Sài Gòn mùa giãn cách: Trước những phận người mong manh…

Hình ảnh anh Tính ngồi trên cầu Ông Lãnh, ánh mắt buồn xa xăm
Hình ảnh anh Tính ngồi trên cầu Ông Lãnh, ánh mắt buồn xa xăm
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Chiều nay, Sài Gòn - TP.HCM mưa như trút nước. Dòng người tan sở vội vã trở về nhà, nhưng với người “mắc kẹt” ở Sài Gòn như anh Tính và chú Thanh thì đường về nhà còn quá xa xôi.
Tôi đã chạy lướt qua nhưng dáng ngồi co ro, ánh mắt buồn hiu hắt của anh Tính đã “kéo” tôi quay trở lại. Ảnh chụp tại cầu Ông Lãnh, vào lúc 15g30 chiều nay, 29-7.

Tôi đã chạy lướt qua nhưng dáng ngồi co ro, ánh mắt buồn hiu hắt của anh Tính đã “kéo” tôi quay trở lại. Ảnh chụp tại cầu Ông Lãnh, vào lúc 15g30 chiều nay, 29-7.

Anh Tính (áo mưa hồng) quê ở Đắk Lắk, chú Thanh (áo mưa vàng) quê ở Cần Thơ, cả hai người đàn ông này đều có chung một nỗi khổ, đó là “mắc kẹt” ở Sài Gòn trong những ngày giãn cách xã hội.

Hai người đàn ông cùng cảnh ngộ không có việc làm trong mùa Covid, không có tiền ở nhà trọ, giấy tờ tùy thân đã cầm nhưng không đủ cho những ngày lay lắt, chiếc điện thoại “cùi bắp” trong những ngày ngủ bụi này cũng đã bị móc túi, mất lúc nào không hay.

Trong hơn mười ngày qua, chỗ ngủ của anh Tính, chú Thanh đều là ở dạ cầu Ông Lãnh (nối quận 1 và quận 4). Ai cho gì ăn đó, có ngày được một hộp cơm, có khi là vài gói mì tôm, chai nước, ăn lót dạ qua ngày. Cũng có ngày không được cho gì, chấp nhận nhịn đói.

Trong cơn mưa nặng hạt, người co ro lại, anh Tính trải lòng về ước mơ nhỏ nhoi của mình: “Tôi muốn về quê, nhà còn có hai con nhưng không có tiền test xét nghiệm Covid, cũng không có tiền để đi xe, nên ngày nào cũng lên cầu Ông Lãnh này ngồi đây, để người đi đường có cho thì gom lại để tìm cách về quê”.

Chú Thanh, tuổi gần 50, những ngày nay dãi gió, dầm mưa, ngủ ở dạ cầu càng khiến cho sức khỏe của chú yếu hơn. Chú cũng cho biết niềm mong mỏi: “Mong sao trời Phật thương cho tôi sống lay lắt qua những ngày dịch bệnh, hết giãn cách tôi tìm việc làm hoặc lang thang tìm đường về quê…”. Chú nói, nước mắt hòa cùng nước mưa. Chú nói khóc vì tủi cho phận mình.

Nhận được 600 ngàn đồng chia sẻ, chú Thanh và anh Tính mừng rỡ. Anh Tính cứ đếm đi đếm lại số tiền anh mơ ước bao ngày qua...

Nhận được 600 ngàn đồng chia sẻ, chú Thanh và anh Tính mừng rỡ. Anh Tính cứ đếm đi đếm lại số tiền anh mơ ước bao ngày qua...

“Về quê”, ước muốn tưởng từng như dễ dàng, nhưng trong những ngày toàn thành giãn cách chống dịch, thì nó lại trở thành điều gì đó rất xa xỉ, mong manh.

Chia sẻ với chú Thanh và anh Tính một ít tiền, để vượt qua những ngày khốc liệt này. Cả hai nhận tiền, mừng rỡ, nói lời cảm ơn rồi nhìn nhau khóc. Chưa bao giờ người viết chứng kiến cảnh hai người đàn ông rắn rỏi, lao động chân tay lại có những phút yếu lòng, dễ dàng khóc òa như vậy.

Đoạn đường tôi về nhà, trời mưa trút nước, nhưng ven hai bên đường cũng không thiếu hình ảnh người vô gia cư cố gắng nhặt nhạnh những chiếc chai nhựa, cho bữa no cuối ngày. Chiếc còi xe cứu thương cứ đôi ba phút lại vang lên inh ỏi.

Chỉ mong sao dịch bệnh mau chóng đi qua, cuộc sống bình thường sớm được thiết lập trở lại.

Bài viết về Sài Gòn mùa giãn cách của bạn xin gửi về email onlinegiacngo@gmail.com, toasoan@giacngo.vn, sẽ được chọn đăng trên Giác Ngộ Online và báo in Giác Ngộ (Chủ đề xin ghi: Sài Gòn mùa giãn cách).

Tòa soạn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện về Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày