GN - Nơi tôi cư ngụ, từ khung cửa sổ này nhìn ra sẽ thấy nhiều cây xanh và toàn cảnh nhà thờ. Hàng ngày, tôi đứng rửa chén bát nơi đây.
Chẳng biết từ bao giờ, tôi có một niềm thư thái với công việc nấu ăn dọn dẹp nhà cửa. Có những buổi sáng, sau khi đưa con đến trường, tôi mở rất nhẹ một loại nhạc nào đó, như morning jazz hay chú Đại bi, rồi thong thả dọn dẹp, bên ngoài chim hót ríu rít, nắng tràn qua cửa sổ. Có khi mùa đông sẽ thấy sương mù hoặc mưa rơi.
Ảnh minh họa
Những khoảnh khắc thanh bình lạ lùng như thế đôi khi làm tôi mỉm cười, nhưng cũng làm tôi ngân ngấn nước mắt. Tôi mỉm cười vì tôi thích khoảng thời gian thảnh thơi giản đơn này. Tôi muốn khóc vì tôi biết rằng khi tôi bước ra khỏi cái hộp bình yên đó, ngay sau ô cửa kia, cuộc sống lo toan ập đến.
Làm sao để mỗi ngày, dù ở hoàn cảnh nào thì con người ta luôn vững tâm để lạc quan bước tiếp. Dù các bước chân đó cũng chỉ là những bước tiến gần hơn với cái chết, nhưng dọc đường nhân thế phải đối diện biết bao nhiêu chuyện, có phải muốn kết thúc là được đâu. Mọi hành vi ta làm, mọi pháp ta thực hiện đều chịu sự dẫn dắt của tâm ý. Đức Phật dạy rồi, tâm ý làm chủ mọi tạo tác. Cho nên, đọc bao nhiêu kinh sách, trì bao nhiêu câu chú nhiệm mầu, đi bao nhiêu ngôi chùa mà không rèn tâm, không quay về nuôi dưỡng tâm thì cũng uổng phí một đời tu học. Có khi chỉ lang thang chợ đời mà luyện tâm cũng thành.
Bữa trước, cô bạn gọi điện khoe đi nhiều thánh tích từ Ấn Độ đến Bhutan làm tôi thèm thuồng. Cô ấy nói dạo này chuyên tâm tu hành, giác ngộ được nhiều, tìm được ý nghĩa của cuộc đời này, tâm trở nên tĩnh lặng. Tôi mừng cho bạn. Hỏi chuyện đạo xong quay sang chuyện đời. Nhắc đến gia đình, bạn thay đổi tông giọng, ca thán đức lang quân một hồi dài. Tôi hỏi, nếu chồng tệ vậy, nếu bạn đã giác ngộ, sao không giúp anh ấy một tay? Bạn nói, chồng tôi chắc tám kiếp cũng không ngộ ra được gì, chứ tôi thì nói nhiều lắm rồi. Tôi đùa, vậy chắc nội công của bạn chưa thâm hậu, bạn chưa đủ năng lực để cảm hóa. Bạn bỗng nổi giận với tôi, buông những lời trách cứ, nói tôi không hiểu bạn, rồi bạn tắt máy cái rụp. Âm thanh ù ù trống không giữa hai chiếc điện thoại sao mà khô khốc, xa cách, hụt hẫng.
Không gì dễ thấy bằng tâm mà cũng không có gì khó thấy bằng tâm.
Chủ rất dễ thấy tâm của khách nhưng khó thấy tâm của mình.
Rất nhiều lần trong cuộc đời, con người ta mù lòa. Trong cuộc sống gia đình, khi tâm lạc lối cũng là khi mái ấm có nguy cơ trở nên lạnh lẽo và tan rã cao nhất. Trong sự nghiệp, khi lạc mất tâm, người ta dễ dàng tiến về phía thất bại nhất, cho dù có thể trước mắt tiền tài vẫn còn đầy đến mức không thể vơi. Bỗng một ngày, bạn nghe tin người quen ly hôn. Bỗng qua một đêm, bạn nghe tin sếp bị khởi tố. Không có gì là bỗng nhiên cả, tất cả là một quá trình dài của tâm ý bị mất phương hướng, càng làm càng sai mà không hay biết.
Thất bại, trong công việc hay trong chuyện tình cảm, không biết làm gì, khóc lóc buồn bã mãi cũng chán, thử đứng lên quét nhà, dọn dẹp tủ sách, xếp lại quần áo, xuống bếp nấu ăn, rửa chén bát... Người thị thành lắm lúc mải mê với thăng tiến, với sự nghiệp, với những việc gọi-là-việc-lớn, nhìn chung ít lao động chân tay nên làm những việc trong nhà được coi là một cuộc cách mạng. Thôi thì, trước hết cứ tự nhủ rằng làm cho hết ngày hết giờ, làm để cái đầu có cơ hội tạm ngưng suy nghĩ đến việc khó ấy, cho tâm có cơ hội trống rỗng một thời gian.
Tôi nhớ có lần, sau một dự án lớn, tôi đã rời nhóm với sự thất bại. Tôi nằm nhà liên tục 3 ngày không làm gì ngoài suy nghĩ đến phát chán. Đến ngày thứ tư, mẹ tôi đi du lịch mấy hôm, tôi phải làm nội trợ bất đắc dĩ. Tôi đứng trước gian bếp rộng và không biết mình phải bắt đầu từ đâu. Tôi thấy đống chén bát trong bồn cần được rửa. Thế là tôi trở lại công việc rửa chén sau rất nhiều năm dài không làm và gần như lãng quên. Tôi rửa tỉ mỉ từng cái chén, dĩa, tô, muỗng, nĩa…
Rửa xong, thiệt lạ, tôi thấy mình bớt buồn hơn một chút, cảm giác này rất thực. Tôi bỗng nhớ hồi còn bé, ngoại hay chỉ tôi cách rửa chén. Ngoại nói, rửa chén có năm bước. Bước thứ nhất là vứt đồ ăn thừa vào thùng rác, bước thứ hai là tráng qua lớp thức ăn còn dơ, bước ba là rửa xà bông, bước bốn là rửa sạch lớp xà bông, bước cuối là rửa sạch tất cả rồi cho vào rổ phơi khô. Rửa trong 4 thau nước, tránh rửa trực tiếp dưới vòi để tiết kiệm nước. Ngoại dặn: “Mi rửa chén bát là phải rửa cho thiệt kỹ để bữa ăn sau được ngon miệng”.
Muộn phiền, lo toan, thất bại… nếu biết cách rửa sạch cũng sẽ được vơi đi. Bước một chắc chắn là vứt hết các thứ không vui vô thùng rác ký ức, kiểu gì nó cũng đã qua.
Biết làm sạch nỗi đau của câu chuyện hiện tại thì câu chuyện tiếp theo sẽ nhẹ nhàng và tốt hơn. Luyện cho tâm sáng như những cái chén sau mỗi lần rửa, thì cuộc sống có lẽ sẽ dễ thở hơn một chút. Bởi khi tâm sáng, mắt nhìn cuộc đời cũng sáng hơn, không dễ đau, không dễ buồn, nhưng lại dễ chấp nhận, dễ cảm thông và dễ vượt qua.
Sát-na là khoảng thời gian giữa hai ý niệm. Có nghĩa là, tâm thay đổi theo từng sát-na. Hồi bé tôi có đọc một câu chuyện, đại khái có một cuộc thi các câu đối khó, ai giải đố được sẽ được cưới công chúa. Có câu hỏi rằng: Cái gì nhanh nhất trên thế gian?”. Và đáp án chính là “Ý nghĩ”. Ý nghĩ, chỉ trong một giây, có thể bay lên cung trăng và trở về ngay lại mặt đất, trong một giây có thể đưa ta trở về quá khứ, và mơ tới tương lai. Tâm (ý) dẫn đầu các pháp. Khi tâm ý còn chạy nhảy lung tung là khi các hành vi của ta còn chơi vơi không bến bờ. Tâm ý khó kiểm soát nên luyện tâm là việc khó, nếu không muốn nói là gian nan. Có thể nói đó là hành trình dài đi tìm lại bản gốc nguyên sơ của chính mình. Khó, nhưng kỳ thực, nó lại được làm nên từ những việc rất nhỏ, và những nguyên tắc đơn giản.
Thứ nhất, phải chăm sóc thân. Nếu thân không khỏe, ù lì, tích tụ năng lượng xấu nhiều, thì tâm cũng khó mà sáng. Luyện tập cho tấm thân mầu nhiệm này với bất kỳ hoạt động vận động nào. Sau mỗi lần tập yoga, chạy bộ, thiền hành, làm việc nhà… cơ thể thực sự được rửa bằng mồ hôi, giải phóng năng lượng xấu, não dịu xuống, tâm trí trở nên tươi mát, những suy nghĩ tiêu cực giảm hẳn.
Thứ hai, và là cốt lõi, đó là nhìn lại mình trong từng việc xem đã làm tốt nhất chưa, soi lại mình trong từng mối quan hệ, xem đã đối xử tử tế với người chưa. Rửa chén xong, coi chén sáng bóng chưa, có sẵn sàng cho bữa cơm tiếp theo không? Việc cấp trên giao cho, coi đã nỗ lực làm hết sức và nộp đúng hạn chưa? Thương ai đó, coi đã dành hết lòng thành chưa? Khi làm mẹ, đã thực sự dành hết thời gian vui chơi và dạy dỗ con nên người chưa?
Những tháng ngày đầu đến Mỹ là khoảng thời gian tôi thực sự thấy việc rèn luyện tâm bao nhiêu năm có ý nghĩa, và cũng đầy thách thức. Có những lúc đứng trước chơi vơi không nơi nương tựa, đối diện với những hóa đơn lạnh lùng của cuộc sống tha hương, với những cánh cửa đóng kín của người lạ, tôi không biết làm gì ngoài đi lau nhà, rửa chén, đi nấu ăn, cắm hoa... Tôi làm chúng một cách đầy trân trọng nhất, sạch đẹp nhất. Tôi không để cho tâm trí mình phải hoạt động quá nhiều, tôi cho tôi cơ hội lao động chân tay.
Những lúc mông lung, tôi đi thiền hành, tôi tập yoga, tôi đi bộ đến chợ, tôi lái xe đi lòng vòng tìm hiểu đường sá, tôi tập trung nấu những món ăn ngon mà con tôi thích, tôi hướng dẫn con tôi làm việc nhà… Tôi nhận ra rằng, những việc nhỏ nhất cũng đòi hỏi sự chú tâm mới làm tốt được. Và chính những việc nhỏ đó giúp tôi trở nên vững tâm hơn. Khi vững tâm hơn, tôi lại thảnh thơi bước tiếp con đường mình đã chọn.
Cuộc sống này được tạo nên từ những chi tiết nhỏ kỳ diệu. Những tòa nhà cao lớn được xây nên từ những viên gạch. Những vườn hoa rực rỡ thơm mát được trồng từ những hạt giống mỏng manh. Gian bếp ấm áp của gia đình được xây từ việc rửa chén. Mãi lo việc lớn mà bỏ quên việc nhỏ, cũng như để tâm ý bay lên trời thì đôi bàn chân của tấm thân trần tục này không thể bước vững chãi trên mặt đất.
Đức Phật đản sinh trên cõi đời này cũng không thuyết giảng những điều gì lớn lao ngoài việc đặt lại các câu hỏi cho những vấn đề vốn đã tồn tại vô minh trong cuộc sống. Và điều Ngài khuyến khích chúng ta làm nhiều nhất đó chính là mỗi người nên quay về hải đảo tự thân để luyện tâm từ những hành vi nhỏ nhất trong đời sống hàng ngày. Đó là cách để rửa cho tâm sáng mà ai cũng có thể làm được, phi tôn giáo, phi giới tính, phi quốc gia.