chùa đầu năm, cầu nguyện sức khỏe, bình an cho gia đình và người thân. Tuy nhiên, một số các chùa đã không thể kiểm soát hết “tình hình”, Phật tử khi đến chùa vào dịp này không thể không thở dài vì không gian linh thiêng ở cửa chùa phần nào đã bị lấn chiếm, gây mất mỹ quan, đặc biệt mất đi cảm giác an toàn khi đến viếng chùa.

Suốt từ những ngày Tết kéo dài đến ngày rằm tháng Giêng, các ngôi chùa lớn tại TP.HCM như: Phước Viên (Q.Bình Thạnh), Kim Liên (Q.4), Vĩnh Nghiêm, Xá Lợi (Q.3), Phổ Quang (Q.Tân Bình)… đội ngũ ăn xin bám trụ, ngồi lì từ cổng chùa cho đến sân chùa. Họ đi từng nhóm người hoặc riêng lẻ. Đội ngũ ăn xin ở các chùa có mặt từ những ngày cuối năm kéo dài đến rằm tháng Giêng, có người còn lê lết với vết thương rỉ máu ở chân (thật ra là ngụy trang) để thu hút lòng thương tâm của Phật tử. Cảnh tượng này nhiều năm qua, cứ đến ngày lễ lớn của Phật giáo thì chùa chiền lại diễn ra, người đi chùa với tâm trong sáng trở nên mất vui khi bị lôi kéo, đeo bám.

Có thể nói, tại các chùa Kim Liên (Q.4), Phước Viên (Q.Bình Thạnh), Già Lam (Q.Gò Vấp), Vĩnh Nghiêm (Q.3)…  đội ngũ ăn xin ngồi dai dẳng suốt nhiều ngày. Họ là những người đàn ông, đàn bà dáng vóc khỏe mạnh, béo tốt ngồi thành hàng dọc án ngay lối vào chùa, ngồi ngay cầu thang lên chánh điện. Khách vừa bước vào chùa là đội ngũ này bắt đầu giơ tay, giơ nón níu kéo, mồi chài, nài nỉ xin xỏ cho bằng được. Cổng chùa trở thành “cổng oan gia” - một chị cùng đi với tôi nói như vậy khi không thể nào chen lọt qua cửa chính cổng chùa Phước Hải vào đêm 14 tháng Giêng.

DSC_0103.JPG

Cổng chùa Phước Hải bị lấn chiếm

Đến hẹn lại lên, những người bán nhang đèn, kiêm luôn dịch vụ mồi nhang và xin tiền của khách viếng chùa luôn bám chặt đối tượng, mời mọc, “cảm giác như bị mắc nợ”, một chị Phật tử chia sẻ. Tại chân cầu thang chùa Vĩnh Nghiêm, người đàn ông trông rất khỏe mạnh, bên cạnh có cây nạng và một chân băng bó đang ngồi xin tiền khách viếng chùa, trong chiếc nón “cao bồi” đã ngập tiền, ông ta “xả hơi” bằng cách đưa tay vào nón bốc 4 tờ 10 ngàn rồi đưa cho bà bán vé số “mua mấy tờ vé số lấy hên coi…” rồi cười rất tươi.

Người đi chùa không chỉ bị ăn xin bám víu mà còn phải đối phó với đội ngũ bán nhang đèn, chim phóng sinh, vé số, sách bói toán, móc túi… Những ngày này, khách hành hương viếng chùa đông, lợi dụng nhà chùa khó kiểm soát, những người ăn xin, bán sách bói toán, nhang đèn… đã bủa vây từ cổng chùa đến trước sân chùa, có lúc còn tràn lên cả lối đi lên chánh điện.

