Sanh ra từ chỗ vô sanh

Sanh ra từ chỗ vô sanh

GN - Đản sanh từ hông bên phải của Thánh mẫu Ma Gia mang ý nghĩa sanh ra từ chỗ vô sanh.

HỎI: Tôi đọc trong kinh sử Phật giáo biết rằng Bồ tát Tất Đạt Đa đản sanh từ hông bên phải của Hoàng hậu Ma Gia khi đưa tay phải vin cành Vô ưu. Khi xem các khán đài vào dịp Phật đản thì thấy có nơi Hoàng hậu Ma Gia đưa tay phải lên nhưng cũng có chỗ Hoàng hậu lại đưa tay trái lên vin cành Vô ưu. Thấy vậy tôi rất ngạc nhiên nên muốn biết chính xác Hoàng hậu Ma gia lúc sanh Bồ tát đưa tay nào lên? Bồ tát Đản sanh từ bên hông nào? và ý nghĩa của việc ấy ra sao?

ĐÁP :

Chúng ta đều biết, trước khi đản sanh, Bồ tát Hộ Minh ở cung trời Đâu Suất là vị Bồ tát Nhất sanh bổ xứ, đã đoạn tận phiền não, tự tại với sanh tử, đầy đủ thần lực. Vì thế, những hiện tượng nhập thai, trụ thai, xuất thai và thị hiện đản sanh của Bồ tát Tất Đạt Đa là những việc bất khả tư nghì.

Sự kiện Bồ tát đản sanh từ hông bên hữu của Thánh mẫu Ma Gia khi đưa tay phải vin cành Vô ưu là một trong những thoại tướng của bậc xuất thế, báo hiệu đấng Đạo sư tối thượng xuất hiện trong cuộc đời, cứu khổ chúng sanh.

Theo kinh Phật Bản Hạnh Tập, trước giờ phút Bồ tát đản sanh, Hoàng hậu Ma Gia ở trong tâm trạng vô cùng hoan hỷ, không một chút lo lắng, tham đắm hoặc sợ hãi. Về thân thể thì không hề bị đau đớn, bức bách và rất đoan nghiêm. Khi Hoàng hậu đứng ngắm những đoá hoa nở rộ dưới cội Vô ưu, ngước mắt nhìn lên và đưa cánh tay mặt từ từ vin cành hoa xuống, liền đó Bồ tát từ hông bên phải của Hoàng hậu sanh ra.

Cứ kinh Ưu Bà Di Tịnh Hạnh, sự sinh nở rất hy hữu của Thánh mẫu Ma gia là một trong những pháp kỳ đặc chưa từng có. “… Người nữ trong thế gian gần lúc sanh con, thân thể đau ốm nhức mỏi, hoặc ngồi hoặc nằm không yên. Bồ tát thì khác, lúc sanh người mẹ vô cùng an lạc, không có các sự khổ não. Người mẹ hoan hỷ dạo chơi nơi vườn cảnh, đứng dưới gốc cây đưa tay phải vin cành mà sanh. Đây là pháp kỳ đặc chưa từng có thứ mười”.

Sự kiện Bồ tát đản sanh từ hông bên phải, khi Thánh mẫu đưa tay vin cành cây có tính truyền thống, không phải chỉ duy nhất Phật Thích Ca mới có mà là một thường pháp của chư Phật. “Bồ tát Tỳ Bà Thi (Phật quá khứ) đương lúc sanh ra từ hông bên phải của mẹ thì chuyên niệm không loạn và mẹ của Bồ tát lúc ấy, tay vin cành cây, không ngồi, không nằm. Đây là thường pháp của chư Phật” (Trường A Hàm I, Kinh Đại Bổn Duyên).

Bồ tát Đản sanh từ hông bên phải của Thánh mẫu Ma Gia mang ý nghiã sanh ra từ chỗ vô sanh. Thực ra, Thánh mẫu Ma Gia không chỉ làm mẹ của Bồ tát tất Đạt Đa mà đã từng làm mẹ bảy đời chư Phật trong quá khứ (Trường A Hàm I, Kinh Đại Bổn Duyên). Cùng quan điểm này, kinh Hoa Nghiêm nói: Trong nhiều đời quá khứ, Thánh mẫu Ma Gia đã từng làm mẹ của vô lượng Bồ tát Nhất sanh bổ xứ (phẩm Nhập Pháp Giới). Do đó, sanh ra từ hông bên phải là năng lực của sự thị hiện. Vì bi nguyện độ sanh mà Bồ tát thị hiện Đản sanh trong Ta Bà ác trược, làm con của Thánh mẫu. Ngài đã thân chứng Vô sanh, tự tại trong sanh tử nên không sanh ra trong đường sanh tử (cơ quan sinh sản) mà sanh ra từ hông bên phải thanh tịnh, không vướng hồng trần ái dục.

Mặt khác, Bồ tát đản sanh từ hông bên phải còn mang ý nghĩa tuỳ thuận thế gian mà sanh. Tất cả những biến dịch hoặc vận động theo hướng phải được gọi là thuận thế. Các biểu tượng của Phật giáo như Pháp luân, Cát tường (chữ Vạn) hay đi kinh hành, nhiễu Phật tháp đều vận hành theo hướng bên phải. Vì chúng sanh đang mong cầu một đấng Đạo sư toàn trí toàn năng để hướng đạo; nhân loại đang khát khao một tuệ giác vô ngã để dập tắt mọi lầm chấp, si mê; những người phát tâm hướng thiện cần một đoàn thể xuất gia chân tu thực học để nương tựa và noi theo nên Bồ tát thuận thế thị hiện đản sanh chứng thành Phật quả, giáo hoá chúng sanh, vì cứu khổ, ban vui, đem an lạc và hạnh phúc cho muôn loài.

Như vậy, căn cứ vào những kinh điển đã nêu khẳng định Thánh mẫu Ma Gia lúc sanh Bồ tát đưa tay mặt vin cành Vô ưu đồng thời Bồ tát từ hông bên phải mà sanh ra. Vì thế, tất cả những nhận thức hoặc trình bày, trang trí, minh hoạ về thoại tướng Đản sanh ngược lại (Thánh mẫu đưa tay trái lên…) đều không đúng với giáo điển Phật giáo.

Lễ hội Phật đản đang gần kề, chúng tôi hy vọng rằng hàng Phật tử và nhân dân Việt nam được chiêm ngưỡng hình ảnh Thánh mẫu Ma gia đưa tay phải vin cành Vô ưu và Bồ tát đản sanh bước đi trên bảy hoa sen bất nhiễm.

(Theo Phật pháp bách vấn, tập II)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Đức Pháp chủ chủ trì phiên họp thứ 5 của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN khóa IX (2022-2027) thảo luận và thống nhất các vấn đề Phật sự quan trọng của Giáo hội - Ảnh: Quảng Đạo/BGN

Chư vị Trưởng lão Thường trực Hội đồng Chứng minh họp phiên thứ 5 kiểm điểm và thảo luận Phật sự

GNO - Sáng nay, 9-12-2024, tại Văn phòng Đức Pháp chủ (Việt Nam Quốc Tự, TP.HCM), Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã có phiên họp thảo luận, nhận định và thống nhất các vấn đề Phật sự quan trọng của Giáo hội. Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ GHPGVN quang lâm chủ trì.
Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trao Giấy chứng nhận cho đại diện chư tôn đức tham gia Tuần huân tu

Bế mạc Tuần huân tu - Khóa bồi dưỡng trụ trì 2024 tại Việt Nam Quốc Tự

GNO - Sáng nay, 9-12, Hòa thượng Thích Lệ Trang, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã quang lâm tham dự Lễ bế mạc, trao Giấy chứng nhận Tuần huân tu và Khóa bồi dưỡng trụ trì năm 2024 do Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, diễn ra tại Trụ sở Ban Trị sự - Việt Nam Quốc Tự.
Tăng Ni trong Tuần huân tu và Khóa bồi dưỡng trụ trì năm 2024 tại Việt Nam Quốc Tự

Ban Tôn giáo TP.HCM giải đáp các vấn đề liên quan Tăng Ni, tự viện theo Nghị định 95 của Chính phủ

GNO - Sáng 9-12, trong chuyên đề cuối của Tuần huân tu và Khóa bồi dưỡng trụ trì năm 2024 diễn ra tại Việt Nam Quốc Tự, ông Vũ Huy Long, Trưởng phòng Nghiệp vụ I Ban Tôn giáo TP.HCM đã chia sẻ những điểm mới về Nghị định 95/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Thông tin hàng ngày