Sám hối thay cho ba mẹ có nên không?

Ảnh minh họa của Bảo Toán/BGN
Ảnh minh họa của Bảo Toán/BGN
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Ba tôi nay đã 72 tuổi, hiện đang sống trong dằn vặt, đau khổ với tuổi già và bệnh tật. Tôi biết ba đang gánh chịu những quả báo xấu đã gây ra từ lúc còn trẻ. Và cho đến bây giờ, dù tuổi đã xế chiều nhưng ba vẫn không kính tín Tam bảo.

Dẫu biết rằng nhân quả không hề sai, nhưng nhìn thấy ba đau khổ như vậy, tôi luôn muốn làm điều gì đó để cầu mong hóa giải bớt phần nào những đau khổ của ba. Hiện buổi sáng thì tôi tụng kinh Dược Sư và tối thì tụng kinh Cầu an hồi hướng cho ba mẹ.

Tôi xin thỉnh ý quý Báo, trong trường hợp ba tôi nghiệp báo sâu dày và tôi muốn lạy sám hối thay cho ba mẹ thì phải hành trì như thế nào? Tôi mong được làm tròn chữ hiếu với ba mẹ theo đúng tinh thần của đạo Phật.

(DIỆU THANH, Q.1, TP.HCM)

Bạn Diệu Thanh thân mến!

Xét về nguyên tắc biệt nghiệp (nghiệp riêng) thì ai làm lành được hưởng phước, ai làm ác thì chịu quả báo. Dù lên non cao hay đi xuống vực sâu, không ai có thể trốn được nghiệp lực của mình, hay "chí thân như cha với con, mỗi người cũng theo nghiệp của mình mà đi khác đường, dầu có gặp nhau cũng chẳng bằng lòng chịu khổ cho nhau" (Kinh Địa Tạng, phẩm 5, Danh hiệu của địa ngục).

Tuy vậy, trên phương diện cộng nghiệp (nghiệp chung) thì các thành viên trong những cộng nghiệp như gia đình, dòng tộc, xóm làng… lại có liên hệ mật thiết, tác động qua lại và ảnh hưởng lẫn nhau. Nghiệp riêng thiện, ác (hạnh phúc, khổ đau) của người này có ảnh hưởng, chi phối sâu sắc đến người kia trong liên hệ nghiệp chung và ngược lại.

Mặt khác, muốn thực hành hiếu đạo theo đúng tinh thần Phật giáo thì ngoài hiếu tâm và hiếu dưỡng, người Phật tử phải nỗ lực khuyến hóa cha mẹ hồi tâm, kính tín Tam bảo, bỏ ác làm lành… Kinh Tăng chi, Phật dạy: "Những ai đền ơn bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường cha mẹ với các của cải, đồ ăn, tiền bạc thì không bao giờ đủ để trả ơn cha mẹ. Này các Tỷ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào thiện giới; đối với cha mẹ xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào trí tuệ. Như vậy là làm đủ và trả ơn đủ cho mẹ và cha, là chân thật báo ân".

Đức Phật còn dạy thêm về hiếu đạo trong kinh Hiếu tử: "Cúng dường cha mẹ không gì bằng khuyên cha mẹ làm việc lành, bỏ việc ác. Nếu không thể khuyến hóa cha mẹ, phụng trì Tam bảo thời tuy có hiếu dưỡng cha mẹ cũng chưa thể gọi là hiếu. Cha mẹ hung ngược, dâm dật, tà ngụy, trái đạo… người con phải hết sức ngăn cản, mới gọi là hiếu".

Cứ vào hai nguyên tắc về nghiệp và hiếu như đã trình bày cùng với tâm nguyện thiết tha tu học, mong mỏi làm tròn hiếu đạo đối với cha mẹ của bạn, chúng tôi nghĩ rằng nếu tinh chuyên hết lòng thì bạn sẽ thành tựu được ý nguyện báo hiếu đúng theo tinh thần Phật giáo.

Bạn đã làm được điều hết sức quý giá là mỗi ngày trì tụng được hai thời kinh vào hai buổi sáng tối tại tư gia. Chưa nói đến những lợi ích khác, thân tâm của bạn đã được trưởng dưỡng an tịnh, làm nền tảng cho nhiều hạnh lành khác trong đời sống hàng ngày. Đối với vấn đề, vì ba mẹ hoặc người thân mà bạn phát nguyện chí thành sám hối, các kinh điển như kinh Dược Sư, Địa Tạng cùng các sám văn như Thủy sám, Lương hoàng sám đều khuyến khích và ca ngợi.

Do vậy, việc đầu tiên bạn cần chọn một bộ kinh (sám) như: Kinh Vạn Phật (10.000 danh hiệu Phật), kinh Tam thiên Phật (3.000 danh hiệu Phật), Hồng danh bửu sám, Thủy sám, Lương hoàng sám… Kế đến, bạn dành riêng một thời khóa sáng hoặc tối cho việc lễ sám này (nên chọn buổi sáng vì mát mẻ, thích hợp cho lễ bái hơn). Nếu bạn chọn khóa lễ sáng để sám hối thì khóa lễ tối vẫn tụng kinh Dược Sư hoặc Cầu an bình thường. Trong quá trình lễ sám, cần thành tâm, hết lòng thực hành theo kinh sám hướng dẫn (các kinh, sám này đều có hướng dẫn chi tiết, rõ ràng về phần nghi thức lễ sám), nhất là phần khấn nguyện chính xác tên tuổi của người thân.

Tuy rằng người thân của bạn không trực tiếp lễ bái, bạn vì ba (hoặc mẹ…) mà thay mặt lễ lạy hồng danh Phật và đem công đức lễ sám hồi hướng cho họ thôi nhưng nhờ oai lực Tam bảo, những người kia dần dần sẽ chiêu cảm được năng lực cứu độ, hộ trì mà chuyển hóa và hồi tâm hướng thiện. Song hành với sám hối, bạn còn có thể thực thi các hạnh lành khác như bố thí, cúng dường… để hồi hướng phước báo cho người thân, cầu mong họ được an vui, phát khởi tín tâm Tam bảo.

Để giúp người khác chuyển hóa và hướng thiện, bản thân của bạn phải là một Phật tử thuần thành, hết sức mẫu mực, mọi hành xử, nói năng đều toát lên nét thánh thiện của tuệ giác và yêu thương. Cùng với tiếng kệ, lời kinh như suối nguồn cam lộ hàng ngày tuôn chảy, bạn nên lân mẫn với người thân để gieo trồng và tưới tẩm vào tâm thức họ về đạo lý nhân quả, nghiệp báo, nhân duyên và công đức Tam bảo v.v... Tuy rằng, trong biệt nghiệp của ba (mẹ) bạn có một số định kiến về Tam bảo, chưa phát khởi được niềm tịnh tín và đang bị khổ đau bởi quả báo xấu đoanh vây nhưng với với sự tận tâm hiếu thảo của bạn cùng với năng lực hộ trì của Tam bảo, theo thời gian sẽ thức tỉnh tâm hồn ba (mẹ) của bạn phát khởi tín tâm và hướng thiện.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày