Rắn thần Naga trong văn hóa Phật giáo

NSGN - Naga, gốc tiếng Phạn, chỉ một vị thần hay một sinh vật có hình dạng là con rắn mang bành chúa được thấy trước hết trong truyền thống văn hóa Hindu và sau đó rất phổ biến trong kinh văn, trong Phật thoại và trong nghệ thuật tạo hình Phật giáo ở hầu hết các quốc gia châu Á. Trong ngữ cảnh văn hóa Hán, Naga được phiên âm là Na-già, được đồng nhất với rồng/ long và trong từng tọa độ địa lý - lịch sử, nó lại tích hợp với những tín niệm bản xứ để trở thành những linh vật/ linh thần hàm chứa nhiều đặc điểm và tính chất phồn tạp khó có thể nói cho cùng. Ở bài viết này, chỉ đề cập đến những gì chính yếu nhất cốt để có hiểu biết ít nhiều về Naga trong văn hóa Phật giáo.

N2.jpg

Nghệ thuật tạo hình Naga

Tổng quát, trong Phật giáo Naga có hình dáng của một con rắn mang bành lớn, thường xuất hiện với một cái đầu hay nhiều đầu. Một vài con Naga có được quyền năng biến hóa thành người. Trong nghệ thuật Phật giáo, Naga thỉnh thoảng được miêu tả dưới dạng một con rắn ngóc những cái đầu lên cao phủ che Đức Phật và thường thấy ở tranh, tượng mô tả Đức Phật thiền định ngồi trên những cuộn quấn của vua Naga. Đây là một motif phổ biến trong nghệ thuật Phật giáo, đặc biệt xuất sắc là các pho tượng sa thạch của mỹ thuật Campuchia thế kỷ XI, XII.

Ở miền Bắc Thái Lan, Naga(1) là một quy ước kiến trúc phổ biến. Trong vai trò bảo hộ chánh điện thờ Phật, Naga được thể hiện dưới dạng Naga trượt trên diềm mái chùa; cuộn/quấn dưới mái hiên gie ra đến từ những rầm mái; bao quanh khung/cửa tò vò; trượt trên mặt tiền cột/trụ; và lượn sóng dọc theo lan can chánh điện phức hợp... Trong mỗi trường hợp, đầu Naga hay những cái đầu dựng đứng như che chở, miệng chúng mở to, thè lưỡi và những hàng răng sắc nhọn. Ngọn lửa bùng lên từ đầu, cách điệu hóa cao. Từ cổ thân hình Naga thường hay rũ xuống thành dải uốn cong đều đặn làm dịu bớt tính dữ tợn của con mắt tròn rực cháy và dãy vây lưng tua tủa.

Naga có thể xuất hiện đơn lẻ hay trong dạng nhiều đầu. Những cái đầu, thường là số lẻ, những cái đầu hai bên hay nhỏ hơn cái đầu chính giữa vươn cao. Trong dạng nhiều đầu, những cái đầu thường đội mũ miện, tạo nền cho bố cục ba mặt. Thi thoảng Naga xuất hiện riêng lẻ, nhưng phổ biến hơn thường được miêu tả là đầu nó mọc ra từ miệng thủy quái Makara, như biểu thị sự kết hợp của hai loài bò sát huyền thoại nhằm tăng cường sự dũng mãnh để bảo hộ/ ngăn ngừa sự thâm nhập của các thế lực xấu ác vào chùa qua các khe hở, những lỗ trống.

Những đồ án kiến trúc nói trên không chỉ phổ biến ở Bắc Thái mà còn thể hiện rộng rãi trong các chùa tháp Phật giáo Nam tông ở các quốc gia khác.

Ngoài đồ án kết hợp với Makara(2), chúng ta còn thấy sự kết hợp giữa Naga và Garuda. Đồ án này có lẽ bắt nguồn từ mối thù truyền kiếp của Naga và Garuda, gốc từ thiên sử thi Mahabharata.

Naga là một linh vật á thần, gốc Hindu giáo có hình tướng mặt người thân rắn, với cổ bành của loài rắn hổ mang. Theo truyền thống Hindu giáo, Naga là con của Kadru, vợ của ẩn sĩ Kasyapa. Kadru đã sinh ra 1.000 quả trứng và nở ra 1.000 con rắn, nhằm mục đích tạo nên cộng đồng dân cư cho cõi Patala, tức cõi âm, dưới mặt đất - một cảnh giới tráng lệ gọi là Naga-loka đặt dưới sự thống trị của các Naga Chúa (Nagaraja: thường được gọi là Long vương trong ngữ cảnh văn hóa Trung Quốc): Ananta (còn được gọi là Sesha: con rắn “vô định” làm bệ nằm cho thần Vishnu ngủ giấc ngủ vũ trụ), Tashaka, Vasuki và nhiều con rắn dữ chứa đầy nọc độc. Chúng là anh em ruột, con của Kadru và ẩn sĩ Kasyapa.

Theo truyền thống Hindu giáo, bắt nguồn từ sử thi Mahabharata, kẻ thù truyền kiếp của loài Naga là loài chim Garuda (thường được gọi là chim cánh vàng/ kim sí điểu trong kinh văn Phật giáo). Thoạt đầu Naga và Garuda là anh em cùng cha khác mẹ của nhau. Cha của chúng là Kasyapa. Ông đã lấy hai chị em ruột là Kadru và Vinata làm vợ. Kadru mẹ của loài Naga có ý nguyện có nhiều con và đã sinh ra 1000 Naga. Trong khi đó, Vinata - mẹ của Garuda lại chỉ muốn có một vài đứa con, song chúng phải thật dũng mãnh. Vinata đẻ được hai trứng: một nở ra thành người đánh xe cho thần Mặt trời Surya và một trứng khác nở ra chim thần Garuda. Qua một cuộc đánh cược dại dột, Vinata trở thành nô lệ cho chị của mình là Kadru; theo đó, Garuda buộc phải tuân theo mệnh lệnh của các Naga. Mặc dù phục tùng loài Naga nhưng Garuda luôn nuôi mối thù hận và những đố kỵ đã tích tụ lại khiến Garuda không thể buông bỏ. Garuda đã cầu xin đám Naga cách thoát khỏi kiếp nô lệ cho mẹ mình. Đám Naga đã buộc Garuda đem thuốc trường sinh amrita cho chúng để đổi lấy sự tự do. Garuda đánh cắp thuốc trường sinh của chư thần mang về để đáp ứng điều kiện do các Naga đưa ra. Nhưng mưu mẹo đó bị chư thần phát giác. Thần Vishnu đã đuổi theo Garuda để đoạt lại thuốc trường sinh và Garuda trong lúc chạy trốn đã làm rơi một số giọt amrita trên đám cỏ kusha. Các Naga liền đổ xô ra liếm lấy thuốc trường sinh dính trên lá cỏ. Do đó, lưỡi chúng bị cạnh sắc của cỏ kusha chẻ làm đôi, dấu vết còn đến ngày nay... Và từ đó, Garuda vẫn coi loài Naga là kẻ thù và luôn tìm cách bắt chúng để ăn(3). Điều này là cơ sở tạo nên đồ án kết hợp Naga-Garuda phổ biến trong mỹ thuật Phật giáo.

Phật giáo Kim cương thừa Tây Tạng thừa hưởng biểu trưng Naga từ di sản cổ của Ấn Độ được tích hợp vào Phật giáo thời sơ kỳ. Chúng là những linh vật hạ giới, dưới đất và dưới biển, đặc biệt là thủy giới của sông hồ, ao giếng và biển cả. Trong vũ trụ luận Phật giáo, chúng được chỉ định trú xứ là ở tầng cuối cùng của núi Meru/ Tudi; và kẻ thù truyền kiếp của nó là Garuda/ Kim sí điểu ở tầng trên, tức tầng thứ hai của ngọn núi trung tâm vũ trụ này. Chúng là lực lượng canh giữ các kho báu và kinh tạng ở cõi dưới. Bồ-tát Long Thọ (Nagarjuna) có lẽ là người đầu tiên nhận được tạng kinh được loài Naga bảo quản dưới thủy giới, đó là kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa.

Tám vua Naga (Nagaraja; Tạng ngữ: klu’i rgyal-po) là danh sách phổ biến trong truyền thống Phật giáo. Các Nagaraja (thường gọi là Long vương trong ngữ cảnh văn hóa Hán) được miêu tả như một bầy chen chúc dưới chân hoặc là vật trang sức của một số chư thần phẫn nộ.

Về hình tướng, Naga thường được thể hiện dưới dạng nửa người (từ hông trở lên) và nửa còn lại là dạng rắn cuộn. Hầu hết Naga có màu trắng; một mặt hai tay; hai bàn tay chắp lại thành kính hoặc làm cử chỉ dâng hiến châu báu. Chúng có một, ba, năm, bảy cái mào đầu hay bảy con rắn nhỏ ngóc lên như một cái mào trên đầu Naga và những con rắn này có màu sắc tương ứng với năm đẳng cấp của Naga (theo năm đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ truyền thống) hay tương ứng với tám Nagaraja. Motif rắn nhiều đầu có hình như vương miện của Naga Ấn Độ có nguồn gốc từ bảy hoặc chín cửa sông của sông Indus cổ xưa(4).

Phật giáo Đại thừa cũng tiếp nhận ý nghĩa những biểu trưng Naga nguyên mẫu. Song trong ngữ cảnh văn hóa Hán, Naga được đồng nhất với rồng/long; theo đó, Nagaraja được gọi phổ biến là Long vương. Hình tượng Long vương được thờ ở chùa phổ biến là đầu rồng, thân người với trang phục hoàng bào, đội mũ bình thiên.

Naga trong Phật thoại

Naga xuất hiện phổ biến trong nhiều Phật thoại và đa phần gắn liền với Đức Phật lịch sử.

1. Trước hết là chuyện Phật đản sinh

N5.jpg

Theo kinh Maha sát đầu và đồ hình khắc trên đá về đề tài vườn Lộc Uyển (ở Ấn Độ) thì lúc Đức Phật giáng sinh, Trời Đế Thích, Phạm vương và Long vương dùng nước thơm tắm gội cho Phật. Đó là căn cứ khởi phát cho tập tục dùng nước thơm tắm gội cho tượng Phật đản sanh vào lễ Phật đản hàng năm - gọi là Quán Phật hội (hay Phật sanh hội, Dục Phật hội...) phổ biến trong hầu hết các cộng đồng tín đồ Phật giáo(5). Cũng có thuyết cho rằng, lúc Phật giáng sinh có chín con rồng hoặc con rồng chín đầu phun nước thơm tắm cho Đức Phật. Đây là cơ sở của các quần tượng Cửu Long hay các tranh vẽ Cửu Long phúng thủy(6).

2. Câu chuyện thứ hai là rắn thần Naga Mucalinda che chở cho Đức Phật

Truyện kể: Vào tuần thứ sáu, sau khi thành đạo, từ cây Ajapala Đức Phật sang cây Mucalinda và ngự tại đây một tuần lễ để chứng nghiệm quả vị giải thoát. Bỗng nhiên có một trận mưa to kéo đến. Trời sẫm tối dưới lớp mây đen nghịt và gió lạnh thổi vùn vụt suốt nhiều ngày.

Vào lúc ấy, mãng xà vương Mucalinda, từ ổ chui ra, uốn mình quấn quanh Đức Phật bảy vòng và khum đầu to che trên đầu Ngài. Nhờ vậy mà mưa to gió lớn không động đến thân Đức Phật. Đến cuối ngày thứ bảy, thấy trời quang mây tạnh trở lại, Mucalinda tháo mình trở ra và bỏ hình rắn, hiện thành một thanh niên, chắp tay đứng trước mặt Đức Phật. Đức Phật đọc bài kệ như sau: “Đối với hạng người tri túc, đối với người đã nghe và đã thấy chân lý thì sống ẩn dật là hạnh phúc. Trên thế gian, người có tâm lành, có thiện chí, người biết tự kiềm chế, thu thúc lục căn đối với tất cả chúng sanh là hạnh phúc. Không luyến ái, vượt lên khỏi dục vọng là hạnh phúc. Phá tan được thành kiến “ngã chấp”quả thật là hạnh phúc tối thượng.”(7).

Cũng Phật thoại kể trên nhưng Phật giáo Miến Điện cho rằng vào tuần lễ thứ sáu, Đức Phật đã thiền định sau khi đắc đạo ở bờ hồ Mucalinda, cách cây bồ-đề không xa...(8). Nói chung, cùng cốt truyện, song tiểu tiết có sai biệt.

3. Câu chuyện về Naga bảo hộ các di vật Phật giáo

Ở Tây Tạng, Naga được biết đến dưới tên gọi Klu, giữ vai trò biểu trưng cho Phật giáo vùng Hy Mã Lạp Sơn và trong thần thoại Tây Tạng. Truyền thống tu viện Sera cho rằng khi Sakya Yeshe trên đường trở về sau chuyến viếng thăm Trung Hoa, ông đã để kinh Tengyur được nhà vua trao tặng rơi xuống nước khi lội qua sông. Đoàn người hộ tống đã tìm kiếm chúng trong vô vọng mà vẫn không tìm được kinh nên đành tiếp tục hành trình trở về Sera. Khi chư Tăng về đến, các nhà sư ở tu viện đã nói với họ rằng, trước khi họ trở về, có một ông lão cùng những người hầu đã viếng thăm Sera và tặng một bộ kinh Phật cho tu viện. Ông lão nói rằng hãy giao nó cho Sakya Yeshe. Người ta tin rằng ông lão là vua Naga, và khi những cuốn kinh được kiểm tra, nó vẫn còn ướt.

Câu chuyện cuộc đời truyền thống của Niguma, người vợ của Naropa, trong thời kỳ đầu của Phật giáo, vùng đất mênh mông nước này được cai trị bởi vua Naga. Vị vua Naga này vì thương cảm các môn đệ của Đức Phật, đã rút cạn nước cho mục đích xây dựng chùa chiền và tu viện Phật giáo. Vùng đất này được gọi là vùng đất diệu kỳ. Đó là nơi Niguma được sinh ra. Niguma hình thành nên 5 pháp Niguma. Một trong những học thuyết đó được xem như là kim chỉ nam của dòng tu Shangpa Kagyu của Phật giáo Tây Tạng. Câu chuyện này khá tương đồng với truyền thuyết khai nguyên của dân tộc Khmer. Ở đây, vua Naga đã hút cạn hồ nước để tạo nên xứ sở Cos Thlot cho con gái của mình là “Long Nữ” Niêng Neak, kết hôn với Preah Thong để thành lập vương quốc, tiền thân của nước Campuchia sau này. Dữ liệu này cho thấy đây là một motif phổ biến được tích hợp vào các sự kiện lịch sử cụ thể.

Vua Naga cũng hiện diện khi di vật tro cốt Đức Phật được phân phát. Trong kinh văn Phật giáo Ceylon, Naga thường xuất hiện: khi Đức Phật thực hiện một cuộc viếng thăm miền Bắc Ceylon để hòa giải các Naga trong cuộc chiến giữa họ; khi nhánh cây bồ-đề được chở theo đường biển đưa đến Ceylon, những Naga đều muốn giành nó cho mình, nhưng Naga vẫn bảo hộ cho tàu thuyền mang nhánh cây đó; khi một điện thờ lớn được xây dựng ở Ceylon để cất giữ những di vật của Đức Phật, Naga đã góp những di vật mà chúng sở hữu. Truyền thống Phật giáo Miến Điện thiết lập việc thờ cúng  Naga cùng với Đức Phật(9).

Chỗ ở của Nagaraja (gọi là Long vương hoặc Long thần) được gọi là Long cung hay Long hồ ở dưới đáy biển lớn, Long vương dùng thần lực hóa ra cung điện làm chỗ giữ gìn tài bảo, kinh điển khi Phật pháp ẩn mất.

4. Câu chuyện Naga chứng đắc và sự thành đạo của Đức Phật

Một Phật thoại khác về Naga theo The Chronicle of Gotama Buddha, Mingum Sayadaw(10) như sau: “Sau khi nhận thức ăn cúng dường là bát cháo sữa ghana do Sujata dâng cúng. Bồ-tát đã đưa ra quyết định trong khi giữ cái bát vàng: “Nếu ta thành đạo, ngày hôm nay, hãy để chiếc bát này trôi ngược dòng; nếu ta không thành đạo, ngày hôm nay, hãy để chiếc bát này trôi xuôi dòng”. Rồi ngài để chiếc bát xuống lòng sông Neranjara. Chiếc bát vàng rẽ nước đi thẳng đến giữa con sông và trôi ngược dòng với tốc độ nhanh như ngựa phi và mất hút vào một xoáy nước. Khi đến cung điện của vua Naga Kala, chiếc bát vàng rơi xuống va nhằm những chiếc bát được dùng bởi ba vị Phật quá khứ là Kakusanda, Konagamana và Kassapa vào ngày các vị Phật đó thành đạo, tạo nên âm thanh “kili, kili” và đến dừng lại dưới ba chiếc bát vàng đó.

Khi nghe âm thanh đó, vua Naga Kala thốt lên rằng: “Mới chỉ ngày hôm qua, một Đức Phật đã hiển hiện; thế mà ngày hôm nay, một Đức Phật nữa đã thành đạo”. Và Kala cất lên những câu xưng tụng. (Lưu ý: Đây là một kiếp đời kéo dài rất lâu, kể từ thời Đức Phật Kassapa ra đời đến lúc Đức Phật Thích Ca đắc đạo. Thời gian lâu dài là vậy, song đối với Kala Naga thì nó rất ngắn ngủi, chỉ như ngày hôm qua và ngày hôm nay mà thôi).

Phật thoại trên phổ biến trong các bích họa ở phần lớn các chùa Phật giáo Nam tông. Chùa Khmer ĐBSCL là một ví dụ. Trong các bích họa đó, bức tranh xuất sắc nhất là bức vẽ ở chùa Lu Đồng (Sóc Trăng).

5. Một Phật thoại phổ biến khác liên quan đến Naga Sagara (âm Hán: Sa-kiệt-la; nghĩa là “Vua Naga của biển mặn”.

Thực ra, Sagara được biết đến là nhờ người con gái của mình, tên gọi phổ biến là Long Nữ (Nagi) - thị giả bên cạnh Bồ-tát Quán Thế Âm. Đối lại, thị giả bên trái là Thiện Tài. Sự đắc đạo của Long Nữ hoàn toàn khác với Thiện Tài, phải trải qua biết bao gian khó, qua 53 lần tham vấn Phật pháp mới đắc đạo. Truyện kể rằng: Long Nữ rất thông minh, năm tròn 8 tuổi, một hôm được nghe Văn Thù thuyết pháp ở Long cung, liền giác ngộ. Khi ấy, Long Nữ đến núi Linh Thứu bái yết Phật Thích Ca và thành tựu được Phật đạo với thân là con rắn Naga (rồng). Sự đắc đạo nhanh chóng này nảy sinh ra điều nghi hoặc đối với ngay cả Bồ-tát Văn Thù lẫn Bồ-tát Trí Tích và Xá Lợi Phất. Tuy nhiên, Long Nữ đã chứng minh sự đắc đạo của mình: Long Nữ dâng cúng Đức Phật một viên bảo châu và nhờ công đức này, Long Nữ lập tức biến thành thân nam, vãng sanh về thế giới Vô cấu ở phương Nam, thành Đẳng chánh giác, đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, thuyết pháp cho tất cả cõi trời, người, Bồ-tát, Thinh Văn, Thiên long bát bộ, nhân, phi nhân v.v... ở thế giới Ta-bà. Đây là Phật thoại được đề cập ở phẩm Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) trong kinh Pháp hoa. Phật giáo Tiểu thừa cho rằng thân nữ nhơ uế không thể thành Phật; còn Phật giáo Đại thừa chủ trương chúng sanh đều có khả năng thành Phật. Do đó, Phật thoại Long Nữ thành Phật phản ánh sự phát triển của Phật giáo Đại thừa(11).

Naga - Từ truyền thống Hindu cho đến các tín niệm Phật giáo

Nói chung, các tình tiết thần kỳ về Naga thuộc truyền thống Hindu rất phong phú về số lượng lẫn nội dung. Không phải tất cả, song nhiều tình tiết đó đã hội nhập vào kinh văn Phật giáo với những biến đổi ít nhiều về đặc điểm và tính chất.

Chẳng hạn, trong truyền thống Hindu, Naga được coi là cư dân của cõi Patala, hiểu là cõi dưới, bao gồm cả âm phủ lẫn dưới nước, sông hồ, biển cả thì trong ngữ cảnh văn hóa Phật giáo Naga có đến 4 loại có mặt ở cả 3 cõi:

- Thủ thiên cung long: Loài Naga (rồng) cõi trời, gìn giữ cung điện cõi trời (không để cho mất hoặc không để cho các cung điện này rơi xuống).

- Hành vũ long: Tức loài Naga chuyên việc làm mưa (có tên gọi khác là rồng “hưng vân trí vũ”: kéo mây làm mưa, tức chủ việc mưa gió). Loài Naga này có hai loại: Naga lành/ thiện long tạo mưa thuận gió hòa, đem lại lợi ích cho người; và Naga dữ/ ác long gây mưa to, lụt lớn khiến cho con người khốn khổ.

- Địa long: Loài rồng ở sâu dưới đất sâu, làm hầm, khoét hang, làm cho đất lún mà thành sông, thành hồ, thành biển.

- Phục tạng long: Loài rồng giữ gìn kho báu của Chuyển luân thánh vương và của các nhà phước đức lớn(12).

Một đặc tính khác vốn phổ biến trong truyền thống Hindu là mối thù truyền kiếp của Naga và Garuda cũng được nhắc đến ở phẩm Long-Điểu trong kinh Trường A Hàm (và có thể kể thêm là ở các kinh Đại lâu thán, Khởi thế nhân bản, Khởi thế...) rằng: Naga/ rồng có 4 loại là noãn sanh, thai sanh, thấp sanh và hóa sanh. Chúng thường bị 4 loại đại bàng/ Garuda/ Chim cánh vàng noãn sanh, thai sanh, thấp sanh và hóa sanh ăn nuốt(13).

Nói chung, trong kinh văn Phật giáo, các motif Naga thuộc truyền thống Hindu được tiếp nhận và biến cải ở nhiều mức độ khác nhau. Trong đó, sự thống thuộc Naga vào Bát bộ chúng/ Thiên long bát bộ - các vị thần bảo hộ Phật pháp là có phần hoàn bị. Đức Phật đã dùng oai đức cảm hóa cả 8 bộ chúng [Thiên (Deva/ Trời), Long (Naga/ Rồng), Dạ-xoa (Yaksa/ quỷ/chằn), Càn-thát-bà (Gandhava/ Hương thần/ Nhạc thần), Atula (Asura), Ca-lâu-la (Garuda/ Kim xí điểu), Khẩn-na-la (Kimnara/ Phi nhân/ Ca nhân), Ma hầu La-già (Mahoraga/ Đại mãng thần)] quy y trở thành quyến thuộc của Phật, ở cõi thọ dụng của chư Phật, hộ trì Phật và Phật pháp(14). Ở tập hợp Bát bộ này, chúng ta thấy có hai loại rắn khác biệt: Naga và Mahoraga.

Mahoraga trong truyền thống Hindu được hiểu là loài rắn lớn (Maha+uraga), tức “Đại mãng thần”, được đồng nhất với rắn chúa Sesha hay chỉ chung bất cứ loại rắn to lớn nào đó(15). Còn trong ngữ cảnh văn hóa Phật giáo, Mahoraga được xác định là “vị thần đầu người mình rắn, một trong Thiên long bát bộ” và được Hán dịch là “Đại mãng thần” (thần rắn lớn), song cũng gọi là “Đại hung hành”, “Đại phúc hành” hay “Đại hung phúc hành”, tức vị rắn thần có cả thuộc tính tốt/ phúc và xấu/ hung. Trong Duy-ma kinh lược sớ, Mahoraga là vị thần “không có chân, di chuyển bằng bụng. Vì lúc sanh tiền phá hủy giới cấm, tà siểm nhiều sân hận, ít bố thí, tham ưa rượu thịt nên đọa làm quỷ thần, trong thân thể có nhiều trùng độc rút rỉa, ăn thịt nên thống khổ vô cùng”(16). Trái lại, trong Huệ Lâm âm nghĩa, Mahoraga lại được coi là nhạc thần, có hình người đầu rắn và trong mạn-đà-la thai tạng giới có tôn trí 3 tôn vị Mahoraga, có một tôn vị thổi tiêu, khá gần tương đồng với nhạc thần - tức Càn-thát-bà, một trong Bát bộ chúng thường có mặt trong các cuộc pháp hội để nghe Phật thuyết kinh, thường đem hương hoa kỹ nhạc cúng dường.