Cổng chùa trở thành… chợ nhỏ

Có thể gọi đội quân bán sách bói toán ở chùa Vĩnh Nghiêm là một khu chợ sách thu nhỏ, mà mỗi người “bày binh bố trận” sách tử vi, sách bói toán, đoán mệnh, chim phóng sinh mỗi kiểu từ ngoài đường vào trong. Ngay cả sảnh dẫn vào chánh điện cũng bày hai hàng dọc rất là “xôm tụ”, ụ này sát ụ kia, người mua kẻ bán tấp nập nhất là ban đêm. Điều này gây mất mỹ quan và phản cảm cho một ngôi chùa trung tâm của TP. Cứ hẹn lại lên, hàng chục điểm bói toán đã chiếm lĩnh “làm mưa làm gió” từ nhiều năm qua trong các dịp lễ Tết. Ngoài ra, không gian chùa Vĩnh Nghiêm không còn lối đi cho người viếng chùa vì cả hàng chục gian hàng nhang đèn, chim phóng sinh, sách bói toán án từng dọc dài ngay cả lối đi.

DSC_0059.JPG
Hai bên đường lên chánh điện chùa Vĩnh Nghiêm
bị những người bán nhang, sách bói toán dàn hàng dọc

Dù được nhắc tới nhiều lần trên các phương tiện truyền thông nhưng ở chùa Phổ Quang cũng y như năm trước, cảnh buôn bán nhang đèn, hoa trái hai bên cổng phụ làm chùa bị ách tắc ngay từ cổng. Đến chùa vào lúc 11 giờ trưa rằm tháng Giêng thì thấy đội quân bán sách bói toán có vẻ vắng nhiều so với năm trước song thay vào đó là “thầy bói” núp bóng hành nghề rất tinh vi. Chưa kịp dâng hương thì tôi được một anh thanh niên mặc áo trắng thì thầm ở tai “coi bói không cô?”, gật đầu anh ta dắt đến ghế đá ngay dưới bóng mát của cây sa-la xem quẻ, với 50.000 đồng/quẻ, anh thanh niên này xem khoảng 10 phút cho 5 người. Cũng như chùa Phổ Quang, chùa Phước Hải (Q.1) cũng ách tắc ngay từ lối cổng chính bởi lực lượng bán hương đèn, hoa trái, nước giải khát, giữ xe tự phát… làm cổng vào chùa trở nên chật hẹp, kẹt xe kéo dài ngay con đường Mai Thị Lựu trước cổng chùa.

Theo ghi nhận của chúng tôi, năm nay hiện tượng giả tu sĩ khất thực phi pháp tại một số chùa lớn trên địa bàn TP.HCM vẫn còn nhiều, đặc biệt là sau Tết và những ngày 14, rằm. Đặc biệt là sư giả tập trung nhiều ở khu vực chùa Bà (Bình Dương), khu vực Chợ Lớn (quận 5) vẫn còn xuất hiện những người giả tu sĩ khất thực phi pháp gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Tăng đoàn và làm giảm sút lòng tin ở những người tín tâm. Những ngày 14, rằm tháng Giêng dịch vụ giữ xe cho khách viếng chùa cũng tăng giá từ 5.000 đến 10.000 đồng; ngày thường chỉ 3.000 đồng/ chiếc.

DSC_0053.JPG

Bán chim phóng sinh ngay lối đi lên chánh điện

Chị Hoàng Yến (Q.8) cho biết: “Đến chùa chứng kiến những cảnh bát nháo mua bán như thế này, tôi cảm giác như là đang ở… chợ. Quá đau xót vì chùa không có ý kiến hoặc không mạnh tay dẹp những cảnh buôn bán lộn xộn này thì nay mai chùa sẽ mất đi sự linh thiêng vốn có. Người đi chùa cũng sẽ cảm thấy mình bị dẫn vào một thế giới trần tục và bon chen chẳng khác nào ở ngoài đời”.

Rằm tháng Giêng được đông đảo người dân đến hành hương để cầu an cho người thân tại các ngôi chùa. Với tâm thành dâng Phật, thiết nghĩ Phật đã chứng rồi chứ không nên làm những việc vô ý thức: xoa tay chân, đầu tượng, nhét tiền vào tượng, cố dán lời cầu nguyện lên chuông hay cố chen lấn nhau, xả rác khắp chùa thì âu cũng bằng… không được lợi lộc gì.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày