Running on Karma - Dừng và chuyển nghiệp

GN - Bấy lâu nay, hễ nói tới phim Phật giáo, người ta thường nghĩ đến lịch sử Đức Phật hoặc những đề tài “hiền lành”, nên Đại Hòa thượng (tên tiếng Anh: Running on Karma) có lẽ là một trong số ít tác phẩm điện ảnh dám đề cập đến đạo Phật bằng các yếu tố khá “tăm tối” mà nếu xếp loại có lẽ phải 16+.

Bộ phim có nhiều cảnh bạo lực có thể khiến khán giả dễ dàng “dị ứng” ngay từ ban đầu, nhưng cái bạo lực đó lại là con thuyền cần thiết để chở một triết lý sâu sắc về nghiệp, về nhân quả xứng đáng đoạt giải Kim Tượng Hồng Kông 2003 cùng hàng loạt giải thưởng khác (ảnh).

Running-on-Karma-494.jpg

Big (Lưu Đức Hoa) là vũ công trong một quán bar thoát y. Trong một vụ truy bắt tội phạm của cảnh sát, Big đã nhìn thấy kiếp trước của Lý Phụng Nghi (Trương Bá Chi) là một tên lính Nhật đã từng giết rất nhiều người. Ông biết rằng cô sắp phải trả nghiệp, cũng như con chó chết vì viên đạn lạc của cảnh sát, ông thấy kiếp trước của nó là một đứa trẻ đã đánh chết chó.

Nhận thấy Lý Phụng Nghi là một cảnh sát lương thiện, Big quyết định giúp đỡ cô trong một vụ án giết người để đền ơn. Trong quá trình điều tra, ông nhìn thấy từ hung thủ cho đến người phụ nữ giúp hung thủ chạy trốn cảnh sát, đều hành động theo tiến trình của nhân quả, thậm chí tạo thêm ác nghiệp. Chính vì vậy, Big đã ngăn cản cơn tức giận của viên cảnh sát, như ông đã nói “Nhất niệm thiên đường, Nhất niệm địa ngục”.

Tò mò về Big, Lý Phụng Nghi tìm đến ngôi chùa nơi ông từng là một tu sĩ và được biết, trong quá trình chạy trốn cảnh sát, tên tội phạm Tôn Quả từng giết Tiểu Thúy, người bạn thơ ấu của Big. Không tìm được Tôn Quả, trong cơn giận dữ, Big giơ côn đánh dữ dội vào cành cây và vô tình giết chết một con chim. Ông sững sờ và tọa thiền bên cạnh xác con chim suốt bảy ngày bảy đêm để rồi quyết định cởi áo tu hành xuống núi. Bắt đầu từ lúc này, ông có khả năng nhìn thấy sự vận hành của nghiệp.

Thực ra, Big không hề từ bỏ Phật giáo, ông chỉ chạy trốn. Lý trí biết rằng có nhân ắt có quả, nhưng nội tâm thì không chấp nhận được điều đó: “Nhiều năm trước tôi ngồi thiền dưới một gốc cây, nhìn thấy được nhân quả, tôi biết đó là công bằng. Nhưng tôi không làm hòa thượng nữa”. Chính sự mâu thuẫn đó khiến Big dằn vặt giữa những gì mình đã biết, đã học và những gì trái tim ông cảm thụ. Ông bất lực trước nhân quả và tìm quên bằng những hưởng thụ thế gian. Nhưng sâu thẳm trong Big vẫn là một tu sĩ, vẫn từ, bi, hỷ, xả. Ông cười hì hì khi bị cảnh sát đuổi bắt, bị hỏi cung, thậm chí bị đánh một trận bầm giập, ông vẫn giúp Lý Phụng Nghi vì cô lương thiện. Big không mặc chiếc áo Phật giáo, nhưng Phật giáo vẫn hiện diện trong những việc làm, lời nói của ông.

