Sách mới: "Quăng đời mình vào chốn thiền môn" - tập 2 của Hòa thượng Thích Thiện Bảo

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1164 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1164 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sau Quăng đời mình vào chốn thiền môn, tự truyện về cuộc đời của chính mình, Hòa thượng Thích Thiện Bảo mới đây cho ra mắt phần nối dài của tự truyện ấy ở tập thứ hai với tiêu đề “Hành trình cùng báo Giác Ngộ”.

Vẫn là những câu chuyện mộc mạc về dấu ấn qua công việc đặc thù là làm báo Phật giáo, để từ đó chợt nhận ra năng lực nội tâm lúc thăng lúc trầm, trong tự truyện thứ hai này, tác giả - Hòa thượng Thích Thiện Bảo đã dành nói về một giai đoạn đầy sóng gió nhưng cũng rất đáng nhớ cho một thời tuổi trẻ khao khát sự tốt đẹp phụng hiến, những ước mơ nửa chừng và cho những khắc khoải trước hiện thực diện mạo tôn giáo mà mình đang nguyện sống hơn cả một đời…

“Hành trình cùng báo Giác Ngộ”, “Lăng xăng phán xét”, “Tôi như một cái kệ chứa đựng và trưng bày sách”, “Hoài bão phụng sự”, “Không phải cứ tu nhiều năm là đắc đạo”, “Một trận cuồng phong”, “Tai nạn nghề nghiệp”, “Thất bại hay tôi đã sai”… Từng câu chuyện tưởng chừng sóng đã đủ thời gian để trở về là nước, nhưng vẫn sống động trong tâm thức của tác giả dẫu khoảng cách thời gian đã lùi xa…

Hòa thượng Thích Thiện Bảo công tác tại Báo Giác Ngộ từ năm 1986, từng đảm nhiệm Thư ký tòa soạn, Phó Tổng Biên tập kiêm Thư ký tòa soạn. Hòa thượng nghỉ hưu từ năm 2013.

Sách do NXB Hà Nội cấp phép xuất bản, Công ty sách Thái Hà thực hiện, cuốn thứ hai trong bộ 4 cuốn. Giá bìa 83.000 đồng/cuốn.

Thật may, nhờ sự sinh động và mộc mạc đó, người đọc lần đầu tiên được biết sự-thật-không-phải-là-sự-thật-đã-được-biết-trước-đây.

“Nhìn lại quãng đường dấn thân phụng sự đạo pháp với tư cách là một phóng viên của báo Giác Ngộ, từ khi còn là một vị Tăng trẻ tràn đầy nhiệt huyết, sẵn sàng lao vào công việc để có khi u đầu mẻ trán mà vẫn vô tư tiếp tục giấc mơ tốt đời đẹp đạo cho đến khi tôi nhận ra từ mong muốn đến hiện thực nhiều khi là khoảng cách rất xa”, nếu ai từng được thân cận tác giả, hẳn cũng nhận ra dòng cảm thức vẫn không khô cằn đi theo năm tháng, đằng sau những con chữ này vẫn là một tâm hồn tràn đầy nhiệt huyết cho những giấc mơ tốt đời đẹp đạo thuở nào…

Kể lại cuộc đời của mình, ở đây là quãng thời gian đẹp nhất cuộc đời, chắc chắn sẽ mang đến những điều thú vị cho bạn đọc. Chúng tôi xin không dông dài, mà nhường để bạn đọc cùng ngồi bên tách trà với ấn phẩm thứ hai trong Quăng đời mình vào chốn thiền môn, chủ đề “Hành trình cùng báo Giác Ngộ”.

Đến với báo Giác Ngộ

Cơ duyên đưa tôi đến với nghề báo là từ khóa An cư tổ chức tại chùa Vĩnh Nghiêm năm 1983. Phóng viên Minh Tâm ở báo Giác Ngộ đến để viết về những vị Tăng trẻ. Năm đó tôi đoạt giải nhất cuộc thi diễn giảng nên phóng viên Minh Tâm hỏi chuyện tôi khá kỹ, anh nói sẽ giới thiệu tôi với chị Thái Thanh, là Thư ký tòa soạn lúc bấy giờ. Cuộc gặp gỡ và trò chuyện với anh Minh Tâm để lại trong tôi một hướng đi về nghề báo.

Lần đầu tiên khi tôi đến tòa soạn báo Giác Ngộ vào tháng 10 năm 1986, đó là một ngôi biệt thự cũ nằm trên mảnh đất rộng hơn ngàn mét vuông, vốn là nơi ở của vị Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ trước năm 1975.

Biệt thự có hai cổng ra vào, mặt tiền là đường Nguyễn Đình Chiểu và bên hông là đường Lê Quý Đôn. Phía sau biệt thự có vài căn nhà nhỏ trước đây là chỗ ăn ở của người giúp việc cho Đại sứ, nay được sắp xếp thành nơi trú ngụ của nhân viên tòa soạn báo.

Ngôi biệt thự rộng rãi được xây cao hơn mặt sân khoảng một mét nên có những bậc tam cấp đi lên. Phòng chính diện rộng nhất làm nơi tiếp khách, còn lại là phòng dành cho phóng viên, phòng Tổng Biên tập, phòng Trị sự và phòng Phát hành báo. Tất cả cửa chính và cửa sổ đều bằng gỗ và kiểu lá sách song sắt nên khi trời nắng nóng đóng cửa lại thì vẫn có gió mát thổi qua khe lá sách.

Khác với biệt thự lợp mái ngói, ba căn nhà nhỏ phía sau lợp mái tôn và một căn lợp mái fibro xi-măng rộng khoảng 15m2 là chỗ ở của một số phóng viên và nhân viên tòa soạn.

Trụ sở báo là thuộc công sản nhà nước cấp, giai đoạn đầu báo lấy tên là Hòa Hợp, về sau mới đổi là Giác Ngộ.

Lúc bấy giờ, báo Giác Ngộ trực thuộc Ban Liên lạc Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, bổ nhiệm ba nhân sĩ trí thức Phật giáo lãnh đạo tờ báo: cư sĩ Võ Đình Cường là Tổng Biên tập, ông Nguyễn Văn Hàm là Tổng Thư ký, cư sĩ Tống Hồ Cầm là Ủy viên Biên tập kiêm Trị sự. Và có thêm Biên ủy là ông Lê Văn Thơm, bút danh Kỳ Phương.

Những người có nhà riêng thì tôi không biết rõ cuộc sống của họ ra sao, còn anh em nhân viên lưu trú trong những căn nhà cũ kỹ, chật hẹp phía sau tòa soạn đều có hoàn cảnh khó khăn. Đồng lương thời kỳ đó của một tờ báo đoàn thể xếp loại ba trong giới báo chí, là một tờ báo chuyên về Phật giáo lại càng khó khăn hơn.

Với số lượng khoảng 3.000 bản nửa tháng/kỳ (bán nguyệt san) trong thời bao cấp, báo chí được nhà nước cung cấp định mức giấy in cho hàng tháng mà việc phát hành rất khó khăn. Tất cả anh em ngoài công việc của tòa soạn Giác Ngộ thì đều kiếm thêm thu nhập bằng cách sáng sớm đi nhận báo từ các nơi khác như Tuổi Trẻ, Sài Gòn Giải Phóng, Thanh Niên, Phụ Nữ, Người Lao Động... đem đi bỏ mối ở các sạp hay gởi xe đi các tỉnh.

Ban lãnh đạo tìm hướng giải quyết khó khăn của nhân viên nên có đề ra nhiều phương án khác nhau giúp cải thiện đời sống nhưng không tìm được giải pháp khả thi nào. Cho đến năm 1987, Tổng Thư ký Nguyễn Văn Hàm đứng ra thành lập Xí nghiệp Sài Gòn 87 với mục tiêu chế biến nông hải sản xuất khẩu, văn phòng xí nghiệp đặt ngay trong tòa soạn. Nhưng trong bốn năm hoạt động, xí nghiệp gặp nhiều khó khăn, nợ nần chồng chất.

Năm 1987, khi tôi khi tham gia thành lập Thư viện Phật giáo thành phố thì anh em trong tòa soạn nhờ tôi trợ duyên phát hành báo Giác Ngộ. Cũng từ đó, ngoài viết tin, tôi còn tham gia cộng tác phụ trách một số trang mục như Từ ngữ Phật học, Diễn đàn Tăng Ni Phật tử...

Lúc đầu viết tin bài tôi lúng túng không biết bắt đầu từ đâu, tôi mượn một vài cuốn sách về nghề báo trong đó có phần hướng dẫn viết tin bài. Tôi nghĩ điều gì mình không biết rành thì đừng bao giờ tham gia, còn một khi tham gia thì phải hiểu về điều mình làm. Vậy nên khi nhận nhiệm vụ phụ trách một vài tiểu mục của báo, tôi tham gia học các lớp viết báo ngắn ngày do Hội Nhà báo thành phố tổ chức nhằm trang bị cho mình một số kỹ năng nghề nghiệp cần thiết.

Tôi viết bài báo Đi tìm mô hình cho lớp học Tình thương đăng trên báo Giác Ngộ số 42 ngày 15 tháng 9 năm 1992 kể về lớp học Tình thương chùa Châu Lâm, quận Bình Thạnh đoạt giải khuyến khích báo chí toàn thành phố do Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Buổi trao giải tại Đài Phát thanh thành phố, Ban Tổ chức và các phóng viên rất ngạc nhiên khi thấy một tu sĩ Phật giáo mặc áo nâu lên nhận giải. Anh Thẩm Tuyên là Thư ký tòa soạn Báo Người Lao Động lúc bấy giờ chú ý hỏi han tôi nhiều và cũng từ đó tôi quen biết thêm một số anh chị phóng viên làm việc ở các tờ báo khác.

Sau đó, tôi trở thành phóng viên và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cộng tác viên của Báo Giác Ngộ.

(Trích Hành trình cùng Báo Giác Ngộ, Thiện Bảo)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày