Nhà thơ đã nói lên sự thật đơn giản: Của vô tận đó, ai cũng có, ai cũng hưởng được, dù giàu hay nghèo, nhưng nhiều khi ta quên, nhất là trong thời đại ngày nay, do vất vả lo toan cuộc sống cá nhân và gia đình, do đầu óc ta không thoát ra khỏi vật chất và chỗ đứng trong xã hội. Nhưng dầu có khoảng thời gian nào rảnh rỗi thì cũng chỉ thư giãn với những giải trí bình thường, những thị hiếu thời thượng, những nơi luẩn quẩn trong thành phố, cho nên ta xa rời trời xanh mây trắng, hờ hững với thiên nhiên, xem thường con người và cảnh vật quanh ta.
Của vô tận đó, ai cũng có, ai cũng hưởng được,
dù giàu hay nghèo, nhưng nhiều khi ta quên - Ảnh minh họa
Cũng may, mùa xuân đến, nhắc nhở ta trở lại với thiên nhiên, với của trời vô tận. Ít ra con người cũng có chút hân hoan trong lòng khi thời tiết giao mùa, từ mùa đông khắc nghiệt với mưa dầm gió bấc, sang những tia nắng ấm áp ban đầu của mùa xuân. Cây nẩy mầm, hoa hé nụ, sức sống mùa xuân vươn dậy, và con người mở hội đón chào xuân đến.
Tuy nhiên, nếu tâm hồn không sảng khoái và bước chân cứ vướng víu nơi phố phường, thì không thể sống với kỳ diệu của mùa xuân. Kỳ diệu đó, ta tự do và có quyền hưởng thụ, miễn sao xa lánh bụi hồng, đi trên những con đường đồi rợp bóng cây xanh, điểm đến có thể là ngôi chùa thanh tịnh, một rừng cây, một con suối, hoặc một cảnh thiên nhiên êm đềm… Tự nhiên ta quên những phiền toái của công việc, những quan hệ mệt mỏi, để sống với môi trường rộng lớn hơn là chỉ có con người.
Có thể nào bạn say giữa trời xuân, ngủ trên hoa cỏ, cạnh con suối, dưới cánh rừng xanh tươi và bát ngát mây trời? Văn chương sẽ đưa tâm hồn bạn thăng hoa với thiên nhiên, xin đề nghị bạn cùng sống với nhân vật trong câu chuyện sau đây đậm đầy chất thơ, có nhan đề: Le Sous-Préfet aux champs (Quan huyện thăm dân làng), của nhà văn Pháp, Alphonse Daudet (1840-1897), lấy trong tác phẩm Lettres de mon moulin (Những lá thư từ cối xay gió), bản dịch của người viết bài này.
o0o
Quan huyện đi kinh lý. Người đánh xe phía trước, người hầu phía sau, chiếc xe ngựa chở quan huyện với dáng oai vệ đến một cuộc họp nông dân của vùng Combe-aux-Fées. Ngày này thật đáng nhớ, cho nên quan huyện mặc áo thêu đẹp, cái mũ nhỏ, cái quần ngắn đính dải bạc và thanh kiếm lễ hội có tay nắm xà cừ… Trên đầu gối đặt một cái cặp lớn bằng da lừa in hình nổi. Thế nhưng có gì không vui khi quan nhìn vào cái cặp đó?
Quan huyện buồn vì nghĩ đến một bài diễn văn nổi tiếng mà quan sẽ đọc chốc nữa trước những nông dân vùng Combe-aux-Fées:
“Thưa bà con cô bác…” Rồi sao nữa?
Ý tứ chưa ra, mà bàn tay quan cứ xoắn đi xoắn lại tấm lụa hoe vàng. Quan lặp đi lặp lại hai mươi lần: “Thưa bà con cô bác…”, thế nhưng bài diễn văn vẫn tắc tị.
Bài diễn văn vẫn tắc tị… Úi chào, trong xe quá nóng! Hút tầm mắt, con đường đến Combe-aux-Fées tung bụi dưới ánh mặt trời miền Nam… Không khí ngột ngạt… và trên những cây du non bên đường, tất cả bao phủ bởi lớp bụi trắng, hàng ngàn con ve thi nhau đối đáp từ cây này sang cây kia… Bỗng chốc, quan huyện rùng mình. Phía dưới chân đồi xa xa, quan vừa nhận ra một khu rừng cây sồi có vẻ như ra dấu vẫy gọi.
Phải rồi, khu rừng cây sồi vẫy gọi: “Mời quan huyện quá bước đến đây, thật là tuyệt vời nếu ngài soạn diễn văn dưới những cây sồi này…”.
Quan huyện bị cám dỗ; quan nhảy ra khỏi xe ngựa, và bảo những người tùy tùng chờ quan đi tìm cảm hứng.
Trong khu rừng sồi xanh tươi có chim chóc, hoa tím, và dòng suối nhỏ bên cỏ mịn… Khi chim, hoa và suối nhận ra quan huyện với quần chẽn đẹp và cái cặp da lừa, lũ chim có vẻ sợ sệt và ngừng hót, dòng suối nhỏ không dám kêu róc rách, và hoa tím thu mình dưới cỏ… Thế giới nhỏ bé đó chưa bao giờ thấy quan huyện, và hỏi nhỏ nhau ông quan đẹp đẽ nào đi dạo với quần chẽn đính bạc thế?
Với giọng nhỏ nhẹ, dưới bóng cây, các sinh vật hỏi nhau quan nào đẹp thế, mặc quần chẽn đính bạc thế… Trong khi đó, đắm mình trong yên lặng và dịu mát của khu rừng, quan huyện kéo tay áo lên, đặt cái mũ xuống cỏ và xếp lại, quan ngồi êm ái nơi gốc cây sồi, rồi mở cặp, lấy ra một tờ giấy to, loại giấy riêng của huyện đường.
Đó là một nghệ sĩ! Chim chích đoán.
Không, chim sẻ phản bác, đó không phải là nghệ sĩ bởi vì ông ấy mặc quần chẽn bằng bạc. Hoàng tử thì đúng hơn.
Không phải nghệ sĩ, không phải hoàng tử, chim sơn ca già ngắt lời, cái thứ chim hót suốt mùa trong vườn của huyện đường… Tôi nói chính xác: đó là quan huyện!
Và toàn thể khu rừng rầm rì: “Quan huyện! Quan huyện!”.
Sao đầu ngài hói thế! Con chim chiền chiện mào lớn nhận xét ngộ nghĩnh.
Những cây hoa tím nhỏ nhẹ thắc mắc: “Ông ta có dữ không?”.
Con sơn ca già trấn an: “Không dữ đâu!”.
Được trấn an, lũ chim lại cùng nhau hót, suối lại chảy, hoa tím tỏa hương, xem như ông quan huyện không có ở đó… Thản nhiên giữa một trời xôn xao tươi đẹp đó, tình cảm quan huyện khơi dậy về đại hội nông dân, và cầm cây bút chì đưa lên, bắt đầu ngâm nga với giọng diễn văn lễ lượt:
“Thưa bà con cô bác…”.
Một tiếng cười cắt ngang; quan huyện quay lui và chỉ nhận ra con chim gõ kiến nhìn quan mà cười, nó đậu trên chiếc mũ. Quan huyện nhún vai và trở lại bài diễn văn, nhưng con chim quỷ quái đó phá đám và kêu từ xa:
“Có ích gì đâu nào!”.
“Sao, không có ích gì à?”, quan huyện giận, mặt ửng đỏ; quan đứng dậy, đuổi cái giống chim trâng tráo đó, rồi trở lại bài diễn văn với khí thế mới.
Nhưng kìa, những cây hoa tím vươn những cọng thanh mảnh về phía quan huyện và thỏ thẻ: “Thưa quan huyện, ngài có cảm thấy vui thích như chúng tôi không?”.
Rồi thì những con suối lại rì rào khúc nhạc thần tiên; và trên cây, ngay trên đầu quan huyện, không biết bao nhiêu con chim chích cùng ca hát với bộ điệu ngộ nghĩnh; thế là cả khu rừng cùng âm mưu phá bài diễn văn.
Cả khu rừng âm mưu phá bài diễn văn… và quan huyện, lâng lâng vì hương, say đắm vì nhạc, không thể nào chống lại biết bao quyến rũ. Quan chống khuỷu tay trên cỏ, trạc áo ra, thầm thì mấy lần: “Thưa bà con cô bác… Thưa bà con… Thưa…”.
Tiếng thầm thì tan vào hư không: quan huyện đã gửi bà con cho cõi xa xăm nào.
Cho đến một giờ sau, dân trong huyện, lo lắng không biết quan huyện có sự cố gì, bèn vào rừng, và thấy một cảnh tượng kinh hãi… Quan huyện nằm ngủ co quắp trong đám cỏ, lôi thôi như kẻ phóng đãng. Đám đông làm lay giấc nồng, quan kéo lại áo, miệng vẫn cứ nhâm nhi chùm hoa tím. Quan huyện mơ màng làm thơ!
Tháng 12-2014
Cao Huy Hóa