Big từng nghĩ người lính Nhật là kiếp trước của Phụng Nghi, và anh ta đã gây nghiệp, thì bây giờ Phụng Nghi phải trả nghiệp. Nhưng Big vẫn thấy đây là một Phụng Nghi “mới” đầy lương thiện, chứ không phải là kẻ tội đồ. Cho nên ông không cam lòng nhìn thấy Phụng Nghi trả nghiệp. Đó cũng là thái độ của chúng ta khi đứng trước những người đau khổ. Chúng ta vẫn phải thương và cứu giúp họ, chứ không thể nói mặc cho họ trả nghiệp. Thái độ mặc nhiên ấy không hàm chứa lòng từ bi mà Phật đã dạy.

Nhưng, ai sẽ cứu Phụng Nghi? Cuộc trò chuyện giữa Big và Văn sư phụ là một lời đáp. Dù được đặt trong khung cảnh hỗn độn của chợ thức ăn khuya, cuộc trò chuyện vẫn an nhiên, tự tại và phảng phất hương vị thiền. Sư phụ nói: “Cô gái đó ác nghiệp rất nặng, con làm gì cũng vô dụng, con đã cứu cô ấy hai lần rồi”. “Ai đã cứu cô ấy hai lần?”. “Là con”. “Con? Hay bản thân cô ấy?”. Sư phụ gật đầu mỉm cười: “Vậy tại sao con cứu cô ấy?”. “Vì con thấy sự lương thiện của cô ấy”. “Cô ấy tự cứu mình, hãy cho thêm thời gian, cô ấy đang cố gắng”. Những câu hỏi của Văn sư phụ chính là những phép thử. Big đã có sự thay đổi, từ chỗ chán nản, tiêu cực trước sức mạnh của nhân quả và trốn tránh nó, ông đã thử đối diện, làm hết sức mình để chuyển nghiệp, bằng lòng từ bi của người con Phật.

Sự xuất hiện của Lý Phụng Nghi đã làm Big thay đổi rất nhiều, và ngược lại, Big cũng ảnh hưởng trở lại Phụng Nghi. Khi biết mình sắp phải chết, cô đã rất sợ, sợ đến không dám đi làm, trốn ở nhà khóc. Nhưng rồi cô tích cực hoàn thành chức trách, lạc quan vui vẻ. Mặc dù biết “Vạn vật đem theo không được, chỉ có nghiệp theo thôi. Một người đã làm qua chuyện gì, thì sẽ theo vĩnh viễn chạy không thoát”, nhưng Phụng Nghi vẫn cố gắng: “Dù sao cũng phải chết, chết có giá trị còn hơn”. Cô bình tĩnh đón nhận sự “phán quyết” của nhân quả.

Lý Phụng Nghi quyết định lên núi bắt Tôn Quả, nếu phải trả nghiệp thì cái chết của cô sẽ có ý nghĩa hơn, là tìm ra manh mối để Big truy bắt tên tội phạm. Cô từng trải qua những đêm một mình trên núi, “rất tối, rất đáng sợ, không thể tưởng tượng được một người trốn ở đây năm năm, sống qua một ngàn tám trăm mấy chục đêm, ở lại đây lâu quá có lẽ khiến tinh thần con người rối loạn”. Và trong lúc đó, chợt có một cảm giác kỳ lạ, cô cảm thấy Tôn Quả rất tội nghiệp.

Càng trải nghiệm, càng thông cảm, Phụng Nghi dần dần trút bỏ được sự sợ hãi trước cái chết, cô bình thản thưởng thức cái đẹp của những bông hoa bồ công anh. Mỗi cánh hoa mang theo những lo âu, phiền muộn bay đi mất, mỗi cánh hoa là lời cầu nguyện thế giới tràn đầy yêu thương giống như tâm của Phụng Nghi lúc này, chỉ có từ bi và tự tại. Nơi vách núi năm xưa Big nhảy không qua, nơi Big không cam lòng, thì nay, Lý Phụng Nghi đã vượt qua được.

Nếu cô thù hận Tôn Quả thì chắc chắn kiếp sau cô và hắn sẽ đầu thai lại, sẽ gặp nhau, và cô sẽ giết hắn để đòi nợ. Rồi kiếp sau nữa, thì hắn sẽ đòi nợ cô. Nghiệp cứ trả vay-vay trả không bao giờ dứt. Chỉ cần bây giờ cô buông xuống, coi như chặt đứt mắt xích của sợi dây oan khiên, thì hai người không còn quẩn quanh với chữ nghiệp nữa.

Nhưng cái chết của Lý Phụng Nghi một lần nữa khơi dậy vết thương của Big. Ông phẫn nộ, điên cuồng đuổi theo Tôn Quả, thực ra là ảo ảnh của chính mình. Ảo ảnh nói: “Anh rất giống tôi lúc trước”, thật như vậy, Big lúc này đằng đằng sát khí, thô bạo và tàn nhẫn như một con thú dữ. Hai con người lao vào đánh nhau, giết nhau để thỏa mãn hai chữ “sảng khoái” mà có biết đâu, đó là đang giết chính mình. Trong khoảnh khắc Big giơ lên đoạn côn gãy để hành quyết kẻ thù một cách tàn nhẫn, y như cách hắn chặt đầu Lý Phụng Nghi, chợt hình ảnh Đức Phật xuất hiện, Big liền dừng lại.

Ông cùng tọa thiền, cùng đối thoại với ảo ảnh: “Ác niệm thật dễ sợ, hôm nay Tôn Quả giết Lý Phụng Nghi, anh giết Tôn Quả, vạn kiếp bất phục”. Nghiệp sẽ mãi mãi là cái vòng lẩn quẩn cuốn chúng sinh vào vòng xoáy của ân oán, thù hận nếu không có sự tha thứ. Cuối cùng Big đã làm được điều đó, bằng từ bi và trí tuệ, nghiệp dừng lại nơi ông. Chiếc áo tu năm nào bị vứt bỏ nay lại được ông mặc vào, đánh dấu quá trình tiến hóa trên con đường tu tập.

Một chi tiết thú vị, trước kia cũng tại nơi này, khi Big quyết định bỏ áo tu, bỏ cuộc đời tu sĩ, cơ thể ông cường tráng một cách kỳ lạ với những cơ bắp to lớn. Đây không phải là một yếu tố câu khách hay bắt chước hình ảnh nhân vật Người khổng lồ xanh Hulk như nhiều người vẫn tưởng, mà nó tượng trưng cho nội tâm tiềm tàng sự thù hận, tiềm tàng phương hướng giải quyết vấn đề bằng bạo lực nơi Big. Và giờ đây, khi ông đã giác ngộ, tự nhiên cơ thể xẹp lại bình thường, thong dong tự tại.

Năm năm sau, Big thực sự tìm thấy Tôn Quả, gầy gò, rách rưới, đầy sợ hãi và thậm chí không còn nói rõ tiếng người. Với một ánh mắt thông cảm, một cái ôm từ ái của Big: “Tôi dẫn anh trở về”, Tôn Quả khóc, khóc để mọi hoảng loạn, thô bạo đè nén suốt mười năm theo nước mắt tuôn ra hết, khóc để một lần nữa được làm người, dù có là một tù nhân. Khi chúng ta tha thứ thì sức cảm hóa rất mạnh. Lòng từ bi đã cứu được con người hơn là sự trừng phạt.

 Đoạn kết phim là một hình ảnh đẹp: Big tự nhiên cởi bỏ y phục cũ nát trước mặt nhóm cảnh sát, mặc vào bộ áo tu sạch sẽ, cũng rất tự nhiên châm một điếu thuốc, thong dong tự tại đi giữa bầu trời bay lượn đầy hoa bồ công anh. Bộ áo tu ngày xưa lấm lem vì lòng còn sân hận, nhưng bộ áo tu bây giờ mới thực sự thanh tịnh, và đời đạo viên dung như điếu thuốc mà ông đang hút nhưng không hề có nét tham đắm. Vật chất vây quanh, có khi chỉ là phương tiện để hành Bồ-tát đạo, chỉ cần người tu tỉnh táo thì nhiệm vụ vẫn hoàn thành mà không vướng mắc, gây nghiệp.

Phim đoạt được các danh hiệu tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông lần thứ 23: - Phim hay nhất - Kịch bản hay nhất (Vi Gia Huy, Du Nãi Hải, Âu Kiện Nhi, Diệp Thiên Thành) - Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (Lưu Đức Hoa). Bạn đọc có thể tìm xem phim online trên internet với từ khóa “Running on Karma”.

Anh Vũ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.

Thông tin hàng ngày