Có phần khác với tính chất hai mặt nhập nhằng của Mahoraga, các Naga/ Long vương được phân làm hai loại rõ rệt: Một là loại thiện - gọi là “pháp hành long vương”: làm mưa thuận gió hòa, giúp cho ngũ cốc ở thế gian được tươi tốt; và hai là loại ác - gọi là “phi pháp hành long vương”: do tâm ác làm mưa to gió lớn khiến cho ngũ cốc bị hư hại (Phẩm Súc sanh/ kinh Chánh pháp niệm xứ, 18). Hai loại Naga thiện và ác này có lẽ chỉ loại Naga có chức năng làm mưa gió - được gọi là “hành vũ long” hay “hưng vân trí vũ long”, một trong 4 loại Naga mà chúng ta đã nói ở trên; tuy nhiên, trong cái nhìn tổng quát, đây là sự khu biệt thiện/ ác cho loài Naga thuộc Thiên long bát bộ, tức 8 loại chúng sanh không phải loài người; tức chư thiên, chư long, chư thần, chư quỷ. Ở đây, chúng ta cũng lưu ý rằng Naga không chỉ thuộc “Thiên long bát bộ” mà còn thống thuộc “Bát bộ quỷ chúng” - tức tám loại quỷ do Tứ Thiên vương thống lãnh(17). Điều này cũng cho thấy tính chất không định tính rõ ràng của Naga trong kinh văn Phật giáo. Đối với loài chúng sinh này trong kinh tạng ghi rõ ràng Naga/ long, một trong Bát bộ chúng thường hiện đến nghe Phật giảng kinh Đại thừa. Cụ thể, khi Phật giảng kinh Diệu pháp liên hoa, có tám vị Long vương (Nagaraja) dắt theo quyến thuộc đến hầu để nghe kinh. Đó là các Long vương Nanda (Nan-đà), Upananda (Bạt-nan-đà), Sagara (Ta-già-la), Vasuki (Hòa-ta-kiết), Takchaka (Đức-xoa-na), Avravotapta (A-na-bà-đạt-đa), Manasvin (Ma-na-tư) và Utpala (Ưu-bát-la). Ngoài ra, trong Phật thoại kể về kỳ tích Phật đản sanh, có nhắc đến hai trong tám Nagaraja/ Long vương là Nanda và Utpala hiện đến phun nước tắm gội cho Ngài. Dị bản phổ biến trong tranh tượng là “Cửu long phúng thủy” hiểu: 1/Con rồng chín đầu; và 2/ Chín con rồng phun nước.

Mặc dù là loại chúng sanh hộ pháp và hướng thiện, thường hiện đến dự pháp hội để nghe Phật giảng kinh, song Naga không được coi là loại chúng sinh hội đủ phẩm chất như con người. Trong luật tạng, có tích kể về một con Naga/ rồng muốn mau tiến bộ trên đường tu học đã hóa thành một chàng trai tráng đến trước Tăng-già xin thọ giới xuất gia. Khi đã được thọ giới, Naga về tăng phòng ngủ lại hoàn hình thành Naga khiến chư Tăng hốt hoảng. Do vậy, chư Tăng nghị hội trục xuất vị Tăng sĩ gốc Naga này với lý do Naga chưa đủ sức tiến hóa để thọ giới Tỳ-kheo, tức phải sanh lên làm người, có đủ căn cơ tốt mới được làm Tỳ-kheo(18). Quan điểm này cũng được nêu trong phẩm Devadatta của kinh Pháp hoa: Một Nagi (Long Nữ), 8 tuổi sau khi nghe Manjushi (Văn Thù) thuyết pháp đã biến thành người và phát tâm tu đạo đạt đến sự đắc đạo đã dẫn ở trên. Rõ ràng rằng, sự tích này đã xác định bất cứ loài chúng sanh nào có được chí nguyện tu đạo thì sẽ đạt được sự chuyển thân hầu đạt được quả vị giác ngộ. Phật thoại này, trong văn liệu Nam truyền có một kết thúc có hậu: Để sách tấn vị tu sĩ gốc Naga bị trục xuất khỏi Tăng-già, Đức Phật đã hứa với Naga rằng: Các trai trẻ xuất gia, trong giai đoạn bắt đầu từ lúc cạo đầu đến lúc được chư Tăng chính thức đồng ý được thọ giới được gọi là Naga. Ẩn dụ này là biểu tượng cho sự quá độ của một Tăng sĩ: từ một chàng trai trẻ kiến văn thấp thỏm, tuy có sự tiến bộ nhất định những vẫn là bậc tôn kính còn hạn chế(19). Nội dung đoạn kết của Phật thoại này đã trở thành thể chế của Phật giáo Thái Lan và Khmer. Đối với người Khmer, lễ xuất gia (Bon Bôm Bous: lễ đi tu) thường được tổ chức vào dịp Tết Chôl Chnnăm Thmây. Vào ngày ấy, gia đình nào muốn đưa con vào chùa tu làm lễ Bon Bôm Bous để người đi tu từ giã người thân và bạn bè. Kế đó, người ấy cạo đầu, thay quần bằng tấm xa-rông và thay áo bằng một chiếc khăn vải trắng. Từ đó, người này được gọi là Nêak (rắn/Naga) cho đến khi người này được chư Tăng chấp nhận cho thọ giới chính thức mới được mặc y cà sa. Ở Thái Lan, chú tiểu khi cạo đầu này cũng được gọi là Nak (Naga/rắn)(20).

Những dữ liệu trình bày trên đây cho chúng ta một bức tranh đa dạng về tín niệm Naga của Phật giáo. Ở đó, nổi bật lên hàng đầu là tín niệm, dù bất cứ loài chúng sanh nào, kể cả loài hung dữ và độc hại như Naga/rắn, nếu biết phát khởi thiện tâm và chí nguyện theo thiện đạo thì chắc chắn sẽ đạt được giác ngộ. 

Chú thích

(1)(19) Theo Buddhist sculpture of northern Thailand, Carol Stratton, Nxb.Buppha, 2004, tr.340.

(2) Xem Thủy quái Makara - Từ thần thoại Ấn Độ đến các tín niệm Phật giáo, phần các đồ án Makara, Giác Ngộ nguyệt san, số 201, 12-2012.

(3) (4) Theo The handbook of Tibetan Buddhist symbols, R. Beer, Shambhala xb, 2003, tr. 72-74.

(5) Theo Từ điển Phật học Huệ Quang, Thích Minh Cảnh chủ biên, tr. 3788.

(6) Theo L’art du Bouddhisme, Dietrich Seckel, Albin Michel xb, 1964.

(7) Theo Đức Phật và Phật pháp, Narada Maha Thera, Phạm Kim Khánh dịch, Nxb.Tôn Giáo, 2010.

(8)(9) Theo Folk elements in Burmese Buddhism, Dr. Htin Aung, 1959.

 (10) Theo The Chronicle of Gotama Buddha, Mingum Sayadaw.

(11) Theo Từ điển Phật học Huệ Quang, sđd, tr. 3781.

(12) Theo Phật học từ điển, Đoàn Trung Còn, Nxb.Tổng hợp TP.HCM, tr. 628-629.

(13) Theo Từ điển Phật học Huệ Quang, sđd, tr. 2098.

(14) Theo Từ điển Phật học Huệ Quang, sđd, tr. 539.

(15) Theo Classical Dictionary of Hindu mythology and religion, geography, history and literature, John Dowson, M.R.A.S, Rupa.Co xb, 2004, tr. 194.

(16) Theo Từ điển Phật học Huệ Quang, sđd, tr. 4008.

(17) Theo Từ điển Phật học Huệ Quang, sđd, tr. 540

(18) Theo Phật học từ điển, sđd, tr. 629

      - Kinh Tăng Hộ

(20) Theo Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ, Nhiều tác giả, Nxb.Tổng hợp Hậu Giang, 1988.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày