Sài Gòn ơi, mau khỏe nhé!

Sài Gòn - Thành phố vẫn đẹp lung linh nhưng vắng lặng sau 18 giờ ngày 26-7 - Ảnh: VnExpress
Sài Gòn - Thành phố vẫn đẹp lung linh nhưng vắng lặng sau 18 giờ ngày 26-7 - Ảnh: VnExpress
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Kể từ khi còn là một học sinh cấp ba, tôi đã ao ước được đặt chân đến Sài Gòn, mặc dù quê tôi đứng đầu mảnh đất miền Trung nghèo khó. Vậy mà ngót nghét cũng gần chục năm tôi đến và ở nơi thành phố này.

Tôi còn nhớ, sát ngày nộp hồ sơ dự thi đại học, bố mẹ đã khuyên tôi suy nghĩ thật kĩ. Bởi nếu vào Sài Gòn, tôi chỉ có một thân một mình. Tuy có anh trai ở Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng anh còn có gia đình riêng, không phải lúc nào cũng theo sát và lo lắng cho tôi được.

Nhưng tôi vẫn quyết định chọn Sài Gòn. Tôi đặt chân đến thành phố này vào những tháng ngày cuối hạ đầu thu để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng của đời mình.

Sài Gòn thật đông đúc và sôi động. Những ngày đầu khi mới ở đây, tôi không dám bước chân ra khỏi khu nhà trọ. Phần vì chưa quen đường xá, phần vì chẳng biết đi đâu. Và còn thêm một điều nữa, đó là tôi không biết sang đường bằng cách nào khi xe cộ cứ nối đuôi nhau trên đường mà không có một kẽ hở.

Dần dà khi đã thuộc tên đường, biết một vài chuyến xe buýt nội thành có chạy ngang phòng trọ, tôi lại thích cái cảm giác la cà phố xá. Thích nhất là vào những buổi sớm mai được ngồi ở các công viên 23-9 hay Tao Đàn tha hồ hít thở khí trời trong lành mát mẻ.

Cũng có khi thành phố vừa lên đèn, tôi đi dọc con đường Nguyễn Trãi (quận 5) để ngắm nhìn các cửa hàng thời trang trưng bày quần áo. Đến khi mỏi chân thì ghé lại quán chè bưởi vỉa hè, gọi một ly mát lạnh, vừa thưởng thức vừa ngắm nhìn dòng người qua lại.

Kể từ khi tốt nghiệp đại học và đi làm, tôi ít có dịp quan sát thành phố. Bởi vòng xoáy của công việc, gánh nặng về kinh tế... khiến tôi cảm thấy Sài Gòn trở nên ngột ngạt, bức bối vô cùng. Đã có lúc tôi muốn trở về quê, làm một công việc lương thấp nhưng được ở cùng bố mẹ. Nhưng rồi cuối cùng, tôi vẫn quyết định ở lại nơi đây.

Dạo gần đây, khi tình hình dịch Covid-19 trở nên phức tạp, Sài Gòn - TP.HCM trở thành tâm dịch, được lệnh cách ly theo Chỉ thị 16, mọi người chỉ ra đường khi thực sự cần thiết. Tôi được làm việc tại nhà, cho nên đã có thêm thời gian ngắm nhìn và cảm nhận về mọi thứ.

Sài Gòn những ngày này im lìm, trống vắng. Ai đã từng đi qua Sài Gòn ở những ngày huyên náo, hẳn sẽ rất thương cảm và xót xa khi thấy thành phố lúc này. Đường phố không còn tấp nập xe cộ, các khu phong tỏa, chốt kiểm dịch ngày một nhiều hơn.

Mấy ngày nay, trên Facebook mọi người hỏi nhau: “Nếu Sài Gòn hết dịch, điều đầu tiên bạn muốn làm là gì?”. Tôi cũng tự hỏi mình như vậy, để rồi có vô số câu trả lời được tuôn ra. Nào là phải đi ăn món mình thích, ghé quán cà phê xưa, sắm sửa thêm quần áo để chuẩn bị đi làm trở lại,... Rồi tôi cũng tự hứa với mình rằng, nếu Sài Gòn hết dịch tôi sẽ dành một ngày nghỉ để lang thang trên những nẻo đường quen thuộc, ngồi dưới tán cây xà cừ cổ thụ ở công viên 23-9 để tìm lại sự tự do, bình yên như trước đó.

Như một đời người, chúng ta cũng phải trải qua những cơn bệnh nặng, nhẹ. Để rồi, sau mỗi cơn đau, ta lại biết trân quý những tháng ngày mạnh khỏe. Sài Gòn cũng vậy, sau trận đại dịch này, Sài Gòn - Thành phố chắc chắn sẽ lại hồi sinh mạnh mẽ. Tôi tin rằng những ai đã từng và đang sống nơi mảnh đất này đều có chung mong ước như vậy. Bởi lẽ, Sài Gòn - Thành phố tự bao giờ đã trở thành quê hương thứ hai của tôi, của bạn - những người con xa xứ...

Bài viết về Sài Gòn mùa giãn cách của bạn xin gửi về email onlinegiacngo@gmail.com, toasoan@giacngo.vn, sẽ được chọn đăng trên Giác Ngộ Online và báo in Giác Ngộ (Chủ đề xin ghi: Sài Gòn mùa giãn cách).

Tòa soạn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Người thân mất lúc nửa đêm giỗ vào ngày nào?

GNO - Ông cụ nhà tôi mất lúc 23 giờ 50 ngày 20-12-Quý Mão. Vì ông mất lúc 23 giờ 50 là giờ Tý, mà giờ Tý nối liền giữa hai ngày (từ 23 giờ ngày 20-12 đến 1 giờ ngày 21-12) nên một số người thân cho rằng ông mất vào ngày 21-12-Quý Mão. Cách tính ngày mất như vậy có chính xác không? 

Thông tin hàng ngày